maandag 18 januari 2021

Covid-19 : Kinh tế Trung Quốc vẫn vươn lên ngoạn mục + Kinh tế Trung Quốc « đại thắng » nhờ Covid-19 + 2021, vận may của Trung Quốc

 

Covid-19 : Kinh tế Trung Quốc vẫn vươn lên ngoạn mục

Cảnh vui chơi thư giãn trên mặt hồ đóng băng tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 16/01/2021.
Cảnh vui chơi thư giãn trên mặt hồ đóng băng tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 16/01/2021. REUTERS - TINGSHU WANG
Thanh Hà
2 phút

Là trung tâm của ổ dịch Covid-19 nhưng kinh tế Trung Quốc đã nhanh chóng phục hồi : GDP tăng 2,3 % cho cả năm 2020. Mặc dù đây là tỷ lệ thấp nhất kể từ hơn 40 năm qua, nhưng Trung Quốc là một trong những nền kinh tế có tỷ lệ tăng trưởng ở số dương.

Thông tín viên đài RFI từ Bắc Kinh giải thích :

« Các con số vừa được tổng cục thống kê công bố cho thấy hai điều. Trước hết là thế bất cân đối trong đà phục hồi của Trung Quốc. Tháng 12/2020 sản xuất công nghiệm tăng 7,3 %. Với đại dịch Covid-19, các nhà máy của ‘công xướng thế giới’ hoạt động tối đa. Xuất khẩu khẩu trang, đồ bảo hộ y tế tăng vọt và giờ đây đến lượt xuất khẩu kim tiêm. Đó là chưa kể những mặt hàng điện tử như máy tính hay điện thoại cho phép những người bị cách ly trên thế giới vẫn được kết nối.

Ngược lại mức tiêu thụ chưa lấy lại phong độ. Chỉ số bán lẻ tháng trước tăng 4,6 %, thấp hơn so với dự phóng. Điểm thứ nhì đáng chú ý là mặc dù tỷ lệ tăng trưởng chỉ ở mức thấp nhất kể từ cuối cuộc Cách Mạng Văn Hóa 1976, nhưng Trung Quốc là một trong những nền kinh tế hiếm hoi trên thế giới có GDP tăng trong năm vừa qua. Đà này sẽ tiếp tục trong năm nay.

Trung Quốc phát hiện một số ổ dịch Covid-19 mới ở khu vực miền bắc và chính quyền đã phải ban hành các biện pháp phong tỏa y tế trước dịp nghỉ Tết nguyên đán và đây thường là dịp người dân có thói quen mua sắm cho gia đình. Thế nhưng trong ngắn hạn, các chuyên gia cho rằng viễn cảnh kinh tế của Trung Quốc vẫn tiến triển tốt ».

Covid-19 : Kinh tế Trung Quốc vẫn vươn lên ngoạn mục (rfi.fr)

Kinh tế Trung Quốc « đại thắng » nhờ Covid-19

Các container hàng xuất khẩu tại Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh tư liệu chụp ngày 06/12/2015 minh họa cho hiện tượng xuất khẩu TQ vững mạnh nhờ Covid-19.
Các container hàng xuất khẩu tại Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh tư liệu chụp ngày 06/12/2015 minh họa cho hiện tượng xuất khẩu TQ vững mạnh nhờ Covid-19. © REUTERS/Stringer
Minh Anh
3 phút

Dịch bệnh Covid-19 có xu hướng quay trở lại tại Trung Quốc. Số ca nhiễm mới thường nhật tiếp tục tăng, 144 người theo số liệu mới nhất. Lo ngại dịch bệnh bùng phát trở lại vào dịp Tết, chính quyền Bắc Kinh ngày 15/01/2021 khuyến nghị các lao động di dân không nên về nhà ăn Tết.

Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 không là cản lực, kềm hãm kinh tế Trung Quốc tăng trưởng như nhiều nước lớn khác. Thống kê số liệu hải quan công bố ngày 14/01/2021 cho thấy, bất chấp các biện pháp áp thuế của tổng thống Mỹ mãn nhiệm Donald Trump, xuất khẩu Trung Quốc tăng vọt nhờ đại dịch Covid-19.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên đài RFI, Stéphane Lagarde cho biết thêm :

« Kinh tế Trung Quốc là bên thắng lớn trong cuộc khủng hoảng dịch tễ. Đầu tiên, các dây chuyển lắp ráp đã hoạt động lại vào mùa xuân 2020. Đầu tháng Tư, Trung Quốc lại trở thành "công xưởng của thế giới". Các nhà máy của Trung Quốc đưa xe ca đến đón công nhân bị kẹt lại ở các tỉnh do dịch virus, vào lúc mà dịch bệnh viêm phổi ngăn cản việc di dời nhà xưởng sang các nước Đông Nam và Nam Á, có giá nhân công rẻ hơn.

Vai trò của Trung Quốc trong thương mại toàn cầu cũng được mở rộng hơn, thể hiện qua những con số thống kê do hải quan Trung Quốc cung cấp ngày thứ Năm 14/01/2021. Các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh tại các nước, như "Hãy ở trong nhà", giãn cách xã hội, "hãy tự bảo vệ mình" đã giúp cho xuất khẩu Trung Quốc tăng vọt. Xuất khẩu khẩu trang, thiết bị phòng hộ y tế đã tăng 31% trong vòng một năm, các sản phẩm điện tử phục vụ người tiêu dùng bị phong tỏa trên toàn thế giới cũng tăng. Kết quả là thặng dư mậu dịch của Trung Quốc đạt mức kỷ lục 62 tỷ euro trong tháng 11/2020.

Kinh tế Trung Quốc đại thắng trên mọi lĩnh vực, bất chấp hàng rào thuế quan của Donald Trump. Hơn bao giờ hết, tăng trưởng kinh tế thế giới hiện giờ vẫn lệ thuộc nhiều vào Trung Quốc. »

Kinh tế Trung Quốc « đại thắng » nhờ Covid-19 (rfi.fr)

2021, vận may của Trung Quốc

Phần âm thanh 08:16
Tăng cường kiểm tra : Trung Quốc sớm ý thức được là phải triệt để đối phó với Covid-19 để cứu vãn kinh tế.
Tăng cường kiểm tra : Trung Quốc sớm ý thức được là phải triệt để đối phó với Covid-19 để cứu vãn kinh tế. GREG BAKER AFP
Thanh Hà
18 phút

« Vac-xin chống Covid-19 là kế hoạch kích cầu hữu hiệu nhất » cho một năm 2021 « đầy rủi ro ». Âu-Mỹ phải giải quyết dứt điểm Covid-19 mới hy vọng phục hồi kinh tế. Ngược lại, với tỷ lệ tăng trưởng 8% được dự báo, Trung Quốc thấy rõ vận may ở phía trước. Các viện nghiên cứu đã đưa ra các dự báo như trên trong "quẻ bói" đầu năm.


Báo La Croix trong số cuối cùng của năm 2020 nêu lên 8 lý do cho phép tin tưởng kinh tế toàn cầu bật dậy trong năm 2021. Hai trong số đó là « Vac-xin xua tan viễn cảnh phong tỏa kinh tế » và « tăng trưởng tại châu Á khởi sắc trở lại kéo kinh tế toàn cầu đi lên ». Hãng bảo hiểm tín dụng Euler Hermes trụ sở tại Paris tin rằng mậu dịch toàn cầu sẽ khởi sắc trở lại nhờ sự năng động của châu Á, mà đứng đầu là Trung Quốc, đó là chưa kể với Joe Biden ở Nhà Trắng, đang làm dấy lên hy vọng thế giới bước vào giai đoạn « ít sóng gió hơn » so với những năm tháng dưới chính quyền Trump cho dù Washington tiếp tục duy trì đường lối « cứng rắn với Bắc Kinh ».

Theo dự báo của Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế - OCDE, tỷ lệ tăng trưởng tại châu Âu và Mỹ năm nay theo thứ tự đạt 3,6 và 3,2 %. Tổng sản phẩm nội địa của Nhật Bản tăng khoảng 4% cho quãng thời gian từ tháng 3/2021đến tháng 3/2022 nhờ những gói kích cầu liên tiếp được ban hành trong năm 2020 bắt đầu mang lại hiệu quả. Riêng Trung Quốc sẽ thoải mái nhờ GDP tăng 8%. Các con số của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế cũng rất gần với dự phóng của OCDE.

Nhiều bài báo Pháp, Mỹ không ngần ngại cho rằng 2021 sẽ là « năm của Trung Quốc ». Trả lời RFI Việt ngữ, chuyên gia về Đông Bắc Á của Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp, Antoine Bondaz, đánh giá như thế nào về nhận xét nói trên ?

Antoine Bondaz : Điều rõ ràng là ông Tập Cận Bình và chế độ muốn 2021 là năm để phô trương thanh thế của Trung Quốc, phô trương thành công cả về mặt y tế lẫn kinh tế… của nước này. Chắc chắn là tháng Giêng năm nay, nhân kỷ niệm một năm từ khi dịch bệnh bùng phát, Bắc Kinh sẽ tận dụng cơ hội này để chứng minh về tính hiệu quả của hệ thống chính trị Trung Quốc trong việc đối phó với khủng hoảng y tế. Tuy nhiên để biết được 2021 có phải là năm đánh dấu vận may của Trung Quốc hay không, chúng ta cần nhìn sang Hoa Kỳ. Câu hỏi đặt ra là chính quyền Biden sắp tới liệu có giành lại vị trí lãnh đạo thế giới mà Donald Trump đã đánh mất hay không ? Nếu câu trả lời là có thì điều này sẽ bất lợi cho Bắc Kinh.  

RFI : Nhìn « bên trong », đảng Cộng Sản Trung Quốc đã làm chủ được tình hình như trên vế đối ngoại ?

Antoine Bondaz : Theo tôi, giờ này năm ngoái, tháng Giêng 2020, các quan chức đặc trách về kinh tế Trung Quốc đã thực sự lo lắng về mức độ vững chắc của cỗ máy kinh tế nước này, về khả năng của đảng Cộng Sản Trung Quốc xử lý đại dịch, về khả năng đối phó trước làn sóng bất mãn của một phần công luận. Nhưng Bắc Kinh đã nhanh chóng làm chủ lại tình hình và ngay từ tháng 2/2020 đã có thể chưng ra những con số "khả quan" về mặt y tế. Hai chữ khả quan ở đây cần để trong ngoặc kép.

Thêm vào đó, chính quyền đã thâu tóm trở lại các phương tiện truyền thông, có nghĩa là gia tăng các biện pháp kiểm duyệt, tăng tốc các chiến dịch tuyên truyền… Ngày này năm ngoái, không ít nhà quan sát đặt nghi vấn về tương lai chính trị của ông Tập Cận Bình và bắt đầu chú ý xem ai có thể trở thành những đối thủ của ông trước Đại hội Đảng năm 2022. Giờ đây, Tập Cận Bình càng lúc càng cô đơn trên thượng tầng quyền lực nhưng mọi người đã thấy rõ vị thế của đảng Cộng Sản Trung Quốc không sợ bị lung lay.

RFI : Vào lúc từ châu Âu đến Hoa Kỳ và cả Nhật Bản điêu đứng trong năm 2020 và trong những dự phóng lạc quan nhất, giới trong ngành nêu lên tỷ lệ tăng trưởng cho 2021 ở mức từ 3 đến 4%. Riêng Trung Quốc chẳng những cỗ máy xuất khẩu đã không hề hấn gì mà còn hoạt động rất tốt, tăng trưởng trong năm qua ở mức 2% và Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh tế dự phóng GDP của Trung Quốc sẽ mạnh trong năm nay. Làm sao giải thích được sự thành công đó ?

Antoine Bondaz : Thành công về mặt kinh tế của Trung Quốc năm 2020 có được là nhờ khả năng phản ứng nhanh của Bắc Kinh. Ngay từ cuối tháng Giêng năm ngoái, điều rõ rệt nhất là phải giải quyết được vế y tế thì kinh tế mới có thể khởi sắc trở lại. Trớ trêu hơn là hiện tượng « họa người phúc ta ». Kinh tế Trung Quốc đã nhanh chóng bật dậy nhờ sự bất lực của Âu, Mỹ trước siêu vi corona. Chính sự kém cỏi của phương Tây đó đã bồi đắp cho tăng trưởng của Trung Quốc, đẩy xuất khẩu Trung Quốc sang Hoa Kỳ lên cao mà không thấy Washington kêu ca gì ! Chỉ nội tháng 11/2020, xuất siêu của Trung Quốc lên tới 75 tỷ đô la. Đó là yếu tố giúp cỗ máy kinh tế nước này nhanh chóng khởi sắc trở lại và Trung Quốc dễ dàng đạt tỷ lệ tăng trưởng 2% trong năm 2020. Trong khi đó thì tại Âu-Mỹ, tỷ lệ tăng trưởng ở số âm.

Câu hỏi thực sự đặt ra cho năm nay là liệu rằng Bắc Kinh có duy trì được nhịp độ tăng trưởng như vậy nữa hay không ? Tiêu thụ nội địa có tiếp tục kéo kinh tế nước này đi lên hay không ? Trước mắt nhiều yếu tố cho thấy, câu trả lời sẽ là có. 2021 là năm kinh tế Trung Quốc sẽ năng động với đà phục hội nhanh chóng.  

RFI : Còn trên mặt trận chiến tranh thương mại với Mỹ thì sao ?

Antoine Bondaz : Điều rất rõ ràng là Trung Quốc chưa bao giờ che giấu tham vọng qua mặt Hoa Kỳ để trở thành cường quốc số 1 thế giới cả về mặt kinh tế lẫn quân sự, về khoa học và công nghệ. Vấn đề đặt ra với Bắc Kinh là châu Âu và Mỹ không muốn trông thấy kịch bản đó xảy ra. Thành thử cuộc chạy đua tranh giành ngôi vị hàng đầu ấy sẽ tiếp diễn trong nhiều năm nữa và sự cạnh tranh này càng lúc càng gay gắt.

Quan hệ giữa Trung Quốc với các nước công nghiệp phát triển sẽ phức tạp hơn. Ví dụ như từ tháng 11/2020 Trung Quốc đã ra sức ve vãn các nền kinh tế đang phát triển để vừa có thêm vây cánh, vừa tô điểm lại hình ảnh của Bắc Kinh sau đại dịch Covid-19, để đẩy mạnh giao thương và mở rộng thêm nữa ảnh hưởng của Trung Quốc. Có thể nói trước mắt, Trung Quốc chú trọng nhiều vào các nước đang phát triển, dùng cả lá bài kinh tế lẫn ngoại giao, y tế… để chiêu dụ những nước này.

RFI : Có thể cho rằng virus corona đã tăng cường thêm sức mạnh kinh tế cho Trung Quốc hay không ?

Antoine Bondaz : Đà vươn lên và sức mạnh được củng cố của Trung Quốc đã tăng tốc lên một cấp nữa trong những tháng gần đây kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Vấn đề cốt lõi ở đây là hình ảnh của Trung Quốc đã xấu đi. Quốc tế càng lúc càng ý thức được là đã quá lệ thuộc vào Bắc Kinh. Công luận cũng đã thức tỉnh trước mối quan hệ bất cân đối giữa Trung Quốc với bất kỳ một đối tác nào, kể cả như Úc hay châu Âu. Về phía Âu - Mỹ và các nền kinh tế công nghiệp phát triển, giải pháp tốt nhất để làm đối trọng với Trung Quốc, để ngăn chận ảnh hưởng càng lúc càng lớn của Bắc Kinh là phải nhanh chóng thoát khỏi khủng hoảng y tế. Tiếc rằng kịch bản này chưa thể xảy ra trong những tuần lễ hay những tháng sắp tới !

Tình trạng đói nghèo gia tăng

Báo cáo gần đây của Hội Nghị Liên Hiệp Quốc về Thương Mại và Phát Triển (UNCTAD/CNUCED) lo ngại virus corona đẩy một phần nhân loại vào cảnh bần cùng. Do tác động khủng hoảng y tế và kinh tế, có thêm 32 triệu người trên hành tinh sống với thu nhập dưới ngưỡng 2 đô la một ngày ; 47 quốc gia nghèo nhất trên thế giới lâm vào tình cảnh « tệ hại nhất » từ 3 thập niên qua. Tại những nước đã nghèo khó này, Covid-19 còn cướp đi thêm 2,6% thu nhập bình quân đầu người.

Bất bình đẳng trước vac-xin chống virus

Trung tuần tháng 12/2020, một nghiên cứu của đại học John Hopkins công bố báo động hơn 20% dân số địa cầu phải đợi ít nhất đến năm 2022 mới được tiếp cận với vac-xin chống virus corona, do hơn 50% lượng thuốc xuất khẩu trong năm 2021 đã được các nước giàu đặt mua từ trước khi vac-xin được sản xuất.

Tính đến ngày 15/11/2020, 13 viện bào chế sản xuất thuốc đã nhận được đơn đặt hàng mua trước 51% vac-xin sẽ được sản xuất trong năm. Khối lượng này được dự trù phục vụ 14% dân số địa cầu. 85% còn lại phải tự xoay sở với 49% thuốc còn lại !

2021, vận may của Trung Quốc - Tạp chí kinh tế (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten