Shinzo Abe: Di sản của Thủ tướng phục vụ lâu nhất Nhật Bản
Shinzo Abe, thủ tướng tại vị lâu nhất của Nhật Bản, vừa qua đời trong bệnh viện ở Nhật Bản ngày 8/7 sau vụ ám sát gây chấn động.
Ông được biết đến với chính sách đối ngoại diều hâu và chiến lược kinh tế đặc trưng mà người ta thường gọi là "Abenomics".
Là một người theo chủ nghĩa dân tộc bảo thủ, ông Abe, sinh năm 1954, hai lần đưa Đảng Dân chủ Tự do (LDP) giành chiến thắng.
Nhiệm kỳ thủ tướng đầu tiên của ông diễn ra ngắn ngủi - trong hơn một năm bắt đầu từ năm 2006 - và gây tranh cãi.
Nhưng ông đã trở lại đáng ngạc nhiên vào năm 2012 và nắm quyền cho đến năm 2020 khi ông từ chức vì lý do sức khỏe.
Nhật Bản rơi vào suy thoái khi ông bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai.
Nhưng chính sách kinh tế của ông - được xây dựng dựa trên nới lỏng tiền tệ, kích thích tài khóa và cải cách cơ cấu - được cho là đã giúp Nhật tăng trưởng trở lại.
Ông cũng giúp cho sự phục hồi của Nhật Bản sau trận động đất và sóng thần lớn ở Tohoku năm 2011, khiến gần 20.000 người thiệt mạng và dẫn đến sự cố các lò phản ứng hạt nhân ở Fukushima.
Ông từ chức vào năm 2020 sau khi tiết lộ rằng ông đã bị tái phát bệnh viêm loét đại tràng. Căn bệnh đường ruột đã khiến ông phải từ chức vào năm 2007.
Ông vẫn được coi là một nhân vật quyền lực trong chính trường Nhật Bản.
Gia đình truyền thống
Ông Abe sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm chính trị với ông ngoại là Kishi Nobusuke - Thủ tướng Nhật giai đoạn 1957-1960 và cha là Abe Shintaro từng giữ chức Ngoại trưởng.
Năm 1977, ông Abe tốt nghiệp Khoa Luật, Bộ môn khoa học chính trị, Trường Đại học Seikei.
Sau đó ông sang Mỹ học, tốt nghiệp Khoa chính trị Đại học Tổng hợp Nam California.
Tháng 11/1982, ông Shinzo Abe là Thư ký Bộ trưởng Ngoại giao và vào tháng 7/1993, ông trúng cử Hạ Nghị sỹ lần đầu tiên.
Tháng 10/2005, ông là Chánh Văn phòng Nội các (trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Koizumi Junichiro) sau cải tổ Nội các.
Sự vươn lên của ông xảy ra nhanh chóng khi ông trở thành thủ tướng trẻ nhất Nhật Bản thời hậu chiến vào năm 2006.
Nhưng một loạt vụ bê bối - bao gồm việc chính phủ làm mất hồ sơ lương hưu, ảnh hưởng đến khoảng 50 triệu đơn xin - khiến chính quyền của ông gặp khó khăn.
Xảy ra tổn thất nặng nề cho LDP sau cuộc bầu cử thượng viện vào tháng 7 năm 2007, và vào tháng 9 năm đó, ông từ chức vì bệnh viêm loét đại tràng.
Nhưng năm 2012, Abe trở lại làm thủ tướng, nói rằng ông đã vượt qua căn bệnh này nhờ sự hỗ trợ của thuốc.
Sau đó, ông được bầu lại vào năm 2014.
Ngày 24/8/2020 đánh dấu ngày thứ 2.799 ông Abe làm việc ở tư cách Thủ tướng Nhật Bản. Vì thế ông trở thành vị Thủ tướng có thời gian phục vụ liên tiếp dài nhất lịch sử Nhật, vượt qua người chú là cố Thủ tướng Sato Eisaku (1901-1975) với thời gian cầm quyền từ năm 1964 đến 1972.
Uy tín của ông có lúc thay đổi, nhưng ông vẫn giữ vị thế trong LDP. Đảng này đã sửa đổi các quy tắc để cho phép ông phục vụ nhiệm kỳ thứ ba với tư cách là lãnh đạo đảng.
Vào năm 2017, LDP thay đổi quy định của đảng để cho phép lãnh đạo phục vụ ba nhiệm kỳ liên tiếp, tổng cộng chín năm.
Trước đó, quy tắc của LDP cho phép lãnh đạo phục vụ hai nhiệm kỳ liên tiếp, sáu năm.
Đối ngoại cứng rắn
Abe được biết đến với lập trường diều hâu về chính sách quốc phòng và đối ngoại, và từ lâu đã tìm cách sửa đổi hiến pháp theo chủ nghĩa hòa bình thời hậu chiến của Nhật Bản.
Những người bảo thủ coi hiến pháp - do Mỹ soạn thảo - là lời nhắc nhở về thất bại nhục nhã của quân đội Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai.
Quan điểm dân tộc chủ nghĩa của ông thường làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc và Hàn Quốc, đặc biệt là sau chuyến thăm năm 2013 của ông tới đền Yasukuni ở Tokyo, một địa điểm gây tranh cãi liên quan đến chủ nghĩa quân phiệt của Nhật Bản trước và trong Thế chiến hai.
Các chuyến viếng thăm nhiều lần của ông tới ngôi đền cũng khiến các phe cánh tả ở Nhật Bản khó chịu, vì họ coi đây là nỗ lực của Abe nhằm minh oan cho những hành động tàn bạo của Nhật Bản trong chiến tranh.
Dưới thời Thủ tướng Abe, Nhật Bản thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia năm 2013.
Từ 2014, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) có thể triển khai lực lượng nhằm hỗ trợ Mỹ và các quốc gia bạn bè trong một số hoàn cảnh nhất định.
Mục tiêu lớn hơn của ông là sửa đổi hiến pháp để chính thức công nhận quân đội Nhật Bản vẫn chưa được thực hiện và tiếp tục là một chủ đề gây chia rẽ trong nước.
Trong cương vị Thủ tướng, ông Abe từng thăm Việt Nam nhiều lần, như các năm 2006, 2013 và 2017.
Ông Abe trước đó, vào năm 1993, đã thăm Việt Nam trong tư cách một nghị sĩ.
Năm 2014, Nhật và Việt Nam nâng cấp quan hệ song phương lên "đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á."
Abe tiếp tục có ảnh hưởng ở Nhật Bản, ngay cả trong thời kỳ của thủ tướng đương nhiệm Fumio Kishida.
Vào ngày 8 tháng 7, Abe đã ở thành phố Nara, miền nam nước này để vận động thay mặt cho một ứng cử viên tranh cử vào thượng viện của Nhật Bản.
Ông đang đọc bài phát biểu thì bị một tay súng - một người 41 tuổi, người được cho là cựu thành viên Lực lượng Phòng vệ, tương đương với hải quân của Nhật Bản, bắn.
Abe vẫn tỉnh táo khi được đưa đến bệnh viện, nhưng đã chết sau đó vì vết thương.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-62093535
Cái chết thảm thương của ông Shinzo Abe, vị thủ tướng tại vị lâu nhất trong lịch sử đất nước, 'gây sốc cho nước Nhật', nhà báo tự do Đỗ Thông Minh từ Tokyo nói với BBC News Tiếng Việt.
Nhiều nhật báo lớn của Nhật ngay trong ngày đã ra ấn bản đặc biệt đưa tin về vụ ám sát ông Shinzo Abe, phát không cho dân chúng.
Theo ông Đỗ Thông Minh, nhiều khả năng đám tang ông cựu thủ tướng Nhật sẽ được tổ chức theo nghi lễ trang trọng nhất tại Vũ Đạo Quán, "nơi chuyên biểu diễn, thi đấu võ và biểu diễn văn nghệ lớn, có thể chứa được 4-5 ngàn người".
Ông Đỗ Thông Minh cũng nói ngay sau khi lên nhậm chức lần đầu ông Abe đã đi thăm Việt Nam
https://www.bbc.com/vietnamese/media-62094723
Geen opmerkingen:
Een reactie posten