donderdag 28 februari 2013

Ách tắc Ý Ðại Lợi và khủng hoảng Euro

Ách tắc Ý Ðại Lợi và khủng hoảng Euro
Wednesday, February 27, 2013 2:15:35 PM




Hồ Sơ Người Việt

Hùng Tâm/Người Việt

Nước Ðức sẽ đau đầu, Âu Châu sẽ khốn khổ
Cuộc bầu cử Quốc Hội trong hai ngày 24-25 đã gây hỗn loạn cho chính trường Ý Ðại Lợi và sẽ lại đưa khối Euro vào khủng hoảng với hậu quả lan rộng ra kinh tế toàn cầu. “Hồ Sơ Người Việt” trình bày sự thể quái lạ mà phức tạp này.

Hài kịch Ý Ðại Lợi
Tháng 10 năm 2009, danh hài truyền hình Ý là Giuseppe Piero “Beppe” Grillo lập ra một đảng chính trị lấy tên là “Phong Trào Năm Sao” (Movimento 5 Stelle, Movement of Five Stars, viết tắt là M5S) với năm mục tiêu tranh đấu là 1) điện nước công cộng, 2) di động bền vững, 3) phát triển, 4) kết hợp mạng Internet và 5) bảo vệ môi sinh. Khi ấy, đa số dư luận cho rằng đấy chỉ là trò vui (thiếu nghiêm chỉnh), hơi mị dân (populist) và cực đoan nên khó có tương lai. Ðã vậy, Grillo lại còn đòi trưng cầu dân ý để ra khỏi khối Euro.
Hôm Thứ Hai 25 vừa qua, kết quả bầu cử là một sự choáng váng.
Ðảng M5S đạt 25.6% số ghế tại Hạ Viện và 23.8% tại Thượng Viện. Tức là cứ bốn người đi bầu lại có một người bỏ phiếu cho một đảng thuộc loại ngoài lề, có đặc tính hoài nghi chính trị, chán ngán Âu Châu. Hai chính đảng lớn của chính trường Ý là đảng Dân Chủ thuộc cánh tả và đảng Nhân Dân Tự Do thuộc cánh hữu không đủ đa số quá bán để cầm quyền nên sẽ phải liên hiệp.
Với 29.6% số ghế tại Hạ Viện và 31.6% tại Thượng Viện, đảng Dân Chủ có quyền “chào hàng,” mà khó đại đoàn kết với đảng Nhân Dân Tự Do, có 29.2% số ghế tại Hạ Viện và 30.7% tại Thượng Viện. Vắn tắt thì các chính đảng lớn không đủ phiếu để lập ra một liên minh cầm quyền trong cơn sóng gió.
Ngay sau khi thấy ra kết quả bầu cử, các thị trường chứng khoán Hoa Kỳ rồi Á Châu và trở lại Âu Châu theo vòng quay trái đất đều tuột giá nặng vì sự hỗn loạn trên chính trường Ý.
Chi tiết đáng chú ý khác là đảng Năm Sao của Beppe Grillo tranh cử theo phương pháp mới lạ. Họ nhấn mạnh là không có chính khách chuyên nghiệp trong số ứng cử viên, kể cả Grillo xưa nay chưa từng giữ chức vụ nào trong bộ máy công quyền. Ðây là một đảng “chống chính trị gia.” Khi vận động, họ dùng mạng lưới xã hội để nối kết nhiều thành phần khác nhau tham gia biểu tình. Và các dân biểu đắc cử đã được cử tri dồn phiếu qua một blog riêng của lãnh tụ Grillo.
Hình thái đấu tranh này mang dấu hiệu của thế kỷ 21. Nhưng nó quy tụ phản ứng của quần chúng y như sáu bảy chục năm trước, theo truyền thống nổi loạn thường trực của xã hội Ý.
Chỉ vì trong 66 năm qua, quốc gia này đã có 61 chính phủ khác nhau! Ðằng sau hài kịch đó là những khó khăn của Ý, cường quốc kinh tế đứng hàng thứ ba trong nhóm 17 quốc gia của khối Euro, sau Ðức và Pháp. Kinh tế xứ này đang bị nạn suy thoái trầm trọng nhất kể từ 20 năm, với tỷ lệ thất nghiệp hơn 11%, đa số là giới trẻ...
Thời sự hàng ngày thì nói đến đầu mối của cơn khủng hoảng là khi Thủ Tướng Mario Monti tuyên bố từ chức vào ngày mùng 8 tháng 12 vừa qua. “Hồ Sơ Người Việt” sẽ lên tới đó để còn đi sâu hơn vào cuộc khủng hoảng Ý.

Một chính quyền kỹ trị kết thúc
Mario Monti là giáo sư kinh tế, chuyên gia có thẩm quyền và uy tín trong giới khoa bảng. Cuối năm 2011, khi Ý bị khủng hoảng và chính quyền của Thủ Tướng Silvio Berlusconi phải từ chức, ông Monti được mời làm thủ tướng từ tháng 11 và lập ra một nội các toàn những kỹ thuật gia chứ không có chính trị gia. Ðây là một chính quyền “kỹ trị,” cai trị bằng kỹ thuật, được hậu thuẫn của cả hai đảng tả hữu đã mất thế lực lẫn của nước Ðức, Hội Ðồng Âu Châu và Ngân Hàng Trung Ương Âu Châu ECB.
Trong hơn một năm, từ tháng 11 năm 2011 đến tháng 12 năm 2012, Chính quyền Monti phần nào ổn định được chính trị nhiễu loạn bên trong và tránh được hậu quả tai hại của vụ khủng hoảng Euro ở bên ngoài. Với sự ủng hộ của các nước Âu Châu lẫn các chính đảng lớn của Ý, ông Monti thi hành chính sách khắc khổ (tăng thuế và giảm lương hưu) do khối Euro yêu cầu nên đẩy lui được sự hoài nghi của các thị trường tài chánh.
Nhưng chỉ một năm sau thôi, nhân vật sáng giá này gặp trở ngại.
Ðầu tiên là người dân thất vọng vì cuộc sống không được cải thiện và họ gán chuyện đó cho sự áp đặt của nước Ðức với sự đồng lõa của các chính trị gia Ý, thuộc cả hai phe tả hữu. Ðã vậy, cuối năm qua lại bùng nổ nhiều vụ tai tiếng về nạn tham ô trong các khu vực ngân hàng, năng lượng và quốc phòng, mà đa số lại có sự can dự của các chính trị gia thuộc cả hai đảng lớn. Mario Monti bị thất thế, hào quang hết tỏa sáng.
Với số ghế cao nhất trong Quốc Hội cũ, đảng Nhân Dân Tự Do của ông Berlusconi bèn khai thác cơ hội: chấm dứt ủng hộ chính quyền Monti và đả kích sự đòi hỏi quá đáng của Âu Châu và nước Ðức. Mục tiêu là chuẩn bị cho Berlusconi trở về cầm quyền.
Phía bên kia, lãnh tụ đảng Dân Chủ là Pier Luigi Bersani - đảng viên Cộng sản cũ - cũng không muốn bị hệ lụy vào chính sách khắc khổ. Ông áp dụng chiến thuật của đảng Xã Hội Pháp (và đương kim Tổng Thống Francois Hollande) là đòi thương thuyết lại với cơ chế lãnh đạo Âu Châu tại thủ đô Brussels. Liều thuốc của Âu Châu quá đắng và bị chối bỏ.
Vì vậy, Thủ Tướng Mario Monti mới quyết định từ chức sau khi Quốc Hội phê chuẩn xong ngân sách của tài khóa 2013 vào dịp Giáng Sinh vừa rồi. Giải pháp chuyên gia cứu nguy qua giảm chi và tăng thuế hết thời. Ðảng Chọn Lựa Dân Sự Civic Choice của ông gần như không muốn tranh cử và cũng lảng xa sự khắc khổ và trong cuộc bầu cử thì chỉ đạt 10.6% số ghế Hạ Viện và 9.1% ở Thượng Viện.
Không khí chung của xã hội Ý là bàng bạc tinh thần hoài nghi sự thống nhất tiền tệ, ngao ngán với các điều kiện và giải pháp Âu Châu và bất mãn với các chính khách lẫn nước Ðức. Nhưng ngần ấy điểm tiêu cực mà đi với nhau thì vẫn chưa dẫn đến kết quả tích cực là sự liên kết giữa những mâu thuẫn đó để tạm cầm quyền trong thời gian tới.
“Hồ Sơ Người Việt” còn phải đi xa hơn để thấy rằng trước khi có danh hài Beppe Grillo thì chính trường Ý đã có một danh hài khác, tỷ phú Silvio Berlusconi, năm nay 76 tuổi.

Danh hài Berlusconi
Là một tỷ phú về truyền thông và có biệt tài kịch nghệ vì chính trường Ý thật ra chỉ là một sân khấu, ông Berlusconi đã là tay ngang nhảy vào chính trị, cách nay hai chục năm.
Khi ấy, dân Ý cũng quá bất mãn với các đảng truyền thống như Dân Chủ Thiên Chúa Giáo, đảng Dân Chủ Xã Hội và cả đảng Cộng sản. Năm 1994, Berlusconi nhập cuộc với khẩu hiệu tương tự như Beppe Grillo đời nay, là đả kích tham ô và bước vào làm sạch chính trường, với trọng tâm là nâng đỡ giới tiểu doanh. Qua hệ thống truyền thông, ông tung ra khẩu hiệu đổi mới và thắng lớn, trở thành thủ tướng đẹp trai và láng lẩy nhất, đã ba lần lãnh đạo nước Ý, tổng cộng trong một thời gian khá lâu.
Bản lĩnh hơn là tiền tài đã giúp ông vượt qua được nhiều tai tiếng của đời sống cá nhân, kể cả chuyện gái gẫm hay ngoại tình, vốn không là vấn đề nghiêm trọng trong nếp văn hóa chính trị của Ý. Ðảng Nhân Dân Tự Do của ông vẫn có hậu thuẫn của tiểu doanh thương và giới hành nghề tự do.
Nhưng về căn bản thì hai chục năm sau, Silvio Berlusconi trở thành chính khách lão làng và đảng của ông là đảng truyền thống. Nghĩa là cũng đáng ghét vì tái diễn các chứng tật cổ điển của chính trường. Không ai tin Berlusconi nữa.
Vậy mà trong cuộc bầu cử vừa qua, đảng này vẫn về nhì, chỉ thua đảng Dân Chủ trong kẽ tóc!
Ngay sau khi có kết quả bầu cử, danh tài Berlusconi nói nước đôi theo ý là lại có thể liên minh cùng đảng Dân Chủ thuộc cánh trung tả để lập Nội các. Còn đảng Dân Chủ thì hy vọng gom đủ ghế của các đảng nhỏ kia để lập Nội các mà khỏi cần đến Berlusconi. Trong khi danh hài Beppe Grillo thì đòi đứng ngoài, không tham chính mà là ngự sử hay phán quan.
Mà để đi về đâu? Chúng ta cần ra khỏi khuôn khổ Ý Ðại Lợi.

Làn sóng chống đối và hoài nghi Âu Châu
Cử tri Ý Ðại Lợi đi bầu trong hai ngày 24-25 với hy vọng là sẽ có một chính quyền đủ mạnh để đưa quốc gia ra khỏi suy thoái kinh tế và ách tắc chính trị. Qua ngày 26, họ bàng hoàng thấy cảnh tam phân của chính trường với ba đảng giữ ba góc mà khó đồng ý về giải pháp thỏa hiệp.
Nhưng ách tắc chính trị trở thành trầm trọng hơn và còn gây ra hiệu ứng tai hại cho toàn cõi Âu Châu. Những gì xảy ra tại Ý Ðại Lợi chỉ là một tái diễn của bi kịch Hy Lạp cách nay một năm.
Tại Hy Lạp, liên minh cánh tả Syriza cũng thắng lớn để trở thành khối đối lập mạnh nhất với hai chủ trương là chống lại các nhóm quyền lợi và chính trị truyền thống, các đảng phái cổ điển và đặt lại vấn đề về những “hy sinh” khi ở trong khối Euro. Khuynh hướng này quy tụ các phần tử Ðệ Tứ (Trotskyst), Maoist, Cộng Sản Âu Châu, chống tư bản chủ nghĩa, đả phá hiện tượng toàn cầu hóa, chủ trương hồi phục chủ nghĩa cộng sản trên toàn cõi Âu Châu, bảo vệ môi sinh theo kiểu xã hội chủ nghĩa, v.v...
Họ là làn sóng chống đối hiện trạng hay các giá trị nền tảng của Âu Châu từ sau Ðệ Nhị Thế Chiến.
Kinh tế của Ý Ðại Lợi chưa nguy kịch bằng kinh tế Hy Lạp, nhưng phản ứng của các nhóm cực đoan ở vòng ngoài chống lại dòng chính lưu là trào lưu đáng chú ý. Xu hướng phản lại truyền thống Âu Châu và nếu tình hình kinh tế suy sụp hơn có thể sẽ lan rộng qua nhiều nước, kể cả Pháp, Tây Ban Nha và các nước miền Nam. Ðó là kết quả của một vụ khủng hoảng niềm tin và những thất bại triền miên của quá trình hội nhập để thống nhất Âu Châu.
Vì vậy, người ta không chỉ ngại là làm sao các đảng phái của Ý sẽ tìm ra đồng thuận để lãnh đạo xứ này. Người ta còn sợ là kiến trúc Âu Châu, bên trong có 27 nước của Liên Hiệp Âu Châu và 17 nước của khối Euro có thể bị rung chuyển tận gốc rễ.
Rắc rối hơn thế, các đảng phái nêu cao tinh thần “chống Âu Châu” lại chưa đủ mạnh để làm cử tri giật mình nghĩ lại về sự chọn lựa bất toàn, ví dụ như thà chịu cực để ở trong Âu Châu còn hơn xé rào đứng hẳn ra ngoài. Không đủ sức gây chấn động, các đảng này vẫn phá vỡ mọi thỏa hiệp bất toàn, làm các quốc gia thành viên càng lún sâu hơn vào tình trạng ách tắc khó gỡ.
Khi một cường quốc Âu Châu là nước Anh còn cho biết là sẽ tổ chức trưng cầu dân ý vào năm 2015 này để quyết định về vị trí và quy chế của Anh trong tập thể Âu Châu thì người ta nên sợ kịch bản tan rã. Hoặc sự xuất hiện, rất dân chủ qua bầu cử, của chủ nghĩa quốc gia cực đoan chống lại cơ chế siêu quốc gia của cả khối Âu Châu.
Ðấy là bài toán lưỡng nan của đệ nhất cường quốc kinh tế ở trung tâm Âu Châu là Cộng Hòa Liên Bang Ðức. Xứ này có nền kinh tế mạnh nhất Âu Châu mà 50% tùy thuộc vào xuất cảng và đa số là xuất cảng sang các nước Âu Châu. Hoàn cảnh ấy khiến Âu Châu cần Ðức mà Ðức cũng cần Âu Châu. Vì vậy Ðức mới gặp hai ngả cùng nan giải.
Một là nhờ sức mạnh kinh tế của mình mà chấp nhận chính sách khắc khổ để vượt qua khó khăn chồng chất hầu còn duy trì khối Euro vì quyền lợi của Ðức. Mặt kia là phải đòi các nước lâm nạn miền Nam cũng áp dụng chế độ khắc khổ chứ không thể trông cậy vào sự cưu mang của Ðức hay các cơ chế như Ngân Hàng Trung Ương Âu Châu.
Trong cuộc bầu cử Quốc Hội vào tháng 9 này, cử tri Ðức khó đồng ý cho Thủ Tướng Angela Merkel chi tiền cứu giúp các nước không tự cứu mà còn muốn làm Âu Châu tan rã!

Kết luận ở đây là gì?
Vắn tắt thì trong những ngày tới, Ý là một nước cộng hòa bất trị vì không đảng nào cai trị được. Sau khi mặc cả rất lâu để thành hình, chính phủ liên hiệp có khi sẽ đổ rất mau. Và dân Ý đi bầu lại!
Khủng hoảng Âu Châu sẽ tái diễn và gây khó cho các nước trong khối Euro, nhất là Ðức.
Ðồng Euro mất giá, nhưng vì Hoa Kỳ còn đắm trong trận chiến ngân sách, vàng sẽ lại lên ngôi!

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=162393&zoneid=403

Geen opmerkingen:

Een reactie posten