vrijdag 14 juni 2013

Cuộc sống mới của « ngôi sao » ly khai Trung Quốc Trần Quang Thành

Thứ năm 13 Tháng Sáu 2013

Cuộc sống mới của « ngôi sao » ly khai Trung Quốc Trần Quang Thành

Nhà ly khai Trần Quang Thành tại New York, ngày 24/05/2012.
Nhà ly khai Trần Quang Thành tại New York, ngày 24/05/2012.
REUTERS/Shannon Stapleton

Lê Vy
Sau sáu năm mang danh tội đồ tại Trung Quốc, người luật sư mù Trung Quốc Trần Quang Thành, nhà hoạt động vì nhân quyền hiện nay đang sống lưu vong tại New York. Ông đã lên án nạn bạo hành của chính sách một con tại Trung Quốc. Nhân vật này được báo Le Monde trong mục địa-chính trị hôm nay khá quan tâm qua bài viết : « Cuộc sống mới của ngôi sao ly khai Trung Quốc Trần Quang Thành ».


Tờ báo tóm lược những mốc thời điểm đáng chú ý trong cuộc đời của ông. Sinh năm 1971 tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, năm 2006, ông bị kết án 4 năm và 3 tháng tù do ông đã bênh vực những phụ nữ bị cưỡng bức phá thai hay triệt sản. Ông công khai lên án sự bất nhân của chính quyền. Mãn hạn tù vào năm 2010, ông tiếp tục bị quản thúc tại gia. Năm 2012, ông đã trốn thoát hàng rào cảnh sát dày đặc tại tỉnh Sơn Đông để tiến lên Bắc Kinh, tị nạn trong đại sứ quán Hoa Kỳ và hiện nay đang sống lưu vong tại Mỹ.
Sang đến Hoa Kỳ, ông được học tại trường đại học luật New York với một chương trình đặc biệt dành riêng cho ông. Ông đã làm việc miệt mài, theo lời thuật lại của luật gia Jerom Cohen, người lo cho ông Trần Quang Thành khi ông vừa bước chân sang Mỹ : « Sáng, ông viết luận án. Hai buổi chiều hàng tuần, ông học tiếng Anh và ba buổi chiều còn lại ông học luật ».
Những năm tháng cơ cực đấu tranh vì nhân quyền tại Trung Quốc giờ đây ông đã phần nào được bù đắp qua việc được gặp gỡ nhiều nghị sĩ và các nguyên thủ quốc gia. Mới đây vào tháng 5, ông được Nghị viện Anh trao tặng giải thưởng Westminster về nhân quyền. Sau đó, ông đã được gặp Thủ tướng David Cameron mà trước đó, ông David Cameron đã từ chối tiếp luật gia mù này vì sợ động chạm đến Bắc Kinh. Đến Đài Loan vào cuối tháng 6 tới đây sẽ là dịp để ông thể hiện tài hùng biện của mình trong dân chúng Trung Quốc nhằm đưa Đài Loan thoát khỏi chế độ độc tài tiến lên một xã hội tự do, dân chủ. Luật gia Jerom Cohen còn nhấn mạnh rằng chưa có một thành phần Trung Quốc ly khai nào tại phương Tây làm được như ông Trần Quang Thành : đó là tăng tầm ảnh hưởng của mình bằng sự thông minh và bằng chính cái uy của mình.
Việc ông bị đàn áp vì đấu tranh cho nhân quyền và đặc biệt hơn nữa là ông bị mù, đã biến ông thành một biểu tượng điển hình cho những người bị chế độ Bắc Kinh truy bức. Nhiều phong trào đã nổ ra để ủng hộ ông. Mới đây, thân nhân của ông còn lại tại Trung Hoa cũng bị sách nhiễu nhưng ngày 7/06, ngày Chủ tịch nước Tập Cận Bình đến Hoa Kỳ, Trung Quốc đã cấp hộ chiếu cho người nhà của ông. Theo nguyên tắc thì họ có thể đến Mỹ để thăm ông.
Cuộc sống mới của ông tại Mỹ cũng gặp không ít trắc trở. Việc ông đấu tranh cho nhân quyền và chống lại nạn bạo hành trong việc áp dụng chính sách một con tại Trung Quốc đã khiến ông chịu không ít phiền toái từ phía chính quyền nhưng đồng thời, ông cũng thu nhận được nhiều ủng hộ từ phía các tổ chức chống phá thai của Hoa Kỳ. Sự việc này là cái cớ để Bắc Kinh lên án ông bị các « thế lực thù địch » đứng phía sau giật dây. Hiện nay, các nhóm đấu tranh vì nhân quyền và chống nạn nạo thai đề nghị ông cộng tác với họ và tranh giành sự tín nhiệm của ông. Để có sự lựa chọn thỏa đáng và làm hài lòng cả đôi bên đối với ông quả là khó.
Nga : Hạ viện Duma phạt hành vi « tuyên truyền » cho tình trạng đồng tính
Vừa qua, đề tài về đồng tính vừa đạt được giải thưởng tại Liên hoan phim Cannes và Pháp vừa mới thông qua luật cho phép hôn nhân đồng tính thì tại nước Nga lại cấm tuyên truyền mọi chủ đề có liên quan đến đồng tính. Báo Le Monde hôm nay đặc biệt quan tâm về sự kiện này tại Nga.
Le Monde cho biết thứ Ba vừa rồi (11/6), các dân biểu Nga vừa thông qua một đạo luật phạt nặng mọi hành động bị cho là tuyên truyền cho tình trạng đồng tính cho trẻ vị thành niên. Hình phạt có thể là phạt tiền hoặc có thể lên đến từ 3 tháng đến 3 năm tù.
Được biết là đạo luật này đã bị xóa bỏ từ khi Liên bang Xô Viết sụp đổ vào năm 1991 nhưng sau đó, Hạ viện Duma đã từ từ áp dụng lại luật này. Đạo luật chống tuyên truyền đồng tính lên án « mọi hành vi tuyên truyền thông tin có khả năng kích thích sự quan tâm và tò mò của trẻ vị thành niên về loại quan hệ này ». Nếu vi phạm, truyền thông sẽ bị phạt ngưng phát sóng 90 ngày. Công dân nước ngoài cố tình đề cập đến đề tài này chốn công cộng sẽ bị bỏ tù 15 ngày và bị trục xuất về nước. Phóng viên nào đề cập đến chủ đề này cũng có nguy cơ bị phiền toái sau đó.
Báo Le Monde nhận định tại châu Âu già cỗi này, khi mà các quốc gia đang dần dần công nhận quyền lợi của cộng đồng giới đồng tính thì Nga lại kỳ thị thành phần này. Vào tháng 5 vừa rồi, hai người đồng tính đã bị hành hung bởi thành phần mang danh bảo vệ « truyền thống nước Nga ». Tờ báo minh chứng trường hợp của hai nạn nhân. Người thứ nhất 23 tuổi bị ném đá vỡ đầu sau một phiên tra tấn. Nạn nhân thứ hai 39 tuổi bị đâm bằng dao và sau đó các tên hành hung còn thiêu xác anh ta. Thời gian gần đây, truyền hình công cộng và các nhà chức trách liên tục thể hiện thái độ bài xích giới đồng tính sau khi Pháp công nhận hôn nhân đồng tính.
Theo kết quả thăm dò từ một trung tâm nghiên cứu thân cận của Kremli, có 88% người ủng hộ đạo luật này, 42% cho rằng các mối quan hệ đồng tính là một hành vi phạm tội (19% vào năm 2007), 15% đề nghị phạt tiền giới đồng tính, 15% thì cho rằng chủ đề này liên quan đến đời sống riêng tư của họ (34% vào năm 2007). Con số trên cho thấy xu hướng kỳ thị, bài xích người đồng tính đang tăng cao tại Nga.
Hiệp định tự do thương mại giữa châu Âu-Hoa Kỳ : Pháp sẵn sàng phủ quyết
Liên quan đến việc thương lượng Hiệp định tự do mậu dịch giữa châu Âu và Hoa Kỳ sắp diễn ra vào ngày mai (14/6), báo Le Figaro hôm nay đặc biệt quan tâm đến đề tài này và cho biết Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault đã báo trước là Pháp sẽ dùng đến quyền « phủ quyết chính trị » nếu « lĩnh vực văn hóa » không được loại ra trong lần thương lượng này.
Theo báo Le Figaro, Pháp bảo vệ ba lãnh vực « cấm kỵ » trước Hoa Kỳ : đó là lĩnh vực văn hóa, nông nghiệp và quốc phòng. Nông nghiệp và quốc phòng đã bị loại ra khỏi chủ đề trong cuộc thương lượng tới còn lĩnh vực văn hóa, Pháp đang muốn loại bỏ ra khỏi danh sách thương lượng sắp tới. Về phương diện này, Pháp được xem là khá cố chấp vì các quốc gia thành viên châu Âu đã chấp thuận duy chỉ có Pháp là còn cố gắng muốn loại bỏ «lĩnh vực công nghiệp văn hóa » này ra khỏi bàn đàm phán.
Việc Pháp dùng quyền « phủ quyết » cho dù là mang tính chiến lược hay mang tính quyết định đi chăng nữa sẽ làm xáo động dự án thành lập vùng tự do mậu dịch xuyên Đại Tây Dương được khá nhiều các quốc gia châu Âu và các tập đoàn kếch xù ủng hộ. Liên hiệp châu Âu và Hoa Kỳ chiếm 40% thương mại toàn thế giới. Hoa Kỳ là đối tác thương mại số một của Pháp ngoài châu Âu và là nhà đầu tư hàng đầu tại Pháp. Trong những cái được mất của hiệp định này, phải kể đến việc mở cửa thị truờng công Hoa Kỳ, đây là điều mà các công ty lớn châu Âu mong chờ từ lâu.
Nếu như Pháp vẫn khăng khăng dùng đến quyền « phủ quyết » thì Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Anh David Cameron sẽ là những người đầu tiên thất vọng. Đức giữ vị trí quán quân trong xuất khẩu, giờ đây đang rất lo ngại bởi Pháp có thể đi một nước cờ « kinh tế » sai lầm.Về phía Thủ tướng Anh, việc mở cửa tự do thương mại sẽ làm tăng hình ảnh của châu Âu đối với những nước muốn ra khỏi Liên Hiệp châu Âu.
Hy Lạp đóng cửa đài phát thanh truyền hình nhà nước
Các báo Pháp hôm nay đều quan tâm đến sự kiện đài Phát thanh và Truyền hình nhà nước ERT - cơ quan truyền thông lớn nhất Hy Lạp chính thức ngừng phát sóng vào lúc 23 giờ tối 11.6. Báo Le Monde đăng bài : « Hy Lạp : màn ảnh đen trên các kênh truyền hình nhà nước ». Theo tờ báo, Bộ trưởng Thông tin Antonis Samaras giải thích việc phải dùng đến biện pháp chưa từng thấy này là do « các chi tiêu không thể tin nổi ». Báo Le Monde còn nhận định rằng quyết định của Thủ tướng Hy Lạp có nguy cơ gây ra một cuộc khủng hoảng cấp chính phủ và một làn sóng chống đối trong dân chúng. Liên hiệp châu Âu về phát thanh-truyền hình đề nghị Bộ trưởng Samaras rút lại ngay quyết định này.
Trên trang nhất báo thiên tả Libération chạy câu hỏi lớn : « Ai đã tắt ti vi ? ». Tờ báo châm chọc « đây là một quyết định nhằm làm hài lòng troïka » tức là bộ ba : Liên hiệp châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (BCE). Ba tổ chức này có trách nhiệm giám sát việc thi hành chính sách thắt lưng buộc bụng tại Hy Lạp.
Báo thiên hữu Le Figaro cũng dành nhiều trang phân tích sự việc này với dòng tựa : « Hy Lạp lại đắm chìm trong mối băn khoăn ». The Le Figaro thì sau sự việc này, các công đoàn kêu gọi tổng đình công vào hôm nay và có nguy cơ dẫn đến một cuộc khủng hoảng chính trị.
Báo kinh tế Les Echos nhận định : « Truyền hình nhà nước ngừng phát sóng gây một cú sốc lớn » kèm với bức ảnh hàng nghìn người tụ họp trước trụ sở Đài phát thanh và truyền hình ở Athènes sau khi chính phủ đột ngột cắt phát sóng chương trình trên các kênh nhà nước.
Còn đối với báo Công giáo La Croix qua bài viết : « Đứng trước tình cảnh thắt lưng buộc bụng, người dân Hy Lạp thể hiện tinh thần đoàn kết » , tờ báo nhận định, việc ngưng phát sóng đài truyền hình nhà nước hôm thứ Ba vừa rồi chỉ là một trong những biện pháp thắt lưng buộc bụng không bao giờ có điểm dừng. Để chống lại cảnh đói nghèo, người dân Hy Lạp sáng tạo ra nhiều biện pháp mang tính liên đới. Tờ báo còn đăng ảnh cảnh những tình nguyện viên của một một hiệp hội phát cháo cho người dân trên đường phố Athènes.
Một số tin khác
Trở lại tình hình tại Thổ Nhĩ Kỳ, sau nhiều ngày diễn ra làn sóng chống đối chính phủ của ông Erdogan, hôm nay báo Libération cho biết cuối cùng thì ông Erdogan lựa chọn giải pháp tham khảo ý kiến người dân. Theo tờ báo, hôm qua, ông vừa đề nghị một cuộc trưng cầu dân ý tại Istambul.
Các báo Pháp hôm nay cũng đồng loạt quan tâm đến cuộc tranh cử tổng thống Iran sẽ diễn ra vào ngày mai. Báo Le Monde cho biết có 6 ứng cử viên tranh cử, trong đó có 4 ứng cử viên cực bảo thủ, thân cận của vị điều hành tối cao Ali Khamenei. Theo báo Le Figaro thì cử tri không trông đợi gì nhiều vào lần bầu cử này.
Tin vui dành cho những người yêu thích rượu vang. Báo Le Monde hôm nay thông báo triển lãm rượu vang quốc tế (Vinexpo) sắp tới sẽ diễn ra từ ngày 16-20/06 tại Bordeaux (Pháp). Triển lãm Vinexpo 2013 ước tính sẽ thu hút sự tham gia của khoảng gần 2.500 nhà triển lãm khắp thế giới. Đây là dịp để các nhà sản xuất và tiêu thụ Hoa Kỳ, Nam Phi, Úc, Chilê, Đức, Brazil mà còn các quốc gia châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ tham gia quảng bá cho các sản phẩm rượu mới. Cuộc triển lãm hy vọng sẽ thu hút khoảng 48.000 du khách đến thưởng thức các loại đồ uống đặc biệt này.

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20130613-cuoc-song-moi-cua-%C2%AB-ngoi-sao-%C2%BB-ly-khai-trung-quoc-tran-quang-thanh

Geen opmerkingen:

Een reactie posten