woensdag 15 februari 2012

Khám phá bí ẩn sự hình thành bộ lông ngựa vằn

 14 Tháng Hai 2012     
Ngựa vằn
Ngựa vằn
DR / Wikipédia

Đức Tâm
Câu hỏi đơn giản nhưng khó trả lời : Vì sao ngựa vằn lại có những vết vằn sọc trắng đen ? Từ nhiều năm nay, giới khoa học đã tranh luận về nguyên nhân. Gần đây, các chuyên gia Hungary và Thụy Điển khẳng định là họ đã có lời giải đáp thỏa đáng.

Thông tin này được đăng tải trên website của BBC, theo đó, ngựa vằn có « bộ trang phục » như vậy là để xua đuổi ruồi trâu (taon), một loại côn trùng hút máu. Nghiên cứu của các nhà khoa học Hungary và Thụy Điển được đăng trên báo Journal of Experimental Biology, khẳng định rằng các đường vằn mịn trắng đen làm giảm bớt sự hấp dẫn đối với ruồi trâu.
Trước tiên, các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu đối với loại ngựa có bộ lông mầu đen, mầu hạt dẻ hoặc mầu trắng và nhận thấy là các bộ lông mầu đen và hạt dẻ phản quang, gây sự chú ý đối với ruồi trâu. Trên những con ngựa này, sóng ánh sáng phản hồi theo chiều ngang, trong khi đó, trên các bộ lông ngựa mầu trắng, sóng phản hồi theo nhiều hướng và do vậy, làm giảm bớt « sự hấp dẫn » đối với loại côn trùng này.
Từ đó, các chuyên gia để ý đến ngựa vằn và tìm hiểu xem bộ lông vằn đen trắng có phản hồi ánh sáng ra sao và tác động như thế nào đối với ruồi trâu.
Các nhà khoa học đã làm thí nghiệm như sau : Trên cánh đồng cỏ của một trại nuôi ngựa, họ bôi nhựa dính côn trùng lên một cái bảng mầu trắng, một bảng mầu đen và nhiều bảng có kích cỡ khác nhau có những vết vằn đen trắng. Họ đếm số ruồi trâu bị dính trên từng bảng. Bảng mầu sắc giống bộ lông ngựa vằn có số côn trùng ít nhất, ít hơn cả bảng có mầu trắng.
Bước tiếp theo, họ làm thí nghiệm trên những con ngựa giả, cũng được phết các mầu trắng, đen và vằn đen trắng. Kết quả vẫn như vậy.
Các nhà khoa học đưa ra kết luận :
« Giống ngựa vằn đã tự biến đổi để có được bộ lông với những vết vằn đen trắng mịn màng ít hấp dẫn hơn đối với ruồi trâu ».
Một nhà sinh học chuyên nghiên cứu về sự tiến hóa của động vật, tuy không tham gia công trình nghiên cứu nói trên, cũng thừa nhận là thí nghiệm đã được tiến hành một cách « chặt chẽ và thú vị ». Tuy vậy, chuyên gia này không muốn đưa ra những kết luận cuối cùng về sự hình thành các vết đen trắng trên loài ngựa vằn. Ông nói :
« Để giải thích đúng, các tác giả của công trình nghiên cứu có lẽ cần chứng mình rằng những vết cắn của ruồi trâu ảnh hưởng mạnh mẽ đến tiến trình lựa chọn tự nhiên của loài ngựa vằn, nhưng lại không có ảnh hưởng đối với các loại ngựa khác hoặc loài lừa, đó là những loại động vật không có bộ lông vằn đen trắng ».
Theo chuyên gia này, có nhiều yếu tố tác động đến mầu sắc bộ lông của ngựa vằn. Trong quá khứ, các nhà khoa học đã từng giải thích rằng bộ lông vằn đen trắng có tác dụng như là một tấm áo ngụy trang. Khi đàn ngựa vằn tụ tập đông đảo, chúng tạo cảm giác như là một tấm thảm lớn có vết vằn đen trắng, chứ không phải là mầu sắc của từng con vật. Điều này làm hoa mắt, đánh lừa được sư tử hoặc các động vật chuyên săn và ăn thịt ngựa vằn.

http://www.viet.rfi.fr/tong-hop/20120214-kham-pha-bi-an-su-hinh-thanh-bo-long-ngua-van

Geen opmerkingen:

Een reactie posten