vrijdag 29 januari 2021

Covid-19 : Nhiều sinh viên Pháp trầm cảm vì học từ xa triền miên

 

Covid-19 : Nhiều sinh viên Pháp trầm cảm vì học từ xa triền miên

Phần âm thanh 10:19
Đối với nhiều sinh viên tại Pháp, việc học từ xa 8 giờ/ngày, kéo dài từ tháng 03/2020 khi Pháp phong tỏa chống dịch Covid-19 đến nay, là điều không thể chịu đựng lâu hơn được nữa.
Đối với nhiều sinh viên tại Pháp, việc học từ xa 8 giờ/ngày, kéo dài từ tháng 03/2020 khi Pháp phong tỏa chống dịch Covid-19 đến nay, là điều không thể chịu đựng lâu hơn được nữa. Getty Images - Alistair Berg
Thùy Dương
22 phút

Không được đến trường học trực tiếp, thiếu tương tác xã hội, cuộc sống hàng ngày chỉ quanh quẩn trước màn hình máy tính, học hành không hiệu quả, mất thu nhập từ việc làm thêm … tất cả những hệ quả của đại dịch Covid-19 và biện pháp pháp phong tỏa, giới nghiêm kéo dài chống dịch tại Pháp đã đẩy giới sinh viên vào cảnh chán chường, bế tắc, cô độc, tâm lý bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều sinh viên bị trầm cảm, thậm chí tìm đến cái chết.


Ngay từ khi đại dịch Covid-19 bùng nổ từ đầu năm 2020, nhiều chuyên gia đã nhận định giới trẻ, đặc biệt là sinh viên là đối tượng bị tác động nặng nề nhất đời sống kinh tế - xã hội. Nhưng gần đây, điều được nói tới nhiều không chỉ là những khó khăn về tài chính, đời sống vật chất của sinh viên mà là những bất ổn về tâm lý. Giới sinh viên Pháp ngày càng cảm thấy bị « bỏ rơi », mất phương hướng trước một tương lai bất định.

Không muốn làm bóng ma luẩn quẩn trong phòng

Từ đầu tháng 01/2021, hastag #etudiantsfantômes (#sinh viên ma) đã lan truyền nhanh chóng trên các mạng xã hội tại Pháp và thu hút sự chú ý của công luận. Nhiều thanh niên viết thư ngỏ cho tổng thống, chính phủ để báo động tình cảnh đường cùng của giới sinh viên. Ngày 20/01, tại nhiều thành phố trên cả nước, sinh viên xuống đường tuần hành để bày tỏ những điều họ phải chịu đựng do phải sống tách biệt với xã hội, đòi được đi học trở lại…

Một sinh viên tên là Marine, 19 tuổi, đang học năm thứ hai chuyên ngành kinh tế quản lý, đại học Paris-Dauphine, hồi đầu tháng Giêng 2020 đã ngừng học bởi cảnh học từ xa kéo dài trong giai đoạn Covid-19 là « nhọc nhằn, thậm chí là không thể chịu đựng được ». Marine có dấu hiệu trầm cảm từ tháng 09/2020 và đã phải đi khám bác sĩ tâm lý để được theo dõi bệnh tình. Cũng như nhiều sinh viên khác, Marine thấy mệt mỏi, như bị bủa vây không lối thoát.

Ngày 20/01, trên đài Radio France, Marine chia sẻ : « Từ một tháng rưỡi nay tôi phải uống thuốc chống trầm cảm. Tôi đã khóc rất nhiều bởi tôi tự nhủ « Tại sao tôi lại ra nông nỗi này ở tuổi 19 ? » Chúng tôi có cảm giác như đang bị nhốt trong một chiếc hộp mà không thể nào thoát ra nổi (…) Điều tôi muốn là có thể đi gặp gỡ bạn bè, được tiếp xúc với mọi người. Thế mà ở tuổi 19, tôi có cảm giác như mình đã 70 tuổi, tôi không còn sức lực (…) Tôi không đòi hỏi là chúng tôi được đi uống chút gì đó với bạn bè. Tôi chỉ muốn chúng tôi có một cuộc sống có vẻ bình thường một chút : có thể đến giảng đường học 2 tiếng mỗi tuần, có cảm giác được sống, chứ không phải có cảm giác chỉ là những bóng ma lởn vởn trong phòng ».

Điều Marine mong mỏi nhất hiện nay là được đến trường học trở lại, cô thấy nhớ trường lớp, nhớ giảng đường. Cô sinh viên 19 tuổi đã viết một bức thư ngỏ gửi chính phủ và lá thư của Marine đã được chia rẻ rộng rãi trên các mạng xã hội. Còn cha của Marine tâm sự : « Tôi nghĩ rằng có là một sự lãng phí nguồn lực lớn. Đó là một thế hệ chịu sự hy sinh. Chúng không còn được giao lưu, tiếp xúc. Chúng bị nhốt trong nhà, trước màn hình máy tính. Không còn tiệc tùng, không còn niềm vui, không còn những điều khiến thanh thiếu niên và những người sắp trưởng thành cảm thấy thoải mái trong cuộc sống, không còn gì hết cả. Tôi rất lo lắng cho tương lai của chúng. »

Trầm cảm và xu hướng tìm đến cái chết để được giải thoát

Lola, sinh viên năm thứ nhất khóa học dự bị luyện thi vào các trường đại học danh tiếng của Pháp, trầm cảm nặng đến mức phải dùng một loại thuốc rất mạnh là Xanax : « Đối với tôi, đợt phong tỏa này đồng nghĩa với việc có rất nhiều nỗi lo sợ và stress, điều mà trước đây tôi chưa từng bị. Tôi đã phải tìm một giải pháp, đó là nhờ đến sự hỗ trợ của chuyên gia tâm lý, thông qua cơ sở đào tạo mà tôi đang học dự bị để luyện thi tuyển vào các trường danh tiếng. Và sau đó tôi đã phải dùng đến các loại thuốc để làm dịu tất cả những nỗi lo âu, sợ hãi đó. Nhưng đúng là chẳng dễ chút nào cả. Giờ thì tôi đang dùng Xanax, một loại thuốc mạnh, rất mạnh, với hy vọng là có thể bước đầu làm dịu cơn khủng hoảng này. Tôi uống thuốc ngày 3 lần, vào các bữa ăn. Hết đợt thuốc này, tôi hy vọng sẽ không phải dùng đến nó nữa. »

Khi học từ xa vượt quá sức chịu đựng

Đối với nhiều sinh viên, cảnh ngày nối ngày ngồi học một mình trước màn hình máy tính, giữa bốn bức tường trong căn phòng chật chội, giống như cảnh bị cầm tù. Thêm một trong những lý do khiến nhiều sinh viên bế tắc là việc học hành không hiệu quả. Theo khảo sát Odoxa-Backbone Consulting thực hiện cho đài France Info, báo Le Figaro và đài France Bleu và được công bố ngày 19/01, 72% lo sợ bằng cấp sẽ mất giá trị do trường học đóng cửa.

Trả lời RFI Việt ngữ ngày 21/01/2020, phó giáo sư Kiều Ngô, giảng viên Đại học Paris Sorbone cho biết : « Từ ngày có dịch Covid-19, đa phần tôi dạy trực tuyến, chỉ có vài buổi đầu năm học là được dạy trực tiếp trên lớp. Một vài buổi đầu dạy trực tuyến thì tôi thấy cũng ổn, khi còn mới thì vừa dạy vừa khám phá. Nhưng giờ tôi thấy không ổn lắm vì nếu cứ tiếp tục công việc thế này thì sẽ có rất nhiều vấn đề nảy sinh cho cả giảng viên và sinh viên. Khi dạy trên mạng thì việc trao đổi, giao tiếp giữa sinh viên với thầy cô giáo bị hạn chế rất là nhiều.

Chúng tôi thì luôn cố gắng để bài giảng sống động, thu hút sinh viên nhưng chúng tôi thiếu sự tương tác trực tiếp với họ và chúng tôi hoàn toàn không biết phía sau màn hình các bạn có thể theo dõi và hiểu bài giảng hay không. Nếu dịch còn kéo dài thì tôi nghĩ sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến chất lượng giảng dạy và giá trị của bằng cấp, đơn cử như việc thực tâp của sinh viên trong thời gian này thực sự là khó khăn do các xí nghiệp không có khả năng tuyển dụng. Chúng tôi đang suy nghĩ nhưng cũng chưa biết làm thế nào để các sinh viên không tìm được chỗ thực tập được tốt nghiệp và cấp bằng. »

Học giả thi thật …

Có cùng nhận đinh, phó giáo sư Lại Ngọc Điệp, giảng viên vật lý, phòng thí nghiệm LUMIN, Đại học Sư phạm Paris-Saclay, đồng quản lý master Monabiphot, master châu Âu liên ngành vật lý sinh học, cho biết cụ thể : 

« Với vai trò là người giảng dạy quản lý thực tập, quản lý master thì tôi thấy dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giảng dạy cũng như là khả năng học tập, tiếp thu kiến thức của sinh viên, dẫn đến việc các kết quả học tập cũng không như mong muốn của cả thầy lẫn trò. Các thầy cô giảng dạy thì không thể truyền tải đầy đủ và rõ ràng đến sinh viên được vì chỉ thông qua màn hình máy tính và ứng dụng Zoom, dẫn đến việc thầy cô phải thay đổi cách giảng dạy nhưng ngay cả đã thay đổi thì cũng không thể nào truyền tải tất cả thông tin cho trò được.

Một khi thầy cô dạy mà không có sinh viên trực tiếp trước mặt thì thông thường có xu hướng nói rất nhanh, rất nhiều, bởi không có phản ứng của sinh viên, không có tương tác trực tiếp và thực ra là không hiệu quả. Còn trò thì ngày mà ngồi 8 tiếng trước màn hình máy tính, máy tính lại rất nhỏ, thì cũng không thể nào tiếp thu được đầy đủ kiến thức giảng dạy. Vì thế, việc dạy và học bị ảnh hưởng rất nặng nề. 

Về kết quả học của sinh viên thì phải nói thế này : Phong tỏa đợt 1 thì các thầy phải chữa cháy rất nhanh và tạo điều kiện cho trò để thi, dẫn đến việc tổ chức thi online. Mà kỳ thi online thì không phản ánh đúng kết quả học tập của trò. Hồi tháng 07/2020 trò đạt kết quả rất cao vì các thầy tạo điều kiện để trò thi gọi là « cho xong việc ». Còn năm học này thì ngược lại, trò phải học online, còn thầy ra đề thì ra đề thật và bắt trò đến trường thi vì đó là quy định của Nhà nước. Thi thì trực tiếp tại trường, học thì online, tức là học giả mà thi thật, nên lần này ngược lại so với đợt trước, kết quả rất thấp. »

Hỗ trợ tâm lý : Có ích nhưng chưa đủ …

Theo một thăm dò ý kiến mới đây do Liên hiệp sinh viên FAGE phối hợp với Viện Ipsos thực hiện, 23% sinh viên từng có ý định tự vẫn do tác động của dịch bệnh. Trong những tuần qua, ngày càng có nhiều sinh viên tìm cách kết liễu cuộc đời vì không vượt qua được khủng hoảng. Để hỗ trợ sinh viên, bộ Đại Học Pháp quyết định tuyển dụng thêm bác sĩ tâm lý cho các trường đại học. Tuy nhiên, so với Mỹ chẳng hạn, số bác sĩ tâm lý tại các cơ sở đào tạo đại học của Pháp vẫn ở mức rất thấp.

Chính phủ Pháp cũng quyết định phân phát những tấm « séc sức khỏe tâm thần » để các sinh viên gặp khó khăn đi khám tâm lý. Về phía cơ sở đào tạo, nhiều trường cũng phải tự tìm ra cách riêng để hỗ trợ sinh viên. Giảng viên Lại Ngọc Điệp, Đại học Sư phạm Paris-Saclay, giải thích thêm :

« Trong thời gian Covid, các trường đã tăng cường hơn việc trao đổi thường xuyên với sinh viên để theo dõi xem sinh viên có vấn đề về tâm lý hay không để có thể kịp thời hỗ trợ. Các trường đều có bác sĩ tâm lý nhưng thực ra mỗi trường vừa vừa có 1-2 bác sĩ thì cũng không thể giải quyết hết vấn đề của sinh viên. Nhiều khi sinh viên đang ở nhà thì cũng không đến trường gặp bác sĩ tâm lý của trường. Đại học Paris-Saclay thì có cách làm khác, tức là trường giao nhiệm vụ cho các thầy cô là mỗi người đều phải « đỡ đầu » khoảng 10-15 sinh viên.

Các thầy cô phải làm một nhà tâm lý, chẳng hạn tôi thì thường xuyên phải gọi điện, trao đổi thư với các sinh viên để xem vấn đề học tập của các em thế nào, có vấn đề gì về tâm lý hay không, có khó khăn gì không … để kịp thời hỗ trợ các em. Tôi nghĩ đó là cách làm khá hay để giúp đỡ sinh viên, đặc biệt là trong thời gian Covid này. Riêng nhóm sinh viên tôi quản lý thì có một em rơi vào tình trạng như thế, cảm thấy chán chường không học được và dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực. Đấy là trường hợp mà tôi cho là có vấn đề trầm cảm nhất định nào đấy. Nếu tình hình xấu quá thì các thầy cô phải định hướng, giới thiệu sinh viên đến gặp bác sĩ tâm lý thật của trường, sau đó bác sĩ tâm lý của trường lại giới thiệu lên một bác sĩ chuyên sâu hơn ở bệnh viện để giúp đỡ các em. »

Chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm

Ngày 21/01, trong chuyến thăm Đại học Paris-Saclay, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thông báo toàn thể sinh viên tại Pháp được quyền ăn 2 bữa/ngày tại nhà ăn sinh viên với giá ưu đãi đặc biệt chỉ 1 euro/bữa, đồng thời cho phép những sinh viên nào muốn thì sẽ được đến giảng đường học trực tiếp 1 buổi/1 tuần (20% tổng số giờ học trong 1 tuần). Tuy nhiên, những khó khăn vướng mắc của giới sinh viên sẽ không dễ được giải quyết một sớm một chiều, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh có chiều hướng gia tăng ngoài tầm kiểm soát, chính phủ Pháp không loại trừ khả năng phong tỏa đất nước lần thứ ba. Điều đó đồng nghĩa với việc phương thức học từ xa tiếp tục kéo dài sẽ là điều không thể tránh khỏi.

Covid-19 : Nhiều sinh viên Pháp trầm cảm vì học từ xa triền miên - Tạp chí xã hội (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten