Ukraine, Nga ký thỏa thuận mở lại các cảng xuất khẩu ngũ cốc; chiến sự vẫn tiếp diễn
Nga và Ukraine ký một thỏa thuận mang tính bước ngoặt hôm thứ Sáu 22/7 về mở cửa trở lại các cảng của Ukraine ở Biển Đen để xuất khẩu ngũ cốc, làm dấy lên hy vọng rằng có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng lương thực quốc tế vốn đã bị làm trầm trọng thêm do cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.
Thỏa thuận này là kết quả tốt đẹp của hai tháng đàm phán do Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nói rằng cuộc đàm phán nhằm mục tiêu đạt được một phương án cả gói, theo đó vừa khôi phục việc xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine vừa giảm bớt các hạn chế đối với các lô hàng ngũ cốc và phân bón của Nga, cho dù có các lệnh trừng phạt cứng rắn của phương Tây đối với Moscow.
Ông Guterres cho biết thỏa thuận này mở ra con đường xuất khẩu lương thực thương mại với khối lượng đáng kể từ ba cảng quan trọng của Ukraine - Odesa, Chernomorsk và Yuzhny, và LHQ sẽ thành lập một trung tâm điều phối để giám sát việc thực hiện thỏa thuận.
Các quan chức cấp cao của LHQ cho các phóng viên biết hôm 22/7 rằng bản thỏa thuận dự kiến sẽ bắt đầu được thực thi đầy đủ trong vài tuần tới.
Thỏa thuận sẽ có hiệu lực trong 120 ngày nhưng có thể gia hạn và dự kiến sẽ không sớm bị dừng lại.
Một quan chức LHQ nói rằng có một thỏa thuận khác được ký riêng rẽ hôm 22/7, sẽ tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga và LHQ hoan nghênh những lời giải thích rõ ràng của Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu rằng lệnh trừng phạt của họ sẽ không áp dụng đối với những lô hàng như vậy.
Bất chấp thỏa thuận vừa đạt được kể trên, giao tranh vẫn diễn ra và không suy giảm cường độ ở miền đông Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodomyr Zelenskiy đã gặp các chỉ huy cấp cao vào hôm 21/7 và nói rằng lực lượng của Kyiv - giờ đây đang ngày càng được trang bị thêm các vũ khí chính xác, có tầm xa hơn của phương Tây - rất có tiềm năng lật ngược tình thế trên chiến trường.
Kyiv hy vọng rằng việc cung cấp vũ khí đang tăng dần của phương Tây, chẳng hạn như Hệ thống Pháo phản lực Cơ động Cao của Hoa Kỳ (HIMARS), sẽ cho phép họ phản công và chiếm lại các vùng lãnh thổ đã bị mất ở miền đông và miền nam.
Bộ Quốc phòng Nga hôm 22/7 cho biết các lực lượng của họ đã phá hủy 4 hệ thống HIMARS trong khoảng thời gian từ ngày 5 đến 20/7. Kyiv phủ nhận các tuyên bố đó, gọi chúng là "tin giả" nhằm làm giảm sự ủng hộ của phương Tây đối với Ukraine. Reuters không thể kiểm chứng các tuyên bố trái ngược nhau này.
(Reuters)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten