zondag 24 januari 2021

Tân bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ trấn an về liên minh chặt chẽ với Tokyo và Seoul + Tàu sân bay Mỹ trở lại Biển Đông, lần đầu tiên từ khi Biden nhậm chức tổng thống

 

Tân bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ trấn an về liên minh chặt chẽ với Tokyo và Seoul

Ảnh tư liệu: Máy bay tuần duyên Nhật Bản tuần tra vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, biển Hoa Đông, ngày 10/10/2011.  Tân bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ trong chính quyền Biden ngày 23/01/2021 đã cam kết bảo vệ các vùng lãnh thổ của Nhật Bản kể cả quần đào Senkaku bị Trung Quốc tranh chấp.
Ảnh tư liệu: Máy bay tuần duyên Nhật Bản tuần tra vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, biển Hoa Đông, ngày 10/10/2011. Tân bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ trong chính quyền Biden ngày 23/01/2021 đã cam kết bảo vệ các vùng lãnh thổ của Nhật Bản kể cả quần đào Senkaku bị Trung Quốc tranh chấp. REUTERS/Kyodo/Files
Thanh Hà
3 phút

Trong ngày làm việc thứ nhì ở cương vị bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, tướng Lloyd Austin hôm 24/01/20210 đã có hai cuộc trao đổi với đồng sự Nhật Bản và Hàn Quốc. Tránh nêu đích danh Trung Quốc hay Bắc Triều Tiên, tân lãnh đạo Lầu Năm Góc trên Twitter chú trọng vào mục đích duy trì một khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương « tự do và rộng mở ». 

Hãng tin Anh Reuters nhấn mạnh trong cuộc điện đàm đầu tiên với đồng nhiệm Nhật Bản, Nobuo Kishi, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ cam kết bảo vệ các vùng lãnh thổ của Nhật Bản trên biển Hoa Đông nơi đang có tranh chấp chủ quyền biển đảo. Cam kết này bao trùm cả quần đào Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư và Bắc Kinh cũng khẳng định chủ quyền với cụm đảo này.

Về phía Tokyo, bộ trưởng Kishi, được hãng tin Kyodo trích dẫn, khẳng định Mỹ-Nhật « đồng thanh phản đối mọi ý đồ đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng tại các vùng Biển Đông và Hoa Đông ». Trong thông cáo của bộ Quốc Phòng Mỹ, Lầu Năm Góc khuyến khích Tokyo « đóng góp nhiều hơn vào nỗ lực cải thiện an ninh tại Ấn Độ -Thái Bình Dương ».

Còn trong cuộc trao đổi với đồng sự Hàn Quốc, Suh Wook, tướng Austin nhấn mạnh đến mối « liên minh sắt thép » giữa Washington và Seoul trong bối cảnh hạt nhân Bắc Triều Tiên vẫn là một mối đe dọa.

Trong cuộc điều trần tại Thượng Viện cách nay hai ngày, tướng Lloyd Austin tuyên bố ông có tham vọng đem lại một « làn gió mới » trong quan hệ liên minh giữa Hoa Kỳ với các nước trong khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương.

Tân bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ xem Trung Quốc là một thách thức đối với Lầu Năm Góc và mong muốn nâng cao khả năng phòng thủ của Hoa Kỳ trong bối cảnh Bắc Kinh tăng cường sức mạnh quân sự.

Tân bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ trấn an về liên minh chặt chẽ với Tokyo và Seoul (rfi.fr)

Tàu sân bay Mỹ trở lại Biển Đông, lần đầu tiên từ khi Biden nhậm chức tổng thống

Ảnh minh họa: Nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt thao diễn cùng với Hải Quân Nhật Bản ngày 15/01/2021 trên Thái Bình Dương. Từ trái qua phải: Khu trục hạm John Finn, tuần dương hạm Bụnker Hill, hàng không mẫu hạm Theodore Roosevelt, khu trục hạm Nhật Bản JS Kongo và  JS Asahi.
Ảnh minh họa: Nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt thao diễn cùng với Hải Quân Nhật Bản ngày 15/01/2021 trên Thái Bình Dương. Từ trái qua phải: Khu trục hạm John Finn, tuần dương hạm Bụnker Hill, hàng không mẫu hạm Theodore Roosevelt, khu trục hạm Nhật Bản JS Kongo và JS Asahi. © USS Theodore Roosevelt (CVN 71) - Petty Officer 2nd Class Casey
Thùy Dương
4 phút

Nhóm tác chiến của tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt, đã tiến vào Biển Đông từ ngày hôm qua 23/01/2021 để thúc đẩy quyền "tự do hàng hải" vào lúc Trung Quốc cho oanh tạc cơ liên tục xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan. Đây là lần đầu tiên Bộ Tư Lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ điều tàu sân bay đến Biển Đông kể từ khi ông Joe Biden chính thức nhậm chức tổng thống Mỹ ngày 20/01/2021.

Trong thông cáo đề ngày 24/01, Bộ Tư Lệnh Ấn Độ- Thái Bình Dương Mỹ cho biết thêm là nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ lần này bao gồm hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt, tuần dương hạm lớp Ticonderoga được trang bị tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill cùng hai khu trục hạm lớp Arleigh Burke cũng có tên lửa dẫn đường USS Russell và USS John Finn.

Quân Đội Mỹ nói rõ là nhóm tác chiến tàu sân bay đến Biển Đông tiến hành các hoạt động thường lệ « để đảm bảo tự do trên biển, xây dựng quan hệ đối tác nhằm thúc đẩy an ninh hàng hải ». Reuters trích dẫn chuẩn đô đốc Doug Verissimo, chỉ huy hải đội tác chiến, theo đó các hoạt động này là nhằm « trấn an các đồng minh và đối tác ».

Theo kế hoạch, nhóm tàu sân bay Mỹ sẽ tiến hành diễn tập tấn công và hiệp đồng tác chiến trong thời gian ở Biển Đông.

Hàng không mẫu hạm Mỹ trở lại Biển Đông trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và Đài Loan gia tăng: Đài Bắc vào hôm nay 24/01 thông báo: Trung Quốc lại cho 15 máy bay, trong đó có 12 chiến đấu cơ, xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, gần quần đảo Pratas. Hôm qua, chính quyền trên đảo cũng cho biết là Bắc Kinh đã cho máy bay ném bom, chiến đấu cơ bay vào khu vực này.

Hành động dọa nạt Đài Loan đã bị Washington phản đối. Theo hãng tin Mỹ AP, Washington đã tái khẳng định sự ủng hộ đối với Đài Bắc ngay từ hôm qua sau vụ Bắc Kinh điều 8 máy bay ném bom có ​​khả năng mang vũ khí hạt nhân và 4 chiến đấy cơ vào không phận tây nam Đài Loan. Theo giới quan sát, đây là cách Bắc Kinh đe dọa Đài Bắc và thử thách quyết tâm của tân chính quyền Mỹ Biden.

Bộ Ngoại Giao Mỹ đã tỏ ý lo ngại trước những nỗ lực của Trung Quốc nhằm đe dọa các nước láng giềng, bao gồm cả Đài Loan. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ, Ned Price, kêu gọi « Bắc Kinh ngừng gây áp lực quân sự, ngoại giao và kinh tế đối với Đài Loan, thay vào đó tham gia vào các cuộc đối thoại có ý nghĩa với các đại diện Đài Loan đã được bầu lên theo cách dân chủ ».

Bộ Ngoại Giao Mỹ cũng khẳng định Washington sẽ tiếp tục đẩy mạnh quan hệ với Đài Bắc và đảm bảo khả năng phòng thủ của Đài Loan trước các mối đe dọa từ Trung Quốc, đồng thời ủng hộ giải pháp hòa bình để giải quyết các vấn đề Trung - Đài.

Hiện giờ Bắc Kinh vẫn chưa bình luận về các phát biểu từ phía chính quyền Biden.

Tàu sân bay Mỹ trở lại Biển Đông, lần đầu tiên từ khi Biden nhậm chức tổng thống (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten