Những người Mỹ bị săn lùng trong hoạt động gián điệp của Trung Quốc

  • Bernd Debusmann Jr
  • BBC News, Washington
Những người bất đồng chính kiến Trung Quốc tại Mỹ

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Những người bất đồng chính kiến Trung Quốc tại Mỹ kỷ niệm 32 năm sự kiện Thiên An Môn vào năm 2021

Là một nhân vật bất đồng chính kiến lâu năm và phản đối chính phủ Trung Quốc, hiện sống tại California, Arthur Lưu - cha của vận động viên trượt băng Alyssa Lưu - từng tham gia Thế vận hội - đã không quá ngạc nhiên khi nhận được cuộc gọi từ FBI.

"Họ nói với tôi là chính phủ Trung Quốc đã gửi điệp viên đến Bay Area để thu thập thông tin hộ chiếu của tôi và con gái tôi," ông nói với BBC. "Tôi không nói là tôi bị sốc. Nhưng tôi tự nghĩ, 'wow' - họ đang xem vấn đề này rất nghiêm túc."

Trước tiên thì ông Lưu không thấy có sự liên quan. Một cuộc gọi "đáng nghi" từ một người đàn ông tự xưng là từ Ủy ban Olympic và Paralympic của Mỹ, cho biết đang tiến hành một "cuộc kiểm tra về tính sẵn sàng" trước chuyến đi của con gái ông đến tham dự Thế Vận hội Mùa đông Bắc Kinh vào tháng 02/2022.

"Tôi không hoàn toàn nhận ra rằng đây là ai đó khác Ủy ban Olympic," ông Lưu nhớ lại. "Tôi chỉ quyết định làm điều đúng đắn và không từ bỏ bất kỳ thông tin nào. Đây chỉ không là cách chúng tôi thông thường phải nộp hộ chiếu."

Người đàn ông ở đầu dây bên kia, giới chức Mỹ tin rằng, là Anthony Ziburis, 49 tuổi, cựu một sĩ quan phụ trách phục hồi nhân phẩm và cận vệ tại Florida.

Nhiệm vụ của ông ta: Do thám và làm mất uy tín những người bất đồng chính kiến của Trung Quốc, trên danh nghĩa cơ quan tình báo Trung Quốc. Những người bất đồng chính kiến được cho bao gồm hai công dân Mỹ - ông Lưu và Diễm Hùng (Yan Xiong), một quan chức phụ trách vấn đề tôn giáo trong quân đội Mỹ và một ứng viên quốc hội, người trước đây đã tham gia vào các cuộc biểu tình năm 1989 tại Quảng trường Thiên An Môn.

Hồi tháng 3, Ziburis đã bị Bộ Tư pháp Mỹ kết án làm do thám cho chính phủ Trung Quốc. Nhưng ông ta không phải là người duy nhất. Chỉ tính riêng trong năm nay, giới chức Mỹ đã kết án 12 người - bao gồm một số công dân Mỹ đã lén theo dõi, xâm hại và do thám công dân Mỹ cho phía Trung Quốc.

Ngày 08/07, hai người đã bị cáo buộc có tham gia vào cùng một kế hoạch mà đối tượng đã nhắm đến ông Lưu cũng bị kết án.

Vụ việc của ông Lưu xảy ra trong bối cảnh ngày càng có sự báo động gia tăng tại Mỹ và Anh liên quan đến các hoạt động gián điệp của Trung Quốc trên toàn cầu.

Trong một sự xuất hiện chung chưa hề có tiền lệ hồi tuần này tại trụ sở chính của MI5 tại London, người đứng đầu các cơ quan an ninh của Mỹ và Anh mỗi bên đều cảnh báo về một mạng lưới do thám trên mạng và chương trình hack quy mô lớn - hơn bất kỳ tất cả quốc gia lớn nào cộng lại - đang được Trung Quốc vận hành.

Các chương trình này được cho là một phần trong một nỗ lực tình báo ngày càng có quy mô và gia tăng, tiếp cận trên nhiều phương diện để giúp Trung Quốc đạt được lợi thế so với đối thủ và bịt miệng hay đàn áp những mối đe dọa thấy được đối với sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Các nỗ lực được định hình dưới mọi hình thức từ scam (lừa đảo) trên máy tính cho đến điệp viên tận cửa.

Các cựu quan chức tình báo của Mỹ lưu ý rằng mọi người có thể bị nhắm vào nhất là những người được xem có mối liên quan với chính phủ Trung Quốc, được xác định là "Năm loại chất độc" đe dọa Bắc Kinh gồm: những người ly khai Tây Tạng và Duy Ngô Nhĩ, phong trào Pháp Luân Công, các nhà hoạt động vì độc lập người Đài Loan - và như trường hợp của ông Lưu - là các thành viên của phong trào ủng hộ dân chủ của Trung Quốc.

Đáng báo động, các nỗ lực chỉ được cho ngày càng gia tăng trong bối cảnh mối quan hệ Mỹ-Trung ngày càng xấu đi, và thậm chí người Mỹ không được an toàn.

Người đứng đầu Cơ quan MI5, Ken McCallum (trái) và Giám đốc FBI Christopher Wray (phải)

NGUỒN HÌNH ẢNH,UK POOL VIA ITN

Chụp lại hình ảnh,

Người đứng đầu Cơ quan MI5, Ken McCallum (trái) và Giám đốc FBI Christopher Wray (phải) cùng xuất hiện chung tại London, điều chưa từng có trước đây

Đối với ông Lưu - người đã trốn từ Trung Quốc qua Hong Kong sau vụ biểu tình đòi dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 - thì viễn cảnh bị do thám là không có gì xa lạ.

Các nỗ lực trước đó, ông nói, đã kết thúc khi ông không biết rằng đã kết bạn với một người sẽ trở thành điệp viên - một sinh viên mà ông được giới thiệu thông qua một mối quan hệ ở mạng lưới người Trung Quốc di dân trong địa phương, người mà ông đã giới thiệu tìm nhà tại Mỹ.

"Một năm hay hai năm sau, anh ta nói với tôi rằng họ đã yêu cầu anh ta do thám tôi. Đây là một điều kiện để anh ta đến [Mỹ]," ông Lưu nói. "Thế nhưng sau đó ông ta không muốn làm điều này".

Hoạt động tình báo nhằm vào các mục tiêu người Trung Quốc sống ở nước ngoài diễn ra dưới nhiều hình thức, từ các nỗ lực hack email và thiết bị cho đến việc cài cắm những điệp viên bên trong các vòng tròn xã hội hoặc những tổ chức nước ngoài mà họ tham gia.

Thường thì các phương pháp điện tử được sử dụng như "một cách kích hoạt" việc do thám bằng con người.

"Bạn có thể lén theo dõi ai đó trên mạng, và nắm được các liên lạc của họ," Christopher Johnson, một nhà nghiên cứu Trung Quốc cấp cao tại cơ quan Central Intelligence Agency nói. "Sau đó có thể bạn tiếp cận những người này. Rồi chuyện này dẫn đến chuyện kia".

Những nhà bất đồng chính kiến như ông Lưu bị nhắm đến bởi vì chính phủ Trung Quốc tin rằng họ thuộc "một cuộc chiến diễn ngôn toàn cầu" giữa Trung Quốc và Phương Tây, ông Johnson nói thêm.

Những người tuyên bố công khai về chế độ có nguy cơ tiềm tàng gây bất ổn cho các nỗ lực của Trung Quốc nhằm tự khắc họa một hình ảnh tích cực.

Điều này đã bắt đầu với "tầm quan trọng được làm mới trong vòng vài năm trở lại đây" ông nói. "Sức mạnh Diễn ngôn", một thuật ngữ cũ của Marx mà họ sử dụng. Đây là ý tưởng cho rằng họ nên tự mình kể câu chuyện của Trung Quốc, thông qua sự tuyên truyền của chính mình".

Không thể tiếp cận Chính phủ Trung Quốc để có bình luận. Hồi tháng Ba - khi ông Ziburis bị kết án - Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã cáo buộc Mỹ "nói xấu và miệt thị không công bằng" nhằm vào Trung Quốc.

Các cựu quan chức Mỹ hay đương nhiệm, tuy nhiên đều liên tục cảnh báo về chiến dịch do thám quy mô khổng lồ từ Trung Quốc ngay tại Mỹ.

Trong bài phát biểu hồi đầu năm nay, Giám đốc FBI John Wray nói các hoạt động do thám của Trung Quốc tại Mỹ "ngày càng trắng trợn" hơn bao giờ hết.

Điều này đặc biệt đúng trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Biden định hình sự đối đầu Mỹ-Trung là một phần trong cuộc tranh đấu giữa sự độc tài và dân chủ, ông Johnson nói.

Những sự buộc tội gần đây không thể khiến Trung Quốc dừng lại, ông Johnson và hai quan chức khác nói với BBC.

Theo FBI thì cơ quan này đã phải xử lý một vụ mới chống tình báo có liên quan đến Trung Quốc cứ mỗi 12 giờ. Tính đến tháng Hai, thì có hơn 2.000 vụ được FBI tiến hành.

Mặc dù vậy, ông Johnson cho rằng các nỗ lực của Mỹ để ngăn chặn việc do thám từ Trung Quốc là "rất kém cỏi".

"Họ sẵn sàng gia tăng nỗ lực hơn là những gì chúng ta đang cố gắng ngăn chặn", ông nói.

FBI ước tính có "hàng trăm" nhà bất đồng chính kiến tại Mỹ mà Trung Quốc hy vọng nhắm đến, một phần trong chiến dịch ngày càng hung hãn nhằm tìm cách trừng phạt về mặt cá nhân và chính trị.

"Hầu hết các mục tiêu là những người có thẻ xanh [hoặc] được công nhận công dân Mỹ - những người có quyền và sự bảo vệ quan trọng theo luật pháp Mỹ," Giám đốc FBI Wray cho biết.

Hình ảnh người biểu tình tại Thiên An Môn vào năm 1989

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Hình ảnh người biểu tình tại Thiên An Môn vào năm 1989

Về phần mình, ông Lưu nói ông không tin rằng các nỗ lực do thám nhằm vào bản thân mình sẽ biến mất.

Tuy nhiên, các nỗ lực càng gần đây đã cho thấy sự phức tạp tăng dần. Cùng vào thời điểm của cuộc gọi FBI thì hầu như chắc chắn rằng Alyssa Lưu - người đã đăng nội dung về cách Trung Quốc đối xử với cộng đồng thiểu số Duy Ngô Nhĩ trên mạng xã hội - đang đi đến Bắc Kinh.

Ông Lưu nói ông "vô cùng lo lắng" về sự an toàn của con gái - nhưng chọn không nói với con vào lúc đó.

"Tôi không muốn con bé đến Trung Quốc với mối lo nặng trĩu", ông nói. "Tôi muốn con mình đi và trải nghiệm vui vẻ tại Olympic".

Một năm sau, ông nói mình sẽ không ngạc nhiên nếu FBI lại liên lạc với ông, mặc dù ông hy vọng "sẽ không phải làm điều này lần nữa".

"Tôi đã học cách cứ tiếp tục sống như người bình thường. Họ [chính phủ Trung Quốc] có thể làm bất kỳ điều gì mà họ muốn, tôi không thể ngăn cản được. Tôi không quan tâm," ông nói.

"Tôi sẽ tiếp tục lên tiếng trước những hành vi như vậy và bất kỳ sự vi phạm nhân quyền nào. Không điều gì có thể khiến tôi dừng lại."

https://www.bbc.com/vietnamese/world-62110967?fbclid=IwAR1CV6g1fJuMj_aLDtbefCyCSPXDtsTfpda_NKTiJOJpCUdvOJDE4v3Uhb0

Xem thêm: