vrijdag 21 januari 2022

Mực nước sông Mekong thấp kỷ lục: giải pháp nào để giảm thiểu thiệt hại?

 

Mực nước sông Mekong thấp kỷ lục: giải pháp nào để giảm thiểu thiệt hại?

RFA
2022.01.20
Share on WhatsApp
Share on WhatsApp
Mực nước sông Mekong thấp kỷ lục: giải pháp nào để giảm thiểu thiệt hại?Bức ảnh chụp tháng 10/2019 cho thấy bờ sông Mekong đoạn chảy qua Đông Bắc Thái Lan bị khô cạn
 AFP

Ủy hội sông Mekong (MRC) hôm 13/1 vừa qua ra cảnh báo về thực trạng dòng chảy chính trên sông Mekong với mức giảm kỷ lục trong ba năm liên tiếp vừa qua. Ủy hội đồng thời kêu gọi các nước dọc con sông này hợp tác hành động, cùng nhau giải quyết vấn đề.

Chuyên gia nghiên cứu về sinh thái cho rằng tình trạng biến đổi hệ sinh thái ở hạ nguồn sông Mekong, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đến lúc này không thể cứu chữa được nữa. Họ nêu ra một số giải pháp để giảm thiệt hại cho người dân sinh sống ở khu vực này.

Theo một báo cáo gần đây của MRC, từ năm 2019 đến 2021, dòng chảy trên sông Mekong chạm mức thấp nhất trong vòng 60 năm qua. Trong đó, năm 2020 là năm khô hạn nhất ở khu vực hạ lưu sông Mekong, với lượng mưa mỗi tháng dưới mức bình thường, trừ tháng mười.

Điều này gây ra những hậu quả tiêu cực đối với nông nghiệp, thuỷ sản và đời sống kinh tế người dân, đe dọa làm xáo trộn hệ sinh thái mong manh của lưu vực sông Mekong. 

Do đó, Uỷ hội sông Mekong kêu gọi kêu gọi sáu nước dọc sông Mekong, bao gồm Trung Quốc và năm quốc gia Đông Nam Á, cần có những hành động quyết liệt để giải quyết các vấn đề nêu trên.

Hậu quả tiêu cực

Thạc sỹ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái, cho biết vấn đề mực nước trên sông Mekong thấp sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho hệ sinh thái và cả đời sống kinh tế của người dân Việt Nam.

Ông phân tích, vào mùa lũ, dòng nước sông Mekong chảy mạnh mới đủ sức mang theo phù sa và cát để bồi đắp cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đó là quá trình tự nhiên kiến tạo nên sự trù phú và màu mỡ cho đất ở đồng bằng xưa nay. Bây giờ, nước về ít, thiếu cát và phù sa sẽ làm xói mòn đất và gia tăng nguy cơ sạt ở các tỉnh lưu vực sông Mekong:

Có ảnh hưởng rất nhiều. Dòng chảy mùa lũ bị yếu đi thì việc vận chuyển phù sa về bị giảm. Nó sẽ ảnh hưởng đến nước, thiếu phù sa thì sẽ thành nước đói và cát không về thì thì đáy sông bị sâu đi, làm gia tăng sạt lở.

Còn một điều nữa quan trọng là nó ảnh hưởng đến thủy sản tự nhiên rất là lớn. Bởi vì cái nhịp thủy văn của dòng sông tới mùa thì nó phát đi tín hiệu, thì hệ sinh thái mới biết đường mà phát triển, sinh sôi nảy nở, cá mới biết đường mà di cư. Bây giờ nhịp thủy văn bị rối thì sẽ làm rối cả hệ sinh thái, và như vậy là thủy sản tự nhiên nó sẽ suy giảm và toàn bộ hệ sinh thái sẽ bị rối loạn.” 

2016-05-01T120000Z_503846881_S1BETBPULGAA_RTRMADP_3_ASIA-RICE.JPG
Người nông dân đốt rơm bên ruộng lúa khô cằn ở Sóc Trăng hồi 2016. Ảnh minh họa: Reuters

Không thể cứu vãn

Thạc sỹ Nguyễn Hữu Thiện nhận định, việc MRC kêu gọi phối hợp vận hành liên hồ giữa các quốc gia là điều “không tưởng”:

Thật ra cái đó chỉ nói trên lý thuyết chứ tôi không tin nó có thể xảy ra trên thực tế. Bởi vì, thứ nhất người ta xây đập là vì lợi ích của nhà đầu tư chứ đâu phải là vì lợi ích của người dân ở dưới vùng hạ lưu. Họ phải tối ưu hóa cái lợi ích của họ.

Cái thứ hai là những con đập đó của những nhà đầu tư khác nhau, thì chuyện điều phối một loạt các đập của các nhà đầu tư khác nhau, thuộc các quốc gia khác nhau là chuyện không tưởng”.

Ông Thiện cho biết, từ cách đây 10 năm, ông cùng với một nhóm chuyên gia đã đưa ra Bản đánh giá môi trường chiến lược cho các đập thủy điện trên dòng Mekong từ hồi năm 2009. 

Trong đó, nhiều chuyên gia đã đưa ra cảnh báo rất rõ ràng về hậu quả của các con đập trên thượng nguồn Mekong. Bây giờ thực tế cho thấy những biểu hiện của hệ sinh thái đúng như những gì đã dự báo, và đến thời điểm này thì không còn cách nào để Đồng bằng sông Cửu Long quay trở lại nguyên trạng như trước:

Cái quan trọng là vật liệu để xây dựng Đồng bằng trong mấy ngàn năm qua bị cắt. Bây giờ thì đồng bằng sẽ phải bị sạt lở và cái này thì không có cách nào chữa được, độ màu mỡ của đất cũng không có cách nào để chữa được. Như vậy thì độ dinh dưỡng của đất và độ dinh dưỡng của hệ sinh thái giảm. Nói chung là tình hình đã muộn rồi.

Nhà nông thiệt hại

Ông Nguyễn Ngọc Tân, chuyên trồng cây ăn trái như mít ruột đỏ và mãng cầu, hiện đang sinh sống ở Vĩnh Long nói với Đài Á châu Tự do rằng trong ba năm vừa qua, nước về rất ít vào mùa lũ, và độ mặn của đất cũng lên cao. Điều này khiến nhiều nông dân bị thiệt hại nặng nề:

Khoảng ba năm trở lại đây, vào tháng chín người ta gọi là mùa nước lũ, nước về rất là ít, ít lắm! Cụ thể là hồi năm ngoái với năm 2019 thì nước mặn lên nhiều, độ mặn có lên hơi cao.

Vùng của tôi thì cũng nhẹ cho nên cũng không ảnh hưởng gì mấy. Ở Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long) có một số xã giáp ranh với Trà Vinh thì bị thiệt hại nặng lắm. Cách đây hơn một tháng tôi có xuống đó thì họ cho biết rằng lúa bị mất mùa, mất trắng luôn. Do mặn lên mà không hay, thì nó hư luôn, mất trắng luôn!

Ông Tân cho hay các nhà chức trách địa phương không cảnh báo cụ thể, cũng không có hỗ trợ gì cho người dân chịu thiệt hại:

Cảnh báo chung của Đài truyền hình Vĩnh Long thì họ cũng thường cập nhật ở một số địa phương. Họ thông báo chung vậy thôi.

Không biết các địa phương khác như thế nào, nhưng mà riêng địa phương của mình ở đây thì không thấy có hỗ trợ gì hết, không có giúp gì được cho dân hết!

AP1603310623378520.jpg
Một nông dân Campuchia lấy nước ao tưới rau trong đợt sông Mekong thấp kỷ lục năm 2016. Ảnh minh họa AP

Giải pháp

Chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện cho rằng cần phải thực hiện một số giải pháp sau để giảm thiệt hại cho người dân do những biến đổi môi trường ở lưu vực sông Mekong. 

Điều quan trọng là phải tiết kiệm cát và chất dinh dưỡng của đất, bằng cách giảm khai thác cát và trồng lúa không chạy theo sản lượng, chú trọng vào chất lượng:

Vậy thì bây giờ mình phải hiểu rằng phù sa đã về ít thì một mặt mình phải tiết kiệm độ dinh dưỡng của đất.

Tức là bây giờ không nên canh tác liên tục ba vụ mỗi năm để sản xuất ra nhiều lúa gạo giá rẻ, mà cần phải phải giữ gìn sức khỏe của đất, giảm bớt thâm canh đi, tăng chất lượng.

Còn một cái nữa là cát. Bây giờ chúng ta đang khai thác cát khá là vô tội vạ, quản lý theo từng tỉnh chứ không có một cái quy hoạch nào cho toàn vùng miền chiến lược, tính đến chuyện là khai thác nơi này sẽ ảnh hưởng đến nơi kia, bây giờ sẽ ảnh hưởng đến tương lai, và càng khai thác thì sạt lở sẽ càng gia tăng.

Kiếm tiền bằng cách nạo vét chất dinh dưỡng của đất đai là một cách kiếm tiền không hiệu quả cho nền nông nghiệp. Chạy theo sản lượng, lấy đơn vị tấn làm thành tích như vừa qua đã chứng minh là nó không có bền vững, người dân cũng không thoát nghèo.

Bây giờ Chính phủ đã có nghị quyết 120 định hướng lại rồi. Thành ra, trong bối cảnh này tốt nhất là nên thực hiện theo nguyên tắc của Nghị quyết 120.

Nghị quyết 120 về Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khi hậu, được Chính phủ ban hành năm 2017. Theo đó, một số phương án được nêu ra để ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng là: 

tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tiết kiệm và bền vững tài nguyên nước, đất đai và các tài nguyên khác trong vùng; thay đổi tư duy phát triển, chủ yếu là sản xuất lúa sang phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng; tôn trọng quy luật tự nhiên, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên; nghiên cứu, xây dựng các kịch bản và có giải pháp ứng phó hiệu quả với thiên tai như bão, lũ, hạn hán và xâm nhập mặn, với các tình huống bất lợi nhất do biến đổi khí hậu và từ thượng nguồn sông Mekong.

Đó là đường hướng trên văn bản, còn thực tế thực hiện ra sao và được đến đâu là một vấn đề hoàn toàn khác nữa.


https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/low-mekong-river-levels-the-solution-to-minimize-damage-01202022022509.html?fbclid=IwAR1WNRra9wsrxFe6e9sWD8pQ_9W69M9l0MJBUCedheKP2Sp52vX5WSSdN9k


Geen opmerkingen:

Een reactie posten