vrijdag 11 december 2020

Cội nguồn Covid : Trung Quốc cho phép chuyên gia WHO điều tra... từ xa + Dưới áp lực của Mỹ, Tổ Chức Y Tế Thế Giới chấp nhận cuộc điều tra đánh giá độc lập

 

Cội nguồn Covid : Trung Quốc cho phép chuyên gia WHO điều tra từ xa

Mô hình virus corona - Covid-19. Ảnh chụp ngày 11/11/2020 tại Triển lãm Y tế Thế giới, Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc.
Mô hình virus corona - Covid-19. Ảnh chụp ngày 11/11/2020 tại Triển lãm Y tế Thế giới, Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc. AFP - STR
Tú Anh
9 phút

Covid, Vac-xin, Chính trường Mỹ, Brexit, Khí hậu, những vấn đề được gọi là khủng hoảng hay bế tắc chiếm hầu hết các trang chính báo chí Pháp. Le Figaro đặc biệt tập trung vào cuộc điều tra cội nguồn Covid-19, vì sao bị khó khăn và cản trở.

Trang nhất báo Pháp hôm nay khá đa dạng. Do hệ quả Covid, muc tiêu chống biến đổi khí hậu bị lãng quên, Liên Hiệp Quốc kêu gọi thực hiện chương trình xanh cho dù các nước đã phải chi ra 10.000 tỷ đôla, 12% GDP, để chống đỡ cho kinh tế, tựa và dẫn nhập của Le Monde.

La Croix và Le Monde cùng giới thiệu chiếc hàng không mẫu hạm mới chạy bằng năng lượng hạt nhân  « hầu đáp ứng với những thách thức trên biển trong tương lai và sẽ thay thế tàu sân bay Charles De Gaulle kể từ 2038 với những máy bay chiến đấu tương lai ».

Libération giành trang bìa và 4 trang trong để khen ngợi cầu thủ bóng đá Câu lạc bộ Paris Saint-Germain, Pháp và Basaksehir, Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng thanh bỏ sân đấu để phản đối trọng tài Rumani gọi một huấn luyện viên da đen là « anh đen ». Theo nhật báo thiên tả, đây là một hành động dũng cảm trong giới bóng đá dứt khoát dấn thân chống kỳ thị chủng tộc.

La Croix mời độc giả theo dõi hành trình của một liều vac-xin chống Covid, tựa trên trang nhất.

Một năm sau, nguồn gốc Covid-19 vẫn là điều bí ẩn. Trung Quốc không cho chuyên khoa học gia quốc tế nhập cảnh điều tra về loài vật trung gian đem siêu vi lây qua người. Le Figaro cống hiến ba bài báo.

Trung Quốc vẫn bế quan

1,5 triệu nạn nhân đã chết vì Covid-19 nhưng cuộc điều tra về cội nguồn của siêu vi thủ phạm gặp đầy khó khăn. Giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới cam kết sẽ làm mọi cách để truy tìm nguồn cội nhưng Bắc Kinh vẫn cho là siêu vi xuất phát từ bên ngoài và không cho chuyên gia quốc tế vào Trung Quốc.

Con tê tê không còn bị nghi ngờ, nhưng tất cả các câu hỏi khác đều tồn tại : Bằng cách nào siêu vi Sars-CoV-2 qua được rào cản sinh vật học, lây nhiễm tràn lan trên địa cầu giết chết 1,5 triệu người ? Chính quyền Trung Quốc tiếp tục không cho các nhà khoa học nước ngoài đến Vũ Hán. Thái độ này chỉ làm chậm trể tiến trình điều tra và cho phép Bắc Kinh nhấn mạnh vào giả thuyết gây tranh cãi là siêu vi không xuất phát từ Trung Quốc. Và sau đó, cho « siêu vi chìm xuồng ».

Theo Le Figaro, phải chờ gần một năm cuộc họp đầu tiên trong giới chuyên gia được WHO Tổ Chức Y Tế Thế Giới, trao nhiệm vụ điều tra mới được triệu tập lần đầu tiên, và qua truyền hình trực tuyến với các đồng nghiệp Trung Quốc hồi cuối tháng 10. Danh sách chuyên gia tham dự chắc chắn phải được Bắc Kinh chấp thuận.

Cho dù bác sĩ Mike Ryan, đặc trách tình trạng khẩn cấp của WHO yêu cầu Trung Quốc cho phép chuyên gia quốc tế được đến tận Vũ Hán và chợ động vật hoang dã để hợp tác với chuyên gia Trung Quốc nhưng không một người nào được tới. Cho đến nay, cuộc điều tra do chuyên gia Trung Quốc thực hiện trong khi đồng nghiệp nước ngoài ngồi ở nước ngoài xem báo cáo và lập trình « thủ tục nghiên cứu » truy tìm.

Theo những nhà khoa học Tây phương có thể siêu vi sống ký sinh trong loài dơi và « biến đổi » để có được khả năng lây cho người. Nhưng lây bằng cách nào và từ bao giờ ? Câu hỏi không có câu trả lời. Sinh vật trung gian bị nghi oan là con tê tê. Tại Trung Quốc đã từng xảy ra dịch viêm phổi cấp tính sát hại hàng loạt heo chăn nuôi vào năm 2003 mà siêu vi Sars-CoV-1 bà con của Sars-CoV-2 . Chính phủ Trung Quốc cần phải nói rõ chuyện gì xảy ra trong các trại chăn nuôi.

Donald Trump vẫn tố cáo Trung Quốc làm xẩy siêu vi từ phòng thí nghiệm P4 ở Vũ Hán, khẳng định có chứng cớ nhưng không cung cấp. Giả thuyết « có bàn tay con người » cũng khó có thể xảy ra vì đòi hỏi điều kiện mà khoa học chưa đủ khả năng xử lý.

Giả thuyết thì nhiều mà khả tín thì không có cái nào. Thời gian càng kéo dài thì dấu tích càng tan biến và lẫn lộn vào nhau : siêu vi đã lây qua người và người đã lây sang thú.

Theo bác sĩ Mike Ryan, mọi người đều muốn nhanh chóng tìm ra sự thật. Đồng nghiệp Trung Quốc cũng rất nôn nóng.

« Thế thì họ chứng tỏ đi », nhật báo thiên hữu khiêu khích.

Vac-xin Covid Mỹ và Anh : kết quả thử nghiệm được công bố

Một năm sau khi đại dịch Covid bùng lên tại Vũ Hán, cho dù vac-xin đã có nhưng tiêm ngừa là một vấn đề. Kết quả đầu tiên đã được kiểm chứng và công bố, tựa của Le Monde và Liberation. Còn theo La Croix, tại châu Âu, với những phương tiện dồi dào nhất, hoàn tất chiến dịch tiêm ngừa không phải là dễ.

Những kết luận khoa học về hiệu năng vac-xin của hai viện bào chế AstraZeneca (Anh)  và Pfizer –BioNTech (Mỹ-Đức) đã được tạp chí khoa học có uy tín The Lancet xác nhận. Trong số những người tình nguyện có bao nhiêu người vẫn bị lây nhiễm, những ai bị phản ứng phụ, phản ứng phụ ra sao (sưng đỏ chổ tiêm, nhức đầu, đau cơ bắp, sốt nhẹ..) đều được báo cáo. Những ẩn số chưa có giải đáp cũng được trình bày ( không rõ hiệu năng có hơn hai tháng hai không, vì thời gian theo dõi thử nghiệm chưa đủ dài đối với cả hai). Ẩn số khác là không biết người được miễn nhiễm, trong trường hợp bị lây, có (vô tình) truyền siêu vi cho người chung quanh hay không ?

La Croix đặt vấn đề hậu cần và tổ chức tiêm đại trà : Phải chờ đến mùa Xuân, ba hoặc bốn tháng nữa, mới có đủ vac-xin cho đông đảo dân chúng. Từ vận chuyển cho đến nơi tích trữ đều được giữ bí mật. Theo nhật báo Công giáo, tại châu Âu, 27 thành viên đã phối hợp phân phối thuốc tiêm, khoảng 2 tỷ liều đã được đặt hàng.  Ý dự trù tiêm cho 70% dân số, Tây Ban Nha huy động tất cả các trung tâm y tế công tư, Đức lập ra những « sân tiêm ngừa » dã chiến.

Dân Pháp chờ tin ngày 15/12/2020

Tại Pháp, người dân mong đến ngày 15/12 với hy vọng chính phủ  sẽ nới nhẹ biện pháp chống dịch để mọi người  vui vẻ đón Giáng sinh và Tất niên. Les Echos cảnh báo coi chừng thất vọng.

Trong một bài tường thuật dài và dựa theo số liệu mới nhất của Viện Pasteur, nhật báo kinh tế kêu gọi không nên giảm cảnh giác. Ngưỡng lây nhiễm hàng ngày 5000 ca mà tổng thống Macron đề ra để tiến hành bỏ phong tỏa khó có thể đạt được vào ngày 15 tháng 12. Tóm lại là phải từ bỏ hy vọng « phá rào » họp mặt trong dịp lễ cuối năm, Giáng sinh và  ăn Tết Tây.

Ngày 15 tháng 12, trên nguyên tắc, chính phủ sẽ cho phép các rạp hát, chiếu phim, kịch nghệ mở lại cùng với sinh hoạt thể thao của trẻ em cũng như bỏ lệnh xuất trình giấy xin di chuyển.

Tuy nhiên, vì vận tốc lây lan của Covid vẫn còn cao, 13 ngàn ca ngày hôm qua, theo Les Echos, chính phủ Pháp có thể ban hành lệnh giới nghiêm vào lúc 20 giờ sẽ gây khó khăn cho ngành giải trí. Chương trình dự thánh lễ nửa đêm đón sinh nhật Chúa và Ggiao thừa Tết tây sẽ bị xáo trộn vì đêm 24 và 31 vẫn bị giới nghiêm.

Phải cứu nền dân chủ Mỹ

Vì sao nền dân chủ Mỹ bị đe dọa và vì sao phải cứu, cứu bằng cách nào ? Đó là nội dung bài thời luận của Le Monde.

Theo nhà báo Sylvie Kauffmann, Donald Trump hết làm tổng thống là tin vui vẻ nhưng tin buồn là ông ấy vẫn ở đó. Đảng Cộng Hòa đã nằm trong tay Donald Trump, ông cũng quyên được hơn 200 triệu đôla để tài trợ chiến dịch phản đối kết quả bầu cử. Cho đến nay chỉ có 27 dân biểu Cộng Hòa trên 249 công nhận chiến thắng của Joe Biden.

Vì sao phải cứu nền dân chủ Mỹ vì từ Thế chiến thứ hai đến nay Mỹ là mô hình dân chủ của thế giới tự do làm gương và là niểm mong ước của nhiều nước khác. Để tiếp tục làm lãnh đạo thế giới tự do, Hoa Kỳ phải đánh bóng chế độ dân chủ sau bốn năm Donald Trump. Vấn đề, như Barack Obama lo ngại, xu hướng mị dân đã là ngon sóng ngầm trước khi Donald Trump lao vào chính trường. Joe Biden chỉ có hai giải pháp một là phục hưng hay là cải cách. Theo Le Monde, không nên chọn giải pháp phục hưng vì phe Donald Trump còn đó.

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20201210-c%E1%BB%99i-ngu%E1%BB%93n-covid-trung-qu%E1%BB%91c-cho-ph%C3%A9p-chuy%C3%AAn-gia-who-%C4%91i%E1%BB%81u-tra-t%E1%BB%AB-xa

Chuyên gia WHO đến Bắc Kinh tiền trạm cho điều tra về nguồn gốc virus corona

Hình minh họa: Biển ghi bằng tiếng Trung và Pháp  trước trụ sở Tổ Chức Y Tế Thế Giới tại Genève, Thụy Sĩ.
Hình minh họa: Biển ghi bằng tiếng Trung và Pháp trước trụ sở Tổ Chức Y Tế Thế Giới tại Genève, Thụy Sĩ. AFP - FABRICE COFFRINI
Anh Vũ
2 phút

Theo AFP, hôm nay, 11/07/2020, các chuyên gia của Tổ Chức Y Tế tới Bắc Kinh để chuẩn bị cho cuộc điều tra về nguồn gốc virus corona, xuất hiện ở Trung Quốc từ cuối 2019 và lây lan ra khắp thế giới.

Chuyến công tác của hai chuyên gia, một về dịch tễ học và một về thú y, diễn ra một ngày sau khi WHO kêu gọi cảnh giác trước tình trạng bùng phát lây lan của virus corona tiếp tục trên thế giới.

Đến lúc này trận đại dịch Covid-19 đã làm hơn 556 nghìn người chết trên toàn cầu và tiếp tục lây nhiễm mạnh, đặc biệt tại Mỹ và Brazil.

Theo phát ngôn viên của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, Margaret Harris, các chuyên gia tới Bắc Kinh sẽ làm việc với các quan chức Trung Quốc để xác định những địa điểm cho cuộc điều tra sắp tới.

Bà Harris cho biết thêm, một trong những vấn đề quan trọng là tìm hiểu liệu có phải virus corona được truyền từ động vật sang người, và nếu có thì đó là động vật nào ?

Hôm qua, Hoa Kỳ đã lên tiếng hoan nghênh thông báo mở điều tra của WHO tại Trung Quốc. Đại sứ Mỹ bên cạnh các tổ chức của Liên Hiệp Quốc, tại Genève, Andrew Bremberg nhận định : « cuộc điều tra khoa học này là giai đoạn cần thiết để thấu hiểu minh bạch về cách thức virus lây lan ra khắp thế giới ».

Đây là phát biểu tích cực hiếm có từ Hoa Kỳ, dù trước đó chính quyền Donald Trump đã chính thức tiến hành các thủ tục để rút khỏi Tổ Chức Y Tế Thế Giới.   

Ngay từ đầu dịch, Washington đã chỉ trích tổ chức quốc tế này phản ứng chậm trễ và nhất là đã chạy theo đuôi Trung Quốc khi virus xuất hiện.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200711-chuy%C3%AAn-gia-who-%C4%91%E1%BA%BFn-b%E1%BA%AFc-kinh-ti%E1%BB%81n-tr%E1%BA%A1m-cho-%C4%91i%E1%BB%81u-tra-v%E1%BB%81-ngu%E1%BB%93n-g%E1%BB%91c-virus-corona

Covid-19: Dưới áp lực của Mỹ, Tổ Chức Y Tế Thế Giới chấp nhận cuộc điều tra đánh giá độc lập

Trụ sở của Tổ Chức Y Tế Thế Giới tại Geneve, Thụy Sĩ. Ảnh chụp ngày 19/05/2020
Trụ sở của Tổ Chức Y Tế Thế Giới tại Geneve, Thụy Sĩ. Ảnh chụp ngày 19/05/2020 REUTERS/Denis Balibouse
Tú Anh
3 phút

Chiều thứ Ba 19/05/2020 tại Genève, 194 thành viên của Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO/OMS, thông qua một nghị quyết yêu cầu "đánh giá độc lập và khách quan" hoạt động của cơ quan đối phó với đại dịch Covid-19.

Dự thảo nghị quyết do Liên Hiệp Châu Âu đề xuất là một thỏa hiệp vừa làm hài lòng phần nào Washington, vừa không làm mất mặt Bắc Kinh và cũng không quên phần cốt lõi là chia sẻ thành quả nghiên cứu thuốc trị và vac-xin cho nhân loại chứ không dành ưu tiên cho một nước nào.

Từ Genève, thông tín viên  Jérémie Lanche tường thuật kết quả tích cực bất ngờ này:

« Hội nghị qua video, dài 15 tiếng đồng hồ, chia ra hai ngày thảo luận kết thúc trong tiếng pháo tay không thể gọi là cường điệu. Bởi vì cho đến phút chót, không ai biết phản ứng của  Hoa Kỳ ra sao ? Có ngăn chận nghị quyết hay không ?

Nghị quyết của đại hội đồng Y Tế Thế Giới yêu cầu các quốc gia thành viên cũng như các công ty dược phẩm phải làm mọi cách để thuốc trị liệu siêu vi corona đang gây đại dịch, kể cả vac-xin  được đến tay tất cả mọi người. Washington không ủng hộ điều khoản này như quy chế của WHO/OMS cho phép một thành viên quyền lựa chọn. Trái lại, phía Mỹ rất hài lòng với quyết định cần phải đánh giá hành động của Tổ Chức Y Tế Thế Giới  trong cung cách đối phó với đại dịch Covid-19 một cách độc lập. Còn điều tra đến đâu, nghị quyết không xác định rõ hình thái, đó là một cách để không làm Bắc Kinh cảm thấy bị chỉ tên.

Nói tóm lại, nghị quyết là kết quả của thỏa hiệp. Tuy nhiên, thỏa hiệp này không tháo gỡ được áp lực đe dọa của Mỹ. Tổng thống Donald Trump kỳ hạn cho Tổ Chức Y Tế Thế Giới  trong vòng một tháng để cải cách cụ thể, nếu không, Hoa Kỳ sẽ rút ra khỏi Tổ Chức. »

Ngoài Liên Hiệp Châu Âu, WHO/OMS cũng được Matxcơva ủng hộ chống lại lập luận đả kích của Mỹ lên án tổ chức này theo Bắc Kinh. Theo thứ trưởng Ngoại Giao Serguei Riabkov, Tổ Chức Y Tế Thế Giới cần phải được cải cách, phải minh bạch, Nga sẵn sàng tham gia trong tinh thần trách nhiệm, nhưng Nga chống lại hành động "chính trị hóa nhằm phá nát" WHO/OMS.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200520-covid-19-d%C6%B0%E1%BB%9Bi-%C3%A1p-l%E1%BB%B1c-c%E1%BB%A7a-m%E1%BB%B9-t%E1%BB%95-ch%E1%BB%A9c-y-t%E1%BA%BF-th%E1%BA%BF-gi%E1%BB%9Bi-ch%E1%BA%A5p-nh%E1%BA%ADn-cu%E1%BB%99c-%C4%91i%E1%BB%81u-tra-%C4%91%C3%A1nh-gi%C3%A1-%C4%91%E1%BB%99c-l%E1%BA%ADp

Geen opmerkingen:

Een reactie posten