vrijdag 29 januari 2021

Covid-19: Vì sao Anh Quốc lại bị dịch bệnh nặng nề nhất châu Âu ?

 

Covid-19: Vì sao Anh Quốc lại bị dịch bệnh nặng nề nhất châu Âu ?

Người qua lại tấp nập trên một đoạn phố thương mại Oxford Street, Luân Đôn, Anh Quốc, ngày 16/12/2020.
Người qua lại tấp nập trên một đoạn phố thương mại Oxford Street, Luân Đôn, Anh Quốc, ngày 16/12/2020. REUTERS - Toby Melville
Mai Vân
9 phút

Bùng lên từ Vũ Hán (Trung Quốc) cách nay hơn một năm, dịch Covid-19 không thấy có dấu hiệu thuyên giảm, mà vẫn tiếp tục hoành hành khắp nơi, với số người chết tính đến 29/01/2021 đã mấp mé 2,2 triệu người trên toàn thế giới, trong lúc số người nhiễm cũng đã vượt mức 101 triệu.

Trường hợp thu hút sự chú ý trong một vài tuần lễ gần đây là Vương Quốc Anh, “đột nhiên” vươn lên thành con bệnh nặng nhất châu Âu, đứng hàng thứ tư toàn cầu về số ca nhiễm – hơn 3,7 triệu ca (3.754.498 ca) – và thứ năm thế giới về số tử vong – hơn 103 ngàn ca (103.324 ca) – theo thống kê của Đại Học Mỹ Johns Hopkins.

Trong một bài viết ngày 26/01/2021, khi số tử vong vì Covid-19 được chính thức ghi nhận tại Anh Quốc vừa vượt ngưỡng biểu tượng 100.000 trường hợp, nhật báo Pháp Le Monde đã cố tìm hiểu vì sao diễn biến dịch bệnh tại Vương Quốc Anh lại tệ hại như vậy.

Anh Quốc thuộc hàng đầu thế giới về ca tử vong theo tỷ lệ dân số

Điểm đáng ngại được Le Monde nêu bật không chỉ là việc Anh Quốc là nước có số ca tử vong cao nhất châu Âu, mà còn là nơi có số người chết vì Covid-19 thuộc hạng đứng đầu thế giới nếu tính theo tỷ lệ dân số, còn cao hơn cả Hoa Kỳ và Mêhicô.

Thật vậy, nếu tính số ca tử vong vì virus corona tại Anh so với dân số toàn quốc là khoảng 66 triệu người, thì Vương Quốc Anh nằm trong nhóm nước bị Covid-19 tác hại nặng nhất, trước cả Hoa Kỳ hay Mêhicô, vốn có tổng số người chết vì dịch bệnh cao hơn Anh rất nhiều. Trên lục địa Châu Âu, chỉ có Bỉ và Slovenia, là đi trước nước Anh trên bình diện này.

Câu hỏi đặt ra là tại sao một quốc gia giàu có, đầy rẫy các nhà nghiên cứu y học nổi tiếng thế giới, có một hệ thống bệnh viện công đi đầu trong chiến lược tiêm chủng, lại lâm vào tình trạng tệ hại như thế.

Trách nhiệm dĩ nhiên bị trút lên đầu người điều hành đất nước là thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố chịu trách nhiệm về thảm kịch đang diễn ra nhưng cho rằng cách đối phó của Luân Đôn trong thời gian qua không sai, khi khẳng định rằng chính phủ “đã thực sự làm tất cả những gì có thể làm để giảm thiểu thiệt hại nhân mạng”.

Theo Le Monde, kể từ mùa hè năm 2020, các công đoàn và hiệp hội nạn nhân đã kêu gọi mở một cuộc điều tra khẩn cấp về những sai lầm của các nhà lãnh đạo Anh. Tuy nhiên, cho đến nay yêu cầu này vẫn bị chính quyền bác bỏ. Phát biểu vào trung tuần tháng Giêng này, thủ tướng Johnson vẫn cho rằng căn cứ vào tình hình nguy cấp hiện nay, việc khởi động cuộc điều tra hoàn toàn “không hợp lý”.

Trách nhiệm của chính phủ

Thế nhưng, Le Monde đã trích dẫn giới chuyên gia cho rằng không thể phủ nhận trách nhiệm của giới lãnh đạo chính trị hiện nay về việc để cho dịch bệnh tác hại như vào lúc này.

Trước hết, Anh Quốc đã không chuẩn bị kịp cho sự bùng nổ của đại dịch. Giống như nhiều nước khác, Vương Quốc Anh không có thiết bị cho các chiến dịch xét nghiệm trên quy mô lớn, cũng không có đủ khẩu trang cho người dân, cũng như không có năng lực sản xuất tại chỗ các sản phẩm đã trở nên then chốt.

Ngoài ra, các viện dưỡng lão – vốn là các cơ sở tư nhân thường xuyên thiếu nhân viên – lại không được bảo vệ kịp thời: Người già trong các cơ sở này chiếm 1/4 số người chết vì Covid tại Anh.

Và điều nghiêm trọng nhất là quyết định về đợt phong tỏa đầu tiên vào ngày 23/03/2020 đã chậm hơn một tuần so với phần còn lại ở châu Âu.

Vào tháng 6 năm 2020, giáo sư Neil Ferguson thuộc Imperial College và là thành viên của hội đồng khoa học Anh vào thời điểm đó, đã nhận định: "Số người chết lẽ ra có thể giảm đi một nửa nếu chúng tôi đưa ra các biện pháp ngăn chặn sớm hơn một tuần”. Theo ông, khoảng 20.000 sinh mạng có thể đã được cứu trong số hơn 41.000 người chết vào cuối đợt dịch đầu tiên.

Nhà dịch tễ học John Edmunds, một cố vấn khác của chính phủ, giáo sư tại Trường Vệ Sinh & Y Học Nhiệt Đới Luân Đôn (London School of Hygiene & Tropical Medicine), nhấn mạnh: “Sự chậm trễ trong việc áp đặt phong tỏa đã khiến nhiều người thiệt mạng. Nhưng dữ liệu có sẵn vào tháng 3 [để đánh giá độc lực của dịch bệnh] rất khan hiếm, khiến việc đưa ra quyết định rất phức tạp." 

Thiếu chính sách phòng chống nghiêm túc và nhất quán

Ngoài chậm trễ trong việc phong tỏa, chính quyền Anh và bản thân thủ tướng Johnson và đảng Bảo Thủ cầm quyền còn bị cho là thiếu nghiêm túc và nhất quán trong việc áp dụng các biện pháp phòng chống.

Theo Le Monde, đúng là đợt phong tỏa đầu tiên tại Anh đã kéo dài hơn so với các nước châu Âu khác, và phải chờ đến đầu tháng 7 năm 2020 thì các quán rượu, quán cà phê và nhà hàng mới mở cửa trở lại.  vào đầu tháng 7 năm 2020), trong lúc toàn bộ đất nước (đặc biệt là miền bắc nước Anh) tiếp tục phải sống với những hạn chế đáng kể (hạn chế tụ tập trong nhà và ngoài trời).

Thế nhưng, mãi đến cuối hè vừa qua, chính quyền Luân Đôn mới ban hành biện pháp bắt buộc đeo khẩu trang trong các cửa hàng và phương tiện giao thông công cộng.

Ngoài ra, việc tận dụng lợi thế đảo của Anh Quốc để ngăn dịch cũng được nghĩ đến một cách muộn màng. Phải chờ đến tháng 8/2020 thì khách đến Anh mới bị bắt buộc cách ly. Vấn đề là những biện pháp này cũng không được kiểm soát chặt chẽ.

Trong năm qua, Boris Johnson, bản thân bị ốm nặng vì Covid-19 vào tháng Tư, thường viện dẫn “ý thức tập thể”  và “tình yêu tự do” của các đồng hương để biện minh cho một sự thờ ơ nhất định trong cách phòng dịch  – ông chỉ mang khẩu trang ở nơi công cộng kể từ mùa thu.

Thái độ đó và sự chậm trễ trong hành động đã bị Công Đảng Anh Quốc, đảng đối lập chính, nhưng rất thiểu số trong Hạ Viện, tố cáo. Ngược lại thì ngày càng có thêm nhiều dân biểu Bảo Thủ - trong đó có những người gọi là “hoài nghi châu Âu” – tỏ thái độ chống lại việc tái phong tỏa.

Vai trò của cơ cấu dân số

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các quyết định chính trị không giải thích được đầy đủ thảm trạng mà Anh Quốc đang trải qua.

Ông Andrew Pollard, giám đốc nhóm nghiên cứu Oxford Vaccine Group cho rằng: “Một trong những vấn đề chính của Anh Quốc hiện nay là sự lưu hành của biến thể B.1.1.7 có tính lây nhiễm cao hơn nhiều. Nó không lưu hành nhiều như vậy ở các nước khác. Cơ cấu dân số, cách phản ứng của từng quốc gia, tất cả những điều này cũng phải được tính đến”.

Được phát hiện vào đầu tháng 12 năm 2020, biến thể "Kent" chịu trách nhiệm về sự bùng phát ngoạn mục của dịch bệnh kể từ cuối tháng 12. Các bệnh viện ở Anh đã quá tải với số bệnh nhân Covid-19 nhiều hơn 78% so với thời cao điểm của đợt đầu tiên. Và, tính đến ngày 22/01, trong hơn một tuần, trung bình mỗi ngày có 1.241 người chết vì virus.

Dữ liệu về dân số và xã hội học cũng đóng một vai trò nào đó, theo ông José Manuel Aburto, nhà nhân khẩu học tại Trung Tâm Khoa Học Nhân Khẩu Leverhulme ở Oxford, đồng tác giả một báo cáo vừa được công bố về tỷ lệ tử vong ở Vương Quốc Anh vào năm 2020 (ghi nhận sự sụt giảm tuổi thọ ở sinh của người Anh là 0,9 tuổi đối với nam và 1,2 tuổi đối với nữ, so với năm 2019).

Ông Aburto giải thích: “Giống như ở Pháp, Anh Quốc có dân số già, trong khi nguy cơ tử vong vì virus cao nhất đối với những người trên 85 tuổi. Một yếu tố khác là cách phản ứng và sự tôn trọng quyết định phong tỏa – việc không tuân thủ tại Anh rất ít bị xử phạt – cho dù tôi thấy rằng ngày nay người Anh bắt đầu thực sự coi trọng căn bệnh này, khi số lượng nạn nhân tăng lên trong đó có người quen hay thân nhân của họ.”

Covid-19: Vì sao Anh Quốc lại bị dịch bệnh nặng nề nhất châu Âu ? (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten