Sông Mêkông: Mỹ loan báo dùng vệ tinh giám sát đập thủy điện của Trung Quốc
Đăng ngày:
Mỹ đóng góp tài chính cho một dự án dùng vệ tinh để theo dõi và công bố mực nước tại các đập của Trung Quốc trên sông Mêkông.
Theo báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 14/12/2020, dự án mang tên Chương Trinh Giám Sát Đập Mêkông - The Mekong Dam Monitor - do bộ Ngoại Giao Mỹ tài trợ một phần, sử dụng dữ liệu từ các vệ tinh nhìn xuyên qua mây để theo dõi mức nước của các đập ở Trung Quốc và ở các nước khác.
Thông tin cung cấp gần như là tức thời sẽ được mở cho tất cả mọi người tham khảo kể ngày mai, 15/12.
Trong thời gian gần đây, sông Mêkông bắt nguồn từ Trung Quốc rồi chảy về phía nam qua Miến Điện , Lào, Thái Lan, Cam Bốt và Việt Nam - đã trở thành tâm điểm cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Mới đây, Bắc Kinh đã bác bỏ một nghiên cứu của Mỹ nói rằng các con đập của Trung Quốc đã giữ nước gây bất lợi cho các quốc gia ở hạ nguồn, nơi có 60 triệu người sinh sống dựa vào con sông.
Theo chuyên gia Brian Eyler thuộc Trung Tâm Stimson có trụ sở tại Washington thì: “Hệ thống giám sát cung cấp bằng chứng cho thấy 11 con đập trên dòng chính mà Trung Quốc xây dựng đã được tập hợp và vận hành một cách tinh vi nhằm tối đa hóa sản lượng thủy điện để bán cho các tỉnh phía đông của Trung Quốc mà không cần xem xét đến các tác động đối với vùng hạ lưu”.
Trung Quốc đã chỉ trích các nghiên cứu trước đây, bao gồm một nghiên cứu của Eyes on Earth - một phần của dự án Mekong Dam Monitor - cho biết nước sông Mêkông đã bị giữ lại vào năm 2019 làm cho các nước khác bị hạn hán nghiêm trọng.
Viện Kỹ Thuật Năng Lượng Tái Tạo Trung Quốc do nhà nước hậu thuẫn cho biết trong một báo cáo ngày 4 tháng 12: “Hoa Kỳ đã không thể cung cấp bằng chứng xác đáng” về những cáo buộc. Cơ quan này khẳng định rằng nước tích trữ trong các hồ chứa trong mùa lũ đã giúp ngăn chặn lũ lụt và hạn hán ở vùng hạ lưu.
Đầu năm nay, Trung Quốc đã đồng ý chia sẻ dữ liệu về nước với Ủy Hội Sông Mekông (MRC) - cơ quan tư vấn cho Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Việt Nam từ lâu đã hoài công tìm kiếm thông tin từ phía Trung Quốc để lập kế hoạch tốt hơn.
Sông Mêkông: Mỹ loan báo dùng vệ tinh giám sát đập thủy điện của Trung Quốc (rfi.fr)
Trung Quốc lạm dụng vỊ trí ở thượng nguồn các con sông châu Á
Đăng ngày:
Tuần báo Anh The Economist ngày 16/05/2020 đã có bài viết phê phán việc Trung Quốc lạm dụng vị trí quốc gia nằm ở thượng nguồn hai con sông lớn tại châu Á để bắt chẹt các láng giềng.
Trong bài bình luận “Nếu không bớt xây đập trên thượng nguồn, thì ít ra Trung Quốc nên chia sẻ thông tin”, The Economist đã nêu lên trường hợp sông Brahmaputra chảy qua Ấn Độ, và sông Mêkông chảy xuống 5 nước Đông Nam Á (Miến Điện, Lào, Thái Lan, Cam Bốt và Việt Nam) để chỉ trích việc Bắc Kinh cố tình giữ kín các thông tin về hoạt động của các con đập giữ nước mà họ xây trên thượng nguồn, khiến cho nông dân và ngư dân ở các nước hạ nguồn không thể có được kế hoạch tốt để canh tác hay đánh bắt.
Ghi nhận trước tiên của The Economist là các dòng sông xuất phát từ cao nguyên Tây Tạng là nguồn lý tưởng cho biết bao kế hoạch thủy điện. Do việc Tây Tạng trở nên một vùng lãnh thổ của Trung Quốc, các kỹ sư nước này đã khai thác triệt để nguồn này, không chỉ xây dựng những con đập khổng lồ trên các sông Hoàng Hà, Dương Tử, chảy qua Trung Quốc, mà trên cả các con sông lớn khác như sông Brahmaputra và Mêkông đi qua nhiều nước khác trên đường ra biển.
Bắc Kinh có quyền, nhưng không nên lạm dụng
Theo The Economist, đúng là Trung Quốc có quyền làm như thế. Các quốc gia có quyền kiểm soát các thượng nguồn các con sông lớn thường sử dụng nguồn nước này cho thủy điện hay thủy lợi. Những nước láng giềng ở hạ nguồn phải chịu thiệt.
Tuy nhiên, nếu quốc gia thượng nguồn khai thác quá mức hay ngăn chặn dòng nước, các vùng bên dưới phải chịu nạn mùa màng khô cằn, ngư nghiệp phá sản, đất trồng trọt nhiễm mặn. Trong những trường hợp tốt nhất, thì các quốc gia liên can có thể tìm cách ký thỏa thuận về việc sử dụng dòng sông, trường hợp tệ nhất là các bên tranh chấp với nhau, gây nên căng thẳng. Đó là tình hình hiện nay giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, như trong trường hợp sông Mêkông.
Trung Quốc đã xây 11 con đập trên dòng chính và đang dự kiến xây thêm 8 đập khác, còn các nước ở hạ nguồn đã xây hai đập và đang muốn xây thêm 7 đập khác.
Năm ngoái vào lúc hạn hán, sông Mêkông chảy chậm đến nỗi Cam Bốt phải cho một trung tâm thủy điện lớn ngưng hoạt động. Ngay cả khi mưa bình thường, dòng chảy con sông yếu đi đến mức nước mặn tràn vào vùng châu thổ sông Mêkông, tác hại đến cả Việt Nam lẫn Cam Bốt, phá hoại nguồn cá nuôi sống hàng triệu dân nghèo xứ Chùa Tháp.
Trung Quốc luôn phản đối mọi thỏa thuận, cam kết chính thức về việc giảm xây đập hay bảo đảm cho các láng giềng một lượng nước tối thiểu. Trung Quốc cũng không gia nhập Ủy Hội Sông Mê Kông, một cơ cấu giúp các nước giải quyết tranh chấp.
Vấn đề không chỉ là Trung Quốc cảm thấy khó chịu trước những gì được xem là can thiêp của bên ngoài vào “công việc nội bộ”, mà còn là việc lãnh đạo Trung Quốc bị những đề án kỹ thuật lớn mê hoặc, không quan tâm đến tình cảnh của người dân bị di dời hoặc bị thiệt hại, kể cả khi đó là công dân của họ.
Xây đập ngăn nước, nhưng thiếu chia sẻ thông tin cho láng giềng
Trung Quốc rất thích và giỏi về xây các con đập lớn, họ đã giúp Pakistan xây đập trên sông Indus, đang cố cổ vũ Miến Điện xây một đập lớn trên sông Irrawaddy mà phụ lưu chỉ chảy qua Trung Quốc trên vài cây số.
Thế nhưng cho dù Trung Quốc không thể tự kềm chế trong việc xây đập, thì ít ra họ cũng nên cố gắng thêm để trấn an các láng giềng, chia sẻ thông tin thường xuyên về lưu lượng sẽ là một khởi đầu tốt.
Năm 2017, trong lúc tranh chấp với Ấn Độ, Trung Quốc đã không cung cấp thông tin về lưu lượng sông Brahmaputra, được sử dụng để cảnh báo cho nông dân ở hạ nguồn về lũ lụt. Và hai bên đã phải tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh, để có lại những thông tin.
Đối với The Economist, viêc chia sẻ thông tin sẽ được các quốc gia hạ nguồn tán thưởng vì biết được lúc nào thì các đập thủy điện Trung Quốc muốn giữ hay xả nước để nông dân và ngư dân của họ có thời gian chuẩn bị. Trung Quốc cũng không bị thiệt gì, nếu giúp giảm nhẹ hạn hán khi có thể. Và như thế họ sẽ được biết bao lời biết ơn.
Trung Quốc lạm dụng vỊ trí ở thượng nguồn các con sông châu Á (rfi.fr)
Trung Quốc biến nguồn nước thành vũ khí, gây thêm hạn hán ở châu Á
Đăng ngày:
Các hành vi bức hiếp láng giềng của Bắc Kinh không chỉ được thấy trên các vùng biển bao quanh Trung Quốc, mà còn thể hiện trên đất liền, với việc khống chế nguồn nước của các con sông tỏa ra khắp khu vực.
Trong bài phân tích “Trung Quốc biến nguồn nước thành vũ khí, gây thêm hạn hán ở châu Á - China is weaponizing water and worsening droughts in Asia”, công bố ngày 28/10/2019 vừa qua trên tờ báo Nhật Bản Nikkei Asian Review, giáo sư Ấn Độ Brahma Chellaney đã vạch trần thủ đoạn của Trung Quốc, lợi dụng vị trí đầu nguồn các con sông chảy qua các nước khác, ồ ạt xây đập để biến nguồn nước thành công cụ gây sức ép chính trị, với hệ quả là làm cho nạn hạn hán ở châu Á thêm nghiêm trọng.
Bài phân tích trước hết nêu bật sự kiện châu Á, lục địa khô hạn nhất thế giới tính theo đầu người, hiện là trung tâm xây đập của thế giới, tập hợp hơn một nửa trên tổng số 50.000 con đập lớn của hành tinh. Hoạt động quá mức của các con đập đã làm gay gắt thêm tranh chấp khu vực và quốc tế về nguồn lợi đến từ các con sông chung của nhiều nước.
Thế thượng phong tự nhiên của Trung Quốc
Theo chuyên gia Chellaney, Trung Quốc nằm ở trung tâm bản đồ về nguồn nước của châu Á. Nhờ chiếm được vùng cao nguyên Tây Tạng giàu nguồn nước và vùng Tân Cương rộng lớn, Trung Quốc trở thành thượng nguồn các con sông chảy xuống 18 quốc gia vùng hạ lưu. Không một nước nào trên thế giới là đầu nguồn nước của nhiều quốc gia như thế.
Khi xây dựng đập, hay những cấu trúc khác làm thay đổi dòng nước ở vùng biên giới, Trung Quốc thiết lập như thế những cấu trúc lớn ở thượng nguồn, trang bị cho mình khả năng sử dụng nước như vũ khí.
Ví dụ rõ nhất được tác giả nêu lên là sông Mêkông. Mùa hè vừa qua, mực nước của dòng sông có giá trị sống còn cho vùng Đông Nam Á này, dài 4.880 cây số, đã xuống mức thấp nhất từ hơn 100 năm qua, cho dù mùa mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng cuối tháng 9. Sau khi hoàn tất 11 con đập khổng lồ, Trung Quốc lại xây thêm một loạt đập nữa ở thượng nguồn dòng sông. Bắc Kinh cũng xây đập trên những con sông xuyên quốc gia khác.
Rủi ro đến từ các con đập
Giáo sư Chellaney nhìn thấy việc xây dựng đập thủy điện cũng khuấy động quan hệ ở nơi khác ở châu Á.
Tranh chấp ở Kashmir vùng Nam Á, hay ở Ferghana Valley, khu vực Trung Á, liên quan đến vấn đề nguồn nước cũng như lãnh thổ. Tại nhiều nơi ở châu Á các quốc gia đều tìm cách kiểm soát tài nguyên của những con sông chung bằng cách xây dựng đập, cho dù vẫn đòi hỏi sự minh bạch và thông tin về các đề án của các láng giềng.
Hạn hán nghiêm trọng đã xẩy ra ở nhiều vùng rộng lớn, từ Úc cho đến bán đảo Ấn Độ. Tình trạng này đã phơi bày các rủi ro trong việc tập trung vào giải pháp đập, làm tăng thêm nguy có thiếu hụt nước sử dụng.
Những vùng đông dân cư ở châu Á đã đứng trước nguy cơ thiếu nước trầm trọng có thể dẫn đến tình trạng khan hiếm nước. Việc tranh nhau xây đập cũng gây ra thêm căng thẳng có thể đi đến xung đột.
Ở phương Tây, các công trình xây đập khổng lồ không còn được tiến hành nữa. Tại các quốc gia dân chủ lớn ở châu Á, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, việc xây đập lớn cũng giảm đi do các phong trào phản đối của người dân. Tại các nước độc đoán thì khác
Chính việc xây đập ở các nước không dân chủ đã biến châu Á thành tụ điểm của việc xây đập. Và Trung Quốc đứng đầu thế giới trong lãnh vực này ở trong nước cũng như ngoài nước.
Bắc Kinh luôn luôn bị tham vọng xây đập ngày càng lớn, càng sâu, càng dài, càng cao hơn ám ảnh. Và như vậy, Trung Quốc đã hoàn tất đập lớn nhất thế giới Tam Hiệp, công trình được khoe là kiến trúc vĩ đại nhất trong lịch sử từ sau Vạn Lý Trường Thành…
Trong kế hoạch xây dựng đập mới, có công trình trên con sông cao nhất thế giới, Brahmaputra. Đập dự kiến nằm gần biên giới tranh chấp với Ấn Độ được canh phòng cẩn mật. Công xuất điện sản xuất gần gấp đôi của đạp Tam Hiệp, mà bồn chứa dài hơn là hồ lớn nhất của Great Lakes, Bắc Mỹ.
Một số quốc gia Đông Nam Á cũng có đề án xây đập, do công ty Trung Quốc tài trợ và xây dựng, như ở Lào và Miến Điện, để xuất khẩu điện sang Trung Quốc.
Bài viết ghi nhận là Trung Quốc cũng không mấy tỏ ra áy náy trong việc xây đập tại những nơi tranh chấp, như ở vùng Kashmir ở Pakistan, hay vùng sắc tộc thiểu số miền bắc Miến Điện.
Từ khi Trung Quốc xây một loạt đập to lớn trên sông Mêkông, hạn hán trở nên thường xuyên hơn ở các nước hạ lưu. Và điều đó đã khuấy động quan hệ với các nước khác, vì Bắc Kinh không chấp nhận nguyên nhân đến từ đập của mình.
Giải pháp cứu vãng tình hình ?
Trong thực tế, Trung Quốc đã tìm cách đóng vai kẻ cứu tinh, hứa sẽ xả thêm nước từ các con đập xuống cho các quốc gia bị hạn hán. Nhưng đề nghị này chỉ nêu bật tình trạng phụ thuộc hoàn toàn mới của các nước hạ nguồn vào thiện chí của Trung Quốc - một sự phụ thuộc được đặt ra ngày càng sâu sắc khi Trung Quốc xây dựng thêm những con đập khổng lồ trên sông Mêkông.
Với những tai họa về nước ngày càng tồi tệ trên khắp châu Á, lục địa này phải đối mặt với sự lựa chọn rõ ràng - đi theo con đường hiện tại, điều này chỉ có thể dẫn đến suy thoái môi trường nhiều hơn và thậm chí là chiến tranh nước, hoặc thay đổi cơ bản bằng cách bắt đầu con đường hợp tác dựa trên quy tắc.
Con đường thứ hai không chỉ đòi hỏi sự chia sẻ nước và lưu lượng dữ liệu thủy văn miễn phí mà còn đòi hỏi quản lý hiệu quả hơn việc tiêu thụ nước, tăng sử dụng nước tái chế và khử muối, và các nỗ lực bảo tồn và thích ứng.
Không thể làm được điều này nếu không có sự hợp tác của Trung Quốc, cho đến nay vẫn từ chối tham gia vào các thỏa thuận chia sẻ nguồn nước với bất kỳ nước láng giềng nào.
Nếu Trung Quốc không từ bỏ cách tiếp cận hiện tại, triển vọng cho một trật tự dựa trên quy tắc ở châu Á có thể bị xóa bỏ vĩnh viễn. Do đó, theo ông Chellaney, việc kéo được Trung Quốc vào cuộc đã trở nên thiết yếu trong việc quản lý nguồn nước vì hòa bình ở châu Á.
Trung Quốc biến nguồn nước thành vũ khí, gây thêm hạn hán ở châu Á (rfi.fr)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten