maandag 31 augustus 2020

Biển Đông: Trung Quốc muốn đàm phán với Việt Nam theo mô hình các hiệp định biên giới đã ký

 

Biển Đông: Trung Quốc muốn đàm phán với Việt Nam theo mô hình các hiệp định biên giới đã ký

Một cột mốc biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc tại cửa khẩu Cốc Lếu, thành phố Lào Cai, ngày 01/11/2014.
Một cột mốc biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc tại cửa khẩu Cốc Lếu, thành phố Lào Cai, ngày 01/11/2014. AFP - HOANG DINH NAM
Minh Anh
7 phút

Nhân cuộc gặp với đồng nhiệm Việt Nam ngày 23/08/2020 để kỷ niệm 20 năm ký kết hiệp ước đường biên giới, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hối thúc Hà Nội đàm phán tranh chấp ở Biển Đông dựa theo mô hình các hiệp định biên giới đạt được trong quá khứ. Theo giới quan sát, Bắc Kinh hối thúc trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc căng thẳng gay gắt.

Trong một thông cáo của bộ Ngoại Giao Trung Quốc, ông Vương Nghị tuyên bố : « Chúng ta nên dựa trên thực tiễn thành công trong việc giải quyết các vấn đề biên giới trên đất liền để sớm giải quyết các tranh chấp trên biển… Hai nước có đủ khả năng và trí tuệ để tiếp tục các cuộc đàm phán về các vấn đề lãnh hải. »

Trang mạng South China Morning Post (SCMP) ngày 24/08/2020 nhắc lại cuộc gặp giữa hai lãnh đạo ngoại giao của hai nước diễn ra hôm Chủ Nhật 23/08/2020 tại Đông Hưng, vùng biên giới Việt – Trung, khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây, miền nam Trung Quốc để đánh dấu 20 năm ký kết Hiệp ước biên giới (chính thức ký kết vào ngày 30/12/1999) và 10 năm thực hiện cắm mốc đường biên.

Nhân cơ hội này, ông Vương Nghị gợi nhắc với giới lãnh đạo Việt Nam những cuộc đàm phán thành công trong quá khứ giữa hai nước như Hiệp ước biên giới trên đất liền (30/12/1999) và việc hoàn thành phân giới, cắm mốc đường biên giới năm 2009 và Hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ cũng như là Hiệp định Hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ (ngày 25/12/2000). Theo truyền thông Việt Nam, với hai hiệp định trên, Việt Nam xem như đã « giải quyết dứt điểm 2 trong số 3 vấn đề lớn về biên giới lãnh thổ do lịch sử để lại trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc ».

Ông Vương Nghị cho rằng « Cả hai nước nên tập trung vào các nhu cầu hợp tác lâu dài giữa hai nước và tích cực khởi động các cuộc đối thoại để tìm ra một phương thức cơ bản và bền vững nhằm duy trì sự ổn định trên Biển Đông ». Vẫn theo ngoại trưởng Trung Quốc, hai nước nên tiếp tục thúc đẩy các hoạt động kinh tế biên giới và ngành du lịch, cũng như thực thi các kế hoạch trong khuôn khổ dự án Một vành đai Một con đường.

Tại Biển Đông, Đài Loan cùng với nhiều nước Đông Nam Á như Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei đều có đòi hỏi chủ quyền tại vùng lãnh hải được cho là giầu nguồn tài nguyên mà Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền gần như toàn bộ khu vực.

Căng thẳng với Washington, Bắc Kinh « ve vãn » Hà Nội ?

Thời gian gần đây, Bắc Kinh liên tục hối thúc các nước liên quan nhanh chóng giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Trung Quốc dường như muốn gạt sang một bên hồ sơ tranh chấp ở Biển Đông để tập trung vào hợp tác kinh tế. Theo nhật báo Hồng Kông, những hoạt động ngoại giao này của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên căng thẳng.

Tình hình Biển Đông trở nên nóng bỏng hơn khi Hoa Kỳ đột nhiên có một tuyên bố cứng rắn khi cho rằng những đòi hỏi của Trung Quốc ở Biển Đông là bất hợp pháp. Tuy không có lợi ích lãnh thổ tại vùng biển có tranh chấp này, nhưng Mỹ đã tăng cường triển khai các đội hàng không mẫu hạm và tầu chiến bảo vệ tự do lưu thông hàng hải.

Tuy nhiên, theo nhận định của ông Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu tại ISEAS – Viện Yusof Ishak tại Singapore với SCMP, những tranh chấp liên quan đến những vùng có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông phức tạp hơn nhiều so với những hiệp ước biên giới trên bộ được ông Vương Nghị đề cập đến.

Ông Lê Hồng Hiệp còn cho rằng Trung Quốc dường như đang tiến hành một cuộc « tấn công ve vãn » để giành lại các đối tác trong khu vực, hay chí ít cũng để ngăn ngừa những nước này ngả theo Mỹ chống Trung Quốc.

« Việt Nam là một mục tiêu quan trọng trong nỗ lực này của Trung Quốc do vị trí chiến lược quan trọng của Việt Nam. Việc nhắc nhở Hà Nội một sự hợp tác đôi bên cùng có lợi, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, là một thủ thuật thích hợp và có sức mạnh khi lưu ý rằng Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và nguồn nhập khẩu hàng Việt Nam nhiều nhất. Dù vậy, đối với Việt Nam, an ninhh mới là điều tối quan trọng ».

Hơn nữa, theo nhận định của ông Lê Hồng Hiệp, quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ những năm qua đã có những tiến triển đáng kể, chủ yếu là do sự phù hợp về những lợi ích chiến lược giữa Hà Nội và Washington, nhất là về tình hình Biển Đông.

« Xét cho cùng, hợp tác với Hoa Kỳ có lợi cho cả an ninh quốc gia và chế độ Hà Nội. Đó là vì nếu Trung Quốc tiếp tục có những hành động gây hấn với Việt Nam tại Biển Đông, việc thắt chặt quan hệ với Mỹ có thể đưa Việt Nam vào một vị thế tốt hơn để chống lại sức ép từ Trung Quốc. »

Bắc Kinh cũng đặt nhiều kỳ vọng vào thời hạn ba năm được đề ra để kết thúc một bộ Quy tắc ứng xử cho tuyến hàng hải chiến lược này, nơi lưu thông ước tính đến 3,4 nghìn tỷ đô la thương mại quốc tế mỗi năm.

Từ hơn hai thập niên qua, Trung Quốc và nhiều nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đàm phán một bộ quy tắc về ứng xử (COC) nhằm giải quyết các tranh chấp lãnh thổ, mà Bắc Kinh đang gây áp lực để hoàn tất vào năm 2021. Kể từ khi Việt Nam đảm nhận chức chủ tịch luân phiên của khối đầu năm 2020, các cuộc họp đã bị trì hoãn do đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, việc Trung Quốc gây áp lực để thúc đẩy tiến độ đàm phán COC còn do áp lực ngày càng lớn của Mỹ cũng như là những căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và các nước thành viên khối ASEAN – kể cả căng thẳng mới nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc tại bãi Tư Chính (Vanguard Bank).

SCMP nhắc lại, đầu tháng 8/2020, Việt Nam mạnh mẽ phản đối Trung Quốc triển khai oanh tạc cơ H-6J đến đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam và Trung Quốc cùng tuyên bố có chủ quyền. Hà Nội cho rằng hành động quân sự này của Bắc Kinh là « vi phạm chủ quyền » và gây « tổn hại cho hòa bình ».

https://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20200828-bien-dong-viet-nam-trung-quoc-dam-phan-coc

Covid-19: Thế giới hơn 25 triệu ca dương tính, Ấn Độ lây nhiễm kỉ lục hơn 78 nghìn trong vòng 24 giờ

 

Covid-19: Thế giới hơn 25 triệu ca dương tính, Ấn Độ lây nhiễm kỉ lục

Covid-19 : Vùng thủ đô Seoul tiếp tục duy trì các biện pháp phòng dịch cấp độ 2,5. Trong ảnh, đường phố vắng vẻ, khách bộ hành mang khẩu trang.
Covid-19 : Vùng thủ đô Seoul tiếp tục duy trì các biện pháp phòng dịch cấp độ 2,5. Trong ảnh, đường phố vắng vẻ, khách bộ hành mang khẩu trang. AP Photo/Ahn Young-joon
Trọng Thành
5 phút

Tính đến ngày hôm nay, Chủ Nhật 30/08/2020, theo AFP, thế giới có hơn 25 triệu người dương tính với virus gây bệnh Covid-19. Giới quan sát đặc biệt chú ý đến tốc độ lây lan của dịch : số người dương tính với Covid-19 tại Ấn Độ đạt mức kỉ lục, hơn 78 nghìn trong vòng 24 giờ. 

Hãng tin Pháp AFP, dựa trên số liệu chính thức của các nước, cho biết trong số những người dương tính với virus corona chủng mới có đến hơn một nửa là ở châu Mỹ. Gần 4 phần 10 là tại hai nước Mỹ và Brazil, với 6 triệu và 3,8 triệu ca. Nhịp độ lây lan của dịch bệnh dường như chững lại trên toàn thế giới, xét theo các số liệu chính thức, với khoảng 1 triệu ca nhiễm mới cứ mỗi bốn ngày, kể từ giữa tháng 7 đến nay. 

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo là số lượng ca dương tính nói trên chỉ là một phần số người nhiễm trên thực tế, bởi rất nhiều nước không có đủ nguồn lực làm xét nghiệm đại trà, mà chỉ làm xét nghiệm khi cần đối phó với các ổ dịch. Đầu tuần này, cơ quan Y Tế liên bang Mỹ đã không khuyến khích làm xét nghiệm với người không có triệu chứng, kể cả khi đã có tiếp xúc với người nhiễm virus. 

Ấn Độ trở thành quốc gia thứ ba thế giới về số người dương tính với virus, với 78.761 ca trong ngày qua. Đây là con số dương tính với Covid trong 24 giờ cao nhất kể từ ngày 17/07, tại Mỹ. Đã có 63.000 người tại Ấn Độ được ghi nhận chết do Covid-19, trên tổng số gần 843.000 người trên toàn thế giới. 

Châu Á đang trở thành khu vực có nhiều ca dương tính mới nhất thế giới, trong một tuần gần đây (hơn 570 nghìn), trong đó 8 phần 10 là ở Ấn Độ. Chính phủ Ấn Độ áp dụng nhiều biện pháp phòng dịch kể từ tháng 3, nhưng đang xem xét nới lỏng một số. Kể từ đầu tháng 9, các cuộc tập hợp trên 100 người có thể được cho phép trở lại. 

Ca dương tính giảm dưới 300/ngày : Seoul triển hạn biện pháp phòng dịch

Hôm nay là ngày thứ ba liên tiếp, số lượng ca dương tính tại Hàn Quốc ở dưới mức 300 ca/ngày, tức thấp hơn so với những ngày trước. Tuy nhiên, chính quyền Seoul vẫn thận trọng quyết định kéo dài nhiều biện pháp phòng dịch tại vùng thủ đô. Tường trình của thông tín viên RFI Stéphane Lagarde, thường trú tại Đông Bắc Á : 

« Không được quyền tiêu thụ tại chỗ. Cà phê, đồ uống mà dân thành thị ở Hàn Quốc rất ưa thích, giờ đây sẽ chỉ được bán cho khách hàng với một cốc giấy, và chỉ để mang đi. Đối với các nhà hàng, phục vụ tại chỗ chỉ được phép đến 21 giờ, sau đó, khách hàng chỉ có thể mua hàng, rồi mang đi. Chính quyền cũng cấm các buổi lễ tôn giáo. Các câu lạc bộ thể thao, các địa điểm trò chơi qua mạng, đánh bi-a, hát karaoke, tất cả các cuộc tập hợp hơn 10 người đều bị cấm. Có một biện pháp làm thay đổi cuộc sống của các bậc cha mẹ, đó là nhiều ''Hwagon'', các lớp học võ Taekwondo và nhiều hoạt động khác sau giờ học, bị đình chỉ. 

Nhìn chung, chính quyền Hàn Quốc yêu cầu tránh tối đa các tiếp xúc. Chấm dứt các cuộc thăm viếng nhà dưỡng lão. Và một phần ba viên chức của chính phủ và của các tổ chức công phải làm việc từ xa. Các chỉ thị mới về các biện pháp giãn cách, riêng với các nhóm dễ bị tổn thương và các vùng có nguy cơ, dự kiến có thể kéo dài đến Chủ Nhật tới. 

Cho đến nay, Hàn Quốc chưa bao giờ ban hành chính sách phong tỏa toàn bộ. Seoul điều chỉnh biện pháp tùy theo tình hình, để không làm đình trệ hoàn toàn đời sống kinh tế. Hàn Quốc đã tăng mức giãn cách xã hội lên nửa bậc, tức 2,5. Nếu dịch bệnh tiếp tục lan mạnh, Seoul sẽ nấc lên cấp 3. Thủ đô Seoul và vùng phụ cận chiếm khoảng một nửa dân số Hàn Quốc ». 

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200830-covid-19-th%E1%BA%BF-gi%E1%BB%9Bi-h%C6%A1n-25-tri%E1%BB%87u-ca-d%C6%B0%C6%A1ng-t%C3%ADnh-%E1%BA%A5n-%C4%91%E1%BB%99-l%C3%A2y-nhi%E1%BB%85m-k%E1%BB%89-l%E1%BB%A5c

Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất hủy đạo luật tẩy chay Israel + TT Mỹ loan báo “một thỏa thuận hòa bình lịch sử” giữa Israel và UAE

 

Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất hủy đạo luật tẩy chay Israel

Quốc kỳ Israel và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất trên đường phố Israel. Ảnh chup tại Netanya, ngày 16/08/2020.
Quốc kỳ Israel và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất trên đường phố Israel. Ảnh chup tại Netanya, ngày 16/08/2020. Jack Guez/AFP
Minh Anh
2 phút

Ngày 28/08/2020, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhật thông báo hủy đạo luật tẩy chay Israel. Thông báo được đưa ra trong bối cảnh cả hai nước quyết định bình thường hóa quan hệ hôm 13/07/2020.

Từ Dubai, thông tín viên trong khu vực, Nicolas Keraudren giải thích :

« Đây là bước đầu tiên hướng đến bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất và Israel. Quả thật, ông Sheikh Khalifa, chủ tịch Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất hôm 28/08, đã cho đăng sắc lệnh hủy một đạo luật có từ 48 năm liên quan đến việc tẩy chay Nhà nước Israel.

Một cách cụ thể, kể từ giờ, người ta có thể ʺmang vào, trao đổi và sở hữu các loại tài sản và hàng hóa Israel tại Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhấtʺ. Theo hãng thông tấn nhà nước, mục tiêu còn là để ʺkích thích tăng trưởng kinh tế và khuyến khích cải tiến công nghệʺ.

Nhìn chung, thông báo nói trên được xem như một bước khẳng định ʺthỏa thuận Abrahamʺ giũa hai nước, sẽ phải được ký kết trong những tuần lễ sắp tới. Trong hiện tại, các trao đổi kinh tế đã tồn tại giữa hai nước một cách không chính thức.

Ngày 30/08/2020, một phái đoàn ngoại giao Israel và Hoa Kỳ, có cả cố vấn cấp cao của Donald Trump, ông Jared Kushner, đến Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. Đây sẽ là chuyến bay thương mại trực tiếp đầu tiên giữa Tel-Aviv và Abu Dahbi. »

Theo AFP, trong tuần qua, ngoại trưởng Mike Pompeo cũng đã có chuyến thăm Abu Dhabi để bàn về thỏa thuận giữa Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất với Israel. 

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200830-c%C3%A1c-ti%E1%BB%83u-v%C6%B0%C6%A1ng-qu%E1%BB%91c-%E1%BA%A3-r%E1%BA%ADp-th%E1%BB%91ng-nh%E1%BA%A5t-h%E1%BB%A7y-%C4%91%E1%BA%A1o-lu%E1%BA%ADt-t%E1%BA%A9y-chay-israel

TT Mỹ loan báo “một thỏa thuận hòa bình lịch sử” giữa Israel và UAE

Từ Nhà Trắng, Washington, ngày 13/08/2020, tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo đã đạt được «thỏa thuận hòa bình lịch sử" giữa Israël và UAE.
Từ Nhà Trắng, Washington, ngày 13/08/2020, tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo đã đạt được «thỏa thuận hòa bình lịch sử" giữa Israël và UAE. REUTERS/Kevin Lamarque
Trọng Nghĩa
4 phút

Ngày hôm qua 13/08/2020, Israel và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) đã đạt một thỏa thuận hướng tới việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia Trung Đông, dưới sự bảo trợ của Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump ca ngợi đó là một “hiệp định hòa bình lịch sử”.

Tổng thống Mỹ đã tỏ ý rất hài lòng cho đấy là một “bước đột phá ngoạn mục”. Thông tín viên RFI tại Hoa Kỳ, Loubna Anaki, cho biết thêm chi tiết:

Từ Phòng Bầu Dục, Donald Trump thông báo một thỏa thuận hòa bình lịch sử: “Một số người nói là không thể được! Sau 49 năm, Israel và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất sẽ hoàn toàn bình thường hóa quan hệ. Đây là một thời điểm lịch sử. Chưa từng có bước tiến triển như vậy liên quan đến hòa bình ở Cận Đông từ hiệp định hòa bình giữa Israel và Jordanie cách đây 25 năm!”

Israel và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất sẽ trao đổi đại sứ và bắt đầu hợp tác trong nhiều lãnh vực như an ninh, giáo dục hay tư pháp. Thỏa thuận cũng dự kiến là Israel ngưng các đề án sáp nhập lãnh thổ Palestine tại một số nơi ở vùng Cisjordanie.

Với người con rể kiêm cố vấn Jared Kushner cùng nhiều người khác tham gia vào việc đàm phán hòa bình này, ông Trump đã nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của Mỹ trong hồ sơ này, và hy vọng đây sẽ là bước đầu tiến tới một tương lai hòa bình trong vùng.

Ông nói: “Một số người cho là không thể được, nhưng bây giờ thì băng giá đã tan ra, tôi hy vọng là những quốc gia Ả Rập và Hồi Giáo khác sẽ theo gương của Các Tiểu Vương Quốc Ả Râp Thống Nhất.”

Buổi ký kết chính thức thỏa thuận hòa bình sẽ diễn ra tại Nhà Trắng trong những tuần lễ tới đây.

Dưới sự bảo trợ của Mỹ, sau một thời gian dài đàm phán 3 bên và được đẩy mạnh gần đây, thỏa thuận đã được đúc kết vào hôm qua trong cuộc điện thoại giữa tổng thống Mỹ Donald Trump, thủ tướng Israel Benyamin Netanyahu, và cheik Mohammed Bin Zayed, thái tử Abou Dhabi.

Phản ứng của Palestine

Palestine rất tức giận sau thông báo về thỏa thuận hòa bình, cảm thấy bị “phản bội”. Các mạng xã hội sôi sục, lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas, đã triệu tập ban lãnh đạo Cơ Quan Quyền Lực Palestine, và tuyên bố trong một thông cáo: “Đây là một sự phản bội đối với Jerusalem và Palestine”.

Phản ứng của Iran

Bộ Ngoại Giao Iran vào hôm nay, 14/08, trong một thông cáo, đã chỉ trích gay gắt thỏa thuận, cho rằng đó là một sự “ngu xuẩn chiến lược”, chỉ làm tăng thêm sự phản kháng trong vùng. Theo Iran: “Người dân Palestine bị áp bức và những nước tự do sẽ không tha thứ cho việc bang giao với chế độ tội ác Israel”.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200814-m%E1%BB%B9-tho%CC%89a-thu%C3%A2%CC%A3n-h%C3%B2a-b%C3%ACnh-israel-uae

Vụ Tiktok: Bắc Kinh ra quy định siết chặt xuất khẩu công nghệ cao [... vì sợ... "lộ tẩy" ]

 

Vụ Tiktok: Bắc Kinh ra quy định siết chặt xuất khẩu công nghệ cao

Hai ứng dụng Tiktok và Wechat nằm ở tâm điểm của cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung
Hai ứng dụng Tiktok và Wechat nằm ở tâm điểm của cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung REUTERS - FLORENCE LO
Minh Anh
3 phút

Công ty Trung Quốc ByteDance rất có thể phải được sự chấp thuận của Bắc Kinh để bán Tiktok cho Mỹ. Tân Hoa Xã ngày 29/08/2020, dẫn lời một chuyên gia Trung Quốc ngành thương mại quốc tế cho biết như trên.

Chính quyền Bắc Kinh hôm thứ Sáu (28/08), lần đầu tiên sau 12 năm, đã cho cập nhật danh sách các ngành công nghệ bị cấm hay hạn chế xuất khẩu. Theo đó, danh sách mới sẽ có 23 hạng mục – chẳng hạn như dịch vụ thông tin cá nhân dựa trên phân tích dữ liệu và giao diện tương tác trí tuệ nhân tạo.

Ông Thôi Phàm (Cui Fan), giáo sư ngành thương mại quốc tế trường Đại học Ngoại thương và Kinh tế Bắc Kinh, trả lời phỏng vấn Tân Hoa Xã, cho rằng những thay đổi mới này rất có thể cũng sẽ được áp dụng cho cả Tiktok. « Nếu ByteDance có kế hoạch xuất khẩu các công nghệ mới nhất, hãng này sẽ phải tuân theo một thủ tục cấp phép ». 

Chuyên gia Trung Quốc này lưu ý rằng sự phát triển của Byte Dance ở nước ngoài đã dựa vào các kỹ thuật công nghệ trong nước, nguồn cung cấp các thuật toán cốt lõi và hãng này có thể phải chuyển giao cả mã phần mềm hay quyền sử dụng cho bên sở hữu mới của Tiktok ở nước ngoài. Do vậy, theo chuyên gia Trung Quốc, ByteDance « nên nghiêm túc nghiên cứu danh mục được điều chỉnh và cẩn trọng xem xét có nên đình chỉ các cuộc thương lượng bán Tiktok hay không ».

Reuters nhắc lại trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung, tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh cho ByteDance phải chuyển nhượng ứng dụng video ngắn TikTok trước những mối lo an ninh trong việc thu thập dữ liệu cá nhân. Hai hãng lớn của Mỹ là Microsoft và Oracle nằm trong số những hãng công nghệ muốn mua lại TikTok. 

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200830-v%E1%BB%A5-tiktok-b%E1%BA%AFc-kinh-ra-quy-%C4%91%E1%BB%8Bnh-si%E1%BA%BFt-ch%E1%BA%B7t-xu%E1%BA%A5t-kh%E1%BA%A9u-c%C3%B4ng-ngh%E1%BB%87-cao

Ấn Độ điều chiến hạm đến Biển Đông sau vụ xung đột với Trung Quốc ở Ladakh

 

Ấn Độ điều chiến hạm đến Biển Đông sau vụ xung đột với Trung Quốc ở Ladakh

Ảnh tư liệu: Tàu của hải quân Ấn Độ trong cuộc tập trận chung với Mỹ Malabar 2015, ở vịnh Bengal.
Ảnh tư liệu: Tàu của hải quân Ấn Độ trong cuộc tập trận chung với Mỹ Malabar 2015, ở vịnh Bengal. AP - Arun Sankar K.
Trọng Nghĩa
4 phút

Vào tháng 6 vừa qua, sau các vụ đụng độ giữa binh lính Ấn Độ và Trung Quốc tại thung lũng Galwan trên cao nguyên Ladakh, ở vùng biên giới trên bộ đang tranh chấp giữa hai nước, New Delhi đã cho triển khai tầu chiến qua vùng Biển Đông. Động thái này tuy nhiên đã được giữ kín, và mãi đến hôm qua, 30/08/2020 truyền thông Ấn Độ mới tiết lộ.

Theo hãng tin Ấn Độ ANI, một số nguồn tin chính phủ Ấn Độ đã xác nhận: “Ngay sau khi vụ đụng độ ở Galwan nổ ra khiến 20 binh sĩ Ấn thiệt mạng, lực lượng Hải Quân đã điều một trong những tàu chiến ở tiền phương đến Biển Đông”. Các nguồn tin này tuy nhiên không nói rõ tên gọi hay loại tàu được triển khai qua Biển Đông.

Cũng theo các nguồn tin trên, động thái của Ấn Độ đã bị Trung Quốc phản đối trong các cuộc đàm phán ngoại giao giữa hai bên.

Trung Quốc luôn luôn phản đối sự hiện diện của Hải quân Ấn Độ ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh đang ngày càng tăng cường lực lượng để áp đặt đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên hầu hết vùng biển, bất chấp sự phản đối của các nước.

Ngoài việc triển khai chiến hạm qua Biển Đông, vào cùng một thời điểm, Hải Quân Ấn Độ cũng điều tàu chiến đến khu vực dọc theo eo biển Malacca gần các quần đảo Andaman và Nicobar ở Ấn Độ Dương, cũng như gần tuyến hàng hải mà Hải Quân Trung Quốc sử dụng để đi vào Ấn Độ Dương, theo dõi sát các hoạt động của Hải Quân Trung Quốc.

Hạ tuần tháng 7 vừa qua, Hải Quân Ấn Độ còn cử 4 chiến hạm tham gia tập trận trên Ấn Độ Dương cùng với nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz, sau khi đội tàu Mỹ rời một cuộc tập trận phối hợp trước đó với hàng không mẫu hạm Mỹ thứ hai là chiếc USS Ronald Reagan trên Biển Đông.

Ấn Độ lại tố cáo Trung Quốc xâm phạm biên giới trên bộ

Tình hình biên giới trên bộ giữa Ấn Độ và Trung Quốc vẫn căng thẳng. Vào hôm nay, 31/08/2020, New Delhi một lần nữa đã lên tiếng tố cáo Quân Đội Trung Quốc có những “hành vi quân sự khiêu khích nhằm thay đổi hiện trạng” ở vùng Ladakh.

Một bản thông cáo của bộ Quốc Phòng Ấn Độ khẳng định: “Vào đêm 29, rạng ngày 30/08/2020, Quân Đội Trung Quốc đã vi phạm sự đồng thuận đạt được trước đó trong các cuộc đàm phán quân sự và ngoại giao liên quan đến bế tắc đang diễn ra ở khu vưc Đông Ladakh”.

Thông cáo nói thêm là Quân Đội Ấn Độ đã “đánh phủ đầu” và ngăn chặn được hoạt động này của Quân Đội Trung Quốc ở bờ nam của hồ Pangong Tso, tiến hành các biện pháp nhằm củng cố vị trí của Ấn Độ và ngăn cản ý định đơn phương thay đổi thực tế trên hiện trường của Trung Quốc.

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200831-%E1%BA%A5n-%C4%91%E1%BB%99-%C4%91i%C3%AA%CC%80u-chi%C3%AA%CC%81n-ha%CC%A3m-%C4%91%C3%AA%CC%81n-bi%C3%AA%CC%89n-%C4%91%C3%B4ng-sau-vu%CC%A3-xung-%C4%91%C3%B4%CC%A3t-v%C6%A1%CC%81i-trung-qu%C3%B4%CC%81c-%C6%A1%CC%89-ladakh

Chủ tịch Thượng Viện Cộng Hòa Séc, dẫn đầu một phái đoàn 90 người, chính thức thăm Đài Loan, bất chấp sức ép từ Bắc Kinh

 

Một lãnh đạo CH Séc đến Đài Loan bất chấp áp lực từ Bắc Kinh

Chủ tịch Thượng Viện CH Séc Milos Vystrcil phát biểu trước chuyến công du Đài Loan, bị Bắc Kinh phản đối dữ dội, Praha, ngày 26/08/2020.
Chủ tịch Thượng Viện CH Séc Milos Vystrcil phát biểu trước chuyến công du Đài Loan, bị Bắc Kinh phản đối dữ dội, Praha, ngày 26/08/2020. REUTERS - DAVID W CERNY
Thu Hằng
2 phút

Ngày hôm nay 30/08/2020, chủ tịch Thượng Viện Cộng Hòa Séc, dẫn đầu một phái đoàn 90 người, chính thức thăm Đài Loan, bất chấp sức ép từ Bắc Kinh. Đây là một chuyến công du mang tính biểu tượng cao, bởi Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh ly khai và không thể tách rời khỏi Hoa lục.

Thông tín viên RFI Adrien Simorre tường trình từ Đài Bắc :

“Chủ tịch Thượng Viện Cộng Hòa Séc Miloš Vystrčil muốn đến thăm Đài Loan vì “tự do và dân chủ”. Quần đảo dân chủ có 24 triệu dân này bị Bắc Kinh coi là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc và luôn tìm cách ngăn chặn mọi chuyến thăm của các nhà lãnh đạo cấp cao nước ngoài.

Cựu chủ tịch Thượng Viện Cộng Hòa Séc Jaroslav Kubera từng phải trả giá. Ông định đến thăm Đài Loan vào tháng 02/2020, nhưng qua đời, sau cơn đau tim, chỉ vài tuần trước khi khởi hành. Những người thân cận của ông tố cáo đó là hậu quả của việc Trung Quốc gửi thư đe dọa nhằm ép ông từ bỏ ý định.

Vì thế, người kế nhiệm ông Jaroslav Kubera muốn duy trì chuyến thăm biểu tượng này bằng mọi giá. Chủ tịch Thượng Viện Miloš Vystrčil sẽ hội kiến tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, người vẫn kiên định phản đối những yêu sách của Bắc Kinh. 

Sau chuyến thăm của bộ trưởng Y Tế Mỹ vào đầu tháng Tám, đây là lần thứ hai chỉ trong vòng vài tuần, một nhà lãnh đạo cấp cao nước ngoài đến thăm Đài Loan. Những chuyến thăm như thế này có ý nghĩa rất quan trọng với Đài Bắc, Đài Loan lo ngại sắp tới sẽ  trở thành một Hồng Kông mới”.

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200830-m%E1%BB%99t-l%C3%A3nh-%C4%91%E1%BA%A1o-ch-s%C3%A9c-%C4%91%E1%BA%BFn-%C4%91%C3%A0i-loan-b%E1%BA%A5t-ch%E1%BA%A5p-%C3%A1p-l%E1%BB%B1c-t%E1%BB%AB-b%E1%BA%AFc-kinh

zaterdag 29 augustus 2020

Ngoại trưởng Philippines đề nghị hủy hợp đồng với 24 công ty Trung Quốc bị Mỹ cấm vận vì liên quan đến việc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo trong Biển Đông.

 

Ngoại trưởng Philippines đề nghị hủy hợp đồng với các công ty Trung Quốc bị Mỹ cấm vận

28/08/2020
Tư liệu: Một người biểu tình vẫy cờ Philippines tại cuộc tuần hành bên ngoài Bộ Ngoại giao ở Manila, 21/6/2019. TT Duterte gọi vụ tàu TQ đâm chìm một tàu cá Philippines là một 'tai nạn nhỏ.' 22 ngư phủ Philippines được tàu cá Việt Nam cứu vớt. (AP Photo/Aaron Favilla)

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin hôm 28/8 nói ông sẽ đề nghị chính phủ nước ông hủy bỏ các thỏa thuận làm ăn với các công ty Trung Quốc bị Mỹ đưa vào sổ đen vì vai trò của họ trong việc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo trong Biển Đông.

Hôm 26/3, Hoa Kỳ nêu tên 24 công ty và cá nhân Trung Quốc mà Washington nói có liên hệ tới các hoạt động vừa kể, trong động thái đầu tiên của Mỹ chống lại Bắc Kinh về tuyến đường thủy đang trong vòng tranh chấp ở Biển Đông.

“Nếu họ có liên quan trong các hoạt động đắp đất xây đảo, thì chúng ta phải nhất quán hủy bỏ bất cứ hợp đồng làm ăn nào với các công ty đó,” Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin nói với CNN Philippines, mà không nêu cụ thể công ty hay dự án nào.

Trong số các công ty Trung Quốc bị ghi vào sổ đen có tập đoàn China Communications Construction Co (CCCC), một tập đoàn chuyên xây dựng hệ thống giao thông và cấu trúc hạ tầng đã được cấp phép để xây dự án sân bay có kinh phí 10 tỉ đôla với một đối tác địa phương ở Cavite, gần thủ đô Manila.

Một chi nhánh của CCCC, công ty China Harbour Engineering Company, cùng với một đơn vị của tập đoàn Udenna do một nhà tài phiệt ở địa phương có liên hệ mật thiết với Tổng Thống Duterte điều hành, đã được chấp thuận bước đầu cho một dự án 1,2 tỉ đô la để thực hiện một dự án đắp đất để xây dựng tại vùng Vịnh Manila.

Thống đốc Cavite Juanito Victor Remulla nói ông sẽ chờ quyết định của ông Duterte trước khi tiến hành dự án.

“Nếu Tổng thống nói, nếu Bộ Quốc phòng nói đó là một rủi ro về an ninh khi thỏa thuận làm ăn với họ, thì chúng tôi sẽ lập tức chấm dứt thỏa thuận,” ông Remulla nói với đài ANC.

Udenna Land, đối tác của Chinese Harbour trong dự án đắp đất ở Vịnh Manila, không trả lời câu hỏi của Reuters.

Tuy nhiên khi được hỏi vào tháng 12 liệu Udenna có lo ngại về việc đối tác với một công ty có liên quan tới việc xây dựng Đá Vành Khăn, đảo nhân tạo nơi Trung Quốc lắp đặt tên lửa có khả năng tấn công Philippines, một đại diện của Udenna nói ông Uy “không quan tâm”.

Trả lời những câu hỏi qua email của Reuters vào tháng 12 năm ngoái, ông Leo Venezuela, Giám đốc quan hệ với các nhà đầu tư của Udenna, nói rằng công ty này có cổ phần ‘không đáng kể’ trong dự án.

Hồi năm 2016, Philippines thắng một vụ kiện tại tòa án trọng tài quốc tế khi tòa án này khẳng định Đá Vành Khăn đã được xây dựng trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines.


https://www.voatiengviet.com/a/nt-philippines-de--nghi-huy-hop-dong-voi-cac-cong-ty-bi-my-cam-van/5561841.html