maandag 17 januari 2022

Uỷ hội sông Mekong kêu gọi hợp tác quản lý nguồn nước tốt hơn khi hạn hán kỷ lục tiếp diễn

 

Uỷ hội sông Mekong kêu gọi hợp tác quản lý nguồn nước tốt hơn khi hạn hán kỷ lục tiếp diễn

13/01/2022
Sông Mekong nhìn từ tỉnh Chiang Rai của Thái Lan.

Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) hôm 13/1 kêu gọi Trung Quốc và các nước Đông Nam Á phối hợp quản lý tốt hơn các đập và hồ chứa thủy điện sông Mekong sau ba năm dòng chảy thấp kỷ lục và ngày càng thêm khô hạn.

Dòng chảy của sông Mekong giảm xuống mức thấp nhất trong hơn sáu thập niên từ năm 2019 đến năm 2021 do số lượng hồ chứa, đập và trữ nước tăng lên, tình hình khí hậu ngày càng xấu đi và lượng mưa thấp bất thường, một báo cáo mới về dòng chảy sông Mekong của MRC cho thấy.

Tình trạng khô hạn trong ba năm qua đã ảnh hưởng đến giao thông đường thủy, hệ sinh thái sông và sự ổn định của bờ sông trong khu vực nơi mà hàng chục triệu người phụ thuộc vào sông Mekong để kiếm sống.

Tổ chức MRC – trong đó Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam là thành viên - khuyến nghị chính phủ các nước này tăng cường phối hợp vận hành các đập thủy điện và tích nước ở lưu vực sông Mekong để giảm bớt tác động của hạn hán.

“Sự hợp tác chủ động là điều cần thiết, không chỉ từ Trung Quốc mà từ tất cả các nước thành viên MRC, để cùng giải quyết những vấn đề này”, An Pich Hatda, Giám đốc điều hành của MRC nói.

Có ít nhất 13 đập dọc theo 4.350 km sông Mekong, 11 trong số đó ở Trung Quốc.

Năm ngoái, MRC đã kêu gọi chia sẻ dữ liệu nhiều hơn về hoạt động thủy điện giữa Trung Quốc và các nước thành viên MRC để cải thiện việc quản lý lưu vực sông.


Uỷ hội sông Mekong kêu gọi hợp tác quản lý nguồn nước tốt hơn khi hạn hán kỷ lục tiếp diễn (voatiengviet.com)


Mực nước sông Mekong thấp kỷ lục trong ba năm tiếp

RFA
2022.01.14
Share on WhatsApp
Share on WhatsApp
Mực nước sông Mekong thấp kỷ lục trong ba năm tiếpHình minh hoạ: Một đoạn sông Mekong ở Nakhon Phanom, Thái Lan hôm 24/7/2019
 Reuters

Ủy hội sông Mekong (MRC) một lần nữa kêu gọi sáu nước dọc sông Mekong, bao gồm Trung Quốc và năm quốc gia Đông Nam Á, có những hành động quyết liệt để giải quyết các vấn đề về dòng chảy thấp, biến động của mực nước và tình trạng hạn hán ở khu vực hạ lưu sông Mekong.

Lời kêu gọi được đăng tải trên trang web của MRC hôm 13/1 cho biết, từ năm 2019 đến 2021, dòng chảy chính trên sông Mekong đã giảm kỷ lục trong ba năm liên tiếp, thấp nhất trong vòng 60 năm qua. Trong đó, năm 2020 là năm khô hạn nhất ở khu vực hạ lưu sông Mekong, với lượng mưa mỗi tháng dưới mức bình thường, trừ tháng mười.
Trong ba năm, từ 2019 đến 2021, lượng mưa giảm nhiều và điều kiện khí hậu ngày càng  khắt nghiệt đã ảnh hưởng tiêu cực lên nông nghiệp, thuỷ sản và đời sống kinh tế người dân, đe dọa làm xáo trộn hệ sinh thái mong manh của lưu vực sông Mekong. 

Báo cáo dẫn lời Tiến sĩ An Pich Hatda, Giám đốc Điều hành của Ban Thư ký MRC,  rằng “việc chủ động hợp tác là điều cần thiết, không chỉ từ phía Trung Quốc mà phải từ tất cả các nước thành viên của MRC, để cùng nhau giải quyết vấn đề này”.

Theo Tiến sĩ An Pich Hatda, sáu quốc gia có thể thực hiện ngay một số bước để giảm thiểu khủng hoảng, bao gồm việc thiết lập một cơ chế thông báo chung về các dao động mực nước bất thường, và trong tương lai, cần tìm hiểu việc phối hợp quản lý vận hành các hồ chứa và đập thủy điện.

Theo báo cáo của MRC, chìa khoá để giảm bớt những tác động tồi tệ nhất trong những năm hạn hán, chẳng hạn như trong ba năm gần đây, là việc phối hợp quản lý vận hành các hồ chứa nước.

Theo Reuters, có ít nhất 13 đập dọc theo 4.350 km sông Mekong, trong đó, có 11 đập là ở Trung Quốc.

Uỷ hội sông Mê Kông quốc tế được thành lập vào năm 1995, bao gồm bốn nước hạ nguồn là Campuchia, Lào, Việt Nam, Thái Lan và hai nước thượng nguồn là Trung Quốc và Myanmar, với mục tiêu hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mekong.

Năm ngoái, ủy hội này đã công bố Chiến lược Phát triển 10 năm và kế hoạch chiến lược năm năm cho lưu vực sông Mekong nhắm vào sự cân bằng phát triển bền vững. 

Mực nước sông Mekong thấp kỷ lục trong ba năm tiếp — Tiếng Việt (rfa.org)

    Geen opmerkingen:

    Een reactie posten