Nghịch lý cường quốc toán thế giới : Học sinh Pháp « đội sổ » châu Âu và tổ chức OCDE
Đăng ngày:
Trình độ toán của học sinh Pháp đang trên « đà rơi tự do ». Theo kết quả bảng xếp hạng TIMSS - nghiên cứu quốc tế về toán học và khoa học - được công bố ngày 08/12/2020, học sinh Pháp lại « đội sổ » ở Liên Hiệp Châu Âu và so với các nước thuộc Tổ Chức Hợp Tác Và Phát Triển Kinh Tế OCDE thì Pháp chỉ hơn được Chilê.
TIMSS được thực hiện thế nào ?
Trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ ngày 06/01/2021, ông Frédéric Lambda, một giáo viên dạy toán ở vùng Paris, giải thích :
« Nghiên cứu quốc tế về toán học và khoa học TIMSS đánh giá 4 năm 1 lần trình độ toán học và khoa học của học sinh ở nhiều quốc gia : học sinh lớp 4 ở 58 nước và học sinh lớp 8 ở 39 nước. Tại Pháp, các bài kiểm tra được thực hiện trong năm 2019 với hơn 4.000 học sinh lớp 4 và 4.000 học sinh lớp 8 từ 150-200 trường học.
Nghiên cứu TIMSS có tính đến nhiều thông tin về điều kiện sống của học sinh, nhất là nguồn gốc xã hội, yếu tố văn hóa gia đình, cấu thành xã hội trong trường học, ngôn ngữ học sinh sử dụng khi về nhà … Cũng có những thông tin về giáo viên : thâm niên, chương trình giáo viên từng theo học và trình độ được đào tạo, mức độ hài lòng về công việc … Rất nhiều thông tin có thể mở ra những cánh cửa để phân tích các kết quả của cuộc điều tra.
Theo kết quả nghiên cứu lần này, nước Pháp nằm ở cuối bảng xếp hạng trong số các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu và Tổ Chức Hợp Tác Và Phát Triển Kinh Tế (OCDE). Chẳng hạn, đối với môn toán của học sinh lớp 4, điểm trung bình của các nước châu Âu và Tổ Chức Hợp Tác Và Phát Triển Kinh Tế OCDE là khoảng 530 điểm. Chỉ với 485 điểm, Pháp đứng cuối trong nhóm các nước châu Âu và áp chót trong nhóm các nước thuộc tổ chức OCDE. Các nước đứng đầu bảng xếp hạng là Hàn Quốc, Nhật Bản, Irlande, Anh, với điểm số dao động trong khoảng 550-600 điểm. Như vậy là giữa điểm trung bình 530 của nước thuộc OCDE và 485 của Pháp, khoảnh cách chênh lệch là hơn 40 điểm, có thể nói là mức chênh lệnh đó tương tương với trình độ một năm dạy toán.
Bảng xếp hạng TIMSS cũng chỉ ra rằng tỉ lệ học sinh rất giỏi môn toán của Pháp rất thấp, trong khi đó đa phần học sinh có trình độ toán thấp, thậm chí là rất kém. Chẳng hạn, đối với lớp 8, chỉ có 2% học sinh là rất giỏi môn toán so với tỉ lệ trung bình 11% của châu Âu. 45% học sinh không đạt mức trung bình và 12% bị đánh giá là ở trình độ rất kém.
Về phía giáo viên, có một kết quả rất đáng chú ý là các thầy cô giáo ở Pháp ít hài lòng nhất về công việc của mình so với đồng nghiệp ở tất cả các nước khác có tham gia điều tra TIMSS. Chẳng hạn, về môn khoa học, chỉ có 26% giáo viên Pháp cho biết hài lòng với công việc trong khi tỉ lệ trung bình ở quốc tế là 52%. »
Kết quả đã biết từ lâu ?
Liệu đây có phải là một kết quả gây ngạc nhiên tại Pháp hay không, nhất là khi nước Pháp vốn nổi tiếng thế giới là có nhiều tài năng toán học, với nhiều giải thưởng quốc tế. Đối với thầy giáo Frédéric Lambda, câu trả lời là « không ». Ông Lambda giải thích tiếp :
« Không, không, kết quả này không thực sự gây ngạc nhiên. Điều tra TIMSS năm 2015 đánh giá học sinh lớp 4 và lớp 12 ban S (ban tú tài khoa học) cũng từng cho kết quả tương tự. Điểm số và xếp hạng học sinh lớp 4 gần như giống hệt TIMSS thực hiện năm 2019 (công bố năm 2020). Kết quả đánh giá của TIMSS cũng rất giống những đánh giá trong nước, nhất là về trình độ của các lớp học. Các lớp gồm học sinh chỉ ở mức độ trung bình, thậm chí là các em gặp khó khăn trong học tập. Có một số lớp không có nhóm học sinh học giỏi nổi bật đứng đầu lớp và nếu có thì nhóm giỏi này chỉ gồm 1-2 học sinh.
Thực sự là đó không phải là điều gây ngạc nhiên : Kết quả của TIMSS chỉ nhấn mạnh những gì mà các giáo viên phải trải qua hàng ngày. Đối với giáo viên, ngày càng khó có thể dạy học hoặc theo đúng chương trình dạy học. Nội dung các bài học bị giáo viên chỉ trích là khó hiểu và sự khó hiểu đó gây khó khăn cho phần lớn học sinh ở tất cả các môn học. Đây là tình trạng chung ở tất cả các môn học chứ không phải chỉ riêng đối với môn toán. Diễn giải bằng cách viết cũng gặp nhiều vấn đề. Làm rõ, làm sáng tỏ lập luận, dù bằng cách viết hay nói, đều là một kỹ năng vượt quá tầm của một phần rất đông học sinh. Không may là đúng như vậy đó !
Trong bối cảnh như vậy, chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn để dậy học sinh, làm cho các em đạt tiến bộ. Và tôi tin là nếu cuộc điều traTIMSS cũng đánh giá các môn học khác ngoài toán và khoa học, thì kết quả chắc chắn sẽ tương tự như vậy thôi.”
25 năm « tụt dốc không phanh »
Liệu có phải từ trước đến nay học sinh Pháp vẫn không đạt thành tích cao về môn toán trong các bảng xếp hạng quốc tế ? Không hẳn là như vậy. Theo bảng xếp hạng TIMSS năm 1995, năm đầu tiên Pháp tham gia nghiên cứu TIMSS, kết quả là cách nay 25 năm, học sinh phổ thông Pháp thậm chí còn trong nhóm đứng đầu châu Âu. Giáo viên Lambda nhìn lại :
“Trong đầu tôi không còn nhớ kết quả cụ thể chính xác nhưng ngược trở lại hồi năm 1995, tôi nhớ là TIMSS có đánh giá học sinh lớp 8 và khi đó kết quả của học sinh Pháp không tệ chút nào. Tôi không nhớ bảng xếp hạng cụ thể nhưng xét về điểm số thì từ đó đến nay đã có một sự sụt giảm lớn, khoảng 15-50 điểm - tương đương với trình độ một năm dạy toán. Theo những gì báo chí viết thì từ năm 1995 đến năm 2015 hoặc năm 2019, trình độ của học sinh lớp 8 hầu như đã bị kém đi một năm.
Điều đáng lo ngại hiện nay là sự xuống cấp thực sự được trông thấy rõ từ năm này qua năm khác. Ví dụ như có rất nhiều giáo viên, khi nhìn lại chương trình dạy cách nay 5 năm, 10 năm, nói là hiện giờ họ không thể dạy được chương trình như vậy. Nhìn chung là trình độ học sinh ngày càng kém dần đi. Ngay từ thời tôi là học sinh thì người ta cũng đã nói là trình độ thế hệ chúng tôi không được bằng trình độ các thế hệ trước đó. Mọi chuyện giờ vẫn tiếp tục như vậy nhưng vấn đề nằm ở chỗ trình độ học sinh đã xuống mức cực kỳ thấp và chúng tôi đang tự hỏi cứ thế này thì rồi sẽ đi đến đâu”.
Nguyên nhân ?
Lý do thì nhiều, nhưng trước hết, theo thầy giáo Lambda, đó là lỗi của cả hệ thống giáo dục Pháp :
“Chắc chắn là hệ thống giáo dục không còn phù hợp với nhu cầu hiện tại. Các học sinh bây giờ cần được kèm cặp hỗ trợ phù hợp với khả năng riêng của các em trong khi đó sĩ số học sinh trong lớp lại tăng mạnh, việc cho học sinh lưu ban cũng không được phép. Nhìn chung hàng năm, học sinh đều được lên lớp ngay cả khi không đạt được các kiến thức cơ bản. Vì lẽ đó mà chúng tôi gặp những chuyện rất vô lý, thí dụ như có những học sinh lớp 10 không thuộc bảng cửu chương, nhiều học sinh lớp 12 ban S (ban thi tú tài khoa học) không biết làm phép tính với phân số. Trong tình cảnh như vậy, trên thực tế, gần như các học sinh này không thể theo được chương trình học bình thường, các em không nắm được các khái niệm đã học trong năm. Những điều này buộc chúng tôi dạy học kiểu như “xây nhà trên cát”.
Và để có thể kiểm tra, đánh giá tất cả học sinh về những kiến thức mà các em không nắm được, chúng tôi phải cắt chương trình ra thành từng phần rất, rất nhỏ và làm mất đi ý nghĩa tổng thể của nội dung, và để dạy mỗi phần nhỏ đó, chúng tôi dạy các em dựa theo những bài tập kiểu rập khuôn, không tạo vấn đề thực tế và cũng nhằm tránh sử dụng những khái niệm, nội dung học của năm trước hay khái niệm trong các chương khác.
Quả thực, những điều chúng tôi yêu cầu học sinh làm chỉ là lặp lại những điều mà các em không hẳn là đã hiểu rõ. Chúng tôi không kích thích được khả năng suy nghĩ và tìm tòi của học sinh. Chương trình học đúng là chỉ được xử lý rất hời hợt và không có đủ thời gian để làm cho các em hiểu sâu các khái niệm hay đào sâu kiến thức. Một học sinh không hiểu kỹ nhiều nội dung nhưng cứ học kiểu sách vở như thế cũng có thể xoay xở cho đến năm lớp 10.”
Từ bất bình đẳng đến nghịch lý
Nhìn sâu hơn, ông Lambda nói đến sự bất bình đẳng của nền giáo dục Pháp và theo ông điều này có thể giải thích vì sao về mặt bằng chung học sinh Pháp kém hơn bạn bè quốc tế về toán, nhưng về nghiên cứu Pháp lại có uy tín trên thế giới :
“Quả thực tính ưu việt về toán học của Pháp đã công nhận trên thế giới, nhưng các nhà nghiên cứu thường có cùng con đường phát triển : họ theo học các khóa học dự bị rồi sau đó thi tuyển vào trường Ecole normale supérieure (trường đại học rất danh tiếng của Pháp), nhưng lộ trình như vậy thực sự chỉ là con đường của một số ít cá nhân. Tôi không nói đến nghịch lý nhưng điều đó cho thấy là trên thực tế hệ thống đào tạo của Pháp rất bất bình đẳng. Đó cũng chính là điều các nghiên cứu TIMSS 2019 cũng như Pisa 2018 đã chỉ ra.
Bảng xếp hạng Pisa 2018 cho thấy là Pháp là một trong những quốc gia bất bình đẳng nhất trong số các nước thuộc tổ chức OCDE, tức là kết quả học tập của học sinh phụ thuộc rất nhiều vào giai tầng xã hội. Chẳng hạn 20% số học sinh xuất sắc nhất là con cái các gia đình khá giả trong khi đó chỉ có 2% con cái các gia đình có điều kiện khiêm tốn được xếp loại xuất sắc. Chỉ cần nhìn kết quả các kỳ thi toán được tổ chức tại Pháp, chẳng hạn Kangourou, giải Olympic toán học, hay các kỳ thi nói chung là quý vị sẽ thấy những người đoạt giải thưởng đều đến từ một số trường nhất định, một số thành phố nhất định và đó thường là những thành phố giàu có nhất ».
Ngoài ra, cũng phải nói đề trình độ giáo viên. Theo nhiều chuyên gia giáo dục, bậc mẫu giáo, tiểu học là giai đoạn mà việc dạy toán có vai trò rất quan trọng đối với cả quá trình học toán sau này của học sinh, thế nhưng giáo viên cấp mẫu giáo và tiểu học lại thường học các khối thi tú tài khoa học xã hội chứ không khải ban khoa học tự nhiên nên kỹ năng toán học thường cũng không cao. Có lẽ đó cũng chính là lý do giải thích phần nào Pháp là một trong những nước học sinh tiểu học có nhiều giờ học toán nhất châu Âu nhưng kết quả lại rất hạn chế.
Đối với các cấp học cao hơn, nhiều người theo nghề toán lại không muốn làm giáo viên vì họ có thể tìm được việc trong những lĩnh vực được trả lương cao hơn giáo viên rất nhiều. Pháp là một trong những nước giáo viên được hưởng mức lương thấp nhất Tây Âu. Chính vì thế, những người thi tuyển làm giáo viên toán cấp 2, cấp 3 ở Pháp cũng không hẳn là được chọn trong số những người thật giỏi về toán.
Hiện nay, việc tuyển dụng giáo viên, từ giáo viên dạy cấp mẫu giáo tiểu học đến giáo viên toán ở các cấp học cao hơn, đều gặp nhiều khó khăn. Năm nào cũng có nhiều chỗ trống mà cơ quan giáo dục các vùng vẫn không tuyển được giáo viên. Thầy giáo Frédéric Lambda cho biết thêm :
“Trên thực tế, trình độ của học sinh kém đi nhưng chắc chắn trình độ của giáo viên cũng kém đi bởi trình độ yêu cầu trong kỳ thi tuyển dụng hiện nay chỉ bằng trình độ học sinh lớp 12 cách nay 4-5 năm. Và thường thì để bù đắp những thiếu hụt về giáo viên, nhiều cơ quan phụ trách giáo dục cấp vùng sử dụng những người không hề được đào tạo làm giáo viên và không phải ai cũng có năng lực. Người ta tuyển giáo viên dạy thay chỉ dựa vào hồ sơ, nên không thể biết người được tuyển có năng lực hay không. Nhiều khi giáo viên nghỉ nhưng lớp không có người dạy thay. Nhiều khi lớp học vắng giáo viên toán trong vài tháng, các em như vậy không được học toán trong vài tháng, khó khăn vì thế càng trở nên nghiêm trọng”.
« Kế hoạch toán »
Ý thức được về sự hạn chế của công tác dạy toán ở nhà trường, vào năm 2018, sau báo cáo của tổng thanh tra giáo dục Charles Torossian và nhà toán học nổi tiếng Cédric Villani, chính phủ Pháp đã cho khởi động « kế hoạch toán » với quy mô lớn chưa từng có, nhất là về mảng bổ túc, đào tạo liên tục cho đội ngũ giáo viên dạy toán. Trong vòng 2 năm, đã có 40.000 giáo viên tiểu học được bồi dưỡng, nâng cao trình độ. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, cần có thêm thời gian thì « kế hoạch toán » mới có thể phát huy hiệu quả. Còn theo giáo viên Lambda, trình độ toán của học sinh phổ thông không dễ được cải thiện trong « một sớm một chiều », bởi còn liên quan đến cả hệ thống giáo dục Pháp.
https://www.rfi.fr/vi/tạp-chí/tạp-chí-xã-hội/20210115-học-sinh-pháp-đội-sổ-châu-âu-và-tổ-chức-ocde
Ngành giáo dục Pháp, báo động đỏ ?
Đăng ngày:
Lương thầy cô giáo tại Pháp thấp hơn so với trung bình của khối OCDE và thấp hơn so với hơn 10 năm về trước. Tỷ lệ thanh niên cắp sách đến trường cũng thấp hơn so với các nước khác thuộc Tổ chức Hợp Tác và Phát triển Kinh tế.
Vào mỗi dịp tựu trường tranh luận chung quanh chính sách giáo dục của Pháp lại nổi lên. Mùa khai giảng năm nay không phải là môt ngoại lệ. Giữa tháng 9/2011, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, OCDE công bố một bản báo cáo về tình trạng giáo dục tại các nước thành viên. Theo đó nếu lấy năm 2005 làm cột mốc với chỉ số 100 thì lương của các thầy cố giáo 10 năm trước tức là vào năm 1995 đã dao động từ chỉ số 105 đến 107 tùy cấp nhưng đến năm 2009 thì chỉ số này đã tuột xuống chỉ còn là 95.
Nếu nhìn chung đến các nước trong khối OCDE thì lương của giao viên hay giáo sư trong cùng thời kỳ đều đã nhảy vọt từ chỉ số 93 lên thành 107, trong vỏn vẹn 4 năm gần đây, tức là từ 2005 đến 2009.
Năm 2007, ba nhà nghiên cứu thuộc đại học kinh tế Paris 1- Sorbonne đã lên tiếng báo động về hiện tượng sức mua của các nhà giáo sụt giảm trong suốt giai đoạn trải dài từ năm 1960 đến 2004 và nhiều nhà giáo nản lòng, bỏ nghề gõ đầu trẻ.
Công trình nghiên cứu đó tuy đã được công bố và cho in trong tạp chí uy tín Revue d'Economie Politique nhưng cả ba tác giả đã bị tấn công dữ dội và bị phê bình là sử dụng phương pháp "sai lệch" trong cách tính toán. Trong báo cáo vừa cho công bố vào tuần trước, Tổ chức OCDE đã không sử dụng phương pháp toán học của các nhà nghiên cứu đại học Paris, nhưng cũng đã đi đến cùng một kết luận.
Kể từ 2007 cho đến mùa khai giảng năm nay, đã có 66 000 ghế của các thầy, cô giáo bị bỏ trống do quyết định của bộ Giáo dục. Lương bổng của các thầy các cô thì đã tăng chậm hơn so với vật giá.
Báo cáo của OCDE khiến người đọc không khỏi nêu lên câu hỏi : giáo dục phải chăng vẫn còn là một trong những ưu tiên quốc gia hàng đầu khi biết rằng, tại một cường quốc kinh tế và công nghiệp như nước Pháp mà tỷ lệ GDP dành cho giáo dục đã giảm đi 0,3 điểm từ năm 2000 đến 2008.
Sẽ không ai ngạc nhiên khi thấy cho đến giờ mục tiêu đế 50 % thanh niên của Pháp tốt nghiệp đại học hãy còn là một cam kết trên giấy tờ và theo thẩm định của OCDE thì tại Pháp, vào năm 2009 chỉ có 84 % thanh niên trong độ tuổi từ 15 đến 19 còn cắp sách đến trường thay vì 89 % vào năm 1994. Tỷ lệ này thấp hơn đến 6 điểm so với các thành viên khác của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế.
OCDE đi đến kết luận : kể từ năm 1995 chính sách giáo dục của Pháp không còn tiến bộ thêm nữa. Tiếc cho nước Pháp là cho đến năm 1995 quốc gia này vẫn dẫn đầu khối OCDE trong địa hạt giáo dục và luôn là ngọn hải đăng trong biển chữ.
https://www.rfi.fr/vi/phap/20111017-nganh-giao-duc-phap-bao-dong-do
Geen opmerkingen:
Een reactie posten