zaterdag 29 juni 2013

Mỹ đổ máu, nhưng Trung Quốc trục lợi nhiều nhất từ Irak

Mỹ đổ máu, nhưng Trung Quốc trục lợi nhiều nhất từ Irak
Cũng liên quan đến châu Á, Le Monde trong bài viết « Trung Quốc, nước hưởng lợi nhiều nhất trên dầu lửa Irak » cho biết, phân nửa trong số 3 triệu thùng dầu sản xuất ra hàng ngày tại Irak là nhằm phục vụ cho nhu cầu của Bắc Kinh.
Thông tín viên của Le Monde tại Thượng Hải nhận xét, đó là một cuộc chiến mà Bắc Kinh đã cẩn thận tránh né cách đây một thập kỷ, nhưng lại chiến thắng một cách vinh quang. Hoa Kỳ đã tham chiến tại Irak, nhưng cuối cùng chính đối thủ chiến lược của Washington trong thế kỷ 21 lại giành được những hợp đồng lớn.
Một sự kiện mà các nhà phân tích đã hiểu từ lâu, nhưng dư luận Mỹ thì không mấy người hiểu được. Ít nhất là cho đến lúc tờ New York Times đưa lên trang bìa chủ đề này vào đầu tháng Sáu. Còn người dẫn chương trình truyền hình Daily Show, Jon Stewart thì sững sờ tự hỏi : « Liệu có phải dấn thân vào một cuộc chiến để chiến thắng hay không ? »
Với 1,5 triệu thùng dầu được cung cấp mỗi ngày, Bắc Kinh đã ngốn hết phân nửa lượng dầu xuất khẩu của Irak. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (AIE) thì đến năm 2020, 80% lượng dầu từ Irak xuất đi là sang châu Á, chủ yếu là cho Trung Quốc.
Khi rời Irak, Washington đã để lại đằng sau các nguyên tắc của thị trường tự do và việc đấu thầu, thì Bắc Kinh đã rất khéo xoay sở, trước hết là các tập đoàn dầu khí có vốn hầu hết của Nhà nước, đặc biệt là PetroChina. Các tập đoàn này quan tâm đến nguồn cung ứng năng lượng cho nước mình hơn là khả năng sinh lợi cao, trong lúc nhu cầu Trung Quốc ngày càng tăng, chưa thể đạt đến đỉnh điểm trước năm 2030 hay 2035.
Cụ thể, PetroChina năm 2008 đã ký hợp đồng 3 tỉ đô la để được khai thác mỏ Al Ahdad, trong đó tập đoàn này chiếm 75% cổ phần. Đến tháng 11/2009, tập đoàn quốc doanh Trung Quốc chiếm được 37% mỏ Rumaila bên cạnh BP ở miền Nam Irak. Một tháng sau đó, PetroChina mua được 37,5% mỏ Halfaya.
Nguyên tắc « không can thiệp vào chuyện nội bộ của nước khác » cũng giúp Bắc Kinh chiêu dụ được về chính trị, tại một vùng đất ghi đậm dấu ấn của thời kỳ Mỹ đóng quân. Trung Quốc cũng biết lợi dụng những sai lầm chiến lược của các tập đoàn dầu khí Mỹ. Exxon đã phải bán lại phần hùn của mình tại mỏ dầu Tây Qurna 1, sau khi bị Bagdad trách cứ là đã ký các hợp đồng với vùng tự trị Kurdistan. Các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc không chờ đợi lâu : PetroChina ngay sau đó đã đề nghị mua lại.

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20130627-bangkok-se-chim-duoi-nuoc-vao-nam-2030

Geen opmerkingen:

Een reactie posten