Nguyên nhân và tác động của việc dân số Trung Quốc giảm dần

  • Xiujian Peng
  • Bài đăng trên The Conversation
Getty Images

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Lần đầu tiên kể từ khi nạn đói khủng khiếp xảy ra cách đây 60 năm, dân số Trung Quốc có xu hướng giảm. Tại sao vậy? Và điều này sẽ ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới như thế nào?

Sự thật là quốc gia đông dân nhất thế giới đang sắp sửa giảm bớt số người.

Trung Quốc chiếm hơn một phần sáu dân số thế giới, tuy nhiên sau bốn thập kỷ phát triển tăng vọt từ 660 triệu lên 1,4 tỷ người, lần đầu tiên kể từ nạn đói khủng khiếp 1959-1961 đến nay, dân số của nước này đang có xu hướng giảm trong năm nay.

Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, dân số nước này chỉ tăng từ 1,41212 tỷ người lên 1,41260 tỷ người vào năm 2021 - mức tăng thấp kỷ lục là 480.000 người, chỉ bằng một phần nhỏ so với mức tăng hàng năm 8 triệu người trong một thập kỷ trước.

Mặc dù tình trạng ngại sinh con do phải đối mặt với các biện pháp phòng chống chống Covid nghiêm ngặt cũng góp phần làm giảm tỷ lệ sinh, nhưng xu hướng này đã kéo dài từ nhiều năm.

Tỷ suất sinh sản trung bình (số trẻ em sinh ra tính trên một phụ nữ) của Trung Quốc là 2,6 vào cuối những năm 1980 - cao hơn nhiều so với mức 2,1 là mức cần thiết đủ để thay thế tỷ lệ tử vong. Tỷ suất này đã tụt xuống 1,6 đến 1,7 kể từ năm 1994; giảm còn 1,3 vào năm 2020 và chỉ đạt 1,15 vào năm 2021.

Để so sánh thì Úc và Hoa Kỳ có tỷ suất sinh sản là 1,6 lần sinh trên một phụ nữ. Nhật Bản là nơi dân số già nhưng tỷ lệ này cũng đạt 1,3.

Điều này xảy ra bất chấp việc Trung Quốc đã bãi bỏ chính sách "mỗi gia đình chỉ có một con" vào năm 2016 và thay thế bằng chính sách khuyến khích mỗi gia đình nên sinh ba con, thậm chí năm ngoái còn đưa ra hỗ trợ thuế và các ưu đãi khác cho các gia đình sinh nhiều con.

Có nhiều giả thuyết khác nhau giải thích lý do tại sao phụ nữ Trung Quốc vẫn không muốn sinh con kể cả khi được hưởng nhiều ưu đãi của nhà nước.

Một khả năng là người dân đã quen với các gia đình ít con. Một vấn đề khác liên quan đến chi phí sinh hoạt tăng cao, trong khi những người khác cho rằng nó có thể liên quan đến tuổi kết hôn ngày càng tăng, điều này làm trì hoãn việc sinh con và làm giảm mong muốn có con.

Ngoài ra, hiện nay Trung Quốc có ít phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ hơn dự kiến.

Bị giới hạn chỉ được sinh một con kể từ năm 1980, nhiều cặp vợ chồng đã chọn sinh con trai, nâng tỷ số giới tính khi sinh từ 106 trẻ trai trên 100 trẻ gái (là tỷ lệ có ở hầu hết các quốc gia còn lại trên thế giới) tăng vọt lên 120/100, thậm chí ở một số tỉnh mất cân bằng đến tận 130/100.

Getty Images

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Sau năm 2021, các nhà nghiên cứu dự đoán rằng hàng năm dân số Trung Quốc sẽ giảm trung bình 1,1%/năm

Những dự phóng do một nhóm nghiên cứu tại Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải đưa ra nói rằng năm nay - lần đầu tiên sau nạn đói - dân số của Trung Quốc sẽ có mức tăng thấp là 0,49 phần nghìn. Tuy nhiên, trên thực tế dân số nước này đã có mức tăng thấp sau nạn đói, chỉ đạt 0,34 trên 1.000 vào năm ngoái luôn rồi.

Bước ngoặt đã đến sớm hơn một thập kỷ so với dự kiến.

Gần đây nhất vào năm 2019, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc trông đợi dân số sẽ đạt đỉnh vào năm 2029, ở mức 1,44 tỷ người. Phúc trình Triển vọng Dân số của Liên Hiệp Quốc năm 2019 dự kiến đỉnh cao dân số Trung Quốc là 1,46 tỷ sẽ xảy ra muộn hơn, vào năm 2031-32.

Nhóm nghiên cứu của Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải dự đoán mức giảm trung bình hàng năm là 1,1%/năm sau 2021, đẩy dân số Trung Quốc xuống 587 triệu người vào năm 2100, chưa bằng một nửa so với hiện nay.

Các giả định hợp lý đằng sau dự đoán nói trên là tỷ lệ sinh của Trung Quốc giảm từ 1,15 xuống 1,1 trong thời gian từ nay đến năm 2030 và duy trì ở mức đó cho đến năm 2100.

Sự suy giảm dân số nhanh chóng sẽ tác động sâu sắc đến kinh tế Trung Quốc.

Dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc đạt đỉnh vào năm 2014 và dự kiến sẽ giảm xuống dưới một phần ba mức cao nhất đó vào năm 2100.

Dân số cao tuổi của Trung Quốc (từ 65 tuổi trở lên) dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong phần lớn thời gian đó; đến gần năm 2080 lượng người già sẽ nhiều hơn dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc.

Getty Images

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Trung Quốc bãi bỏ chính sách mỗi gia đình chỉ có một con vào năm 2016

Điều này có nghĩa là hiện nay cứ 20 người già được 100 người trong độ tuổi lao động hỗ trợ, thì đến năm 2100, 100 người Trung Quốc trong độ tuổi lao động sẽ phải hỗ trợ tới 120 người Trung Quốc cao tuổi.

Mức giảm trung bình hàng năm là 1,73% dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc đặt ra bối cảnh cho tăng trưởng kinh tế thấp hơn nhiều, trừ phi năng suất tăng nhanh thần tốc.

Chi phí lao động cao hơn, do lực lượng lao động thu hẹp nhanh chóng, sẽ đẩy các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động thủ công, tỷ suất lợi nhuận thấp ra khỏi Trung Quốc để chuyển sang các nước có nguồn nhân công dồi dào như Việt Nam, Bangladesh và Ấn Độ.

Hiện chi phí lao động sản xuất ở Trung Quốc cao gấp đôi Việt Nam.

Đồng thời, Trung Quốc sẽ phải dành nhiều nguồn lực của mình hơn cho việc cung cấp các dịch vụ y tế, sức khỏe và chăm sóc người cao tuổi để đáp ứng nhu cầu của dân số ngày càng già.

Mô hình của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách tại Đại học Victoria ở Úc cho thấy rằng nếu không có thay đổi đối với hệ thống hưu bổng của Trung Quốc thì các khoản chi trả lương hưu của nước này sẽ tăng gấp 5 lần, từ 4% GDP vào năm 2020 lên 20% GDP vào năm 2100.

Đối với các quốc gia xuất khẩu tài nguyên như Australia, những thay đổi này có thể đòi hỏi phải định hướng lại xuất khẩu sang các lãnh thổ khác ngoài Trung Quốc. Đối với các nhà nhập khẩu hàng hóa bao gồm cả Hoa Kỳ, nguồn hàng nhập được điều chỉnh chuyển dần sang các trung tâm sản xuất mới và đang phát triển.

Bất chấp nhiều dự báo rằng đây sẽ là "thế kỷ của Trung Quốc", những giả thiết về dân số này cho thấy mức ảnh hưởng có thể sẽ chuyển sang nơi khác - bao gồm nước láng giềng Ấn Độ, quốc gia có dân số dự kiến sẽ vượt qua Trung Quốc trong vòng thập kỷ tới.

Bành Tu Kiến (Xiujian Peng) làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách, Đại học Victoria. Trong năm năm qua bà đã được trao những khoản tài trợ từ một số tổ chức, trong đó có Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, Đại học Nông nghiệp Hà Nam và Viện Nghiên cứu Kinh tế và Công nghệ CHN.

Bài tiếng Anh đã đăng trên The Conversation, được biên tập lại và đăng trên BBC Future theo giấy phép Creative Commons.

https://www.bbc.com/vietnamese/vert-fut-62084515