woensdag 9 december 2020

Biển Đông: Các căn cứ Trung Quốc ở Trường Sa không có giá trị về quân sự ? + Tàu tuần duyên Mỹ đến Thái Bình Dương để chống các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông

 

Biển Đông: Các căn cứ Trung Quốc ở Trường Sa không có giá trị về quân sự ?

Ảnh chụp Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef,) từ máy bay dọ thám Mỹ P-8A Poseidon, ngày 21/05/2015.
Ảnh chụp Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef,) từ máy bay dọ thám Mỹ P-8A Poseidon, ngày 21/05/2015. Reuters
Trọng Nghĩa
8 phút

Trong bối cảnh các hành động quân sự hóa Biển Đông của Bắc Kinh tiếp tục gây quan ngại nơi các nước bên trong và bên ngoài khu vực, một tạp chí chuyên đề Trung Quốc mới đây đã có một phân tích bi quan khác thường về giá trị của các tiền đồn mà Bắc Kinh đã dày công xây dựng ở Trường Sa, không ngần ngại cho rằng về mặt quân sự, các căn cứ của Bắc Kinh ở Biển Đông hầu như không có giá trị.

Theo đài truyền hình Mỹ CNN ngày 07/12/2020, và nhật báo Hồng Kông South China Morning Post trước đó một hôm, đó là một bài viết đăng trên nguyệt san Naval and Merchant Ships của Tập Đoàn Đóng Tàu Nhà Nước Trung Quốc CSSC, trụ sở ở Bắc Kinh. Tập đoàn này là một nhà cung cấp quan trọng cho Hải Quân Trung Quốc.

Nội dung bài viết trên tạp chí quân sự Trung Quốc đã đã được CNN nêu bật trong hàng tựa: “Bắc Kinh có thể đã xây dựng các căn cứ ở Biển Đông, nhưng điều đó không có nghĩa là họ có thể bảo vệ các cơ sở này”. SCMP thì đi sâu hơn vào chi tiết, ghi nhận các căn cứ quân sự của Bắc Kinh ở Biển Đông "rất dễ bị tấn công" và "không đóng góp gì nhiều" trong trường hợp nổ ra xung đột.

“Những điểm yếu tự nhiên xét về khả năng tự vệ”

Theo CNN, Bắc Kinh đã bỏ ra nhiều năm để biến các đảo đá ở Biển Đông thành các căn cứ quân sự và sân bay, trên môt vùng biển rất xa Hoa Lục và các đảo lớn khác, trải rộng trên 3,3 triệu km vuông. Tuy nhiên, theo các tác giả trong bài phân tích trên tờ báo Trung Quốc, các căn cứ này “có lợi thế độc nhất vô nhị trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và duy trì sự hiện diện quân sự ở vùng biển xa”, nhưng lại có “những điểm yếu tự nhiên xét về khả năng tự vệ”.

Theo nguyệt san Naval and Merchant Ships, về vị trí địa dư chẳng hạn, các tiền đồn trên đây cho phép Trung Quốc mở rộng quyền kiểm soát ra tận khu vực Trường Sa, nhưng các căn cứ này lại ở rất xa những nơi có thể tiếp ứng trong trường hợp nổ ra chiến tranh.

Một ví dụ được nêu bật là trường hợp Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) ở Trường Sa, cách thành phố Tam Á trên đảo Hải Nam của Trung Quốc 1.000 km, và cách quần đảo Hoàng Sa, cũng do Bắc Kinh kiểm soát, đến 800 km. Với khoảng cách này, các chiến hạm tiếp ứng nhanh nhất của Trung Quốc sẽ phải mất hơn 20 tiếng mới tới được bãi đá.

Chính vì khoảng cách quá xa đó mà Trung Quốc khó có thể triển khai chiến đấu cơ của họ đến nơi một cách hiệu quả, vừa do vấn đề tiếp tế nhiên liệu trên không, vừa có thể dễ bị chiến hạm đối phương đánh chặn hoặc tấn công. Bắc Kinh hiện có hai tàu sân bay đang hoạt động, về lý thuyết có thể được triển khai tới Biển Đông, nhưng các con tàu này cũng cần phải ở gần khu vực vào thời điểm xảy ra bất kỳ sự cố nào.

"Mồi ngon cho đối phương"

Bài báo trên nguyệt san Trung Quốc còn nêu bật nguy cơ các tiền đồn này là mồi ngon cho tên lửa, máy bay và chiến hạm của đối phương khi nổ ra xung đột, do vị trí xa xôi của các căn cứ, khó nhận được sự yểm trợ từ đất liền.

Các tiền đồn Trung Quốc ở Trường Sa, theo bài báo, có thể là mục tiêu của cả hệ thống tên lửa tầm xa của Mỹ và Nhật Bản, hoặc lực lượng Hải Quân của hai nước này trong khu vực. Và ngay cả khi không bị trực tiếp tấn công, các căn cứ này sẽ dễ dàng bị phong tỏa, khiến cho các nguồn tiếp tế bị ngăn chặn.

Bài báo ghi nhận: “Các nơi trú ẩn trên đảo thiếu thảm thực vật, đất đá tự nhiên và các lớp phủ khác che chắn, lại không có độ cao cần thiết so mực nước biển, khiến cho nhân sự và tài nguyên không thể trụ lại lâu dài trong các công sự ngầm dưới đất”. Chính vì lý do đó mà khả năng chống trả những cuộc tấn công “rất hạn chế”.

Theo chuyên gia quốc phòng Malcolm Davis, thuộc Viện Chính Sách Chiến Lược Úc ASPI, còn có nhiều vấn đề khác khiến việc bảo vệ các hòn đảo trở nên đặc biệt khó khăn: “Điều kiện môi trường khắc nghiệt ở Biển Đông - nước mặn ăn mòn, thời tiết xấu - khiến cho gần như không thể triển khai bất cứ thứ gì trên các đảo để bảo vệ các căn cứ này”.

Theo chuyên gia Davis, các loại chiến đấu cơ rất đắt tiền và tối tân sẽ gần như không hoạt động được “trong vòng một tuần, hoặc lâu hơn một chút, trên những hòn đảo này”. Ngoài ra, cho dù một số căn cứ có thể hữu hiệu trong việc bắn trả, các nơi này sẽ là một trong những mục tiêu đầu tiên nếu xung đột xảy ra ở Biển Đông.

Đối với chuyên gia Davis, “những gì Trung Quốc đang cố gắng làm là thôn tính một vùng hàng hải quốc tế, kiểm soát và chiếm đoạt các vùng biển quốc tế, và để làm được điều đó, họ cần phải hiện diện thường xuyên trong khu vực”. Các căn cứ của Bắc Kinh ở Biển Đông, theo chuyên gia Úc, đủ để cho phép Trung Quốc áp đặt các yêu sách lãnh thổ trước mắt, nhưng rõ ràng là “Bắc Kinh không có một bước đi thực tế nào trong dài hạn, vì họ không thể thực sự bảo vệ những căn cứ đó.”

Mối e ngại Bắc Kinh trả đũa

Vấn đề mà CNN ghi nhận là Bắc Kinh có thể dựa trên thực tế rằng bất kỳ cuộc tấn công nào nhắm vào một căn cứ của họ ở Biển Đông – kể cả vào một tiền đồn bị coi là phi pháp theo luật quốc tế - sẽ bị xem là một hành động chiến tranh chống lại một cường quốc hạt nhân với nguồn lực quân sự to lớn.

Mối đe dọa bị Trung Quốc trả đũa có thể đủ để khiến cho không nước nào dám tấn công vào các tiền đồn của Trung Quốc trên Biển Đông.

CNN cũng đặc biệt ghi nhận rằng Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất có các căn cứ hiểm yếu ở xa đất liền có thể bị tiêu diệt bằng các cuộc tấn công phủ đầu. Đảo Guam của Mỹ hay đảo Okinawa của Nhật Bản, nơi có các căn cứ không quân lớn của Mỹ, đều nằm trong tầm tấn công tên lửa của Trung Quốc, điều mà Bắc Kinh đã nhắc nhở Washington trong quá khứ.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên gần như toàn bộ Biển Đông, và kể từ năm 2014 đã xây dựng các bãi đá ngầm và bãi cát nhỏ thành các đảo nhân tạo kiên cố có tên lửa, phi đạo và hệ thống vũ khí.

Hoa Kỳ - xem các tuyên bố của Trung Quốc là bất hợp pháp - đã phản công bằng cách điều tàu chiến đến gần các đảo đá mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền hoặc chiếm đóng, trong những chiến dịch "bảo vệ tự do hàng hải". Washington và các đồng minh nói rằng các cuộc tuần tra như vậy chính là thực thi quyền đi lại tự do trong vùng biển quốc tế, trong khi Trung Quốc cho rằng đó là hành động vi phạm chủ quyền của họ.

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20201209-bi%E1%BB%83n-%C4%91%C3%B4ng-c%C3%A1c-c%C4%83n-c%E1%BB%A9-trung-qu%E1%BB%91c-%E1%BB%9F-tr%C6%B0%E1%BB%9Dng-sa-kh%C3%B4ng-c%C3%B3-gi%C3%A1-tr%E1%BB%8B-v%E1%BB%81-qu%C3%A2n-s%E1%BB%B1

Tàu tuần duyên Mỹ đến Thái Bình Dương để chống các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông

(Ảnh minh họa) - Một tàu tuần duyên của Mỹ.
(Ảnh minh họa) - Một tàu tuần duyên của Mỹ. @US Coast Guard
Thanh Phương
3 phút

Hôm qua, 23/10/2020, Hoa Kỳ thông báo gởi các tàu tuần tra của lực lượng tuần duyên Mỹ đến vùng Thái Bình Dương để chống lại các hoạt động « gây mất ổn định » của Trung Quốc tại các vùng đánh cá đang có tranh chấp ở Biển Đông.

Theo hãng tin AFP, trong một thông cáo, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng, Robert O’Brien, cáo buộc Bắc Kinh « đánh bắt trái phép » và « sách nhiễu » các tàu cá của những nước láng giềng, đồng thời thông báo là lực lượng tuần duyên đang triển khai các tàu tuần tra nhanh đến khu vực tây Thái Bình Dương.

Ông O’Brien nói rõ là các tàu tuần tra lớp Sentinel sẽ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh hàng hải, nhất là hỗ trợ cho các ngư dân, qua việc cộng tác với các đối tác trong khu vực mà khả năng giám sát biển còn hạn chế. Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng cho biết thêm là lực lượng tuần duyên Mỹ, trực thuộc bộ An Ninh Nội Địa Hoa Kỳ, dự trù sẽ đặt thường xuyên các tàu tuần tra này tại vùng lãnh thổ Samoa của Mỹ, nằm ở vùng nam Thái Bình Dương.

Washington thường xuyên tố cáo Bắc Kinh vi phạm luật pháp quốc tế khi điều động các chiến hạm để hộ tống những tàu đánh cá của Trung Quốc hoạt động tại ngư trường của các nước khác. Hồi tháng 07/2020, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Mark Esper đã lên án những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, cáo buộc hải quân Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá Việt Nam, quấy nhiễu các công ty thăm dò dầu khí của Malaysia và hộ tống các tàu cá Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia. Vào tháng 09, Jakarta đã phản đối vụ một tàu hải cảnh Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.

Trong khi đó, hôm qua, Philippines và Nhật Bản đã nhấn mạnh là các quốc gia phải ngưng mọi hoạt động có thể gây thêm căng thẳng ở Biển Đông. Trong một cuộc họp trực tuyến, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana và đồng nhiệm Nhật Nobuo Kishi, cũng đã nêu bật tầm quan trọng của tự do hàng hải tại các vùng tranh chấp ở Biển Đông.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201024-t%C3%A0u-tu%E1%BA%A7n-duy%C3%AAn-m%E1%BB%B9-%C4%91%E1%BA%BFn-th%C3%A1i-b%C3%ACnh-d%C6%B0%C6%A1ng-%C4%91%E1%BB%83-ch%E1%BB%91ng-c%C3%A1c-ho%E1%BA%A1t-%C4%91%E1%BB%99ng-c%E1%BB%A7a-trung-qu%E1%BB%91c-%E1%BB%9F-bi%E1%BB%83n-%C4%91%C3%B4ng

Geen opmerkingen:

Een reactie posten