Tin tức / Ðời sống
Mua sừng tê giác, mua móng chân người giá cao
Hình ảnh của chiến dịch ' Nói KHÔNG với sừng tê giác,' với hình bàn chân thay thế sừng tê giác để chuyển tải thông điệp rằng sừng tê giác được cấu tạo chủ yếu từ chất keratin, giống hệt như thành phần trong móng tay, móng chân người.
Mua sừng tê giác, mua móng chân người giá cao
World Wildlife Fund (WWF)-Việt Nam là một phần của WWF quốc tế, có mặt tại Việt Nam từ năm 1990. WWF là một trong những tổ chức phi chính phủ hoạt động về bảo tồn có uy tín nhất, với năm triệu người ủng hộ và một mạng lưới toàn cầu đang hoạt động trên hơn 100 quốc gia. Vấn nạn buôn bán bất hợp pháp các sản phẩm từ động vật hoang dã, đặc biệt là sừng tê giác, đang ngày một trở nên nghiêm trọng tại Việt Nam. Do đó, WWF Việt Nam đang phát động các chiến dịch lớn nhỏ nhằm nâng cao nhận thức của người dân về sừng tê giác để giảm nhu cầu dùng sừng tê giác và để các cá thể tê giác có cơ hội tiếp tục tồn tại, tránh khỏi nạn tuyệt chủng. Trả lời email phỏng vấn VOA ban tiếng Việt, chị Nguyễn Thị Tú, đại diện của tổ chức WWF, và ông Brett Tolman, đại diện đơn vị TRAFFIC chia sẻ thêm chi tiết về vấn nạn khai thác buôn bán sừng tê giác và chiến dịch ngăn chặn vấn nạn này.
Tại Nam Phi, mỗi năm có hàng trăm con tê giác bị săn trộm để lấy sừng và đưa vào các đường dây buôn lậu hoạt động mạnh mẽ tại một số nước Châu Á. Việt Nam cũng nằm trong số này. Theo thông tin từ tổ chức World Wildlife Fund (WWF) Việt Nam, trong những năm gần đây, xu hướng sử dụng sừng tê giác với nhiều mục đích đang có dấu hiệu trở nên phổ biến trong giới trung lưu và thượng lưu ở Việt Nam. Giải thích về vấn đề này, chị Nguyễn Thị Tú ở tổ chức WWF nói:
“Nhiều loại thuốc đông y đã được chứng minh có thể chữa trị hiệu quả các bệnh khác nhau và cứu sống hàng triệu sinh mạng. Mặc dù sừng tê giác không phải là một trong các loại thuốc đó, nhưng những lời nói dối, các lời đồn thổi và tin đồn lan rộng đang châm ngòi cho nhu cầu và việc sử dụng sừng tê giác. Trong đông y, sừng tê giác được sử dụng nhằm điều trị nhiều bệnh bao gồm từ sốt cho tới ảo giác và đau đầu. Bột sừng tê giác hòa vào nước được sử dụng làm thức uống giải rượu. Ngoài ra, các phương tiện truyền thông còn cung cấp thông tin về tác dụng chữa trị ung thư của sừng tê giác.”
Vào đầu những năm 1990, trong khi việc tìm thấy một số con tê giác một sừng có tên gọi là Javan Rhino tại vườn quốc gia Cát Tiên đã khiến cả thế giới hân hoan, thì chỉ 20 năm sau, hậu quả tất yếu của việc sử dụng sừng tê giác tràn lan đã xảy ra. Xác những con tê giác một sừng Javan Rhino cuối cùng tại Việt Nam bị cụt sừng đã được tìm thấy tại chính vườn quốc gia Cát Tiên vào tháng Tư năm 2010. Tổ chức WWF đã chính thức tuyên bố loài tê giác này đã tuyệt chủng tại Việt Nam vào ngày 25/11/2011.
Trong khi đó tại Nam Phi, chỉ tính riêng năm 2012 đã có 668 con tê giác bị giết bất hợp pháp, tương đương với trung bình gần hai con mỗi ngày. Mức độ săn trộm đã tăng vọt 5000% so với 13 con tê giác bị giết năm 2007. Chỉ trong vài tháng đầu năm 2013, tính đến ngày 3 tháng 4, hơn 200 con tê giác đã bị giết tại Nam Phi.
Hoạt động với các nhiệm vụ là ngăn chặn sự xuống cấp của môi trường thiên nhiên của trái đất; xây dựng một tương lai trong đó con người sống hoà hợp với thiên nhiên, bằng cách bảo tồn đa dạng sinh học của thế giới, đảm bảo rằng việc sử dụng bền vững những tài nguyên có thể tái sử dụng, và thúc đẩy việc giảm ô nhiễm và tiêu thụ lãng phí; tổ chức WWF không thờ ơ trước việc các con tê giác hàng ngày đang dần biết mất ngay trước mắt.
Riêng tại Việt Nam, để ngăn chặn cuộc khủng hoảng săn bắn trộm và đẩy mạnh những nỗ lực nhằm ngăn chặn nạn buôn bán trái phép và tiêu thụ sừng tê giác, WWF đã phát động chiến dịch toàn cầu về chống buôn bán trái phép sừng tê giác kéo dài 18 tháng từ tháng Bảy năm 2012 đến tháng 12 năm 2013. Chiến dịch này được thực hiện với ba mục tiêu chính: chấm dứt nạn buôn bán sừng tê giác bất hợp pháp tại Việt Nam; giảm nhu cầu sử dụng sừng tê giác thông qua chiến dịch nâng cao nhận thức trong công chúng và đạt được cam kết của chính phủ trong việc thực hiện chương trình giảm cầu; và cuối cùng là đẩy mạnh thực thi pháp luật bao gồm giam giữ và truy tố các đối tượng tham gia buôn bán sừng tê giác.
Để đạt được mục tiêu lớn, WWF tại Việt Nam đang từng bước thực hiện các bước nhỏ hơn, bắt đầu với chiến dịch có tên ‘nói KHÔNG với sừng tê giác.’ Chiến dịch này được WWF và đơn vị đối tác TRAFFIC hợp tác thực hiện với mục đích chính là nâng cao nhận thức cho người dân qua việc cung cấp đầy đủ thông tin cho người dân. Từ đó, chính bản thân người dân có thể tự đưa ra quyết định về việc có hay không tiếp tục sử dụng sừng tê giác.
Hai đơn vị đã và đang nỗ lực kêu gọi sự hỗ trợ và tham gia từ các tổ chức phi chính phủ, các đối tác, các nhà doanh nghiệp, những người nổi tiếng – họ là những người có thể gây ảnh hưởng trong công chúng cũng như khách hàng của họ. Tổ chức WWF đã và đang làm việc với nhiều cơ quan trong nước như các đơn vị báo chí truyền thông, ngân hàng, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, trường đại học, rạp chiếu phim, các khu dân cư, văn phòng, sân bay, các công ty mạng di động v..v…với hy vọng sẽ ngày càng có nhiều người nhận thức được vấn nạn này và nhu cầu sử dụng sừng tê giác sẽ ngày càng giảm. Bên cạnh đó, WWF và TRAFFIC cũng kêu gọi sự hỗ trợ và cam kết của toàn dân, thanh niên học sinh. Cuối cùng, với sự phát triển và phổ biến của công nghệ, các trang website chính và các trang mạng xã hội như facebook, youtube cũng được sử dụng.
Với việc nâng cao nhận thức, các tổ chức bảo tồn môi trường và đa dạng sinh học như WWF cũng hy vọng nhu cầu sử dụng và khai thác sừng tê giác cũng sẽ giảm. Trả lời phỏng vấn của VOA, ông Brett Tolman của đơn vị TRAFFIC nói thêm về chiến dịch giảm cầu, một phần khác của chiến dịch toàn cầu về chống buôn bán trái phép sừng tê giác:
“Để chiến dịch giảm thiểu nhu cầu có thể thành công đối với bất kỳ loại hình sản phẩm từ động vật hoang dã nào, bao gồm cả sừng tê giác, việc cần làm là khởi xướng các hoạt động và nỗ lực để nhắm tới nhóm người tiêu dùng đã xác định sẵn, và không chỉ cung cấp thông tin liên quan cho họ, mà còn theo dõi và đảm bảo có thay đổi thực tế trong hành vi tiêu dùng. Điều này bao gồm nâng cao nhận thức về một sự thật, đó là sừng tê giác không thể chữa bệnh hiểm nghèo, không giúp gia tăng khả năng tình dục hay có vai trò làm thuốc bổ nói chung. Nó được cấu tạo chủ yếu từ keratin, giống như móng tay và móng chân người.”
Để phát đi thông điệp chung của chiến dịch một cách rõ ràng, tổ chức WWF đã chia sẻ với VOA bức ảnh được tổ chức Ogilvy and Mather Việt Nam phát triển ý tưởng miêu tả cá thể tê giác với sừng bị lấy đi và thay thế vào đó là hình ảnh bàn chân người. Chị Tú nói rằng, đây là cách thể hiện sáng tạo và trực quan nhằm khẳng định thông điệp sừng tê giác được cấu tạo chủ yếu từ chất keratin, giống hệt như thành phần trong móng chân, móng tay người.
Ông Brett Tolman của tổ chức TRAFFIC đồng thời nhấn mạnh:
“Mọi người cần phải hiểu rằng nếu họ đang tiêu thụ sừng tê giác vì bất kỳ lý do gì, thì thực ra họ đang trả tiền để mua móng chân với giá cao. Việc thay đổi hành vi này có thể được thực hiện thông qua các sáng kiến giáo dục bởi các tổ chức trong nước và quốc tế, và quan trọng hơn là bởi Chính phủ Việt Nam. Điều quan trọng là Chính phủ Việt Nam cần có vai trò trực tiếp trong các sáng kiến giảm cầu nhắm tới các nhóm người tiêu dùng.”
Ngoài việc nâng cao nhận thức với hy vọng giảm nhu cầu và mức tiêu thụ sừng tê giác, ông Brett nói rằng, các cơ quan thực thi pháp luật cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc tịch thu sừng tê giác được nhập trái phép cũng như bắt giữ và truy tố những người tham gia vào hoạt động buôn bán này. Chìa khóa để ngăn chặn hành vi tiêu thụ sừng tê giác là thực thi pháp luật hiệu quả. Hiện nay, những người tham gia vào hoạt động buôn bán sừng tê giác gần như không bị trừng phạt và họ thường không bị bắt bởi những hành vi bất hợp pháp này, và quan trọng là họ không bị xét xử tại tòa. Tình hình này cần phải thay đổi nếu việc giảm cầu diễn ra thành công.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten