donderdag 28 januari 2021

100 năm huyền thoại nước hoa "Chanel số 5"

 

100 năm huyền thoại nước hoa "Chanel số 5"

Lọ nước hoa Chanel N°5 cũ được trưng bày tại viện bảo tàng thời trang Galliera Palais, Paris, ngày 25/09/2020.
Lọ nước hoa Chanel N°5 cũ được trưng bày tại viện bảo tàng thời trang Galliera Palais, Paris, ngày 25/09/2020. Stéphane de Sakutin AFP/Archivos
Tuấn Thảo
8 phút

Cách đây một thế kỷ, khi chọn "số 5" để đặt tên cho nước hoa của mình, bà Gabrielle Chanel có lẽ cũng không ngờ rằng mùi hương này sẽ ngự trị dài lâu trên thị trường toàn cầu. Chính cũng vì số 5 là số hên của bà Chanel, mà lúc mới vào nghề, các sản phẩm của nhà thiết kế thời trang Pháp thường được trình làng vào ngày 5 tháng Năm.

Theo tuần báo kinh tế Capital, trên thế giới hiện nay, mỗi năm có khoảng 1.500 kiểu chai nước hoa được tung ra thị trường, tức cao gấp 4 lần so với cách đây ba thập niên (350 hiệu nước hoa vào những năm 1990). Trong số này, có hơn một nửa biến mất, sau 12 tháng đầu tiên tiếp thị. Một số khác cũng tồn tại được vài năm. Trong hàng ngàn kiểu nước hoa, chỉ có một thiểu số mới trụ lại được lâu. Nước hoa Chanel số 5 thuộc vào dạng này, còn thọ tới khoảng 100 tuổi thì có thể đếm trên đầu ngón tay. 

Theo khảo sát hồi tháng 06/2020 của tuần báo phụ nữ Femina, trên danh sách các mùi nước hoa thịnh hành nhất thị trường Pháp, Chanel số 5 đã giành lấy ngôi vị quán quân trong vòng 90 năm liền. Đến đầu thập niên 2010, Chanel mới nhường lại ngôi vị bá chủ cho "J'adore" của Dior (ra đời vào năm 1999). Số mùi hương có thể tồn tại được lâu, xuyên qua các thế hệ thật ra không nhiều. Trên danh sách 10 mùi hương thịnh hành từ nửa thế kỷ qua có "Opium" của Yves Saint Laurent (1977), "L'Interdit" của Givenchy (1957), "L'Air du Temps" của Nina Ricci (1948) và nhất là mùi hương "Shalimar" của Guerlain (1925) mà trong vài năm nữa cũng sẽ tròn 100 tuổi.  

Chanel số 5, biểu tượng muôn thuở nước hoa cao cấp

Theo định nghĩa của Chanel, một kiểu nước hoa đi vào huyền thoại không có nghĩa là đã trở nên xa xưa lỗi thời, mùi hương này phải biết thích nghi với thời đại cũng như các trào lưu xã hội. Chính cũng vì thế mà đã có nhiều "phiên bản" biến tấu từ công thức nguyên gốc của nhà chế biến nước hoa người Pháp Ernest Beaux (1881-1961). Chẳng hạn như phiên bản phóng tác mùi hương số 5 "l’Eau de Parfum" của Jacques Polge (1986), rồi kế đến có "L’Eau Première" (2008) và con trai ông là Olivier Polge nối nghiệp thân phụ khi trình làng phiên bản của thời đại công nghệ internet "N° 5 L’Eau" (2016) với người mẫu Lily-Rose Depp, con gái của hai thần tượng ca nhạc và điện ảnh Vanessa Paradis và Johnny Depp.

Có thể nói, Chanel số 5 không chỉ đơn thuần là một mỹ phẩm, mà còn là biểu tượng muôn thuở của ngành thời trang cao cấp. Khi được cho ra đời vào ngày 05/05/1921, Chanel số 5 đã hoàn toàn đi ngược lại với các trào lưu thịnh hành thời bấy giờ. Vào lúc các nhà tạo mốt còn gợi hứng từ phong trào Nghệ thuật mới (Art Nouveau) để chế tạo những kiểu chai nước hoa với đường nét phức tạp (gợi hứng từ đường cong của phụ nữ, những chi tiết chạm trỗ cầu kỳ giống như các loài thảo mộc hay côn trùng thiên hình vạn trạng) thì ngược lại Gabrielle Chanel và Ernest Beaux lại tung ra một kiểu chai đơn giản, vuông vức. 

Đường nét cực kỳ đơn giản mà tinh tế, phản ánh quan niệm sáng tạo của một nhà thiết kế tiên phong, chai nước hoa thẳng đứng góc cạnh, y như một chiếc bình rượu mạnh, hình tượng bề ngoài nhìn rất đàn ông nhưng lại chứa đựng mùi hương quyến rũ của cơ thể người đàn bà, mà không ngôn từ nào diễn tả được nổi. Cuộc cách mạng của Chanel nằm trên cả hai vế : dùng ngữ vựng thời trang phái nam để tháo gỡ những quan niệm ràng buộc áp đặt lên phái nữ. Vào đầu thế kỷ XX, thời mà các loại nước hoa thường mang những tên gọi rườm rà kiểu cách, làm dáng như tựa bài thơ, thì cách gọi số 5 lại ngắn gọn tân kỳ, đi trước thời đại. 

"Khứu giác" thần kỳ của nhà pha hương liệu Ernest Beaux

Trong vế thứ nhì, Chanrel dùng hương liệu không phải là để mô tả theo nghĩa đen một thế giới đầy hoa thơm, mà là phản ánh một ý tưởng sáng tạo bóng bẩy, giàu tính trừu tượng.  Cuộc "cách mạng" của Chanel nằm ở điểm này : khi tìm cách định nghĩa thế nào là mùi hương trên cơ thể của người đàn bà, Chanel đã tạo ra khuôn thước diễn đạt cho tất cả những gì không thể đo lường được.

Nhờ vào "khứu giác" thần kỳ, ông Ernest Beaux đã thành công vào năm 1921 trong việc kết hợp các hương liệu để diễn đạt ý tưởng táo bạo của bà Gabrielle Chanel. Vào thời mà các nhà chế biến nước hoa thường dùng một hương liệu chủ đạo chiết xuẩt từ một loài hoa quý, ông Ernest Beaux (còn được mệnh danh là nhà làm nước hoa nổi tiếng) đã hòa quyện 80 hương liệu khác nhau, trong đó có ba nốt trầm chủ đạo gồm hoa lài, hoa hồng và hoàng lan, kết hợp thêm với nhiều nốt nhẹ, bay bổng mùi cam xanh bergamote, một chút mùi diên vĩ pha trộn với gỗ đàn hương, thoang thoảng mùi vani hòa quyện với hổ phách.  

Nghệ thuật chế tạo nước hoa của Pháp thường dùng ngôn ngữ của âm nhạc để diễn đạt một mùi hương qua những nốt trầm bổng, hòa quyện du dương. Tài nghệ của Ernest Beaux đã phối hợp được các nốt nhạc ấy thành một bản giao hưởng. Với Chanel số 5, mùi hương phụ nữ trở nên "phức điệu". Một khi xức vào, Chanel số 5 diễn đạt tất cả những cung bậc cảm xúc trên cơ thể của người phụ nữ.

Chanel số 5 bách thọ nhờ tính sáng tạo, khuynh đảo

Những gì chạy theo thời cũng đến lúc sẽ lỗi thời. Chỉ có phong cách mới trường tồn, vì nó thể hiện cho một quan niệm phổ quát mà thời nào ta cũng có thể bắt gặp. Bí quyết thành công của Chanel nằm ở trong tư tưởng khuynh đảo, dám đi ngược lại với tất cả những gì thịnh hành lúc bấy giờ, mở ra một ngôn ngữ mới cho ngành mỹ phẩm : tái tạo cú pháp pha chế, khuynh đảo ngữ vựng hương liệu. Quan niệm ấy giải thích vì sao nước hoa Chanel số 5 thọ đến 100 tuổi.

Kể từ mùa thu năm 2020, ngôi sao màn bạc người Pháp Marion Cotillard đã trở thành gương mặt mới đại diện cho Chanel số 5, thông qua đợt phim quảng cáo với vũ điệu trên mặt trăng huyền ảo.  Marion Cotillard tiếp nối truyền thống của Chanel từ hàng thập niên qua, nhờ nghệ thuật điện ảnh mà quảng bá thương hiệu trên toàn cầu. Trong gần một thế kỷ, Chanel đã ký hợp đồng quảng cáo với các ngôi sao màn bạc như Ali MacGraw, Candice Bergen, Catherine Deneuve, Carole Bouquet, Nicole Kidman, Audrey Tautou (thậm chí Brad Pitt) ... để nâng cao uy tín của mình. 

Thế nhưng, gương mặt đã góp phần làm nên huyền thoại Chanel số 5 chính là Marilyn Monroe, cho dù lúc sinh tiền diễn viên tóc vàng còn được mệnh danh là "người đàn bà đẹp nhất hành tinh" chưa  hề ký hợp đồng quảng cáo với thương hiệu Chanel. Trước câu hỏi, ban đêm cô mặc gì khi đi ngủ ? Marilyn Monroe từng hóm hỉnh trả lời vào năm 1954 : Còn gì khác ngoài Chanel số 5 ! Chỉ cần vài giọt nước hoa, chứ ban đêm cô không mặc gì cả.

100 năm sau ngày ra đời, Chanel số 5 đã trải qua bao phong trào thời trang, hình ảnh có thể được tái tạo, công thức có thêm những khúc biến tấu nhưng bản chất trước sau gì vẫn nguyên vẹn. Kiểu chai hình chữ nhật vẫn trung thành với đường nét đơn giản vuông vức, tên gọi bằng số là một ký tự thông dụng, dễ nhớ dễ hiểu trong bất cứ ngôn ngữ nào. Chanel số 5 đi vào huyền thoại khi được mệnh danh là mùi hương của mọi thời đại. Trong vương quốc nước hoa, Chanel số 5 lại là nốt trầm bất tử trong muôn thuở phù du.

100 năm huyền thoại nước hoa "Chanel số 5" (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten