zaterdag 16 januari 2021

Quốc Hội Mỹ : Trung Quốc có thể đã phạm tội « diệt chủng » người Duy Ngô Nhĩ + Anh lên án « hành động tàn bạo » của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ

 

Quốc Hội Mỹ : Trung Quốc có thể đã phạm tội « diệt chủng » người Duy Ngô Nhĩ

Quốc Hội Mỹ nêu lên khả năng Trung Quốc đã phạm tội "diệt chủng" nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương (Xinjiang).
Quốc Hội Mỹ nêu lên khả năng Trung Quốc đã phạm tội "diệt chủng" nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương (Xinjiang). © Fotomontagem RFI
Thụy My
4 phút

Trung Quốc có thể đã phạm tội « diệt chủng » đối với người Duy Ngô Nhĩ và các sắc dân Hồi giáo khác tại Tân Cương, theo báo cáo của một ủy ban lưỡng đảng Quốc Hội Hoa Kỳ hôm 14/01/2021.

Ủy ban về Trung Quốc (CECC), một ủy ban độc lập có nhiệm vụ giám sát nhân quyền và phát triển pháp trị ở Trung Quốc, trực thuộc Quốc Hội Hoa Kỳ cho biết đã có những bằng chứng mới trong năm 2020 về các « tội ác chống nhân loại, và có thể là tội diệt chủng » đã diễn ra tại Tân Cương. Ủy ban cũng tố cáo Trung Quốc quấy nhiễu người Duy Ngô Nhĩ sinh sống tại Mỹ. Báo cáo kêu gọi Hoa Kỳ ra nghị quyết về vấn đề này.

Ngoại trưởng Mike Pompeo trong những ngày cuối còn tại vị tỏ ra kiên quyết trong hồ sơ trên, nhưng bối cảnh lộn xộn tại Washington khiến khả năng loan báo một nghị quyết đã bị dời lại. Dân biểu Dân Chủ Jim McGovern, đồng chủ tịch CECC coi các hành động chà đạp nhân quyền của Trung Quốc là « gây sốc, chưa từng thấy », cổ vũ Quốc Hội và chính quyền sắp tới của Joe Biden buộc Bắc Kinh phải trả giá.

Giới chuyên gia nhận xét một nghị quyết về diệt chủng có thể gây khó khăn nghiêm trọng cho Trung Quốc, ủy viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, đồng thời làm phức tạp thêm quan hệ của chính quyền Biden với Bắc Kinh. Nếu Mỹ ra tuyên bố này, các nước sẽ phải cân nhắc khi cho phép làm ăn với Tân Cương, nhà cung cấp bông vải hàng đầu thế giới, và có thể dẫn đến các biện pháp trừng phạt mới của Washington. Hôm thứ Tư 13/01, Hải quan Mỹ cho biết đã cấm nhập sợi bông và sản phẩm từ cà chua ở Tân Cương vì nghi ngờ do lao động cưỡng bức.

Hôm 14/01/2021 đại sứ quán Trung Quốc ở Washington nói rằng CECC « bị ám ảnh bởi đủ thứ dối trá nhằm bôi nhọ », « cái gọi là diệt chủng chỉ là tin đồn từ một số lực lượng chống Trung Quốc và là trò hề để làm mất uy tín » Bắc Kinh.

Hồi tháng 10, cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien tuyên bố Trung Quốc đã có những hành động « gần với diệt chủng ». Ngoại trưởng Pompeo nêu ra báo cáo của nhà nghiên cứu Đức Adrian Zenz, khẳng định có những bằng chứng xác đáng cho thấy Bắc Kinh cưỡng bức triệt sản người Duy Ngô Nhĩ, một trong những tiêu chí hình thành tội diệt chủng.

Theo Liên Hiệp Quốc, có ít nhất 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ trong các trại cải tạo ở Tân Cương mà Bắc Kinh gọi là trường dạy nghề. Nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo và các tổ chức nhân quyền cũng tố cáo tội ác chống nhân loại tại vùng đất có dân cư hầu hết theo đạo Hồi.

Quốc Hội Mỹ : Trung Quốc có thể đã phạm tội « diệt chủng » người Duy Ngô Nhĩ (rfi.fr)

Anh lên án « hành động tàn bạo » của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ

Ngoại trưởng Dominic Raab trình bày trước Nghị Viện Anh về  tình hình Trung Quốc trấn áp người Duy Ngô Nhĩ, ngày 12/01/2021, Luân Đôn.
Ngoại trưởng Dominic Raab trình bày trước Nghị Viện Anh về tình hình Trung Quốc trấn áp người Duy Ngô Nhĩ, ngày 12/01/2021, Luân Đôn. © AFP
Thu Hằng
3 phút

Anh chính thức cấm nhập hàng Trung Quốc sử dụng lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ. Ngoài thông báo các biện pháp, ngày 12/01/2021, ngoại trưởng Dominic Raab còn lên án chính sách « tàn bạo » của Bắc Kinh đối với cộng đồng thiểu số theo Hồi Giáo ở Tân Cương, đồng thời yêu cầu Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc phải được vào kiểm chứng tình hình tại khu vực này.

Theo thông tín viên RFI Muriel Delcroix tại Luân Đôn, các biện pháp trên được công bố trong bối cảnh mối quan hệ giữa Anh và Trung Quốc đã rất căng thẳng và chỉ vài ngày sau khi Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc ký thỏa thuận nguyên tắc về đầu tư. 

« Trước các dân biểu, ngoại trưởng Anh lên án « sự tàn bạo mà người ta vẫn hy vọng thuộc về quá khứ, vậy mà vẫn tồn tại ngày nay». Chính sách tàn bạo này gồm « bắt giam tùy tiện, cải huấn chính trị, cưỡng bức lao động, tra tấn và chính sách triệt sản người Duy Ngô Nhĩ ở quy mô rộng lớn».

Khi nhắc đến « nghĩa vụ đạo đức phải hành động » của Luân Đôn, ông Dominic Raab đã thông báo loạt trừng phạt đối với những doanh nghiệp không thể chứng minh được rằng nguồn hàng của họ không liên quan đến các trại lao động cưỡng bức ở Tân Cương, khu vực rộng lớn nằm ở phía tây bắc Trung Quốc và là vùng cung cấp sợi bông lớn cho thế giới.

Nghĩa vụ phải minh bạch sẽ được mở rộng sang lĩnh vực công và các doanh nghiệp thu lợi từ lao động cưỡng bức sẽ bị loại khỏi các gói mời thầu. Hàng xuất khẩu cũng sẽ được đưa vào khuôn khổ để tránh các doanh nghiệp « gián tiếp hay trực tiếp » góp phần vào việc vi phạm nhân quyền tại Tân Cương.

Tuy nhiên, phía Công Đảng đối lập, cũng như một số nghị sĩ bảo thủ, đã chỉ trích rằng những biện pháp này đã không đủ nghiêm khắc. Ngoài việc lên án Bắc Kinh một cách tượng trưng, họ yêu cầu phải có những biện pháp trừng phạt nhắm trực tiếp vào các quan chức lãnh đạo Trung Quốc ở Tân Cương ».

Anh lên án « hành động tàn bạo » của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten