Tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi chuyển phòng nghiên cứu từ Mỹ sang Canada
Quảng cáo điện thoại Hoa Vi tại một bến xe điện ngầm ở Montreal, Canada (Ảnh chụp ngày 11/01/2019)RFI Tiếng Việt
Trả lời phỏng vấn một nhật báo Canada hôm qua, 03/012/2019, chủ tịch tập đoàn viễn thông Trung Quốc Hoa Vi thông báo sẽ dời phòng nghiên cứu của tập đoàn này từ Hoa Kỳ sang Canada. Ông Nhậm Chính Phi ( Ren Zhengfe ) thông báo quyết định này mặc dù quan hệ giữa Trung Quốc với Canada đang căng thẳng từ một năm qua, kể từ khi con gái của lãnh đạo Hoa Vi bị bắt tại phi trường Vancouver.
Từ Québec, thông tín viên Pascale Guéricolas tường trình:
"Đây là một diễn biến mới trong cuộc chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ. Bất bình vì công ty của ông gặp khó khăn trong việc liên lạc với các nhân viên làm việc tại California, khu Silicon Valley, kể từ Hoa Kỳ thi hành các biện pháp trừng phạt, lãnh đạo Hoa Vi đáp trả. Ông Nhậm Chính Phi ( Ren Zhengfe ) sẽ chuyển toàn bộ nhân viên của một phòng nghiên cứu từ Mỹ sang Canada. Ông đã thông báo tin này khi trả lời phỏng vấn nhật báo Canada Globe and Mail. Theo ông Nhậm Chính Phi, tập đoàn viễn thông Trung Quốc tới đây có thể tăng cường sự hiện diện trên lãnh thổ Canada. Tuy nhiên, ông không nói rõ về lịch trình di dời phòng nghiên cứu nói trên. Lịch trình này tùy thuộc vào việc xin cấp giấy tờ nhập cư cho các nhân viên hiện đang ở Mỹ.
Rõ ràng là lãnh đạo Hoa Vi không hận Canada về việc nước này đã quản thúc tại gia con gái của ông từ một năm nay ở Vancouver. Bà Mạnh Vãn Châu ( Meng Whanzou ), giám đốc tài chính của Hoa Vi, đã bị hải quan Canada bắt giữ ngày 01/12/2018 tại thành phố này, theo lệnh bắt giữ quốc tế do Hoa Kỳ ban hành. Washington nghi ngờ bà Mạnh Vãn Châu đã lách các trừng phạt của Mỹ đối với Iran.
Vụ bắt giữ giám đốc tài chính Hoa Vi đã gây ra một khủng hoảng ngoại giao chưa từng có giữa Bắc Kinh và Ottawa. Sau đó Trung Quốc đã bắt cựu nhân viên ngoại giao Canada Michael Kovrig và nhà tư vấn đồng hương Michael Spavor, bị Bắc Kinh cáo buộc làm gián điệp. Trung Quốc cũng đã ngưng nhập thịt và cải dầu của Canada cho đến đầu tháng 11/2019."
http://vi.rfi.fr/châu-á/20191204-hoa-vi-sẽ-chuyển-phòng-nghiên-cứu-từ-mỹ-sang-canada
Hoa Vi và cuộc chiến sống còn trước đòn trừng phạt của Mỹ
Ảnh minh họa.©REUTERS/Dado Ruvic
Xung quanh cuộc chiến công nghệ mà chính quyền Donald Trump đang nhằm vào tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi có rất nhiều câu hỏi được đặt ra : Hoa Vi có tiếp tục sản xuất được điện thoại thông minh không cần đến công nghệ Mỹ ? Người khổng lồ Trung Quốc có thể phản ứng ra sao ? Tổng thống Mỹ có duy trì được áp lực với người Trung Quốc mà không làm thiệt hại cho công ty Mỹ ?
RFI điểm lại những nét chính trong cuộc chiến và một số kịch bản sinh tồn cho người khổng lồ Trung Quốc.
Theo một số nhà phân tích, việc tổng thống Donald Trump nâng thuế đánh cào hàng trăm tỷ đô la hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ thì hệ quả không phải là Trung Quốc mà chính những khách hàng Mỹ phải trả giá. Ông Trump cần phải tìm được cách để gây khó khăn cho Trung Quốc mà vẫn giảm thiểu được những tác động tiêu cực trên đất Mỹ. Tấn công vào Hoa Vi dưới lý do « an ninh quốc gia », tổng thống Mỹ đã tìm được một nạn nhân lý tưởng.
Sau thông báo danh sách đen các công ty nước ngoài có thể gây nguy hại cho Mỹ hôm 15/05, bộ Thương Mại Mỹ quyết định lùi thời hạn áp dụng trừng phạt cắt nguồn cung ứng của Hoa Vi từ các đối tác Mỹ đến giữa tháng 8. Rất có thể quyết định trên được đưa ra dưới áp lực của những đại tập đoàn chế tạo kinh kiện bán dẫn và của các nhà cung cấp mạng viễn thông Mỹ là khách hàng của Hoa Vi. Washington lo ngại các công ty Mỹ sẽ bị thiệt hại khi phải đột ngột gián đoạn hoạt động.
Trump có thành công với quân bài Hua Vi ?
Bằng cách bắt Hoa vi làm con tin cho đàm phán thương mại với Trung Quốc, Doald Trump đã tiến thêm bước, có lẽ đó cũng là cách làm chưa từng có trong lịch sử quan hệ thương mại thế giới. Hoa Vi từ giờ không chỉ bị cấm tiếp cận thị trường Mỹ mà còn không được trao đổi qua lại với doanh nghiệp Mỹ, dù đó là nhà cung ứng thiết bị vật tư, khách hàng hay đối tác. Phương thức của Donald Trump là gây áp lực ồ ạt nhằm buộc chính quyền Bắc Kinh ngồi vào bàn đàm phán để ký một thỏa thuận thương mại mới theo ý Mỹ.
Tuy nhiên, ngay cả ở Hoa Kỳ, chiêu thức này không được tán đồng hoàn toàn. Với quyết định trên, Donald Trump không nhằm duy nhất vào người Trung Quốc. Toàn bộ lĩnh vực công nghệ cao và một phần lớn ngành công nghiệp nói chung ở Mỹ đều tỏ lo ngại. Hiếm có lĩnh vực công nghiệp nào của Mỹ lại không có chu trình sản xuất hay cung ứng không liên quan đến Trung Quốc. Điều mà ông Trump có thể đạt được là Hoa Vi sẽ bị chậm triển khai mạng 5G, dự án trọng điểm đang được công ty Trung Quốc tập trung mọi nguồn lực đầu tư.
Hoa Vi chuẩn bị phương án B
Nếu không còn được sử dụng phần mềm Android, Hoa Vi cũng như các nhà sản xuất điện thoại thông minh khác của Trung Quốc có thể dùng đến phiên bản nguồn mở ( AOPS) miễn phí của Google cho thị trường nội địa. Tất nhiên, với phiên bản mở, việc cập nhật không được thường xuyên. Vấn đề ở chỗ là phiên bản mở không được tiếp cận nhiều ứng dụng trong Google Play. Vì thế mà điện thoại Hoa Vi sẽ không được cài đặt các ứng dụng như Instagram, Uber, Whatsapp, Gmail…
Một lựa chọn mà Hoa Vi cho biết từ lâu nay đã tập trung theo đuổi. Đó là tạo ra hệ điều hành riêng, theo kiểu như Apple kiểm soát cả thiết bị lẫn phần mềm. Hệ điều hành này có tên gọi là Hongmeng. Là nhà sản xuất điện thoại thông minh đứng thứ 2 thế giới, Hoa Vi có khả năng thử sức với cuộc phiêu lưu như vậy. Tuy nhiên nhiều trường hợp tiền lệ đã cho thấy không mấy hãng thành công tạo được sản phẩm mới đủ sức thay thế được Android của Google hay iOS của Apple.
Giải pháp phần mềm của Hoa vi có thành công cũng không giải quyết được vấn đề linh kiện cấu thành cho một chiếc điện thoại thông minh ngày nay. Dường như những tháng qua, Hoa Vi đã mua tích trữ đồ, nhưng đó cũng chỉ là giải pháp tình thế cho một thời gian nhất định.
Cấm tất cả các công ty Mỹ hợp tác làm ăn với Hoa Vi, chính quyền Trump đã khiến các nhà sản xuất, cung ứng và đối tác của Hoa Vi rơi vào tình trạng đảo lộn, và đó không chỉ là những công ty tại Hoa Kỳ.
Cần biết rằng trên một chiếc điện thoại thông minh tập trung các công nghệ của 250 nghìn bằng sáng chế khác nhau, vì thế khó mà tưởng tượng việc chế tạo ra chiếc điện thoại như vậy lại không sử dụng sở hữu trí tuệ ngoài biên giới. Ý tưởng sản xuất một chiếc điện thoại thông minh Trung Quốc hoàn toàn là không thể được.
Ngoài ra quy chế nhân viên Mỹ trong công ty cung đặt thành vấn đề đó là 1500 nhân viên mới tuyển dụng ở Mỹ và còn rất đông làm việc tại Trung Quốc. Làm việc cho Hoa Vi nhưng mang quốc tịch Mỹ liệu có vi phạm trừng phạt hay không ?
Các phương thức trả đũa của người Trung Quốc cũng không phải là ít. Nếu như sẽ rất phức tạp để sản xuất một chiếc điện thoại thông minh mà không có một công nghệ Mỹ ở bên trong thì cũng rất hiếm có ngành công nghiệp hay lĩnh vực công nghệ cao cấp nào giờ đây lại có thể nghĩ hoạt động thiếu Trung Quốc dù họ là những nhà cung ứng hay khách hàng.
Như thế cũng đủ cho thấy, cuộc chiến công nghệ với Hoa Vi nói riêng không nhằm để tiêu diệt, loại trừ đối thủ mà chỉ nhằm tạo thế thượng phong trong cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung, hứa hẹn sẽ còn kéo dài. Cho đến thời điểm này, chưa thấy có dấu hiệu nào cho thấy hai bên muốn xuống thang.
Sự kiện mới nhất, người khổng lồ viễn thông Trung Quốc, hôm nay (29/05) quyết định mở mặt trận phản công pháp lý, kiện chính quyền Trump lên tư pháp Mỹ, đòi hủy bỏ quyết định trừng phạt Hoa Vi.
(Nguồn : Kênh thông tin LCI - Pháp)
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190529-hoa-vi-va-cuoc-chien-song-con-truoc-truong-phat-my
Geen opmerkingen:
Een reactie posten