The Economist: Quốc gia nổi bật năm 2019 là… Uzbekistan!
Đăng ngày:
Nhân dịp cuối năm, các tạp chí có thông lệ ra số đặc biệt, tập trung trên các chủ đề phi thời sự hay tổng kết năm cũ, dự báo năm mới. Đây là trường hợp của Le Point, L’Obs và The Economist, đều đã ra số kép, trong lúc Courrier International thì nhập ba số làm một.
Trong lúc L’Obs nhìn về tương lai, phác họa chân dung của những nhân vật sẽ làm nên năm 2020, Le Point đã lùi sâu về quá khứ, nêu bật những điều chưa được biết đến về nguồn gốc loài người.
The Economist như thường lệ đã ra số kép cuối năm với những bài “đặc biệt Giáng Sinh” nhưng không liên quan gì nhiều đến ngày lễ cuối năm này, còn Courrier International thì chú ý đến quan hệ tương thông giữa cây cối với con người.
Riêng tuần báo Pháp L’Express vẫn ra số đơn bình thường, nhưng dành hồ sơ đặc biệt 30 trang cho người Anh và đất nước Anh.
The Economist và danh hiệu “Quốc Gia tiêu biểu trong năm”
Nhân dịp cuối năm, điều được độc giả The Economist trông đợi nhất là tuần báo Anh sẽ bình chọn nước nào làm quốc gia nổi bật trong năm sắp kết thúc, danh hiệu được tờ báo gọi là “Country of the Year”. Trong một bài xã luận với tựa đề: “Quốc gia nào tiến bộ nhất trong năm 2019”, The Economist đã đưa ra câu trả lời khá bất ngờ: đó là Uzbekistan, một nước Trung Á thuộc Liên Xô trước đây, chỉ mới tuyên bố độc lập vào năm 1991.
Về toàn cảnh thế giới năm 2019, The Economist ghi nhận một xu hướng đáng ngại: Đó là chủ nghĩa dân tộc hiếu chiến. Ấn Độ thì tước bỏ quyền của cư dân Hồi Giáo, Trung Quốc thì nhốt người Hồi Giáo trong các trại, Mỹ thì đánh mạnh vào các tổ chức toàn cầu.
Á quân 1: New Zealand
Trong toàn cảnh đó, tạp chí Anh cho rằng thật là nhẹ nhõm khi thấy rằng vẫn có một số quốc gia đi theo hướng khác. New Zealand chẳng hạn, đáng được trân trọng nhờ phản ứng trước một vụ thảm sát tại một đền thờ Hồi Giáo mà thủ phạm là một người dân tộc chủ nghĩa da trắng. Bà thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern sau đó đã đội khăn trùm đầu và tuyên bố rằng một cuộc tấn công vào người Hồi Giáo là tấn công vào tất cả người dân New Zealand. Chính phủ của bà đã ra lệnh cấm các loại vũ khí bán tự động và mua lại hàng ngàn khẩu súng lưu hành trong dân chúng.
Á quân 2: Bắc Macedonia
Ấn tượng hơn nữa, theo The Economist, là nước Bắc Macedonia, đã đổi tên nước để thúc đẩy hòa bình với nước láng giềng Hy Lạp, vốn đã cực lực phản đối tên Macedonia đơn thuần. Việc các nhà lập pháp Macedonia nhún nhường thông qua việc đổi tên đất nước của họ đã góp phần cải thiện quan hệ với Hy Lạp, xóa bỏ được một nguyên nhân gây bất hòa tại một khu vực rất dễ bùng nổ.
Chỉ tiếc là nước Pháp, quốc gia được The Economist bình chọn thành nước tiêu biểu của năm 2017, lại đang ngăn chặn đường vào Liên Hiệp Châu Âu của Bắc Macedonia vì “sợ rằng việc đón thêm một quốc gia Balkan vào Liên Âu sẽ làm phiền cử tri Pháp”.
Á quân 3: Sudan
Đối với tạp chí Anh, có một nước khác cũng đáng được vinh danh là quốc gia tiêu biểu của năm 2019 trong việc xóa bỏ chế độ độc tài. Đó là trường hợp của Sudan, nơi mà các cuộc biểu tình rầm rộ đã buộc tổng thống Omar al-Bashir, một trong những bạo chúa tàn bạo nhất thế giới phải ra đi. Chế độ Hồi Giáo của Bashir đã sát hại và nô lệ hóa nhiều người châu Phi da đen đến nỗi mà một phần ba đất nước đã ly khai để thành lập nước Nam Sudan vào năm 2011.
Ông Bashir đã bị một tòa án Sudan kết án về tội tham nhũng ngày 14/12 vừa qua, nhưng dường như không thể bị dẫn độ để trả lời về việc giám sát cuộc diệt chủng ở vùng Darfur. Một chính phủ hòa giải đã lên nắm quyền và tuyên bố sẽ tổ chức bầu cử trong vòng ba năm tới đây, đã có một số cải cách tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn nguy cơ là những phần tử côn đồ của chế độ cũ có thể phá hoại tiến trình cải cách dân chủ ở Sudan.
Quốc gia tiêu biểu nhất: Uzbekistan
So với 3 nước trên, Uzbekistan có phần trội hơn. Ba năm trước đây, nước này còn là một chế độ độc tài hậu Xô Viết lỗi thời, một xã hội khép kín do một guồng máy đặc biệt tàn bạo và bất tài điều hành. Thế nhưng, từ hơn một năm nay, tình hình đã được cải thiện rõ nét.
Chế độ Uzbekistan bị cáo buộc là đã hành hạ dã man những người bất đồng chính kiến và chắc chắn là đã cưỡng bức cả quân đoàn đàn ông, phụ nữ và trẻ em ra lao động trên các cánh đồng bông vải vào thời điểm thu hoạch.
Khi nhà độc tài Islam Karimov, cầm quyền trong suốt 27 năm, qua đời vào năm 2016, người lên thay là thủ tướng Shavkat Mirziyoyev. Lúc đầu, có rất ít thay đổi, nhưng từ khi loại bỏ được người đứng đầu các lực lượng an ninh vào năm 2018, ông Mirziyoyev bắt đầu tăng tốc độ cải cách. Chính phủ của ông đã xóa bỏ phần lớn tình trạng cưỡng bức lao động, trại tù khét tiếng nhất của nước này đã bị đóng cửa, các nhà báo nước ngoài được phép vào Uzbekistan.
Các quan chức bị cấm sách nhiễu các các doanh nghiệp nhỏ, điều mà họ đã làm liên tục trước đây, để đòi hối lộ. Nhiều cửa khẩu biên giới đã được mở ra, giúp cho các gia đình bị chia cắt bởi các đường biên giới điên rồ của vùng Trung Á được đoàn tụ với nhau. Các nhà kỹ trị nước ngoài đã được mời đến để giúp cải tổ kinh tế trên quy mô lớn.
Uzbekistan sẽ tổ chức các cuộc bầu cử quốc hội trước năm mới. Mặc dù còn khác xa một nền dân chủ - tất cả các đảng đều ủng hộ ông Mirziyoyev và một số nhà đối lập vẫn còn ở trong tù - thế nhưng, nhiều ứng cử viên đã có thể chỉ trích chính phủ một cách nhẹ nhàng, điều mà trước đây không thể tưởng tượng được.
Người dân bình thường cũng vậy, cảm thấy được tự do hơn khi phàn nàn về chiến dịch tranh cử hay tầng lớp chính trị, mà không sợ bị an ninh đến nhà bắt đi vào giữa đêm.
The Economist kết luận: Uzbekistan vẫn còn một chặng đường dài để đi, nhưng không có quốc gia nào tiến xa hơn nước này vào năm 2019.
Courrier International: Cây cối cũng có “trí thông minh”
Như nói ở trên, tạp chí Pháp Courrier International đã đặt trọng tâm trên vấn đề môi trường trong số báo cuối năm, với tựa lớn trang bìa “Điều mà cây cối có thể nói với chúng ta”, giới thiệu một hồ sơ 12 trang, cho thấy rằng cây cối cũng biết “liên lạc” với nhau, giúp con người chữa bệnh, là tài sản chung của nhân loại.
Tạp chí giải thích sự chọn lựa chủ đề về môi trường này: “Những vụ cháy rừng kinh hồn năm nay ở Amazonia, rồi ở California, Bolivia, Úc… đã nhắc nhở chúng ta rằng rừng là tài sản chung mà chúng ta rất gắn bó. Chúng tôi muốn dành hồ sơ đặc biệt này trong số cuối năm để nói về sự gắn bó này đối với rừng, với cây cối, hơn là nói về vấn đề phá rừng và hậu quả môi trường đã từng nhiều lần nói đến”.
Tạp chí Courrier International xem hồ sơ đặc biệt này là hành động bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với tính “khôn ngoan của cây cối”, như lời của nhà văn người Peru Jaime Bayly. Ông đã nhận thấy những loài cây như “cây minh quyết, cây sồi hay cây đậu tán, những loại cây trăm tuổi đã nhìn thấy người ta qua lại, thấy người ta thay đổi, giận nhau, gây nhau, hòa với nhau, thấy người ta chết đi. Ngược lại thì chúng không chết, không mệt, không suy sụp. Chúng dường như bất tử”.
Dường như nước nào cũng có một loại cây thiêng liêng của mình. Courrier International trích nhật báo Indonesia Kompas, nói đến cây “chọc trời hariara”, mà người dân Indonesia gọi là “cây của linh hồn”.
Tạp chí cũng trích lời những nhân chứng mà cây cối đã giúp chữa được những chấn thương, như một cựu chiến binh Mỹ ở Afghanistan đã kể lại trên tờ The New Republic.
Nhưng lý thú nhất trong hồ sơ này là những công trình khoa học gần đây, như của bà Suzanne Simard, người Canada, mà Courrier International cho là đã thay đổi cái nhìn của chúng ta về cây cối, khi cho thấy thế giới thực vật cũng có trí thông minh.
Trong bài phỏng vấn, nhà khoa học mà trang mạng nautil.us đã thực hiện và tạp chí đã đăng lại, bà Simard đã giải thích cách thức cây cối trao đổi với nhau. Theo bà, “bằng chứng tốt nhất mà chúng tôi có được về ý thức ở cây cối là nhận thức về liên hệ gia đình. Những cây già nhìn những cây non sinh ra từ hạt giống của họ”.
Courrier International còn trích dẫn báo cáo của giới khoa học Anh Quốc, cũng trong xu hướng nghiên cứu của bà Simard và đã thắc mắc, trên báo The Times, về xu hướng chính trị trong trao đổi giữa các cây với nhau trong cái mà họ gọi là “Internet của rừng”: Rốt cuộc cây cối theo cánh tả hay cánh hữu ?
Le Point: Những điều chưa được biết về thủy tổ loài người
Trong số cuối cùng năm 2019, một số đôi dày cả 236 trang, Le Point trở lại với nguồn gốc con người, và dành gần 100 trang - chính xác là 95 trang - để nói về “Lịch sử mới của con người” và khẳng định trên trang bìa: “Cha ông chúng ta chưa nói hết cho chúng ta”.
Le Point dựa trên những khám phá mới và giải thích của những nhà khảo cổ nổi tiếng mà tạp chí đã mời, để điều chỉnh lại những gì đã được viết và biết về lịch sử loài người.
Một ví dụ: khám phá mới đây về một hang động có tranh vẽ trên vách ở đảo Sulawesi, Indonesia. Tranh ước tính được vẽ cách đây 44.000 năm, đẩy lùi đến 10.000 năm thời kỳ con người biết vẽ trên vách được ghi nhận.
Tạp chí L’Obs trên trang bìa chú ý đến: “Những người sẽ làm nên 2020”, tựa đập mắt với một loạt tên, từ nữ diễn viên Pháp Blanche Gardin - chiếm ảnh trang bìa - cho đến các chính khách: tổng thống Mỹ Donald Trump, cựu tổng thống Pháp François Hollande, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen, hay là huấn luyện viên đội tuyển bóng đá Pháp Didier Deschamps…
2020 và thập niên 20, đã làm cho tạp chí Pháp nhớ lại thế kỷ trước đây và nêu câu hỏi là phải chăng những Năm Điên Cuồng - Les Années Folles - những năm mà phụ nữ đấu tranh cho bình quyền, phụ nữ Mỹ và Anh, đã giành quyền được bỏ phiếu và không ngần ngại đốt phá cơ sở chính quyền hay đặt bom để đòi quyền bình đẳng, sẽ trở lại và người ta sẽ thấy một nửa nhân loại lại có một bước nhảy vọt mới? Phong trào tố cáo nạn bạo hành đối với phụ nữ trên thế giới hiện nay, theo tạp chí, có lẽ là giai đoạn đầu của sự chuyển biến đã bị gác lại quá lâu.
Đó là trên bình diện xã hội. Còn trong địa hạt chính trị, năm 2020 đánh dấu một khúc quanh cho cường quốc hàng đầu thế giới là Hoa Kỳ, với câu hỏi: Liệu Donald Trump nóng nẩy có được bầu trở lại hay không?
L’Obs trích nhận định của cựu tổng thống Pháp François Hollande, cho là “Điều sẽ được quyết định là hòa bình trên thế giới, tương lai của hành tinh và cả của nền dân chủ”. L’Obs không quên những người chống ông Trump và ứng viên Joe Biden.
Không chỉ ở Mỹ, L’Obs nhìn sang Châu Âu cũng cho là 2020 là năm thử thách to lớn đối với ê kíp lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu.
L’Express và đất nước và con người Anh
Nói đến sân khấu chính trị 2020, không thể quên Anh Quốc, trên nguyên tắc, sẽ chính thức rời Liên Âu, tạp chí L’Express đã dành trang bìa và khoảng 30 trang trong, giới thiệu vương quốc này từ thủ tướng, nữ hoàng, cho đến các vùng Scotland, Bắc Ireland…
Riêng về cá nhân thủ tướng Anh Boris Johnson, L’Express chú ý trước tiên đến tính cách ưa tự chế giễu mình, và đây là sức mạnh của chính khách Johnson, rất giỏi thu hút những kẻ thích đùa ủng hộ ông.
Chính vì cá tính này mà nhiều người hay cho rằng ông Johnson là một tay hề. Nhưng tạp chí Le Point - vốn đã dành 6 trang cho nhân vật này - ngược lại đã nhận ra một người “bảo thủ có xu hướng xã hội, rất gắn bó với nhà nước phúc lợi xã hội, với tính chất đa văn hóa và với nhập cư”.
http://www.rfi.fr/vi/quốc-tế/20191221-the-economist-quốc-gia-nổi-bật-năm-2019-là-uzbekistan
Chuyển quyền ở Uzbekistan : Một thử thách đối với cả Trung Á
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
Sau cái chết của tổng thống Islam Karimov, trị vì tại Uzbekistan trong suốt 27 năm, phải chăng quốc gia vùng Trung Á này sắp phải trải qua một thời kỳ chuyển tiếp quyền hành đầy bất định ? Đối với các nhà phân tích, thời kỳ quá độ này sẽ là một thử thách, không chỉ đối với Ouzbekistan mà cho cả vùng Trung Á, đều nằm dưới quyền cai trị của những lãnh đạo độc đoán, trong bối cảnh Hồi Giáo cực đoan vươn lên mạnh mẽ.
Tổng thống Uzbekistan Islam Karimov, 78 tuổi, qua đời ngày 02/09/2016 vì xuất huyết não, là một lãnh đạo từ thời Liên Xô cũ, đã trụ lại vị trí lãnh đạo tối cao của đất nước sau khi Uzbekistan được độc lập năm 1991, và liên tục được bầu lại những lần sau, tiếp tục cầm cương nước Hồi Giáo Trung Á này cho đến khi qua đời.
Chế độ ở Uzbekistan là một chế độ chuyên chế, thiếu minh bạch, và sự ra đi gần như đột ngột của người dù sao đã đảm bảo sự ổn định của đất nước này suốt hơn 1/4 thế kỷ - tuy là nhờ mạnh tay đàn áp đối lập như nhiều người tố cáo - cũng gây lo ngại. Ai sẽ lên nắm quyền hành và sẽ là nhân vật ra sao ?
Nỗi lo ngại lại càng cao khi Uzbekistan lại có một vị trí địa dư chiến lược là giáp giới với Afghanistan, nơi mà Nga, Trung Quốc và các nước phương Tây đang tranh giành ảnh hưởng. Đối với người dân, theo hãng tin Pháp AFP, câu hỏi ám ảnh là « liệu lãnh đạo mới có thể tiếp tục dẫn dắt đất nước đi trên con đường trù phú như ông Karimov hay không ? »
Hiện giờ thì chủ tịch Thượng viện, Nigmatilla Iouldachev, đảm trách công việc điều hành cho đến khi tổ chức bầu cử trong 3 tháng tới đây, nhưng giới phân tích không chút nghi ngờ là một người thân cận của ông Karimov sẽ được chọn và bầu lên với tỷ lệ phiếu áp đảo như vị cố tổng thống.
Nhân vật được xem là có nhiều triển vọng là thủ tướng Chavkat Mirzioïev, 58 tuổi, trưởng ban tang lễ, nhưng vai trò của lãnh đạo sừng sỏ của ngành an ninh, của đương kim bộ trưởng Tài Chính, thậm chí của gia đình ông Karimov thì chưa được biết rõ.
Tuy nhiên theo phân tích của Scott Radnitz, một chuyên gia Đại học Washington, thì sác xuất đấu đá nội bộ tại Uzbekistan rất thấp, « chỉ vì tầng lớp « ưu tú » tại đấy đã được hưởng nhiều quyền lợi trong chế độ hiện hành cho nên họ đều muốn mọi chuyện diễn ra một cách êm đẹp ». Nhưng chuyên gia này cũng phải công nhận là do chế đô Uzbekistan khép kín, thiếu minh bạch, cho nên khó có thể tiên liệu những gì sẽ xẩy ra.
Những vấn đề đặt ra cho Uzbekistan trong thời kỳ chuyển tiếp này cũng là vấn đề chung cho vùng Trung Á mà chuẩn mực là các chế độ chuyên chính.
Ở phía bắc Uzbekistan là Kazakhstan với những mỏ dầu hỏa rộng lớn. Đây là nước mà cũng không thấy được rõ ai là người lên thay thế nhà lãnh đạo từ thời Cộng Sản, tổng thống Nursultan Nazarbaïev, 76 tuổi.
Một ví dụ có thể nhắc đến là Turkmenistan, nơi mà ông Saparmourat Niazov, một vị tổng thống khó lường, chết năm 2006, được thay thế một cách êm thấm bằng Gurbanguly Berdymukhamedov, người đang lãnh đạo hiện nay bằng bàn tay sắt, kiểm soát chặt chẽ truyền thông và xã hội dân sự.
Alexandre Baunov, thuộc trung tâm Carnegie, Matxcơva, nhận định một cách hóm hỉnh : « Sự ổn định tại các láng giềng của Uzbekistan tùy thuộc vào huyết áp của các vị tổng thống ». Một cách nghiêm chỉnh hơn, ông Baunov cho là « chắc chắn là thay đổi sẽ đến với Uzbekistan cũng như tại vùng Trung Á. Điều chưa rõ là thay đổi như thế nào, hình thức chuyển giao quyền lực ra sao. »
http://www.rfi.fr/vi/quoc-te/20160905-chuyen-quyen-o-uzbekistan-mot-thu-thach-doi-voi-ca-trung-a
Trung Á: Ván cờ lớn Nga-Trung, Âu-Mỹ ngoài cuộc
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
Trung Quốc tung chiến dịch quyến rũ các nước Trung Á. Việc này khiến Nga quan ngại, vì Matxcơva xem vùng này như là "sân sau". Đối với hai chuyên gia Philippe Le Corre và Kemal Kirisci, thuộc Brookings Institution (Washington), khu vực Trung Á là một "Ván cờ lớn giữa Nga và Trung Quốc". Hai chuyên gia cũng nhấn mạnh đến một trật tự thế giới mới đang nổi lên tại Trung Á, nhưng không có mặt hai kỳ thủ, Hoa Kỳ và Châu Âu.
Khu vực Trung Á bao gồm năm nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, Kazakhstan, Uzbekistan, Kyrgyzstan, Tadjikistan et Turkmenistan. Phía bắc là nước Nga, phía nam là các quốc gia Nam Á, Afghanistan, Pakistan và Iran. Trung Á được coi là cầu nối giữa miền tây bắc Trung Quốc với biển Caspi của nước Nga, và qua đó là nhiều con đường hướng về Châu Âu, hoặc qua ngả Ukraina, hoặc qua Thổ Nhĩ Kỳ. "Ván cờ lớn giữa Nga và Trung Quốc" là tựa bài viết đăng trên báo mạng Pháp La Tribune, ngày 08/01/2016. Nói về Trung Á, nhưng bài viết tập trung vào trường hợp Kazakhstan, quốc gia lớn nhất khu vực. Sau đây là phần lược dịch.
***
Hai nhà nghiên cứu nhắc lại, vào năm 2013, trong một bài diễn văn trước đại học Nazarbaïev, tại thủ đô Astana của Kazakhstan, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thông báo khởi động một "con đường tơ lụa mới" nhằm kích thích trao đổi kinh tế giữa Trung Quốc và vùng Trung Á. Dự án « Một vành đai, Một con đường » (One Belt, One Road - OBOR) đã từ từ có được một tầm cỡ quốc tế nhất định. Một vành đai là để chỉ tuyến đường trên bộ xuyên Trung Á, một con đường là tuyến đường biển men theo Đông Nam Á và Nam Á đến tận vùng vịnh Persic, cửa ngõ Địa Trung Hải. Dọc theo tuyến đường biển, Bắc Kinh đã và đang xúc tiến thiết lập một loạt các căn cứ hải quân, còn gọi là « chuỗi ngọc trai » (string of pearls), gây nhiều lo ngại cho Ấn Độ và nhiều nước phương Tây.
Còn liên quan đến khu vực đường bộ qua Trung Á, thủ đô Kazakhstan cách đây vài tuần có tổ chức một hội thảo nhóm họp nhiều quan chức chính trị, doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu thế giới thảo luận xung quanh một chủ đề chính: Tương lai của Trung Á. Chẳng có gì ngạc nhiên, Trung Quốc là quốc gia đưa ra sáng kiến và đã chủ trì các cuộc thảo luận. Sự việc cũng cho thấy rõ động lực mới của các cường quốc. Một bên là Trung Quốc trầm tĩnh, tự tin; bên kia là một nước Nga hung hăng nhưng lo âu.
Bắc Kinh tìm cách thể hiện vai trò mới trong việc hình thành một trật tự thế giới mới (khi tập trung các nguồn lực quan trọng vào trong dự án). Matxcơva dường như hơi có phần lúng túng. Cả hai quốc gia này đều nằm trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, tập trung chủ yếu các quốc gia Trung Á, nhưng một sự mất cân đối đang hiện ra rất rõ.
Cách tiếp cận của Trung Quốc đối với các nước Trung Á "đất rộng, người thưa" đang làm cho Nga lo ngại, bởi Matxcơva vốn từ trước đến giờ vẫn tự cho mình cái quyền bảo hộ tại khu vực này. Kazakhstan, với tư cách là quốc gia lớn nhất và giàu nhất (nhờ vào khí đốt), đặc biệt mở rộng vòng tay cho các sáng kiến của Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo nước này thừa nhận là kết cục của ván cờ này vẫn chưa ngã ngũ. Trên thực tế, điều này còn phụ thuộc vào rất nhiều thách thức địa chính trị.
Chiến dịch "quyến rũ" của Trung Quốc
Trung Quốc, hiện đang trong giai đoạn quyến rũ, nhấn mạnh đến việc, sáng kiến của học "Một vành đai, Một con đường" chỉ đòi hỏi có một chút nỗ lực để thúc đẩy nhanh hơn nữa sự phát triển và thịnh vượng kinh tế cho Trung Á. Khi ký kết hàng chục thỏa thuận với nhiều quốc gia khác nhau, dọc theo con đường tơ lụa, Trung Quốc đang sử dụng đến các nguồn "Quỹ con đường tơ lụa" (tổng số vốn là 40 tỷ đô-la) và Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á AIIB, có tổng số vốn lên đến 100 tỷ đô-la, để tài trợ ít nhất một phần hệ thống « mạng kết nối » giữa Trung Quốc và Châu Âu.
Mục tiêu của Trung Quốc cũng là để hợp tác với Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Á Châu và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu. Riêng với ngân hàng thứ ba Trung Quốc cũng vừa được gia nhập làm thành viên cách đây vài tuần. Với những hợp tác đó, Trung Quốc có thể huy động thêm được nhiều nguồn dự trữ.
Chính quyền Kazakhstan ủng hộ sáng kiến này với điều kiện nước này bắt buộc sẽ phải là một trong những điểm đi qua bắt buộc của OBOR, dự án « Một vành đai, Một con đường ». Đồng thời quốc gia này cũng hy vọng thu hút được một làn sóng đầu tư, do giá dầu thô sụt giảm và các hệ quả của lệnh cấm vận phương Tây nhắm vào Nga.
Trong hội nghị tại Astana, Thủ tướng Kazakhstan Karim Massimov và một số lãnh đạo khác nhấn mạnh là vị thế địa chiến lược của Kazakhstan mang tính « lý tưởng » đối với mong đợi của Trung Quốc : Kazakhstan có thể coi như là một « Singapore của Trung Á », cho dù có nhiều khác biệt (về diện tích, không có đường ra biển, các nước láng giềng gặp khó khăn kinh tế).
Kazakhstan ngày càng hy vọng trở thành một hành lang đưa hàng Trung Quốc sang Châu Âu. Chính quyền Astana muốn thu hút các nhà đầu tư cho một trung tâm tài chính khu vực (với hệ thống pháp luật kiểu Anh), và có ý định thành lập ở vùng này nhiều khu vực trao đổi mậu dịch tự do.
Tranh giành ảnh hưởng
Tuy nhiên, nhiều vấn đề - liên quan đến khía cạnh địa chính trị của dự án « Một vành đai, Một con đường » - sẽ mau chóng nổi lên. Cho dù Bắc Kinh trình bày sáng kiến của mình như là một dự án mà kiểu gì các bên cũng « cùng có lợi », và khẳng định chỉ có các ý đồ thuần túy kinh tế, dự án OBOR này bao gồm nhiều khía cạnh chính trị không thể tách biệt hoàn toàn khỏi cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng tại khu vực này.
Matxcơva không che dấu nỗi lo ngại về dự án OBOR, và thừa nhận dự án có nguy cơ ảnh hưởng đến các lợi ích địa chính trị và kinh tế, cụ thể là nếu như các trục đường xuyên qua Kazakhstan trong tương lai sẽ cạnh tranh với các tuyến đường qua lãnh thổ Nga hiện tại. Nga cũng không lưỡng lự khi nhấn mạnh đến những lo ngại về an ninh, đặc biệt là những liên hệ có thể có giữa các lực lượng thánh chiến Hồi giáo Nga và khu vực Trung Á, với các nhóm cực đoan tại Viễn Đông.
Cho dù khẳng định rất quan tâm đến dự án OBOR, giới cầm quyền Kazakhstan cũng tỏ ra có phần lo ngại. Dự án của Trung Quốc chắc chắn có thể đưa Kazakhstan và các nước láng giềng thoát khỏi những trói buộc từ phía Nga, nhưng ngược lại nguy cơ rơi vào vòng ảnh hưởng của Trung Quốc là nhãn tiền.
Whashington và Châu Âu ngoài cuộc
Trong bối cảnh này, có thể nhận rõ sự vắng mặt của Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry mới công du Trung Á hồi tháng 11/2015, chuyến đầu tiên của một Ngoại trưởng Mỹ trong vòng 5 năm nay. Về phần Liên Âu, Trung Á không phải là trung tâm của Bruxelles, bị ngập trong những ưu tiên trước mắt, vực dậy kinh tế, chống khủng bố, hay khủng hoảng nhập cư.
Tuy nhiên, câu hỏi thực sự là nhìn chung Châu Âu có quan tâm đến việc kết nối mạnh hơn với Trung Quốc và Trung Á không. Hiện tại, chỉ có một vài nước có quan điểm về vấn đề này, nhưng không phải Liên Âu, với tư cách một định chế.
Kazakhstan là ở tuyến đầu của các nỗ lực phác họa lên một trật tự thế giới mới. Hiện tại, bị kẹt giữa các lợi ích của Trung Quốc và Nga, thật khó biết được Trung Á sẽ có các khả năng xoay xở nào về chính trị và kinh tế nào. Không rõ liệu Hoa Kỳ hoặc Châu Âu cuối cùng có quyết định vào cuộc hay không. Cũng như ở thế kỷ 19, một « cuộc chơi lớn » mới (hay nói cách khác, cuộc chiến giành ảnh hưởng - người dịch) có thể diễn ra giữa Nga và Trung Quốc, ít nhất là trong tương lai gần.
Các tác giả kết luận : Điều này, nếu xảy ra, sẽ có phần tốt đối với Phương Tây và Kazakhstan.
***
Khánh thành ống dẫn khí Trung Á - Ấn Độ
Trung Quốc và Nga không phải là hai đối tác duy nhất của Trung Á. Đầu tháng 12/2015, theo AFP, một đường ống dẫn khí đốt dài 1.800 km – trị giá 10 tỷ đô la – đã được khánh thành, nối liền quốc gia Trung Á Turkmenistan với Ấn Độ, xuyên qua Pakistan và Afghanistan (Dự án Tapi), có khả năng cung cấp khoảng 33 tỷ mét khối khí đốt/năm. Tổng thống Turkmenistan ghi nhận đây là một sự kiện lịch sử.
Dự án Tapi được khởi sự từ những năm 1990, nhưng bị cản trở do nội chiến tại Afghanistan. Trước đó, khí đốt của Turkmenistan chỉ có một khách hàng chính là Trung Quốc. Dự án cho phép nước này đa dạng hóa khách hàng.
Về phía Ấn Độ, trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh, khí đốt từ Trung Á cho phép nước này bỏ qua nhanh chóng hơn việc sử dụng than đá, năng lượng hóa thạch gây ô nhiễm nhất.
www.rfi.fr/vi/chau-a/20160112-trung-a-van-co-lon-nga-trung-au-my-ngoai-cuoc
Geen opmerkingen:
Een reactie posten