zaterdag 30 juli 2022

“Băng cháy” và sự điên cuồng của Trung Quốc trên Biển Đông

 

“Băng cháy” và sự điên cuồng của Trung Quốc trên Biển Đông

Mạnh Quân

21-7-2019

Hôm nay (21/7), trên Tuần Việt Nam có 1 bài báo ghi lại ý kiến rất đáng chú ý của ông Nguyễn Trường Giang, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Brunei, nguyên Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao. Bài này có tựa: “Mưu đồ chiến lược của Trung Quốc trên biển Đông”.

Trong bài có đoạn viết: “Thứ nhất, lợi ích của Biển Đông là về vấn đề kinh tế, đầu bảng là tài nguyên dầu khí, sau đó là băng cháy. Khu vực Đông Nam Á có lượng băng cháy cực lớn. Đây là nguồn năng lượng của tương lai, có thể sử dụng trong nhiều thế kỷ, theo tính toán sơ bộ là khoảng 800 năm tới.

Việt Nam là một trong những quốc gia sở hữu lượng băng cháy tương đối lớn. Chúng ta có khoảng 2.400 tỷ mét khối băng cháy, là quốc gia có thứ hạng ở Châu Á về loại tài nguyên này. Đây là nguồn năng lượng tuyệt vời. Do đó, Trung Quốc nhìn vào nguồn băng cháy như một loại tài nguyên thay thế cho dầu khí đang dần trở nên cạn kiệt”.

Đây là một đánh giá rất đáng chú ý và chưa nhiều ngườì biết đến băng cháy là gì.

Cách đây độ 15 năm. Từ một chuyến bay khảo sát của Nhật Bản trên Biển Đông, người ta chụp được những bức ảnh đầu tiên về một số vật thể lạ nổi lên trên mặt biển ở một vùng biển của Việt Nam. Khi về Nhật Bản, qua phân tích, các nhà khoa học đánh gía đó là dấu hiệu của “băng cháy” hay còn gọi là đá cháy – một dạng nguyên liệu mới rất quý, có thể thay thế cho các dạng năng lượng khác: Than, dầu khí… trong hàng trăm năm tới.

Theo Tạp chí Khoa học và Tổ quốc, Băng cháy là một thứ ở dạng rắn, hình thành từ khí thiên nhiên và nước, có tên khoa học là Natural hydrate, hoặc Gas Hydrate. Khi hàm lượng methane vượt quá 75% thành phần của Gas Hydrate thì nó thường được gọi là methane hydrate.

Chỉ cần nâng nhiệt độ hoặc giảm áp lực là băng cháy sẽ phân giải: 1m3 chất này khi phân giải cho ra 164 m3 khí methane và 0,8 m3 nước, đủ thấy năng lượng mà nó tiềm tàng lớn tới mức nào (gấp 2-5 lần năng lượng của khí thiên nhiên), lại sạch, không gây ô nhiễm môi trường. Nó được cho là tài nguyên lý tưởng để thay thế than, dầu khí… cho các nhà máy nhiệt điện về sau này.

Những thông tin đăng tải trên một số tờ báo của Nhật ở thời điểm đó gây lên một con sốt. Trung Quốc ngay sau đó đã điên cuồng đẩy mạnh bành trướng trên Biển Đông và băng cháy, như ông Nguyễn Trường Giang, cựu Viện trưởng Viện Biển Đông nói ở trong bài báo trên, một trong những ưu tiên hàng đầu của TQ chính là khai thác băng cháy- nhằm thay thế cho năng lượng dầu khí, ngày càng có xu hướng cạn kiệt.

Việt Nam được cho là một quốc gia may mắn, có khả năng sở hữu một trữ lượng rất lớn băng cháy. Và cũng rủi thay, lại gần TQ, để trở thành một quốc gia mà Trung Quốc đã không còn giấu nổi tham vọng xâm lấn, tranh chấp tài nguyên- ở cả những vùng mà Việt Nam hoàn toàn có chủ quyền và chưa từng có tranh chấp. Băng cháy chính là thứ đốt cháy lòng tham đến cuồng điên của Bắc Kinh trên vùng thềm lục điạ của Việt Nam, chứ không phải dầu khí.

Tại Việt Nam, từ năm 2007, Bộ Tài nguyên – Môi trường đã tổ chức hội nghị khoa học về băng cháy. Chính phủ cũng đã ban hành nhiều quyết định, chương trình nghiên cứu, đánh giá tài nguyên băng cháy.

Ngày 3-6-2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 796 phê duyệt “Chương trình nghiên cứu, điều tra cơ bản về tiềm năng khí hydrate ở các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam”. Theo đó, sau giai đoạn nghiên cứu (2007- 2015) kết thúc giai đoạn tiếp cận, nghiên cứu công nghệ, đến giai đoạn 2015-2020 bắt đầu đánh giá, thăm dò băng cháy trên những vùng biển và thềm lục địa có triển vọng.

Còn từ năm 2015 đến nay, các cơ quan đã làm gì để thăm dò, tiến tới khai thác nguồn tài nguyên quý này chưa thì… chưa biết!

“Băng cháy” và sự điên cuồng của Trung Quốc trên Biển Đông | Tiếng Dân (baotiengdan.com)

BLXH: “BĂNG CHÁY” VÀ SỰ ĐIÊN CUỒNG CỦA TRUNG QUỐC TRÊN BIỂN ĐÔNG” của tác giả Mạnh Quân.
YouTube · AMEN Tv · 22 thg 7, 2019

Geen opmerkingen:

Een reactie posten