maandag 23 december 2019

Nhạc Giáng Sinh 2019 có gì mới ? + 100 năm "Jiggle Bells" + 30 năm "Last Christmas"

Nhạc Giáng Sinh 2019 có gì mới ?

Phần âm thanh 09:26
Noel 2019 nổi bật với hai CD nhạc phim "Last Christmas" và "Frozen 2"
Noel 2019 nổi bật với hai CD nhạc phim "Last Christmas" và "Frozen 2" Tuấn Thảo / RFI
Một mùa Giáng Sinh lại về. Các tập nhạc Noel năm nay khá đa dạng đa sắc trên thị trường quốc tế. Hầu hết các thể loại âm nhạc : thính phòng, country, pop rock, nhạc kịch hay là blues jazz đều hiện diện một cách khá đồng đều, sắc nhạc chan hòa. Đáng chú ý hơn cả có lẽ là hai bộ phim ‘‘đình đám’’ nhân mùa Giáng Sinh năm 2019.
Trước hết là bộ phim ‘‘Last Christmas’’ của đạo diễn Paul Feig quy tụ hai ngôi sao Emilia Clarke (nữ hoàng Daenerrys trong phim bộ ‘‘Trò chơi Vương quyền’’ Game of Thones) và Henry Golding (vai nam chính của bộ phim ăn khách Crazy Rich Asians). Nhạc nền của bộ phim dựa vào các ca khúc của George Michael và chỉ có tình khúc để đời ‘‘Last Christmas’’ mới thật sự nói về Giáng Sinh.
Một cách tương tự, nhạc nền cũng như ca khúc chủ đề ‘‘All is Found’’ của bộ phim ‘‘Nữ hoàng băng giá’’ tập nhì (Frozen II) cũng làm cho ta liên tưởng đến mùa đông, chứ không thật sự là một ca khúc Giáng Sinh. Dù vậy, cả hai bộ phim này đều rất ăn khách tại các rạp xinê.
Tập nhạc Noel của Idina Menzel
Bù lại, giới hâm mộ vẫn có thể tìm lại nhân vật nữ hoàng Elsa qua giọng ca của Idina Menzel. Từng thành danh nhờ vai diễn Shelby trong loạt phim truyền hình Glee, Idina Menzel đồng thời là diễn viên lồng tiếng cho nhân vật Elsa trong hai bộ phim hoạt hình ‘‘Nữ hoàng băng giá’’ của hãng phim Disney. Lần này, cô trình làng tập nhạc đề tựa ‘‘Giáng Sinh : Một mùa Tình yêu’’ (Christmas : A Season of Love) trong đó có một số bài song ca ghi âm với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Ariane Grande, Billy Porter, Josh Gad... cũng như một số liên khúc như ‘‘Winter Wonderland’’ (Mùa đông, xứ sở thần tiên).
Về phần mình, nam danh ca Robbie Williams lần đầu tiên trong sự nghiệp của mình phát hành một album dành trọn cho chủ đề Giáng Sinh. Mang tựa đề là ‘‘The Christmas Present’’, tập nhạc thứ 13 này gồm hai cuộn CD với tổng cộng 24 bài hát, xen kẽ các bài hát cover với những bản nguyên tác. Trên đĩa nhạc thứ nhất Christmas Past, Robbie ôn lại quá khứ với nhiều ca khúc Giáng Sinh vang bóng một thời như "Let it snow" hay là ‘‘The Christmas Song’’.
Album Giáng Sinh đầu tiên của Robbie Williams
Còn trên đĩa nhạc thứ nhì Christmas Future, anh hướng nhìn về tương lai qua các sáng tác mới trong đó có điệu ru ‘‘Coco’s Christmas Lullaby’’ viết cho đứa con thứ ba của anh (tên là Colette) chào đời cách đây một năm. Được thu thanh tại nhiều thành phố như Luân Đôn, Los Angeles và Vancouver, bộ đĩa này ban đầu là một món quà anh muốn dành cho ba đứa con của mình, nhưng đồng thời cũng là một lời cảm ơn dành cho giới hâm mộ trung thành, Noel là dịp để cho các thành viên gia đình thuộc nhiều thế hệ quây quần lại với nhau.
Tuyển tập Giáng Sinh của nam danh ca Robbie Williams có thể được xem như là một album concept, trong đó thời gian là khái niệm chủ đạo. Ngay cả trong tựa đề đã là một cách chơi chữ : ‘‘The Christmas Present’’ vừa hàm cả hai ý : khoảnh khắc hiện tại là một món quà quý báu nếu không nói là vô giá.
Trong số các ca sĩ có tiếng hát gắn liền với ca khúc Giáng Sinh, công chúng không thể nào quên được giọng ca crooner của Bing Crosby. Điều đó có thể giải thích vì sao nhân mùa Noel năm nay, dàn nhạc giao hưởng London Symphony Orchestra đã làm sống lại tiếng hát của ông qua việc thực hiện nhiều bản phối mới cho những ca khúc Noel kinh điển nhất. Trong số này, dĩ nhiên có nhạc phẩm ‘‘White Christmas’’ Hình tượng của mùa Noel phủ tuyết trắng xóa luôn gắn liền với tên tuổi của Bing Crosby.
"Noel Trắng" hồi sinh với giọng ca Bing Crosby
Bản nhạc "White Christmas" do tác giả kỳ cựu Irving Berlin sáng tác, được Bing Crosby lần đầu tiên ghi âm vào cuối năm 1941 cho chương trình phát thanh theo chuyên đề "The Kraft Music Hall" trên đài radio NBC. Bài hát này đã nhận được giải Oscar dành cho ca khúc hay nhất trong năm sau khi được đưa vào bộ phim "Holiday Inn" (1942). Dưới dạng đĩa đơn, bài hát "White Christmas" (Noel trắng) đã bán được hơn 50 triệu bản trong 70 năm qua và theo sách kỷ lục Guinness World Records, đây là bài hát bán chạy nhất mọi thời đại trên toàn thế giới.
Nhạc phẩm này tính tới nay cũng đã có gần cả ngàn phiên bản phóng tác trong nhiều thứ tiếng khác nhau, riêng trong tiếng Pháp, phiên bản ‘‘Noël Blanc’’ nổi tiếng nhất là của nam danh ca Christophe và của Eddy Mitchell song ca với Véronique Sanson. Hầu hết các ca sĩ crooner đều đã từng ghi âm lại ca khúc này từ Nat King Cole, Al Martino, Dean Martin cho tới Frank Sinatra hay là Elvis Presley trên tuyển tập ‘‘Christmas Crooners’’. Thế hệ sau này như Harry Connick Jr hay Michael Bublé cũng chuyên hát bài này trên các album Giáng Sinh của mình.
Tuyển tập "Christmas in the City"
Trong số các album mới, nổi bật hơn cả là tập nhạc Giáng Sinh thứ nhì của Lea Michele. Năm nay 33 tuổi, nữ diễn viên kiêm ca sĩ người Mỹ (sinh tại New York) đã bắt đầu sự nghiệp biểu diễn của mình trên sân khấu nhạc kịch Broadway lừng danh qua các vở kịch như "Les Misérables" (Những người khốn khổ), Thời đại Ragtime và "Spring Awakening" (Mùa Xuân thức giấc). Lea Michele thật sự thành danh nhờ vai diễn Rachel Berry trong "Glee" bộ phim truyền hình nhiều tập của Ryan Murphy, kể từ năm 2009 đến năm 2015. Cách hát của Lea Michele gợi hứng rất nhiều từ hai thần tượng của cô là Barbra Streisand và Audra McDonald...
Trong khuôn khổ các tập phim truyền hình "Glee", Lea Michele đã ghi âm khá nhiều ca khúc Giáng Sinh tùy theo thời điểm phát sóng. Gần đây, cô đã trình làng album phòng thu thứ ba kể từ năm 2014, sau album dành riêng cho nhạc kịch, tập nhạc thứ ba với tựa đề ‘‘Christmas in the City’’ xen kẽ những ca khúc Giáng Sinh xưa và nay.
So với thời gian qua, giọng ca Lea Michele chẳng những đã vững vàng hơn mà còn có thêm chiều sâu trong cách diễn đạt. Bản nhạc ‘‘O Holy Night’’ của cô không kém gì bậc đàn chị Mariah Carey nhờ một giọng nữ cao thánh thót mà vẫn mượt mà. Chất giọng soprano của cô đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ phía các nhà phê bình : một giọng ca khỏe khoắn, có làn hơi đầy đặn chính xác khi phải hát trực tiếp trên sân khấu, nhưng vẫn không kém phần diễn đạt tinh tế trong những lúc đạt tới đỉnh điểm cao trào, tột cùng cảm xúc dạt dào…
http://www.rfi.fr/vi/văn-hóa/20191221-nhạc-giáng-sinh-2019-có-gì-mới

"Jingle Bells" , 100 giai thoại về những ca khúc Giáng Sinh

Giáng Sinh. Ảnh minh họa.
Giáng Sinh. Ảnh minh họa. REUTERS/Russell Cheyne
Nhạc Giáng Sinh không thể thiếu vào mỗi mùa Noel. Nhà nghiên cứu về lịch sử âm nhạc, Steven Jezo Vannier vừa cho ra mắt độc giả cuốn "Chuông Ngân Vang, chuyện khó tin về những ca khúc Noel", NXB Le Mot et Le Reste.
Trong lời mở đầu, tác giả viết : "Những Ca khúc Giáng Sinh là một đề tài muôn thuở, chiếm một vị trí riêng biệt (…) và là chủ đề gây tranh cãi bất tận. Có những người say mê đến điên dại nhưng cũng có những người ghét cay ghét đắng thể loại ấy (…) Sách của tôi hy vọng hòa giải được hai tâm trạng đó"
Dù bênh hay chống, thì có một sự thật không thể chối cãi, đó là nét đa dạng của những bài hát Giáng Sinh. Chúng ta có từ nhạc Noel theo điệu funk, reggae, hay bosa-nova, rock, rồi những bản nhạc Giáng Sinh theo kiểu rap, hay heavy metal ….
Ở bất kỳ thời đại nào, các ban nhạc, các diva đều đua nhau tặng cho người hâm mộ những album nhạc Giáng Sinh độc đáo nhất.
Nhưng kinh điển hơn cả vẫn là bản Jingle Bells được sáng tác năm 1857. Hiếm có tác phẩm nào được từ Duke Ellington đến ban nhạc Anh The Beatles, từ ông vua nhạc opéra Pavarotti đến Frank Sinatra cùng nâng niu như ca khúc này.
Trong ngôn ngữ của Molière, thì đó là ca khúc Vive Le Vent. Với con cháu Nguyễn Du, Jingle Bells là Chuông Ngân Vang… Willie Nelson, một cây đại thụ của dòng nhạc country Hoa Kỳ thể hiện tài tình, trước khi lọt vào mắt xanh cha đẻ của trường phái híp hop, Afrika Bambaataa …
Đặc điểm thứ nhì của nhạc Giáng Sinh, là chúng dễ đưa các nghệ sĩ lên đỉnh cao danh vọng. Năm 2011, Justin Bieber trong vỏn vẹn một tuần lễ thống lĩnh thị trường âm nhạc thế giới với đĩa hát Under The Misletoe.
Nhạc Noel cũng là phương tiện rất hiệu quả để những ca sĩ hay ban nhạc vang bóng một thời trở lại dưới ánh đèn màu sân khấu. Ngoài những nghệ sĩ chưa thành danh, ngay cả những cây đại thụ trong làng nhạc quốc tế như Bob Dylan hay Nat King Cole đều đã hơn một lần trong sự nghiệp đem giọng hát của mình làm quà tặng ông Già Áo Đỏ.
Nhìn về ý nghĩa những bản nhạc Giáng Sinh, Steven Jezo Vannier, chỉ ra rằng, ở Mỹ, cứ vào dịp này, nhạc Noel tràn ngập đài phát thanh, truyền hình. Đĩa hát về Giáng Sinh chiếm nhiều chỗ trong các cửa hàng.
Đương nhiên đối với các nghệ sĩ, nhạc Noel là con gà đẻ trứng vàng. Nhưng vì sao ai cũng thích nghe nhạc Giáng Sinh ? Vì sao một tác phẩm như White Christmas được Bing Crosby thu âm và cho phát hành năm 1942 đến nay vẫn được coi là ca khúc Noel ăn khách nhất mọi thời đại ?
Steven Jezo Vannier trả lời một cách đơn giản : để thành công, một ca khúc Noel cần có ba yếu tố. "Nhịp điệu láy luyến, kỷ niệm tuổi thơ, một chút phép nhiệm màu thoảng một chút buồn man mác". White Christmas hội tụ đủ cả ba bí quyết này. Nhất là ca khúc ấy lại được phát hành vào mùa đông năm 1942 , Mỹ vừa tham chiến bên cạnh đồng minh châu Âu trong Thế Chiến Thứ Hai và Giáng Sinh Trắng là bài hát của người lính xa nhà, mơ về một mùa Noel xa xưa, có tuyết trắng, lung linh đầu ngọn cây. Trẻ nhỏ ngóng chờ tiếng chuông từ đoàn tuần lộc của ông Già Áo Đỏ. Tiếng hát mượt mà của Ella Fitzgerald, năm 1960, trong bản Have yourself a merry little Christmas chúc mọi người quên hết ưu phiền …
Còn trong văn hóa Pháp, trong những năm tháng chiến tranh hay sau khi Đệ Nhị Thế Chiến, ca khúc Petit Papa Noel của Tino Rossi năm 1946 cũng đưa thính giả vào thế giới kỳ diệu của mộng mơ. Nhưng đó là một ngoại lệ.
Phần lớn những ca khúc Giáng Sinh của các nhạc sĩ Pháp ở nửa cuối thế kỷ 20 thường hát về những đứa trẻ không nhà, những đứa bé mồ côi, hay để nói về những mùa Giáng Sinh giá lạnh trong lòng người góa phụ …
Ca khúc rất nổi tiếng như Noel de la Rue của Edith Piaf không là một ngoại lệ. Tác giả của Đời Màu Hồng viết : "Hỡi thằng bé chân trần, chạy nhảy/ Noel trên đường đường phố là tuyết, là giá lạnh/ Gió thổi trên đường vắng, nước mắt trẻ tuôn rơi/Ánh sáng đèn màu sau tủ kính không dành cho chúng ta, những người nghèo khổ".
Nhiều thập niên sau, trong Noel Interdit, Johnny Hallyday đưa ra hình ảnh tương tự như của Edith Piaf khi ông nói về một mùa Giáng Sinh của "những đứa trẻ chưa bao giờ tin vào phép lạ Noel, gió đã cuốn đi bao tuổi ngây thơ của những thằng bé mới lớn"
Steven Jezo Vannier kết luận : trong buổi họp mặt gia đình đầm ấm, có mấy ai thiết tha với những tiếng thờ dài não nuột ? Nhạc Giáng Sinh của Pháp không bán chạy như ở Mỹ là điều rất dễ hiểu !
 http://www.rfi.fr/vi/quoc-te/20181225-jingle-bells-100-giai-thoai-ve-nhung-ca-khuc-giang-sinh

30 năm giai thoại Last Christmas

Phần âm thanh 17:50
Wham : Andrew Ridgeley và George Michael (DR)
Wham : Andrew Ridgeley và George Michael (DR)
Cách đây đúng 30 năm, ban nhạc Wham trình làng (ngày 10/12/1984) nhạc phẩm Last Christmas. Bài hát này ban đầu chỉ dành riêng cho thị trường Anh Quốc, nhưng lại nhanh chóng chinh phục thị trường quốc tế với hơn 10 triệu bản bán chạy trên toàn thế giới, chỉ trong vòng một năm. Nhân dịp 30 năm, đài RFI hoà âm một phiên bản mới bài Last Christmas cho mùa Noel 2014.
Theo lời nam danh ca George Michael, anh đã có ý tưởng viết bài hát Last Christmas (Mùa Giáng Sinh năm trước) năm anh 22 tuổi, trong lúc cả nhà anh (với sự hiện diện của người bạn đồng nghiệp Andrew Ridgley) đang xem một trận bóng đá truyền hình trực tiếp. Vì không muốn làm phiền gia đình, cho nên George Michael mới chờ sau khi cả nhà xem đá bóng xong mới bắt đầu mò mẫm sáng tác từ một khúc nhạc, trong đó có hai câu đầu cứ quanh quẩn ám ảnh tâm trí của anh.
George Michael thức trắng cả đêm để hoàn thành ca khúc này mà giai điệu mở đầu rất giống với nhạc phẩm Can’t Smile Without You của Barry Manilow. Khi ghi âm ca khúc Last Christmas, nhóm Wham muốn cạnh tranh với ban nhạc Frankie Goes to Hollywood, đang chiếm hạng đầu thị trường Anh quốc với ca khúc "The Power of Love", được phát hành vào trung tuần tháng 11 năm 1984.
Ý tưởng viết một ca khúc với chủ đề Giáng Sinh đã đến với nam danh ca George Michael vì vào cùng một thời điểm anh đang tham gia vào dự án ghi âm bài hát "Do They Know It's Christmas" của Bob Geldof (chủ xướng phong trào Band Aid) nhằm gây quỹ từ thiện, cứu trợ nạn đói tại Ethiopia.
Một khi được phát hành, tuy không giành lấy ngôi vị quán quân thị trường, nhưng bài Last Christmas lại trở thành đĩa đơn bán chạy nhất trong lịch sử bảng xếp hạng tại vương quốc Anh, với hơn một triệu bản trong vòng chưa đầy một tháng. Trên thị trường châu Âu, bài hát được phát hành trên mặt thứ nhì B-side đĩa nhựa 45 vòng của bài Everything She Wants. Ban đầu được xem như là một ca khúc bổ sung, nhưng rốt cuộc Last Christmas lại thành công hơn cả ca khúc chủ đạo.
Tình khúc Last Christmas là trường hợp tiêu biểu của một ca khúc lỡ cỡ, nằm ngoài các dự án ghi âm album studio. Điều đó giải thích vì sao bản nhạc này không nằm trên tập nhạc thứ nhì mang tựa đề Make It Big của ban song ca Wham. Mãi đến hai năm sau (1986), bản nhạc này mới được đưa vào tập nhạc thứ ba và cũng là tập nhạc cuối cùng của nhóm Wham đề tựa Music from the Edge of Heaven.
Một cách tương tự, cả nhóm cấp tốc bay sang Thụy Sĩ để quay video clip minh họa cho bài hát. Ngoài George và Andrew, còn có người mẫu Kathy Hill và tay đàn bass của Martin Kemp của nhóm Spandau Ballet (do Martin ngoài đời là bạn trai của cô ca sĩ Shirlie Holliman hát phụ họa cho nhóm Wham). Cả đoàn quay phim video tại một căn nhà gỗ ở trạm trượt tuyết Saas-Fee, và nhờ vậy mà trạm nghỉ mát miền núi này lại trở nên nổi tiếng sau này.
Về nội dung, bản nhạc Last Christmas (Mùa Giáng sinh năm trước) là một chuyện tình cay đắng. Một chàng trai hồi tưởng lại những kỷ niệm buồn của mùa Noel năm trước khi gặp lại người yêu cũ. Chàng trai thuở nào say đắm cuồng nhiệt, dâng hiến trọn trái tim, nhưng rồi lại bị người tình phản bội. Có nhiều khả năng George Michael viết ca khúc này trong tâm trạng thất tình.
Hầu như vào cùng một thời điểm, anh đã sáng tác nhạc phẩm Careless Whisper (Lời thì thầm bất cẩn), trong bài này, George Michael dùng hình tượng gót chân tội lỗi lỡ nhịp tình yêu. Còn trong tình khúc Last Christmas (Mùa Giáng sinh năm trước), nụ hôn ngọt ngào năm nào hóa ra chỉ là giả dối cho nhau.
Kể từ ngày ra đời tới nay, bài Last Christmas đều thành công cho mỗi lần tái bản nhân dịp Noel, hai lần lọt vào Top Ten thị trường quốc tế vào năm 1985 và 1994. Bản nhạc cũng thường xuyên được giới nghệ sĩ ghi âm đi ghi âm lại, qua nhiều lối chuyển thể, trong nhiều thứ tiếng khác nhau.
Dường như Last Christmas là ca khúc nhạc nhẹ duy nhất viết về chủ đề Giáng Sinh lại được phóng tác sang đủ mọi thể loại kể cả RnB và reggae, metal rock hay smooth jazz, bossa nova hay bolero, country hay dance pop, acapella hay bán cổ điển …
Hàng năm, theo các cuộc thăm dò ý kiến, bản nhạc này cũng như bài All I Want for Christmas Is You của diva nhạc pop Mariah Carey đều đứng đầu bảng xếp hạng các bài hát yêu thích nhất nhân mùa Giáng Sinh. Các cuộc nghiên cứu thị trường cũng cho thấy là bài Last Christmas nằm trên danh sách 10 bài hát được phát sóng nhiều nhất trong số các tuyển tập với chủ đề Noel.
Tuy nhiên bài Last Christmas cũng gặp phải một số lời chỉ trích, trước hết vì trong bài hát mùa Noel ở đây chỉ là cái bối cảnh, cái thời khắc của một chuyện tình buồn, chứ không thể hiện biểu tượng Giáng Sinh theo đúng nghĩa thiêng liêng của nó. Bằng chứng là tác giả có thể thay thế chữ Christmas bằng một ca từ khác như là Winter (mùa đông) hay là Summer (mùa hè), thậm chí Easter (mùa lễ Phục Sinh) thì điều đó chẳng thay đổi gì về ý nghĩa của ca khúc. Cái ý tưởng cốt lõi của bản nhạc nằm ở nội tâm nói về sự phản bội, sự lừa dối … còn cái bối cảnh mùa đông, mùa hè hay mùa Noel năm trước chỉ là một yếu tố phụ
Bản nhạc Last Christmas cũng vướng phải vấn đề tác quyền do đoạn nhạc mở đầu rất gần giống với bài "Can't Smile Without You" do Barry Manilow ghi âm vào năm 1978. Nhóm tác giả gồm ba nhạc sĩ Christian Arnold, David Martin và Geoff Morrow đã khởi kiện George Michael vì lý do đạo nhạc. Sau một thời gian dài kiện tụng tranh chấp, cuối cùng đôi bên đạt đến thỏa thuận, theo đó doanh thu năm đầu của bài hát Last Christmas dùng để gây quỹ cứu trợ nhân đạo, tặng cho các hiệp hội từ thiện …
Với thời gian, bản Last Christmas đã đi vào lòng người mến mộ và trở thành một trong những ca khúc thành công nhất của làng nhạc pop với số lượng phiên bản cover lên tới gần cả ngàn. 30 năm sau ngày đầu tiên được phát hành tình khúc Last Christmas đã được công nhận như một ca khúc dành riêng cho mùa Giáng Sinh và cũng như nhiều ca khúc khác như Winter Wonderland, Let It Snow và thậm chí Jingle Bells, bản nhạc trong nguyên tác chất chứa nhiều nỗi niềm, theo nhung nhớ triền miên mà trở nên kinh điển.

http://www.rfi.fr/vi/van-hoa/20141225-30-nam-giai-thoai-last-christmas

Những bài hát ngẫu nhiên trở thành ca khúc Noel

Phần âm thanh 20:36
Đại lộ Champs Elysées được thắp sáng nhân mùa lễ Noel
Đại lộ Champs Elysées được thắp sáng nhân mùa lễ Noel AFP /Thomas Samson
Hàng năm tại Pháp, cứ mỗi độ Giáng Sinh về, các kênh truyền hình lại chiếu loạt phim truyện kể lại cuộc đời của Sissi, với thần tượng màn bạc Romy Schneider trong vai nữ hoàng nước Áo. Năm nay, loạt phim này được chiếu trên đài NT1 của Pháp.Bộ phim Nữ hoàng Sissi chẳng có liên gì tới mùa lễ Noel, nhưng vì từ vài thập niên qua, loạt phim này cứ được chiếu đi chiếu lại vào cuối tháng 12, cho nên mỗi khi hình ảnh của nữ hoàng nước Áo lại xuất hiện trên màn ảnh nhỏ, người Pháp vẫn biết mùa Giáng Sinh đã về với mọi nhà.
Còn tại Mỹ, có một bộ phim luôn được chiếu vào mùa Giáng Sinh từ gần 70 năm qua, đó là tác phẩm It’s a Wonderful Life (La vie est belle / Cuộc đời vẫn đẹp) của đạo diễn Frank Capra, với nam tài tử James Stewart trong vai chính. Bộ phim được cho ra mắt khán giả Mỹ vào dịp Noel, và nội dung cốt truyện cũng chọn Giáng Sinh làm bối cảnh.
Ý nghĩa cuộc sống, món quà đẹp nhất
Tuy không ăn khách vào thời điểm phát hành nhân ngày lễ cuối năm 1946, nhưng tác phẩm này lại được Viện phim ảnh Mỹ (American Fim Institute) xếp vào hàng đầu trong số các tác phẩm xuất sắc nhất mọi thời đại. Bộ phim dựa theo truyện ngắn The Greatest Gift của tác giả Philip Van Doren Stern, theo đó món quà đẹp nhất trên đời chính là cái ý nghĩa mà ta tìm cho cuộc sống.
Bộ phim It’s a Wonderful Life chọn bối cảnh cũng như được phát hành vào Noel cho nên đã trở thành biểu tượng gắn liền với Giáng Sinh. Điều đó cũng rất dễ hiểu. Ngược lại, bộ phim nữ hoàng Sissi cả nội dung lẫn hình thức chẳng có ăn nhập gì với Noel nhưng lại trở nên gần gũi, thế thì mới là chuyện lạ. Nhìn kỹ lại, có khá nhiều trường hợp phim ảnh, sách truyện hay bài hát ban đầu chẳng có liên quan, nhưng với thời gian lại mang đầy không khí, sắc màu Noel.
Có thể phân biệt ngay nhạc phẩm Jingle Bells ban đầu không phải là một ca khúc Noel, bài này trong nguyên tác có tên là "One Horse Open Sleigh", tiếng chuông có nhắc đến trong bài hát là quả chuông treo trên cổ ngựa, chứ không phải là tiếng chuông cỗ xe tuần lộc. Trong khi đó, bài Jingle Bell Rock dù có nhịp điệu rất sôi động lại là một ca khúc 100% viết theo chủ đề Giáng Sinh.
Từ Jingle Bells đến Only You
Một trong những trường hợp tiêu biểu nhất của bài hát ngẫu nhiên trở thành ca khúc Noel là nhạc phẩm Only You mà Kylie Minogue phát hành trên tập nhạc Christmas của cô. "Only You" là một tình khúc mà tác giả Vince Clarke sáng tác từ thời anh còn là thành viên của ban nhạc người Anh Depeche Mode. Mãi đến năm 1982, anh mới cho ghi âm bài này trong nhóm Yazoo với giọng ca của Alison Moyet. Từ lối diễn đạt đầy chất soul của Alison Moyet cho tới cách hoà âm bằng đàn phím điện tử, Only You hoàn toàn không có sắc thái Noel.
Trong những phiên bản ghi âm sau này, kể cả trong nguyên tác tiếng Anh hay phiên bản phóng tác sang tiếng Tây Ban Nha, mới bắt đầu xuất hiện những lối phối khí với bộ đàn dây cộng với tiếng chuông ngân, trong video ca nhạc chỉ cần quay thêm vài cảnh tuyết rơi trắng xóa, bầu trời lung linh sao sáng, ngọn nến hồng thắp sáng giữa đêm thâu là đủ để tạo ra khung cảnh mùa Noel.
Rất nhiều bài hát ban đầu không có màu sắc Noel, thế nhưng khi được phát hành vào dịp lễ cuối năm thường tranh thủ thời cơ để tiện bán hàng, để dễ ‘’câu khách’’ hơn. Trường hợp của một số bài hát của nhóm East Seventeen hay của Melanie Thornton, nhất là khi các bài hát này được các hãng nước ngọt chọn làm nhạc hiệu quảng cáo. Trong trường hợp bài Only You của Kylie Minogue, diva người Úc cùng với James Corden biến bài hát này thành một ca khúc Giáng Sinh.
Giai điệu hạnh phúc
Tương tự như hai ca khúc Jingle Bells và Only You, nhiều bản nhạc khác đều là những bài hát tình cờ trở thành ca khúc Giáng Sinh : chẳng hạn như bài My Favorite Things của Julie Andrews. Được trích từ vở ca nhạc kịch The Sound of Music (La Mélodie du Bonheur / Giai điệu hạnh phúc) phát hành vào năm 1959, bài hát không có một chữ nhắc tới mùa đông hay Noel mà lại nhắc tới mùa xuân và những hạt mưa rơi cho tươi thắm nụ hồng.
Đến khi, Julie Andrews ghi âm bài này cho bộ phim ca nhạc cùng tên rồi biểu diễn bài hát trên đài truyền hình nhân dịp lễ cuối năm, bỗng nhiên nhạc phẩm này lại được khoác lên thêm lớp áo Giáng Sinh. Sau Julie Andrews, đến phiên nhiều giọng ca nổi tiếng khác như nhóm The Supremes, Barbra Streisand, Andy Williams, Brian Setzer, Luther Vandross hay Kelly Clarkson đưa vào trong các tuyển tập Noel của họ trong nửa thế kỷ gần đây.
Khi nhắc tới Giáng Sinh, hình ảnh của ông già Noel cưỡi xe tuần lộc thường được gắn liền với mùa đông. Hình ảnh đó xuất phát từ các nước Âu Mỹ ở vùng bắc bán cầu, nơi thường đổ tuyết vào mùa đông nhưng khi lan truyền sang các nước khác dù là xứ nóng hay hải đảo miền nhiệt đới thì ông già Noel vẫn mặc cùng bộ trang phục màu đỏ, bộ râu trắng xóa đội mủ len dù trời có nóng cách mấy.
Winter Wonderland không phải là xứ ông già Noel
Có lẽ cũng vì thế mà nhiều người cứ tưởng lầm rằng các ca khúc như Let It Snow hay Winter Wonderland đều là ca khúc Noel. Nhưng thật ra đều không phải vậy. Bài Winter Wonderland (Mùa đông diệu kỳ) được tác giả Dick Smith viết vào năm 1934 trong lúc ông đang lâm bệnh nặng, bài hát không hề nhắc tới Noel mà chỉ gợi lại thời thơ ấu của chính tác giả. Chính cũng vì thế mà trong Winter Wonderland, cái xứ sở kỳ diệu không phải là quê hương của ông già Noel, như nhiều người lầm tưởng.
Chính những kỷ niệm tuổi thơ ấy mới tạo ra một ngọn lửa sưởi ấm tâm hồn của một người đàn ông bạo bệnh ở tuổi về già. Bài hát này lần đầu tiên do ban nhạc hoà tấu The Richard Himber Orchestra trình diễn và sau đó là đến phiên ca sĩ Guy Lombardo ghi âm. Do cả hai phiên bản được phát hành vào mùa Giáng Sinh, cho nên ngay từ đầu, bài hát này đã được quảng cáo như một ca khúc Noel.
Let It Snow được viết vào mùa hè
Trường hợp của Let It Snow lại càng tiêu biểu hơn. Hai tác giả người Mỹ Sammy Cahn và Jule Styne sáng tác bài này vào mùa hè năm 1945, tức cách đây đúng 70 năm. Mùa hè năm ấy, trời California nóng kinh khủng, cơn nóng bất thường buộc người dân thành phố Los Angeles phải tiết kiệm nước sinh hoạt, không được tưới cây trong vườn hay rửa xe ngoài đường, như thường lệ.
Ngay giữa nắng hè oi bức, hai tác giả Sammy Cahn và Jule Styne mới ước gì trời đổ mưa nhiều cho thật mát. Họ mơ về những chuyến đi chơi xa tới các vùng núi phủ đầy băng tuyết. Ý tưởng của bài Let It Snow xuất phát từ đó. Bản nhạc được phát hành vào mùa Lễ Tạ Ơn Thanksgiving và ăn khách trong nhiều tháng liên tục cho tới tận mùa Valentine giữa tháng Hai.
Từ những năm 1950 trở đi, bài hát Let It Snow luôn được phát vào dịp lễ Giáng Sinh, mãi tới đầu những năm 1960, nhờ vào giọng ca trầm ấm đặc quánh chất whisky của Dean Martin, ca khúc Let It Snow đương nhiên đi vào bộ vựng tập của những bài hát Noel "kinh điển".
Nỗ lực sáng tác ca khúc Noel mới
Vào giữa những năm 1980 ban nhạc pop người Anh Frankie Goes To Hollywood ghi âm nhạc phẩm The Power of Love mà ban đầu không phải là ca khúc Noel, nhưng do phát hành vào dịp lễ cuối năm cho nên video clip minh họa bài hát mới quay cảnh ba vì vua đi theo vầng sao sáng đến tận hang Bêlem.
Chính sự thành công của bài hát này đã thúc đẩy George Michael, thành viên của ban nhạc Wham viết bài Last Christmast, chọn Noel làm bối cảnh để nói về một chuyện tình buồn. Làng nhạc pop Anh Mỹ đã có nhiều nỗ lực sáng tác ca khúc Giáng Sinh mới, nhưng ít có bài hát phổ thông nào ăn khách bằng ba ca khúc ăn khách hàng đầu, và được phát đi phát lại khi mùa Noel lại về. 
Ba ca khúc đó vẫn là The Power of Love của Frankie Goes To Hollywood, Last Christmas của Wham và nhất là bài All I Want for Christmas is You của diva người Mỹ Mariah Carey. Nỗ lực sáng tác ca khúc Noel mới cũng được thấy rõ trên tập nhạc Christmas của Kylie Minogue.
Thường thì ca khúc Noel cần có những nhịp điệu tươi tắn, trẻ trung, yêu đời, Kylie lại đưa nhạc Giáng Sinh ra sàn nhảy, cây thông gắn đầy dây kim tuyến thuở nào nhường chỗ lại cho quả cầu bạc lung linh tỏa sáng muôn ánh đèn màu.
http://www.rfi.fr/vi/van-hoa/20151224-nhung-bai-hat-ngau-nhien-tro-thanh-ca-khuc-noel

Geen opmerkingen:

Een reactie posten