Tầu ngầm Pháp cố chinh phục thị trường Đông Nam Á
Đăng ngày:
Naval Group, tập đoàn đóng tầu ngầm của Pháp, đang khẩn trương trao đổi về khả năng Philippines mua hai tầu ngầm Scorpène. Vào đầu năm 2021, một văn phòng của Naval Group sẽ đi vào hoạt động ở Manila để có thể tiếp xúc trực tiếp với khách hàng tiềm năng này.
Đây sẽ là văn phòng thứ hai của tập đoàn ở Đông Nam Á, sau văn phòng được mở ở Singapore vào năm 2019, tập trung nghiên cứu chiến lược về phòng thủ hải quân. Naval Group mở rộng hoạt động ở Đông Nam Á trong bối cảnh Trung Quốc đặt tham vọng xây dựng lực lượng quốc phòng hùng mạnh nhất thế giới từ nay cho đến năm 2025. Đội tầu ngầm của Trung Quốc có đến 76 chiếc và sử dụng một căn cứ “bí mật” thuộc Căn cứ Hải Quân Du Lâm, nằm ở vị trí chiến lược trên đảo Hải Nam, hướng ra Biển Đông, nơi Bắc Kinh đòi chủ quyền đến hơn 80% diện tích.
Thị trường Đông Nam Á tái vũ trang “béo bở”
Tham vọng của Trung Quốc buộc các nước trong khu vực Đông Nam Á, cũng như Đông Á, liên tục hiện đại hóa lực lượng vũ trang và gia tăng đội tầu ngầm trong những năm gần đây, để bảo vệ chủ quyền và tăng cường an ninh biển : Nhật Bản hạ thủy tầu ngầm đầu tiên thuộc lớp Taigei, nâng tổng số đội tầu ngầm lên thành 22 ; Hàn Quốc đóng tầu ngầm thứ hai thuộc lớp KSS-III ; Đài Loan cũng tự đóng tầu ngầm IDS nhờ hỗ trợ của Mỹ. Xa hơn là Úc và Ấn Độ đều được Naval Group của Pháp trang bị.
Bốn nước Đông Nam Á - Singapore, Malaysia, Indonesia, Việt Nam - đều có đội tầu ngầm. Thái Lan được cho là cũng đang nối gót. Chỉ riêng Philippines, một trong bốn nước ASEAN có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông, là chưa có lực lượng mang tính răn đe này.
Indonesia, Malaysia đã là khách hàng của Pháp từ khá lâu. Trong vòng 10 năm (2009-2018), Pháp đã xuất khẩu 1,36 tỉ euro trang thiết bị quân sự cho Indonesia, với đỉnh điểm là năm 2013 với tổng trị giá hợp đồng là 480 triệu euro. Jakarta chọn đa dạng hóa nguồn cung cấp thiết bị quân sự từ nhiều nước châu Âu, cũng như Trung Quốc, Brazil… vì tránh lập lại bài học bị Hoa Kỳ cấm vận (1991-2005), sau những vụ trấn áp những người đòi độc lập cho Đông Timor (hiện là nước Cộng Hòa Dân Chủ Timor-Leste).
Trong buổi làm việc tại Paris ngày 13/01/2020, bộ trưởng Quốc Phòng hai nước Pháp và Indonesia đã bàn việc hợp tác quốc phòng và dường như có đề cập đến việc Pháp cung cấp thêm thiết bị quân sự cho Indonesia, như chiến đấu cơ Rafale, tầu ngầm Scorpène, tầu chiến Gowind, theo trang La Tribune (17/01/2020).
Công nghệ tầu ngầm của Pháp được đánh giá cao ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi tập đoàn Naval Group đã có 3 khách hàng (Malaysia, Ấn Độ và Úc). Trước khi được Pháp giao hai tầu ngầm Scorpène vào năm 2009 và 2010, Malaysia không có đội tầu ngầm. Theo ông Alain Guillou, phó chủ tịch tập đoàn Naval Group, phụ trách phát triển quốc tế, Naval Group “là nhà cung cấp duy nhất có sẵn kinh nghiệm trong việc giúp một quốc gia phát triển một lực lượng tầu ngầm từ số 0”.
Cụ thể, đội thủy thủ tầu ngầm đầu tiên của Malaysia được đào tạo tại Pháp. Tổng cộng có 146 người đã được cấp chứng chỉ thủy thủ tầu ngầm sau 42 lần ra biển và hơn 9.100 giờ lặn trong khoảng thời gian từ 2005-2009. Sau đó, Naval Group đã thành lập một công ty liên doanh với tập đoàn công nghiệp Malaysia Boustead để bảo đảm hỗ trợ kỹ thuật cho đội ngũ thủy thủ tầu ngầm mới.
Kinh nghiệm này có thể được áp dụng cho trường hợp Philippines, “một trong những lực lượng hải quân hiếm hoi ở châu Á không có lực lượng tầu ngầm” và “tính đến việc trang bị tầu ngầm từ nhiều năm nay”, theo nhận định của trang HI Sutton, chuyên về tầu ngầm. Trường hợp của Philippines trái với “nhiều nước láng giềng đã có đội tầu ngầm lớn nhất và mạnh nhất trên thế giới. Và rất nhiều lực lượng hải quân nhỏ trong vùng cũng đã bắt đầu phát triển đội tầu ngầm”.
Philippines từng nghĩ đến tầu ngầm của Nga, theo trang Opex360 (20/10/2020). Thậm chí vào năm 2018, nhiều tin đồn cho rằng hai bên sắp đạt được một thỏa thuận để giao tầu ngầm lớp Kilo đầu tiên vào năm 2023. Tuy nhiên, dự án bị đình chỉ, vì Washington cảnh báo việc mua tầu ngầm của Nga có nguy cơ tác động đến Thỏa thuận Phòng thủ Hỗ tương năm 1951 giữa Philippines và Hoa Kỳ. Hiện tầu ngầm lớp Kilo của Nga được sử dụng tại Việt Nam với 6 chiếc.
Vẫn theo ông Alain Guillou, phó chủ tịch tập đoàn được trang Naval News trích dẫn ngày 25/11, Naval Group “sẵn sàng giúp đỡ Hải Quân Philippines bằng cách cung cấp tầu ngầm, đồng thời triển khai kế hoạch đào tạo, lắp đặt và lập dây chuyền cung ứng cần thiết để một đội tầu ngầm hoạt động hoàn toàn”.
Trong chuyến công du Paris ngày 27/11/2019, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines cho biết Manila sẽ đưa ra quyết định trong năm 2020. Nếu hợp đồng được thông qua, hai tầu ngầm Scorpène phải được bàn giao trong năm 2027. Hai bên cũng ký một biên bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác quốc phòng trong lĩnh vực hàng hải.
Philippines là một thị trường tiềm năng đối với Pháp. Trong vòng 10 năm (2009-2018), Pháp chỉ mới cung cấp cho Philippines 17,2 triệu euro thiết bị quân sự. Ngoài ra, nhà cung cấp tầu ngầm của Pháp còn sử dụng một lá bài hấp dẫn khác : “Phát triển hợp tác đối tác dài hạn với ngành công nghiệp địa phương, nơi việc chuyển giao công nghệ và kiến thức sẽ tạo ra hàng trăm việc làm trong khuôn khổ chương trình và cả về sau đó”, theo phát biểu của bà Anne Clausard, một nhà phụ trách của Naval Group, được trang Naval News trích dẫn.
Khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương : Một ưu tiên của Pháp
Việc Naval Group chinh phục thị trường Philippines được chính phủ Pháp ủng hộ vì phù hợp với chiến lược của Paris tại vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Trong một tài liệu chính thức của bộ Quốc Phòng Pháp, công bố năm 2019, Pháp đề ra bốn ưu tiên chính tại vùng biển rộng lớn này: - Bảo vệ và bảo đảm toàn vẹn chủ quyền, bảo vệ công dân, vùng đất và vùng đặc quyền kinh tế của Pháp ; Đóng góp cho an ninh trong vùng thông qua quan hệ hợp tác quân sự và an ninh ; Bảo đảm tự do hàng hải, hợp tác với các đối tác của Pháp trong khuôn khổ cạnh tranh chiến lược thế giới và môi trường quân sự khó khăn ; - Giúp duy trì ổn định và cân bằng chiến lược nhờ hành động chung và đa phương.
Pháp có lợi ích ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương thông qua các vùng lãnh thổ : 93% vùng đặc quyền kinh tế của Pháp nằm ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương (các đảo Mayotte và Réunion, quần đảo Eparses, quần đảo Eparses và các vùng đất phía Nam và châu Nam Cực thuộc Pháp, Nouvelle Calédonie, Wallis et Futuna, Polynésie Pháp và Clipperton).
Có khoảng 1,5 triệu người Pháp sinh sống và khoảng 8.000 quân nhân đồn trú ở những khu vực này. Ngoài các tầu chiến của Hải Quân Pháp đóng trong khu vực, các lực lượng từ Pháp cũng được luân phiên triển khai trong vùng, kể cả tầu ngầm.
(Tổng hợp từ Naval News, Agasm, Opex360, La Tribune, Mer et Marine)
https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20201203-naval-group-tau-ngam-dong-nam-a-asean
Úc mua 12 tàu ngầm của Pháp với giá 50 tỉ đô la
Đăng ngày:
Ngày 11/02/2019, Úc chính thức ký hợp đồng mua 12 tàu ngầm của Pháp với tổng trị giá 50 tỉ đô la. Thủ tướng Úc Scott Morrison gọi đây là « kế hoạch đầy tham vọng », trong lễ ký kết với sự hiện diện của bộ trưởng Quốc Phòng Pháp Florence Parly.
Thủ tướng Morrison nhấn mạnh hợp đồng mà hai nước ký ngày 11/02 là « sự đầu tư quan trọng nhất của Úc về quốc phòng trong thời bình ». Sau nhiều năm thương lượng, vào năm 2016, tập đoàn Pháp Naval Group (trước đây là DCNS) đã được chọn để ký « hợp đồng thế kỷ », cung cấp 12 tàu ngầm thế hệ mới cho Hải Quân Úc.
Tàu ngầm đầu tiên sẽ được Naval Group bàn giao cho Úc vào năm 2030. Thương vụ khổng lồ này sẽ tạo ra 2.800 việc làm tại Úc và 500 việc làm tại Pháp.
AFP bình luận hợp đồng khổng lồ này phản ánh tham vọng của Úc tại Thái Bình Dương. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lấy làm tiếc rằng hợp đồng này được ký kết quá muộn : vùng biển phía bắc và đông nước Úc đang là nơi tranh giành ảnh hưởng của Mỹ, Trung Quốc và các cường quốc khác trong khu vực.
https://www.rfi.fr/vi/phap/20190211-uc-mua-12-tau-ngam-cua-phap-voi-gia-50-ti-do-la
Geen opmerkingen:
Een reactie posten