woensdag 6 januari 2021

Vì sao 2021 sẽ là năm của châu Á ?

 

Vì sao 2021 sẽ là năm của châu Á ?

Lãnh đạo và bộ trưởng 15 thành viên thỏa thuận Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP trong hội nghị trực tuyến tại Hà Nội ngày 15/11/2020. (VNA via AP)
Lãnh đạo và bộ trưởng 15 thành viên thỏa thuận Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP trong hội nghị trực tuyến tại Hà Nội ngày 15/11/2020. (VNA via AP) AP
Minh Anh
5 phút

Năm 2020 vừa khép lại, nhưng đại dịch Covid-19, bùng phát từ Vũ Hán (Trung Quốc), vẫn chưa thấy có dấu hiệu hãm đà lây nhiễm. Châu Á, phần nào kiểm soát được dịch bệnh, đã bắt đầu khởi động lại cỗ máy sản xuất, trong khi tại Mỹ và nhiều nước lớn ở châu Âu, kinh tế có dấu hiệu kiệt quệ dưới sức tàn phá của virus corona. Theo giới quan sát, trong năm 2021, châu Á sẽ vừa là đầu tầu kinh tế thế giới, vừa là bàn cờ địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc.

Sự năng động này của châu Á được thể hiện rõ qua việc ký kết thỏa thuận Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP hồi trung tuần tháng 11/2020 giữa Trung Quốc và 14 nước châu Á-Thái Bình Dương.

Về mặt chính trị, đây là một thắng lợi của Bắc Kinh, vì họ đã làm được điều mà Washington đã không thực hiện được dưới sự thôi thúc của tổng thống Donald Trump. Nhưng nếu xét trên góc độ kinh tế, sự kiện này gần như khẳng định châu Á sẽ là khu vực đầu tầu của cả thế giới.

Thứ nhất, Trung Quốc – ông khổng lồ châu Á và cũng là nguồn gốc đại dịch – là cường quốc duy nhất trên thế giới có tăng trưởng kinh tế ở mức 2%. Thứ hai, việc ký kết RCEP cho thấy có sự thay đổi về chiến lược kinh tế của toàn vùng. Châu Á đã hiểu ra rằng tạo ra một thị trường lớn trong lòng khu vực mới là một giải pháp.

RCEP chiếm đến 30% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu, 28% thương mại thế giới và có liên quan đến 2,2 tỷ người dân. Theo quan điểm của ông Patrick Artus, kinh tế gia hàng đầu tại Natixis với trang mạng Boursorama, mô hình theo chủ nghĩa trọng thương (Mercantilism), tức là tích lũy của cải bằng cách tối đa hóa hoạt động xuất khẩu, của những năm 1980, 1990 và 2000, đang được áp dụng hiện nay là không còn hợp thời nữa.

Sự phát triển trong tương lai của khu vực không còn lệ thuộc nhiều vào việc phải tìm kiếm các thị trường Mỹ và châu Âu, mà là tạo ra một thị trường lớn trong lòng châu Á, như châu Âu từng làm trước đây. Nhu cầu nội địa sẽ là động cơ thúc đẩy phát triển khu vực. Nói một cách khác, châu Á đang từ bỏ chiến lược toàn cầu hóa mang tư tưởng trọng thương.

Mặt khác, dân số đông đúc và mức sống đa dạng khác nhau, tuy là một hạn chế, nhưng lại là một lợi thế lớn của khu vực. Dù tăng trưởng tiềm tàng được ước tính ở mức 4%, châu Á còn phải nỗ lực nhiều để cải thiện năng suất lao động. Đối với nhiều tập đoàn đa quốc gia, RCEP còn tạo nhiều thuận lợi cho việc tìm kiếm những nước mới có chi phí nhân công thấp.

Vẫn theo ông Patrick Artus, châu Á là khu vực có mức chi cho nghiên cứu và phát triển, nếu tính bằng đô la, còn cao hơn của Hoa Kỳ, và chi tiêu cho quân sự gần như ngang bằng với nước Mỹ. Từ góc độ này, châu Á có thể được ví như là một « cường quốc » địa chính trị và công nghệ.

Tuy nhiên, có một điểm quan trọng được hầu hết các nhà quan sát cùng chia sẻ là việc ký kết thỏa thuận RCEP cho thấy rõ Trung Quốc đã phần nào thành công mở rộng được ảnh hưởng khi lôi kéo được các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, chí ít là 10 nước ASEAN đi theo mô hình kinh tế của Trung Quốc nhờ vào phương cách hỗ trợ công nghệ và tổ chức thương mại, trái ngược với hình thức dùng lá bài chính trị và quân sự của Mỹ và phương Tây.

Bà Martine Bulard, nhà kinh tế học và cũng là nhà báo, trên nguyệt san Le Monde Diplomatique số ra tháng Giêng năm 2021, cảnh báo rằng cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc tại châu Á là một cuộc mặc cả kép. Một bên nói rằng: không có bảo đảm an ninh nếu không trung thành với Washington. Còn bên kia cảnh cáo: không có trao đổi kinh tế nếu không chấp nhận luật chơi của Trung Quốc.

Nói tóm lại là mỗi đối tác phải cân nhắc trước khi chọn phe, nếu có thể, không nên chọn phe đối thủ, mà nước Úc là một bài học điển hình !

Vì sao 2021 sẽ là năm của châu Á ? (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten