Thiện Lê/Người Việt
HOLLYWOOD, California (NV) – Điện ảnh Hoa Kỳ có rất nhiều đạo diễn để lại dấu ấn của họ, với những cách quay, cách thể hiện rất độc đáo, và hoàn toàn thay đổi cách khán giả nhìn về phim ảnh.
Một trong những đạo diễn đó là Steven Spielberg, một tên tuổi gắn liền với giai đoạn Phục Hưng Hollywood từ thập niên 1960 đến 1980. Trong giai đoạn đó, nhiều đạo diễn trẻ xuất hiện và bắt đầu thành công.
Ông vẫn tiếp tục thành công sau giai đoạn Phục Hưng Hollywood, và đoạt hai giải Oscar đạo diễn xuất sắc nhất trong thập niên 1990.
Đến nay, đạo diễn và nhà sản xuất phim 73 tuổi này vẫn là một nhân vật rất quan trọng của Hollywood vì có thể làm nhiều thể loại phim rất thành công.
Chính vì vậy, khán giả không thể nào bỏ qua được bảy bộ phim gắn liền với tên tuổi của ông.
E.T. the Extra-Terrestrial
“E.T.: The Extra-Terrestrial” sản xuất năm 1992 nói về một tình bạn giữa cậu bé Elliot và một người ngoài hành tinh có tên E.T. Người ngoài hành tinh đó bị kẹt ở Trái Đất và được cậu bé kia đưa về nhà ở California để sống chung, nhưng không cho cha mẹ biết.
Sau đó, E.T. trở bệnh, khiến chính phủ Hoa Kỳ phải can thiệp và gây nhiều tình huống khó khăn cho các nhân vật.
Với sự dẫn dắt của đạo diễn lừng danh Steven Spielberg, “E.T.: The Extra-Terrestrial” có nhiều khoảnh khắc rất đáng nhớ, làm khán giả động lòng vì tình bạn giữa hai nhân vật chính.
Bộ phim này có những yếu tố thường thấy trong các phim của đạo diễn Spielberg như ly dị, sự cô đơn và gia đình thiếu vắng một người cha. Khán giả thấy được những yếu tố đó qua mắt của một thiếu niên, nhưng độ tuổi nào cũng có thể hiểu được những cảm xúc đó.
Phim này lại còn có nhạc nền do nhạc sĩ John Williams sáng tác, góp phần tạo thêm cảm xúc cho khán giả.
Qua tầm nhìn của đạo diễn Spielberg, “E.T.: The Extra-Terrestrial” được coi là một trong những phim khai phá thể loại khoa học viễn tưởng, và thắng bốn giải Oscar.
Tuy vậy, đạo diễn Spielberg chỉ được đề cử nhận Oscar đạo diễn xuất sắc nhất.
Indiana Jones
“Indiana Jones” cũng là một tác phẩm không thể quên được của đạo diễn Steven Spielberg. Hình ảnh tài tử Harrison Ford đội chiếc mũ fedora, cầm cây roi và nhạc nền của dòng phim đã quá quen thuộc với khán giả từ thập niên 1980 đến nay.
Với phần đầu “Raiders of the Lost Ark” công chiếu năm 1981, bộ phim này nói về nhà khảo cổ học Indiana Jones đi tìm một cổ vật vô giá.
Trong các cuộc phiêu lưu, ông phải đối chọi với lính Đức Quốc Xã vì cổ vật ông đang tìm có thể thay đổi thế giới.
Vừa gặp nguy hiểm liên tục, vừa sợ rắn và vừa phải đối phó với người tình cũ, nhà khảo cổ Indiana Jones làm khán giả vừa hồi hộp và vui cười lúc nào không biết được.
Phần hai “Temple of Doom” cũng thành công, nhưng không gây ấn tượng cho khán giả như phần ba “The Last Crusade.”
Trong phần ba, tài tử Sean Connery đóng vai cha của nhà khảo cổ Indiana Jones, và sự ăn khớp giữa hai diễn viên chính không thể nào chê được.
Phần ba này có những cảnh khó quên như cho Adolf Hitler ký cuốn sổ đựng nhiều thông tin liên quan đến Chén Thánh và cảnh “không có vé.”
Jaws
Có thể nói tác phẩm “Jaws” của năm 1975 là phim gầy dựng tên tuổi của đạo diễn Spielberg, vừa được đánh giá cao, vừa có doanh thu cao không thể ngờ được.
Bộ phim có bối cảnh ở thị trấn ven biển Amity Island của vùng New England, có rất nhiều du khách đến. Sau khi một cô gái chết vì bị cá mập tấn công, cảnh sát trưởng của thị trấn này muốn đóng bãi biển, nhưng thị trưởng không đồng ý vì sợ thị trấn mất nguồn thu nhập chính. Vì vậy, một nhóm nhà ngư học quyết định giúp cảnh sát trưởng bắt con cá mập đó.
“Jaws” được hãng Universal quảng cáo rất dữ dội trong thập niên 1970, từ trên truyền hình đến các bảng quảng cáo, và từ đó tạo ra phong trào phim “bom tấn.”
Vì xem quá nhiều quảng cáo, khán giả tò mò đi xem “Jaws” rất đông, phải xếp hàng từ rạp phim dài đến một block đường, và nhiều người còn đợi để xem lại.
Tuy được quảng cáo nhiều, nhưng sự thành công chính của “Jaws” phần lớn nhờ vào cách thể hiện đạo diễn Spielberg. Ông biết mọi cách để làm khán giả hồi hộp, nín thở và giật mình trong từng giây phút của bộ phim này.
Bộ phim này từng làm nhiều người sợ ra biển, giống như tác phẩm “Psycho” của đạo diễn Alfred Hitchcock hồi năm 1968 từng làm nhiều người sợ bồn tắm có màn treo ở trên vì có kẻ giết người phía sau tấm màn.
Nhạc sĩ John Williams mang nhạc nền rất rùng rợn, góp phần làm khán giả sợ hãi hơn khi xem “Jaws.”
“Jaws” có doanh thu $472 triệu vào năm 1975, là một trong những phim bán chạy nhất trong lịch sử. Nếu tính theo lạm phát, doanh thu của bộ phim này vào năm 2020 sẽ hơn $2 tỷ.
Jurassic Park
Trong “Jurassic Park,” một nhóm khoa học gia được chọn để đến thăm một đảo công viên có khủng long được nhân bản lại bằng DNA. Tỷ phú John Hammond, chủ công viên khủng long, bảo đảm các khoa học gia họ sẽ an toàn, nhưng không ngờ khủng long sẽ hành động theo bản năng và tấn công họ.
Bộ phim sản xuất năm 1993 này đưa khán giả phải theo các nhân vật tìm cách tự bảo vệ mình khỏi khủng long, và phải vừa đặt câu hỏi liệu con người có nên nhân bản khủng long hay không, nếu công nghệ làm được điều đó.
Ngoài nội dung hấp dẫn, “Jurassic Park” còn là phim có kỹ xảo điện ảnh từ máy điện toán (CGI) đẹp nhất trong lịch sử điện ảnh, và có thể nói không thua gì phim hiện nay.
Qua ống kính của đạo diễn Steven Spielberg, khán giả lúc nào cũng thấy được vẻ đẹp của công viên khủng lòng này, nhưng vẻ đẹp đó nhanh chóng biến thành nỗi sợ hãi.
Ông lần nữa sử dụng nhạc nền của nhạc sĩ John Williams, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả, làm “Jurassic Park” thành một phim gắn liền với tên tuổi của mình.
Bộ phim này cũng là một trong những phim có doanh thu cao nhất lịch sử điện ảnh Mỹ, kiếm được đến $1.029 tỷ vào năm 1993. Nếu tính theo lạm phát, doanh thu của “Jurassic Park” vào năm 2020 sẽ hơn $2 tỷ.
Lincoln
Công chiếu năm 2012, “Lincoln” cũng là một trong những phim rất thành công của đạo diễn Steven Spielberg, nói về tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ là Abraham Lincoln.
Phim này có bối cảnh trong thời Nội Chiến Hoa Kỳ, và Tổng Thống Lincoln đang phải đối mặt với một năm khó khăn vì quá nhiều binh sĩ tử trận trong chiến tranh. Trong lúc này, ông sử dụng quyền tổng thống để tìm cách giải phóng những người gốc Phi Châu khỏi ách nô lệ, và thay đổi Hiến Pháp Hoa Kỳ.
Tài tử Daniel Day-Lewis đóng vai Tổng Thống Lincoln, và hoàn toàn hóa thân thành nhân vật từ lúc chuẩn bị cho đến hết giai đoạn sản xuất của bộ phim.
Trong vòng bảy tháng trời, ông biến thành Tổng Thống Lincoln trong từng cử chỉ và giọng nói. Ông làm như vậy cho đến khi chấm dứt quay phim, và gửi tin nhắn cho bạn diễn là minh tinh Sally Field theo cách viết của Tổng Thống Lincoln.
Lincoln khác với những phim khác của đạo diễn Spielberg vì không có kỹ xảo điện ảnh nhiều, chỉ để các nhân vật nổi trội trên màn ảnh.
Khán giả xem “Lincoln” phải rất chú ý vì có rất nhiều những chi tiết nhỏ làm bộ phim này thành công, và thấy được khả năng của đạo diễn Spielberg.
Ông Spielberg lại một lần nữa được đề cử nhận Oscar đạo diễn xuất sắc nhất, nhưng không đoạt giải. Tuy vậy, “Lincoln” đoạt hai giải Oscar là vai chính hay nhất và thiết kế xuất sắc nhất.
Saving Private Ryan
“Saving Private Ryan” của năm 1998 là phim lần đầu tiên tài tử Tom Hanks làm việc với đạo diễn Steven Spielberg và thành công không ai ngờ được.
Với bối cảnh những ngày tháng cuối của Đệ Nhị Thế Chiến, khi phe Đồng Minh đổ bộ vào Pháp, ông Hanks đóng vai Đại Úy John Miller phải dẫn dắt một tiểu đội đi tìm Binh Nhì Ryan do Matt Damon đóng.
Khán giả và các nhà phê bình phim đến giờ vẫn khen ngợi “Saving Private Ryan” vì diễn tả chiến tranh rất thật trên màn ảnh. Đoạn mở đầu của phim tạo ấn tượng sâu đậm vì dựa theo trận chiến trên bãi biển Omaha của vùng Normandy, nơi nhiều lính Mỹ tử trận vì Đức cố thủ.
Qua “Saving Private Ryan,” lại một lần nữa cho thấy khả năng đóng một nhân vật rất gần với đời thường của tài tử Hanks. Không chỉ vậy, ông còn phải chỉ huy cả dàn diễn viên và rất thành công.
“Saving Private Ryan” được đề cử nhận 11 giải Oscar, thắng năm giải, và một trong những giải đó là giải đạo diễn xuất sắc nhất lần thứ hai trong sự nghiệp của đạo diễn Spielberg.
Schindler’s List
“Schindler’s List” công chiếu năm 1993, nói về câu chuyện có thật của doanh gia người Đức, Oskar Schindler. Ông đến thành phố Krakow của Ba Lan để mở nhà máy, và trước đó đã gia nhập đảng Đức Quốc Xã để kiếm được nhiều tiền hơn.
Ông mở nhà máy và tuyển dụng nhiều công nhân gốc Do Thái, nhưng không ngờ sau đó Đức bắt đầu tàn sát người Do Thái. Doanh gia này muốn bảo vệ công nhân vì họ làm việc rất tốt, nhưng ông không ngờ mình sẽ thành vị cứu tinh cho hàng ngàn người Do Thái. Ông phải đối đầu với nhiều áp lực từ quân đội Đức, trong đó có sĩ quan Amon Goeth, người giám sát trại tập trung giam người Do Thái ở Ba Lan.
Vì việc làm tuy vì lợi nhuận, nhưng vẫn cao thượng, doanh gia Schindler đến giờ vẫn được nhiều thế hệ của người Do Thái mang ơn.
Với sự dẫn dắt của đạo diễn Spielberg và tài tử Liam Neeson đóng vai doanh gia Schindler, “Schindler’s List” là một trong những phim Đức Quốc Xã thành công nhất trong lịch sử.
Không chỉ vậy, sự lựa chọn quay bằng màu trắng đen lại làm cho bộ phim này thêm u sầu và đau khổ hơn.
Đây là tác phẩm giúp đạo diễn Spielberg đoạt giải Oscar đạo diễn xuất sắc nhất lần đầu trong sự nghiệp. (Thiện Lê) [qd]
—–
Liên lạc tác giả: le.thien@nguoi-viet.com
https://www.nguoi-viet.com/giai-tri/phim-anh-va-am-nhac/dao-dien-steven-spielberg-va-7-tac-pham-ty-do-dinh-dam-nhat-hollywood/
Geen opmerkingen:
Een reactie posten