maandag 3 juni 2013

Quá khứ hận thù đeo bám quan hệ Nhật-Hàn

Chủ nhật 02 Tháng Sáu 2013

Quá khứ hận thù đeo bám quan hệ Nhật-Hàn

Các cựu binh Hàn Quốc từng tham chiến ở Việt Nam biểu tình trước đại sứ quán Nhật Bản ở Seoul ngày 23/05/2013 phản đối Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, đòi phải xin lỗi về tội ác chiến tranh.
Các cựu binh Hàn Quốc từng tham chiến ở Việt Nam biểu tình trước đại sứ quán Nhật Bản ở Seoul ngày 23/05/2013 phản đối Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, đòi phải xin lỗi về tội ác chiến tranh.
REUTERS/Kim Hong-Ji

Lê Phước
Tội ác của chế độ quân phiệt Nhật Bản trước đây đối với các nước láng giềng vẫn là bóng ma chập chờn trong quan hệ hiện tại. Đôi khi nó trở thành đề tài làm nổi sóng các mối quan hệ giữa Trung Quốc, Hàn Quốc với Nhật Bản. Tuần san Courrier International số ra tuần này đặc biệt quan tâm đến quan hệ Nhật-Hàn với hai bài trích dẫn của hai tờ báo, một tại Seoul một tại Tokyo.


Bài thứ nhất trích dẫn của tờ báo mạng Mediaus tại Seoul chạy tựa : « Seoul-Tokyo, cảnh báo sẽ có bão ». Tờ báo dùng từ « bão » để ám chỉ việc quan hệ Nhật-Hàn có nguy cơ gặp phải bão táp nếu hai bên không biết tìm cách gác lại quá khứ hận thù.
Nhìn về thái độ hận thù của người Hàn Quốc đối với Nhật Bản, tờ báo nhắc lại, gần đây tờ nhật báo Joong Ang Ilbo tại Hàn Quốc đã đăng bài, theo đó hai quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki hồi năm 1945 là « hình phạt của trời » dành cho những tội ác mà Nhật đã phạm trước đó đối với các nước láng giềng. Tác giả bài viết này còn khẳng định : « Trời đã mượn tay người để trừng phạt tội ác mà con người đã gây ra ».
Ngay lập tức, phía Nhật Bản đã có phản ứng. Phát ngôn nhân của chính phủ Nhật tuyên bố rằng lời lẽ nói trên là không thể chấp nhận được. Thị trưởng hai thành phố Hiroshima và Nagasaki cũng đã lên tiếng bày tỏ phẫn nộ. Đến mức mà đại sứ Hàn Quốc tại Nhật Bản đã phải giải thích trước Quốc hội Nhật rằng, đó chỉ là quan điểm cá nhân của tác giả bài báo chứ không phải là quan điểm của chính phủ Hàn Quốc.
Tờ báo Hàn Quốc nhắc lại, đối với quá khứ, Nhật Bản hiện tại không hề tỏ ra hối hận, và đôi khi còn cố tình bóp méo sự thật lịch sử. Còn Hàn Quốc thì luôn mang cảm giác mình là nạn nhân và cứ bám vào đó không để cho các vấn đề khác được phát triển. Hai bên đề cập đến quá khứ luôn đứng trên lập trường dân tộc chủ nghĩa chứ không trên lập trường nhân quyền và nhân đạo. Theo tờ báo, cộng đồng quốc tế luôn cho rằng việc quân đội Nhật Bản sử dụng phụ nữ Hàn Quốc hay Trung Quốc làm những vật giải khuây tình dục là « một tội ác chiến tranh ». Và dĩ nhiên, trên tinh thần nhân đạo và nhân quyền, cộng đồng quốc tế cũng sẽ không chấp nhận một kiểu ăn nói như bài viết nêu trên của tờ JoongAng Ilbo của Hàn Quốc.
Người Nhật chửi người Hàn là « gián »
Nhìn sâu vào thái độ của người Nhật, Courrier International trích dịch bài viết của tờ Asahi Shimbun tại Tokyo với dòng tựa đáng chú ý : «Đánh đuổi bầy gián Hàn Quốc ».
Tờ báo cho biết, người Nhật không hề có thiện cảm với người Hàn Quốc. Asahi Shimbun đưa ra một minh chứng là từ năm 2006 đến nay, tại Tokyo đã ra đời một nhóm người Nhật theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan chống Hàn Quốc. Nhóm người này thường xuyên tổ chức biểu tình phản đối cư dân Hàn Quốc sống trên đất Nhật, và cách thức biểu tình ngày càng có vẻ mạnh bạo như việc kêu những cư dân Hàn Quốc trên đất Nhật là « những con gián » cần phải bị đánh đuổi.
Bên cạnh thái độ thù địch nói trên của một bộ phận người Nhật, Asahi Shimbun còn trích dẫn ý kiến của hai chính khách Nhật cho thấy thái độ không hề hối hận cho quá khứ và thái độ dân tộc chủ nghĩa cực đoan. Theo tờ báo, hồi giữa tháng 5 vừa qua, ông Toru Hashimoto, thị trưởng Osaka đã không ngại tuyên bố : «Các phụ nữ giải khuây trước kia là cần thiết để duy trì trật tự trong quân đội Nhật. Tất cả những quân đội trên thế giới điều đã cần đến điều đó, bởi thế thật là không đúng khi chỉ trích một mình Nhật Bản như vậy ». Đương kim Thủ tướng Shinzo Abe thì hồi cuối tháng 4 cũng nói : «Khái niệm « xâm lược » cần phải được các nhà sử học và các nhà nghiên cứu định nghĩa trên góc nhìn quốc tế. Ý nghĩa của từ này phụ thuộc vào quan điểm của mỗi quốc gia ».
Những phát biểu này, nói như tờ Mediaus tại Hàn Quốc đã nhận định bên trên, là hoàn toàn đứng trên lập trường dân tộc chủ nghĩa chứ không phải là lập trường mang tính nhân đạo và nhân quyền.
Trung Quốc : Nhà cầm quyền và người dân không hiểu nhau ?
Nhìn sang Trung Quốc, Courrier International dẫn lại bài của tờ Hoàn cầu Thời báo - thuộc Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng cộng sản Trung Quốc. Bài viết chạy tựa : «Giấc mơ Trung Hoa không được hiểu đúng».
Hoàn cầu Thời báo nhắc lại việc, hồi năm rồi, khi nhậm chức Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã kêu gọi mọi người thực hiện « giấc mơ Trung Hoa ». Thế nhưng, theo tờ báo, nội hàm của giấc mơ này chưa được bạn bè quốc tế hiểu chính xác và đầy đủ, nên đã tỏ ra quan ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Trên cơ sở đó, tờ báo đưa ra đến 10 lời giải thích cho 10 vấn đề mà tờ báo cho rằng đã không được hiểu đúng về « giấc mơ Trung Hoa ».
Bên cạnh đó, Courrier International cũng đăng bài nhận định riêng của mình. Courrier International cho biết, khái niệm « giấc mơ Trung Hoa » của ông Tập Cận Bình đối với ông và với những người cầm cương đảng Cộng Sản Trung Quốc thì đó là « sự phục hưng của đại quốc Trung Hoa ». Thế nhưng, trong thực tế, tại Trung Quốc đã có những cách hiểu khác. Chẳng hạn như trong bài xã luận đầu năm 2013 của tờ Nam Phương Chu Mạt tại Quảng Đông, thì « giấc mơ Trung Hoa » nói trên chính là xây dựng cho được « một nền dân chủ ». Nói cách khác, đối với Nam Phương Chu Mạt, thì phục hưng Trung Quốc tức là phục hưng chế độ dân chủ. Ngay lập tức, bài báo này đã bị kiểm duyệt.
Courrier International nhận định, sự việc đã cho thấy sự khác biệt trong nhận thức giữa nhà cầm quyền Trung Quốc với người dân. Courrier International nhấn mạnh : Kiểm duyệt có thể buộc một tờ báo im lặng, nhưng không thể áp đặt được một quan điểm chính thức nào đó cho người dân.
Hoa Kỳ : Kinh tế trên đà phục hồi
Trong lĩnh vực kinh tế, tuần san L’Express dành một hồ sơ khá dài cho nền kinh tế Hoa Kỳ với dòng tựa lớn chạy trên trang nhất : «Tăng trưởng : Sự trở lại của nước Mỹ ».
Tờ báo cho biết tiến trình phục hồi kinh tế của Mỹ đang đơm hoa kết trái. Đầu tư của các doanh nghiệp đang dần khởi sắc, lĩnh vực tiêu dùng đã lấy lại đà. Theo tính toán của giới chuyên gia, thâm hụt công của Mỹ đã giảm rất nhanh, từ mức 7% GDP vào năm 2012 xuống còn 4% vào năm nay, và sẽ chỉ còn 2,1% trong năm 2015. Trên tổng thể, giới chuyên gia dự báo tăng trưởng của Mỹ đang trở lại, thu ngân sách đang tăng, thị trường bất động sản đang tái khởi động, lĩnh vực tiêu dùng đang khởi sắc.
Trong bối cảnh đó, Châu Âu vẫn còn đang chìm trong khủng hoảng nợ công. Câu hỏi đặt ra là liệu tình hình tươi sáng bên trên có giúp Châu Âu có thêm sức lực thoát khỏi khủng hoảng ? L’Express thừa nhận, một nền kinh tế chiếm đến 16% mức tiêu thụ thế giới như Mỹ mà phục hồi thì dĩ nhiên sẽ ảnh hưởng tốt đến các khu vực sản xuất lớn trên thế giới. Tuy vậy, tăng trưởng của Châu Âu có đến 60% đến từ tiêu thụ nội khối, trong khi sức tiêu thụ của người Châu Âu vẫn đang chìm đắm. Thêm vào đó, từ năm 2000 đến nay, đồng đô la đã giảm đến 35% giá so với đồng euro, gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu của các nước sử dụng đồng euro. Tóm lại, Châu Âu sẽ còn nhiều khó khăn dù nền kinh tế Mỹ phục hồi.
Châu Âu : Khắc khổ giết người ?
Đi sâu vào khó khăn của Châu Âu, Courrier International dành trang nhất đăng tựa : «Chính sách khắc khổ đang giết người ». Tờ báo trích dẫn báo chí của một số nước Châu Âu cho biết, chính sách khắc khổ đã làm giảm các phúc lợi xã hội của người dân, nhất là phúc lợi về y tế, tức gián tiếp gây thiệt mạng cho nhiều người.
Tờ báo trích dẫn báo chí Hoa Kỳ đăng ý kiến của Nobel kinh tế Paul Krugman và một số chuyên gia kinh tế Mỹ báo động về hậu quả tiêu cực của chính sách khắc khổ.
Trích dẫn báo chí Hy Lạp, Courrier International cho biết, trong năm 2011, số người tự tử tại nước này đã tăng 26,5% so với năm 2010. Đây là một sự gia tăng đáng báo động vì Hy Lạp là nước có tỉ lệ tự tử thuộc hàng thấp nhất Châu Âu.
Nhìn từ nước Ý, việc cắt giảm an sinh xã hội đã khiến người dân nước này không dám chăm sóc sức khỏe mình cẩn thận như trước kia. Theo thăm dò, hiện có đến 9 triệu người Ý không đi điều trị đối với những bệnh có mức độ nghiêm trọng vừa hoặc nhỏ. Lượng sử dụng thuốc giảm căng thẳng cũng tăng lên đáng kể ở nước này. Còn tại Bồ Đào Nha, có đến 1/3 cơ sở y tế thiếu phương tiện kỹ thuật và thiếu vắc xin tiêm phòng.
Châu Âu : Lao động trẻ trình độ cao nổi lên trong khủng hoảng
Cũng trong hồ sơ kinh tế Châu Âu, Courrier International trích dẫn bài của tờ De Groene Amsterdammer tại Hà Lan với dòng tựa : «Tuổi trẻ Châu Âu di cư : Một thế mạnh ».
Tuổi trẻ ở đây là những lao động trình độ cao, có bằng cấp, năng động và có thể đi làm việc ở bất cứ nơi nào khi cần thiết. Trong thời buổi Châu Âu lâm khủng hoảng nợ công như hiện nay, bộ phận tuổi trẻ này ở các nước khủng hoảng khó tìm được cơ hội việc làm trong nước, nên bắt đầu tìm đến các nước Châu Âu khác có điều kiện kinh tế khá hơn, trong đó Hà Lan cũng là một trong những điểm đến thu hút nhất.
Bangladesh : Ngành dệt may nô lệ
Vụ sập xưởng may làm hơn 1.000 người thiệt mạng hôm 24/4 vừa qua tại Bangladesh tiếp tục thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo chí Pháp. Tuần san Le Nouvel Observateur và nguyệt san Le Monde Diplomatique số ra tháng 6 đồng loạt đề cập đến chủ đề này.
Le Monde Diplomatique chạy tựa lớn trên trang nhất : «Những sát thủ của ngành dệt may », Le Nouvel Observateur thì dành hồ sơ : «Những ông chủ nô lệ của ngành dệt may ». Cả hai tờ báo đều cho biết, trước vụ sập xưởng may hôm 24/4, tại Bangladesh cũng thường xuyên có những vụ tương tự. Điều kiện lao động của công nhân ở nước này hết sức tệ hại, thu nhập của công nhân thì rất thấp, các hãng xưởng luôn xem thường các quy định đảm bảo lợi ích của người lao động. Trong bối cảnh đó, giới công đoàn cho rằng chính quyền đã dung dưỡng giới chủ doanh nghiệp để hà hiếp công nhân.
Syria : Phe nổi dậy ăn thịt quân chính phủ ?
Nhìn về Syria, các tạp chí Pháp tuần này dành nhiều bài viết cho cuộc chiến tại nước này. Phụ trang cuối tuần báo Le Monde đăng bài : « Syria : Đoạn phim gây rắc rối cho phe đối lập ».
Tờ báo cho biết, hôm 13 tháng rồi, tổ chức nhân quyền Human Rights Watch đã công bố trên Youbtube một đoạn phim cho thấy một chỉ huy quân nổi dậy dùng dao chặt một thi thể của một quân nhân chính phủ Assad, và cắt một miếng phổi từ xác này. Viên chỉ huy này gọi đó là tim của kẻ thù và để vào miệng cắn. Ngoài ra, người này còn kêu gọi tận diệt những người Hồi giáo Alaouite (thuộc phe Tổng thống Assad). Le Monde cho biết, đoạn phim được tung ra trong bối cảnh quân đội chính phủ Assad bị cáo buộc đã sử dụng vũ khí hóa học, và trong lúc mà các nước phương Tây muốn võ trang cho phe nổi dậy.
Tạp chí Le Nouvel Observateur thì đăng bài « Vòng ngoại giao lẩn quẩn ». Tờ báo dùng từ « lẩn quẩn » vì cho rằng, đến hiện tại, cuộc chiến tại Syria đã kéo dài suốt hai năm với hơn 60.000 người chết, hàng triệu người phải tản cư, thế mà các cường quốc và cả Liên Hiệp Quốc cứ lẫn quẩn trong các vòng đàm phán mà chưa tìm ra giải pháp cuối cùng.
Về phần mình, nguyệt san Le Monde Diplomatique nói thêm, sở dĩ chưa tìm ra giải pháp là bởi vì tuy cuộc chiến diễn ra tại Syria, nhưng đứng đằng sau nó là các cường quốc với những lợi ích khác nhau.
Pháp bị đe dọa trong khu vực Sahel
Pháp đã chiến thắng tại Mali ? Câu trả lời là : chưa, và còn có thể nói thêm rằng, cuộc chiến này đang bắt đầu cho một cuộc chiến khác trong khu vực cận Sahara. Đó là nhận định của tạp chí Le Nouvel Observateur qua bài viết : «Sahel : lan tràn chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ».
Tờ báo cho biết, sau khi bị đánh bật ra khỏi Mali, các thành phần Thánh Chiến đang ra sức tấn công quyền lợi của Pháp trong khu vực Sahel. Từ Mauritania đến Somali, từ Mali đến Niger, từ Cameroun đến Soudan… các lợi ích của Pháp đang bị đe dọa bởi lực lượng Hồi giáo cực đoan có võ trang. Le Nouvel Observateur cảnh báo : Nếu cuộc chiến tại Mali chúng đã bị thua, thì cuộc chiến du kích trường kỳ trong khu vực Sahel chỉ mới bắt đầu.
Pháp : Cánh hữu tam phân ngũ lập ?
Bàn vệ tình hình chính trị tại Pháp, Le Nouvel Observateur có bài : «Cánh hữu vỡ tung », cho biết sự chia rẽ sâu sắc trong các đảng phái cánh hữu của Pháp.
Tờ báo cho biết, các đảng phái cánh hữu chia rẽ sâu sắc về nhiều chủ đề. Đối với đảng cánh hữu lớn nhất là UMP, tờ báo nhận định, dù rằng sự huy động lực lượng xuống đường của đảng này để phản đối hôn nhân đồng tính trong thời gian qua là mạnh mẽ, thế nhưng UMP bị chia rẽ sâu sắc trên chóp bu lãnh đạo, và chia rẽ về hầu hết các hồ sơ chính trị xã hội.
Tiếng Pháp thua tiếng Anh ngay trên đất Pháp ?
Nhìn sang hồ sơ giáo dục của nước Pháp, nguyệt san Le Monde Diplomatique đăng bài xã luận trên trang nhất : «Phản đối sự độc tôn ngôn ngữ ».
Bài xã luận đề cập đến đề xuất của Bộ Đại học và Nghiên cứu của Pháp về việc cho phép giảng dạy bằng tiếng Anh trong một số môn ở các trường đại học của Pháp, thay vì bằng tiếng Pháp. Lý do bộ này đưa ra là : dùng tiếng Anh để thu hút du học sinh của các nước mới nổi như Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc hay Braxin. Thế nhưng, tờ báo cho rằng, « sức hút » của một ngôn ngữ không nằm ở việc bán đào tạo đại học cho các nước mới nổi, ngôn ngữ đó phải được khẳng định bằng việc giao lưu với các ngôn ngữ khác.
Tờ báo cho biết, ở các trường đại học ở Mỹ, tỉ lệ sinh viên nước ngoài chiếm bình quân có 3,7%, trong khi con số này ở Pháp là 13%, thế mà có ai cho rằng cần phải dạy bằng một tiếng khác ngoài tiếng Anh để rút ngắn khoảng cách này đâu. Tờ báo cay đắng : Ngày nay, thật ngược đời khi mà việc « Mỹ hóa » và việc tăng cường quảng bá tiếng Anh lại được xúc tiến không phải bởi nước Mỹ mà lại là những nước khác không sử dụng tiếng Anh làm thứ tiếng chính thức.
Thế giới trước nguy cơ lão hóa dân số
Trong hồ sơ xã hội, Le Monde Diplomatique dành khá nhiều bài bàn về thực trạng lão hóa dân số ở một số nước trên thế giới như Đức, Trung Quốc, Nhật Bản…
Đối với Đức, dân số nước này đang lão hóa rất nhanh, trong khi công tác chăm sóc người già không được tiến hành bài bản. Hậu quả là, người Đức do kinh tế khó khăn, do chi phí nuôi người già ở Đức đắt đỏ, đang có phong trào đưa thân nhân lớn tuổi đến sống ở trại dưỡng lão tại một số nước có đời sống kém phần đắt đỏ hơn, trong đó Thái Lan là một điểm đến được ưu ái.
Còn tại Trung Quốc, theo truyền thống của nước này, người già phải sống với con cháu và được con cháu chăm sóc. Thế nhưng, thời đại đã đổi khác, quá trình đô thị hóa của Trung Quốc diễn ra quá nhanh, nhiều người đã đổ xô lên thành thị kiếm sống, bỏ ông bà cha mẹ sống hiu quạnh dưới quê. Le Monde Diplomatique cho biết, có đến 54% trên tổng số 185 triệu người Trung Quốc trên 65 tuổi hiện phải sống cảnh quạnh hiu như vậy.
Tại Nhật, theo thống kê, vào năm 2010, người có tuổi từ 65 trở lên chiếm 23% dân số, người từ 50 trở lên chiếm 43% dân số, tức tỉ lệ cao nhất trên thế giới. Ước tính, vào năm 2025, 1/3 người Nhật sẽ có tuổi đời từ 65 trở lên. Vào năm 2050, dân số Nhật sẽ giảm đến hơn 31 triệu người so với năm 2000. Thực trạng lão hóa dân số này đang là mối đe dọa cho thị trường lao động tại Nhật. Tuy nhiên, cũng mở ra cho các nhà kinh doanh một hướng phát triển mới : hướng tập trung phát triển thị trường tiêu thụ dành cho người lớn tuổi.

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20130602-qua-khu-han-thu-deo-bam-quan-he-nhat-han

Geen opmerkingen:

Een reactie posten