Mã Vân : Nạn nhân của sự thành công trong chế độ Cộng Sản Trung Quốc ?
Đăng ngày:
Những ngày qua báo chí tốn không ít giấy mực cho việc tỷ phú Mã Vân (Jack Ma) bị chế độ Cộng Sản Bắc Kinh xử lý. Từng là niềm tự hào, hy vọng của Trung Quốc để cạnh tranh với các đế chế công nghệ số toàn cầu, nay Mã Vân đang từng bước bị Bắc Kinh "kìm hãm" đưa vào khuôn phép.
Người đồng sáng lập đế chế thương mại điện tử toàn cầu Alibaba liên tiếp nhận tin xấu kể từ hồi tháng 10/2020. Vào tháng 11, Bắc Kinh quyết định cấm Ant Group, công ty liên kết của tập đoàn Alibaba do Mã Vân sáng lập, phát hành cổ phiếu ra công chúng. Cùng lúc nhiều thông tin cho biết tập đoàn Alibaba bị điều tra vì vi phạm luật chống độc quyền. Sự việc dường như trở nên nghiêm trọng khi từ tháng 10/2020, ông chủ giàu có và đầy quyền lực Mã Vân không còn thấy xuất hiện trước công chúng. Có tin nói, tỷ phú giàu nhất Trung Quốc này bị cấm xuất cảnh.
Ông chủ của đế chế thương mại và một hệ thống ngân hàng điện tử đang lên như diều gặp gió giờ có nguy cơ rơi tự do trở lại mặt đất. Từ khi sáng lập ra Alibaba trong một căn hộ nhỏ ở thành phố Hàng Châu năm 1999 đến khi cho ra đời ứng dụng thanh toán điện tử Alipay năm 2004 và 10 năm sau đó cho ra đời hệ thống ngân hàng mạng Ant Financial, Mã Vân đã xây dựng được một đế chế kinh doanh khổng lồ dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ số với trị giá tài sản lên tới trên dưới 60 tỷ đô la.
Có thể nói ông chủ của Alibaba và Ant đã làm nên một cuộc cách mạng trong tiêu dùng và thanh toán ở trong nước, đồng thời đưa Trung Quốc thành một đối thủ cạnh tranh lớn với thế giới trong lĩnh vực ứng dụng cộng nghệ số. Thành công của Mã Vân không nằm ngoài tham vọng chiến lược của chính quyền Bắc Kinh. Thậm chí hồi năm 2018, báo chí quốc tế còn loan truyền tin đồn Mã Vân là đảng viên đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Thế nhưng vận xấu của Mã Vân có lẽ bắt đầu từ một diễn đàn ở Thượng Hải hồi cuối tháng 10/2020. Trước nhiều quan chức quyền lực nhất trong giới chính trị và tài chính của Trung Quốc, Mã Vân đã lên tiếng chỉ trích các quy định quản lý tài chính của Trung Quốc kìm hãm phát triển công nghệ, đầu tư. Ông cho rằng cần phải cải cách hệ thống ngân hàng mà ông ví như là « những tiệm cầm đồ ».
Những phát biểu thể hiện quan điểm của một tỷ phú giàu có như vậy đã khiến các nhà quản lý tài chính của chế độ Cộng Sản không khỏi lo ngại sẽ có ngày hệ thống ngân hàng Nhà nước với hàng mớ thủ tục hành chính quan liêu, phụ thuộc vào các mệnh lệnh chính trị của đảng sẽ không thể cạnh tranh được với những Alibaba, Alipay và Ant và xa hơn nữa sẽ là đế chế lớn mạnh của Mã Vân có thể chi phối hay làm thay đổi hệ thống chính trị của Trung Quốc.
Theo Le Figaro, giờ đây công ty dịch vụ tài chính Ant Group đã là một con bạch tuộc vươn vòi sang nhiều hệ thống như giao hàng qua mạng (Meituan), taxi (Didi) và giám sát (Sense Time). Tập đoàn có trị giá tài sản 173 tỷ đô la và nắm giữ 290 tỷ đô la tiền vay tiêu dùng của hàng trăm triệu dân Trung Quốc, mỗi năm xử lý giao dịch hàng chục nghìn tỷ đô la trên mạng internet.
Mã Vân từ khi trở thành tỷ phú tầm thế giới luôn là người biết lựa chiều, tận dụng quyền lực chính trị của chế độ tại Trung Quốc để phát triển. Nhưng lần này, nhà tài phiệt Trung Quốc đã vượt qua lằn ranh đỏ của chế độ Cộng Sản. Hệ quả là Alibaba hứng chịu một loạt các sự kiện nói trên. Theo nhật báo tài chính Mỹ Wall Street Journal, dường như đích thân chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ra lệnh đưa Mã Vân vào khuôn khổ, mà bước đầu là cấm Ant niêm yết chứng khoán và tiếp đó sẽ là những cuộc điều tra mở rộng. Một quyết định khiến tập đoàn dịch vụ tài chính Ant Group có thể mất ít nhất 30 tỷ đô la.
Theo giới quan sát, dù tương lai của Ant là bất trắc nhưng ít có khả năng chế độ Cộng Sản đánh mạnh Mã Vân, như điều tra tham nhũng hay phá hoàn toàn đế chế của nhà tỷ phú. Làm như vậy sẽ gây đảo lộn môi trường kinh doanh với quốc tế và chính quyền sẽ mất lòng tin của các doanh nghiệp trong và ngoài Trung Quốc. Alibaba và Mã Vân giờ như là chỉ số đo sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc và là một phần cuộc sống của người dân Trung Quốc.
Những động thái vừa rồi của chính quyền Bắc Kinh với đế chế Mã Vân có thể mới chỉ là đòn cảnh cáo khẳng định hơn ai hết đảng Cộng Sản Trung Quốc hiểu thế nào là « vật chất quyết định ý thức ». Mã Vân từ hai bàn tay trắng làm nên sự nghiệp lớn ở Trung Quốc cũng biết đã có không ít các doanh nghiệp, các đại gia chỉ trích quá đà chính quyền đã bị khuynh gia bại sản chỉ vì các cáo buộc gian lận, trốn thuế hay làm trái quy định Nhà nước.
Mã Vân : Nạn nhân của sự thành công trong chế độ Cộng Sản Trung Quốc ? (rfi.fr)
Trung Quốc phạt nặng những trang Web lớn
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
Theo AFP, chính quyền Bắc Kinh ngày 25/09/2017, thông báo phạt nặng nhiều công ty Internet lớn. Cơ quan quản lý Internet của Trung Quốc cáo buộc những ứng dụng của các công ty đó đã để lan truyền những nội dung, bình luận "tục tĩu" và bất hợp pháp mà không kiểm duyệt đầy đủ, "gây nguy hại cho an ninh quốc gia, an ninh công cộng và trật tự xã hội."
Ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất tại Trung Quốc, Wechat, bị cho là đã "thiếu trách nhiệm" trong việc ngăn chặn phát tán "các tin đồn và nội dung bạo lực và khủng bố, hoặc các nội dung tục tĩu và khiêu dâm". Giao tiếp qua ứng dụng nhắn tin WhatsApp cũng bị gián đoạn vài ngày gần đây. Tương tự, nhà chức trách Trung Quốc cáo buộc mạng xã hội Vi Bác (Weibo), được mệnh danh là "Twitter Trung Quốc" với hàng trăm triệu người dùng, đã để "lan truyền những nội dung khiêu dâm hoặc kích động thái độ thù hận chủng tộc". Diễn đàn thảo luận Thiếp Ba (Tieba), tập đoàn công nghệ thông tin Bách Độ (Baidu) quản lý, cũng cùng chung số phận, "với những bình luận tục tĩu, bạo lực và đề cao khủng bố". Người phát ngôn của doanh nghiệp này cho biết Bách Độ sẽ "chủ động hợp tác" với chính quyền để "thanh lọc những thông tin xấu".
Ngoài ra, "Cục quốc gia phòng chống khiêu dâm và xuất bản bất hợp pháp" hôm qua thông báo đã tiêu hủy "hơn 20 triệu nội dung tục tĩu và đồi trụy", trong một cuộc kiểm tra kéo dài 5 tuần nhằm vào khoảng 30 công ty.
Chiến dịch tăng cường kiểm soát thông tin mạng này được cho là một động thái quen thuộc của Bắc Kinh nhằm đối phó với những thông tin trôi nổi trên các trang mạng xã hội, ngay trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản cầm quyền ở Trung Quốc, dự kiến được tổ chức vào giữa tháng 10. Nhà hoạt động nhân quyền Hồ Giai (Hu Jia) tại Bắc Kinh cho biết, "càng gần ngày Đại hội Đảng, chính quyền sẽ càng kiểm duyệt mạnh tay hơn."
Chính quyền Bắc Kinh từ lâu đã duy trì một hệ thống kiểm duyệt Internet gắt gao, được mệnh danh là "Vạn Lý Trường Thành điện tử". Hệ thống này cấm các mạng xã hội phổ biến nhất hành tinh, như Facebook, Twitter, Google, Youtube, cũng như rất nhiều kênh truyền thông Tây phương và sẵn sàng cho ngừng hoạt động những trang web và nội dung mà chính quyền Bắc Kinh cho là nhạy cảm về mặt chính trị.
Kiểm duyệt Trung Quốc khiến tỷ phú mất 37 triệu người hâm mộ
Đăng ngày:
Chính quyền Trung Quốc hôm qua, 28/02/2016, đã đóng cửa toàn bộ tài khoản trên mạng xã hội của một tỷ phú có biệt danh « Đại Bác ». Lý do là nhân vật này đã dám chỉ trích gọng kềm của đảng Cộng Sản trên các phương tiện truyền thông. Quyết định này đã khiến nhà tài phiệt nổi tiếng nói thẳng này mất trắng 37 triệu người theo trên mạng Vi Bác.
Theo tin từ Tân Hoa Xã, được hãng tin Pháp AFP trích dẫn, cơ quan quản lý internet của Trung Quốc đã ra lệnh cho hai nhà cung cấp dịch vụ chính là Sina (mạng Vi Bác) và Tencent (mạng QQ) đóng tài khoản tiểu blog của trùm bất động sản Trung Quốc Nhậm Chí Cường (Ren Zhiqiang) vì đã « loan truyền thông tin trái phép... gây ảnh hưởng xấu ».
Quyết định đóng cửa được đưa ra một tuần sau khi truyền thông nhà nước Trung Quốc tung chiến dịch đả kích ông Nhậm Chí Cường, sau khi nhà tỷ phú này không ngần ngại phê phán chủ trương của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, muốn siết chặt sự kiểm soát của nhà nước trên các phương tiện truyền thông, ra lệnh cho báo chí là phải đi theo đường lối của đảng.
Trên cổng thông tin Càn Long của chính quyền Trung Quốc chẳng hạn, nhân vật có biệt danh « Nhậm Đại Bác » đã bị tố cáo vì những bài viết đặt nghi vấn về sự đúng đắn của việc sử dụng công quỹ vào vấn đề tuyên truyền cho đảng.
Nguyên là chủ tịch tập đoàn địa ốc hàng đầu tại Trung Quốc là Hoa Viễn (Huayuan Property Co.), ông Nhậm Chí Cường rất nổi tiếng vì những phát ngôn bộc trực. Tài khoản Vi Bác của ông chẳng hạn có đến hơn 37 triệu người theo dõi (follower) !
Ông đã từng công khai gọi Đài Truyền Hình Trung Ương Trung Quốc CCTV là « con lợn ngu xuẩn nhất trên trái đất ». Ông cũng đã chỉ trích chính quyền về tội không giải quyết tình trạng ô nhiễm và thiếu quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm. Khi xảy ra các vụ nổ ở cảng Thiên Tân vào năm ngoái, ông đã phê phán chính quyền địa phương là « bất tài ».
Theo nhận định của AFP, chính quyền Trung Quốc không chấp nhận những lời chỉ trích, và báo chí, các trang web, các phương tiện truyền thông đều bị kiểm soát chặt chẽ. Cả một đội quân kiểm duyệt đã được huy động để lướt mạng tìm kiếm các bài chống chính quyền. Các trang web tin tức phương Tây đều bị chặn.
Kiểm duyệt Trung Quốc khiến tỷ phú mất 37 triệu người hâm mộ (rfi.fr)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten