Covid-19: Việt Nam đón Noel và Năm mới 2021 trong không khí trầm lắng hơn
Đăng ngày:
Năm 2020 sắp trôi qua. Cũng như khắp nơi trên thế giới, nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề. Tại Việt Nam, người dân đón dịp Noel – Giáng sinh và chuẩn bị cho dịp Tết năm mới ra sao ? Đa số người dân chúng tôi đặt câu hỏi đều ghi nhận không khí Tết cuối năm trầm lắng hơn, tuy hoàn cảnh mỗi nơi một khác.
Trước hết mời quý vị theo dõi một số nhận định của nhà báo Võ Văn Tạo, từ thành phố Nha Trang :
« Tôi theo dõi khoảng vài thập niên trở lại đây, thì không khí nghỉ ngơi, ăn uống, vui chơi nhân ngày Noel càng rõ nét hơn. Nhưng rõ ràng năm nay do ảnh hưởng Covid-19, mức sống thu nhập giảm sút rõ rệt, nhất là ở Nha Trang, nơi một tỉ lệ lớn dân chúng sống bằng nghề du lịch. Dịch Covid kéo theo việc cản trở nhập cảnh giữa các quốc gia. Nha Trang bị thiệt hại nặng nề nhất. Số thất nghiệp khá đông. Tôi chỉ thấy trong gia đình tôi, vừa rồi có mấy người đến, qua trung tâm giới thiệu việc làm cho người giúp việc gia đình, họ đều nói là trước đây làm ngành du lịch. Có người chạy bàn, người lái xe chở khách, khách Nga, khách Hàn Quốc, Trung Quốc… đều mất việc. Họ bổ sung vào đội ngũ đi tìm nghề giúp việc.
Khách sạn hơn 1.000 phòng chỉ vài cửa sổ sáng đèn
Tôi có một anh bạn ở Sài Gòn, anh ấy mua căn hộ trong một tòa cao ốc bên cạnh một vị trí sát bờ biển, ngay chỗ đắc địa nhất Nha Trang. Anh ấy ra chơi, ngồi ở quán cà phê ngay bên bờ biển. Anh ấy bảo buổi tối khi đi về, thì thấy cả một building lớn như thế, một tòa nhà với hơn 1.000 căn hộ du lịch (khách sạn Havana) như thế mà chỉ có bốn, năm cửa số sáng đèn. Thê thảm đến cỡ đó ! Nhân viên phục vụ ở đấy cho biết là nghỉ việc rất nhiều.
Phải công nhận là chính phủ và người dân đã xử lý, đối phó với dịch Covid khá thành công, có nghĩa là số bị lây, bị chết không nhiều lắm. So với các quốc gia khác, thì Việt Nam cũng là quá khỏe, quá nhẹ nhàng rồi, nhưng dù sao dịch đó cũng gây một căng thẳng rất lớn cho đời sống kinh tế, xã hội ở Việt Nam ».
Thất nghiệp gia tăng, hàng tăng giá, thuế cũng tăng
Tiếp theo đây, mời quý vị nghe một số chia sẻ của ông Cao Hà Trực, ở quận Tân Bình, Sài Gòn. Ông Cao Hà Trực vốn là một người quản lý nhà hàng, và làm nông trại. Hiện tại ông Cao Hà Trực đang trong tình trạng thất nghiệp :
« Nói về ngày Noel, ngày Chúa Giáng sinh cũng như ngày Tết sắp tới, phải nói một điều là chúng tôi rất lo lắng. Khó khăn bao trùm. Em có một vợ và bốn đứa con, nên mọi việc chi tiêu rất khó khăn. Không biết ngày mai sẽ thế nào. Chẳng thấy buổi Noel hay Tết đến với mình vui gì cả. Không có tiền thì chẳng làm được gì cả. Thứ hai là về mặt xã hội, nền kinh tế mình trong thời gian vừa qua đi xuống : giá xăng tăng, tất cả đồ dùng, trang thiết bị, kể cả y tế, đều đồng loạt lên giá. Mà kiếm tiền thì khó khăn, nhiều doanh nghiệp đóng cửa. Đặc biệt là du lịch. Trước khi em làm quản lý một nhà hàng, đến nay nhà hàng này cũng đóng cửa. Nhiều bạn bè đồng nghiệp với em hai mươi mấy năm hành nghề du lịch, than là đều phải đóng cửa hết. Ra ngoài đường, Noel năm nay cũng không thấy trang trí là bao. Cuộc sống rất ảm đạm. Không khí sắp tới, không biết thưởng Tết ra sao. Vì một số doanh nghiệp đã giảm biên chế rồi. Bây giờ, thất nghiệp người đổ xô đi chạy xe Uber, Grab, giao hàng, chở hàng. Ngược lại, Nhà nước, về mặt kinh tế, thiếu thu nhập, nên bằng cách này cách khác tìm cách siết cổ người lao động. Thời gian gần đây, có việc chính quyền tăng thuế thu nhập của tài xế Grab. Những người mà không còn phương tiện kiếm sống gì khác, ngoài bán vé số, hoặc đi chạy xe ôm, hoặc xe Grab như thế, mà bị bóc lột như vậy, thì quả là rất nhẫn tâm ! Đó là những người lao động nghèo nhất rồi. Vậy mà còn gây khó khăn cho người ta. Năm nay, nhìn chung, em thấy tình hình khó khăn lắm ».
Hà Nội : Dù trầm lắng, Giáng sinh vẫn « ấm áp »
Bà Nguyễn Hoàng Ánh, một nhà giáo hưu trí, Hà Nội, nhận xét về không khí Noel tại Hà Nội, tuy trầm lắng hơn, nhưng đối với khá nhiều người, đây vẫn là một ngày hội :
« Noel năm nay, mặc dù đã có bị trầm lắng một chút vì Covid, kinh doanh không được khởi sắc như mọi năm, nhưng cũng là một ngày vui vẻ. Cái thời trước Covid, người nước ngoài qua lại nhiều. Khách du lịch nước ngoài nhiều. Các shop bán hàng tưng bừng hơn. Các chương trình ăn lễ Giáng sinh cũng nhiều hơn. Bây giờ, rõ ràng không có được cái đấy cho nên số lượng khách cũng giảm. Cái thứ hai là kinh doanh nhìn chung bị đình đốn cũng làm cho mọi người không có hứng thú như mọi năm. Có các hạn chế - không cho phép một phòng được nhiều hơn 70 người tham gia, phòng nhỏ thì không được nhiều hơn 30 người - nên các nhà thờ cũng không dám làm quá lớn. Vì thế cũng ảnh hưởng nhiều đến không khí Giáng sinh. Tuy nhiên, các khách sạn đều có các chương trình biểu diễn Giáng sinh. Khách thì như chỗ tôi đến ở khách sạn Pan Pacific, thì có ba nhà hàng, nhà hàng nào cũng khá là đông khách. Dưới sảnh đầy trẻ em. Ra đường, lên phố chỗ quanh Bờ Hồ, rồi chỗ quanh Nhà thờ Lớn, người người cũng khá là đông. Không đến nỗi không chen được như mọi khi, nhưng cũng khá là náo nhiệt. Trên gương mặt của những người đi trên đường chúng ta thấy cũng không vắng bóng những nụ cười. Người trẻ lại còn lạc quan hơn. Không khí Giáng sinh tôi thấy vẫn là một không khí rất ấm áp và vui vẻ ».
Du lịch: Tết dương, cơ hội vớt vát thu nhập
Bà Nguyễn Hoàng Ánh hiện đang có kỳ nghỉ cuối năm tại đảo Phú Quốc. Về Tết Dương lịch sắp đến, bà Ánh cho biết thêm về không khí chung, ngành du lịch gánh chịu nhiều thiệt hại, nhưng dịp Tết này cũng là cơ hội vớt lại một phần thu nhập :
« Tôi cũng không có con số thống kê chính xác, nhưng mà như bây giờ tôi đang đi nghỉ, có thể thấy là khách sạn tôi ở Phú Quốc thì đây hơn bất cứ lúc nào trong thời Covid này. Hôm qua, tôi có nói chuyện với một anh bạn, là người nước ngoài, quản lý một khách sạn nước ngoài ở đây, anh ấy nói vào những ngày lễ tết như thế này, cũng được đầy khoảng một nửa, trong khi đó trước đó vào thời Covid, người ta chỉ hy vọng có được 10% đến 20% thôi. Bây giờ đã được đến 50, 60% rồi. Tôi mới chỉ hỏi một số khách sạn sang, còn khách sạn thường cũng chưa có thì giờ để ý lắm. Nhưng bạn bè nói chung thì đều hẹn nhau, nếu như có một ngày tết, thì đều cố gắng để lên đường. Chúng ta biết là ngày Tết Dương lịch năm nay nối liền với kỳ nghỉ cuối tuần, nên chúng ta có ba ngày, mùng 1, mùng 2 và mùng 3. Ba ngày liền, nên số người Việt mua tua, đi chơi cũng rất nhiều. Số người các tỉnh đổ lên Hà Nội chơi cũng khá đông. Gọi là trầm lắng hơn, nhưng rất nhiều cơ sở kinh doanh đã chuyển sang phục vụ khách Việt nhiều hơn. Kinh doanh đã được phục hồi một chút ».
Bố Trạch - Quảng Bình : Không khí lo toan bao trùm
Đại dịch Covid-19 gây khó khăn khắp nơi, nhưng tại Việt Nam, khu vực các tỉnh miền bắc Trung bộ có lẽ là một trong những nơi mà người dân chịu nhiều tổn thất nhất. Người dân lương - giáo vùng Phúc Trạch, Sơn Trạch (huyện Bố Trạch), thuộc khu du lịch Phong Nha – Kẻ Bàng, bị thiệt hại kép. Đầu năm du lịch thất thu do Covid, cuối năm là trận lũ lịch sử, « cơn hồng thủy » với miền Trung. Linh mục quản xứ giáo xứ Chày, ông Vincent Điểm Cao Dương Đông, chia sẻ :
« Sau một năm bị căn bệnh Vũ Hán, Trung Quốc, vùng Chày Lập này cũng không thoát khỏi cái đó. Một năm đau khổ với dân Việt Nam chúng ta, cũng như thế giới. Sau một năm Covid, bây giờ có một chút tia sáng được giảm bớt Covid một chút, được an toàn một chút, thì lại trúng vào trận lụt lịch sử vừa rồi. Trận lụt vừa rồi như một cơn hồng thủy với miền Trung. Không khí lo toan bao trùm tại đây. Một năm mới gần tới. Rất gần rồi, nhưng mà người dân như trông mong một năm mới đừng đến thì hơn. Ở đâu cũng thấy sửa nhà, ở đâu cũng thấy dọn vườn... Nói chung, có một người lạ mặt đến, người dân thường hy vọng vào một sự cứu trợ, một sự trợ giúp nào đó. Ý niệm về một mùa xuân, về sự hưởng thụ một cái tết truyền thống như không còn nữa. Thật đau khổ khi thấy người dân ở đây mất định hướng, mất niềm hy vọng đó ! Bây giờ, với tư cách là một linh mục quản xứ mà mình nói rõ ràng ra như vậy thì có cái gì đó hơi khó coi, nhưng đó là sự thực ».
Trên đây là chia sẻ của một số người dân tại Việt Nam về không khí ngày Noel Giáng sinh và trước thềm Tết Dương lịch 2021. Dịch Covid-19 tại Việt Nam, về cơ bản nằm trong tầm kiểm soát, nhưng trong bối cảnh giao thông toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch và kinh tế suy thoái nghiêm trọng, cũng khiến dịp Tết cuối năm trở nên trầm lắng hơn nhiều. Tình hình đáng lo ngại hơn bội phần tại một số khu vực phải gánh chịu thiên tai, như các tỉnh phía bắc miền Trung hay một số ngành nghề như du lịch, nhà hàng, khách sạn... Chính sách thuế khóa không phù hợp ở một số lĩnh vực cũng bị người dân than thở là khiến cho khó khăn thêm chồng chất, đẩy nhiều người vào bước đường cùng.
Covid-19: Việt Nam đón Noel và Năm mới 2021 trong không khí trầm lắng hơn - Tạp chí xã hội (rfi.fr)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten