Lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống Mỹ, nghi thức đậm tính lịch sử và truyền thống
Đăng ngày:
Hôm nay, 20/01/2021, ông Joe Biden chính thức bước vào Nhà Trắng sau lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống. Từ khi có ngày nhậm chức đầu tiên được tổ chức năm 1789 với lễ tuyên thệ của George Washington cho tới buổi lễ tuyên thệ của Donald Trump năm 2017, nghi thức tuyên thệ nhậm chức tổng thống đã có nhiều thay đổi nhưng vẫn là một truyền thống đã ăn sâu vào nền chính trị của nước Mỹ.
Lễ nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ thứ 46 của ông Joe Biden thuộc đảng Dân Chủ diễn ra hôm nay 20 tháng Giêng tại Washington. Chính tại thủ đô của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, vắng tanh vắng ngắt, quân đội rải khắp nơi mà ông Joe Biden cùng với phó tổng thống Kamala Harris tuyên thệ nhậm chức. Những chi tiết của ngày trọng đại trong lịch sử nước Mỹ này diễn ra theo những quy ước và truyền thống đã ăn sâu trong lịch sử nước Mỹ.
Ngày 20 tháng Giêng
Buổi lễ nhậm chức đầu tiên trong lịch sử Mỹ đó là của George Washington, diễn ra vào ngày 30 tháng Tư năm 1789 vì lý do thời tiết, phải đợi băng giá mùa đông tan dần để mọi người có thể đến dự. Thời điểm cho lễ nhậm chức tổng thống sau đó đã được ấn định vào ngày 04 tháng 3, tức là gần 4 tháng sau ngày đại cử tri bỏ phiếu bầu tổng thống và phó tổng thống, Election Day.
Nhưng đến năm 1933, Franklin Roosevelt đắc cử, trong khi tổng thống đương nhiệm Herbert Hoover đang rất mất uy tín trong dân chúng. Giai đoạn chuyển tiếp quyền lực này dường như quá dài. Một tháng trước khi ông Roosevelt nắm quyền, tu chính án thứ 25 được phê chuẩn, thay đổi thời điểm khởi đầu các nhiệm kỳ của tổng thống và phó tổng thống lên ngày 20 tháng Giêng. Tuy nhiên đã có 3 ngoại lệ. Đó của Dwight D. Eisenhower năm 1957, Ronald Reagan năm 1985 và của Barack Obama năm 2013. Các buổi lễn nhậm chức này đã được dịch lên ngày thứ Hai 21 tháng Giêng vì các ngày 20 tháng Giêng đó rơi vào Chủ nhật mà đã nhậm chức tức phải bắt tay vào công việc nên không thể là ngày nghỉ.
Địa điểm
Buổi lễ khai mạc nhiệm kỳ tổng thống diễn ra trước Capitol, trụ sở của Quốc Hội, tại Washington DC. Địa điểm này được chọn tư năm 1801 khi Thomas Jefferson, tổng thống thứ 3 của Hoa Kỳ, tuyên thệ nhậm chức. Lễ nhậm chức đầu tiên của George Washington đã diễn ra tại Federal Hall ở New York, trong khu Wall Street. Hai lễ tuyên thệ khác của William Howard Taft năm 1909 và của Ronald Reagan năm 1985 lại diễn ra bên trong điện Capitol, vì điều kiện thời tiết. Khi đó nhiệt độ bên ngoài là -13° C, Ronald Reagan đã để đám đông dân chúng và gồm 140 nghìn khách mời chờ đợi ở bên ngoài trời lạnh.
Khách mời tham dự
Donald Trump sẽ không tham dự lễ nhậm chức người kế nhiệm Joe Biden. Theo truyền thống, tổng thống mãn nhiệm và đệ nhất phu nhân đón vợ chồng tân tổng thống buổi sáng trong ngày lễ nhậm chức và cùng nhau đến điện Capitol. Nghi thức này cũng đã nhiều lần bị bỏ qua.
Năm 1801, vị tổng thống thứ 2 của Hoa Kỳ John Adams đã từ chối dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm Thomas Jefferson. Bị vị cựu phó của mình đánh bại, tổng thống thất cử Adams đã rời Nhà Trắng từ sáng sớm ngày 4 tháng 3, ngày nhậm chức. Con trai ông, John Quincy Adams sau đó đã đắc cử tổng thống năm 1824 trong những điều kiện gây nhiều tranh cãi. Người thua cuộc năm đó Andrew Jackson cũng hô hào là bị đánh cắp bầu cử.
Bốn năm sau đó, sau một chiến dịch tranh cử dữ dội, ông Jackson đã phục thù được thất bại. Hai đối thủ đã không gặp nhau và Adams không xuất hiện từ hôm trước lễ nhậm chức. Năm 1841, vì những lý do không rõ ràng, tổng thống Dân Chủ Martin Van Bruen, cũng vắng mặt trong lễ nhậm chức của William Henry Harris. Ngày 4 tháng 3 năm 1869, Andrew Johnson cũng ở lại trong Nhà Trắng không dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm Ulysses Grant chỉ vì tổng thống đắc cử từ chối ngồi chung xe ngựa với người mãn nhiệm để tới đồi Capitol.
Một thế kỷ sau, năm 1974, Richard Nixon cũng vắng mặt tại buổi lễ của Gerald Ford. Lý do đơn giản là vì Nixon đã từ chức và rời Nhà Trắng trước khi người kế nhiệm tuyên thệ nhậm chức. Năm nay, các cựu tổng thống Barack Obama, George W.Bush và Bill Clinton cũng như phó tổng thống Mike Pence đã nhận lời mời tới dự lễ nhậm chức của Joe Biden.
Tuyên thệ
Sự kiện duy nhất được ghi trong Hiến Pháp là nghi thức tuyên thệ của tân tổng thống vào lúc 12 giờ trưa, theo truyền thống là trước chủ tịch Tối Cao Pháp Viện. Khoảng 15 phút trước, tân phó tổng thống đọc tuyên thệ. Trong trường hợp tân tổng thống đột ngột qua đời trong khoảng thời gian này, phó tổng thống là người kế nhiệm.
Lời văn chính xác mà tổng thống tân cử đọc :" Tôi trịnh trọng tuyên thệ rằng, tôi sẽ đảm đương chức vụ tổng thống Hoa Kỳ một cách trung thành và sẽ cố gắng làm hết khả năng của mình để giữ gìn, che chở và bảo vệ Hiến Pháp Hoa Kỳ ". Năm 2009, Barack Obama đã đọc nhầm lời tuyên thệ này. Trách nhiệm thuôc về chủ tịch Tối Cao Pháp Viện khi đó đã đọc lộn xộn trật tự ngôn từ tuyên thệ theo Hiến Pháp. Để cho cẩn thận, tổng thống thứ 44 của Hoa Hoa Kỳ đã tuyên thệ lại vào ngày hôm sau tại Nhà Trắng. Sự cố tương tự cũng đã xảy ra với Herbert Hoover năm 1929: Chủ tịch Tối Cao Pháp Viện khi đó đã gần như sáng tác lại câu chữ của văn bản hiến định này.
Kinh thánh
Vào lúc 12 giờ trưa, giờ Washington, Joe Biden đọc lời tuyên thệ với bàn tay phải giơ lên trời và tay trái đặt trên kinh thánh. Ông đã chọn dùng cuốn kinh của gia đình có từ 1893, theo như ông thông báo trong một cuộc phỏng vấn gần đây. Ông đã sử dụng cuốn kinh này cho các lễ tuyên thệ thượng nghị sĩ và phó tổng thống Mỹ. Nhiều vị tổng thống Mỹ sử dụng các cuốn kinh thánh thuộc sở hữu của các nhân vật lịch sử nổi tiếng. Warren G. Harding năm 1921, Eisenhower 1953, Jimmy Carter năm 1977 và George H. W.Bush đã tuyên thệ trên cuốn kinh thánh mà George Washington đã dùng. Cũng có thể sử dụng 2 cuốn kinh để tuyên thệ. Đó là trường hợp Barack Obama đã tuyên thệ trên hai cuốn kinh của Abraham Lincoln và của Martin Luther King. Trong khi đó Donald trump dùng cuốn kinh của Abraham Lincoln như người tiền nhiệm và cuốn do mẹ ông tặng khi ông còn nhỏ.
Hiến Pháp không yêu cầu nhất thiết phải tuyên thệ trên kinh thánh. Một số tổng thống Mỹ đã sử dụng các cuốn sách khác như John Quincy Adams đã tuyên thệ trên một cuốn sách trong đó có một phần nội dung Hiến Pháp Mỹ, Theodore Roosevelt không sử dụng kinh sách, Lyndon Johnson thì lại dùng một cuốn kinh lễ.
Lễ diễu hành
Sau lễ tuyên thệ, theo truyền thống là có diễu hành trên đại lộ Pensylvania dài 3 km. Nhưng năm nay do đại dịch Covid-19, nghi thức này không diễn ra và sẽ được thay thế bằng cuộc diễu hành ảo phát trên truyền hình được gọi là « Parade Across America ». Ông Joe Biden dự kiến sẽ đi qua sông Potomac để tới đặt vòng hoa viếng các tử sĩ vô danh tại nghĩa trang Arlington. Đi cùng ông có ba cựu tổng thống Bill Clinton, George W.Bush và Barack Obama. Buổi dạ tiệc với các nghị sĩ Quốc Hội trong điện Capitol cũng như lễ hội khiêu vũ theo truyền thống tổ chức tại Washington cũng bị hủy vì lý do dịch bệnh. Thay vào đó là một chương trình truyền hình đặc biệt do tài tử điện ảnh Tom Hanks dẫn chương trình.
(Tổng hợp từ France 24.com)
Lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống Mỹ, nghi thức đậm tính lịch sử và truyền thống (rfi.fr)
Toàn văn phát biểu nhậm chức của Joe Biden, kêu gọi Hoa Kỳ 'đoàn kết, hàn gắn'
Sau khi tuyên thệ sẽ giữ vững và bảo vệ Hiến pháp Hoa Kỳ, ông Joe Biden ngày 20/1 chính thức trở thành tổng thống.
Việc tuyên thệ nhậm chức của ông diễn ra dưới sự điều hành của Thẩm phán Tối cao Pháp viện John Roberts.
Năm nay 78 tuổi, Joe Biden là người lớn tuổi nhất từng tuyên thệ nhậm chức tại Capitol Hill.
Joe Biden đã chạy đua tranh cử không thành công hai lần, hồi 1987 và 2008, trước khi ông trở thành phó tổng thống trong chính quyền của ông Barack Obama.
Trong diễn văn nhậm chức, ông Joe Biden nhấn mạnh cần đoàn kết để viết nên chương mới cho Hoa Kỳ.
"Thưa Chánh án Tối cao Roberts, Phó tổng thống Harris, Chủ tịch Hạ viện Pelosi, Lãnh đạo Schumer, Lãnh đạo McConnell, Phó tổng thống Pence, các vị khách quý, đồng bào Hoa Kỳ.
Đây là ngày của nước Mỹ. Đây là ngày của dân chủ. Một ngày lịch sử và hy vọng, của đổi mới và quyết tâm. Thông qua thử thách thời đại, Hoa Kỳ đã được thử lửa, và Hoa Kỳ đã xứng tầm thử thách. Hôm nay, chúng ta đón mừng thắng lợi không phải của một ứng viên mà của một chính nghĩa, chính nghĩa dân chủ. Nhân dân - ý nguyện của nhân dân - đã được lắng nghe, và ý nguyện của nhân dân đã được chú ý.
Chúng ta lần nữa học rằng dân chủ thật quý giá, mong manh, và thời khắc này, thưa các bạn, dân chủ đã chiến thắng.
Vậy nên lúc này, ở nơi thiêng liêng này, nơi mà chỉ vài ngày trước, bạo lực đã nổ ra, làm rung chuyển đến tận nền móng Tòa Quốc hội Hoa Kỳ, chúng ta cùng tới đây, như một quốc gia, dưới ơn Chúa, không thể bị chia rẽ, để thực hiện chuyển giao quyền lực êm ả như chúng ta đã làm từ hơn hai thế kỷ qua.
Khi chúng ta nhìn tới theo cách đặc trưng của người Mỹ - không ngơi nghỉ, mạnh mẽ, lạc quan, và quyết trở thành một quốc gia mà chúng ta biết là chúng ta có thể, và cần phải trở thành, tôi cảm ơn những người tiền nhiệm của cả hai đảng. Tôi cảm ơn họ từ tận đáy lòng mình. Và tôi biết sự kiên cường của Hiến pháp và sức mạnh của đất nước chúng ta, cũng như cựu Tổng thống Carter cũng biết, ông là người tôi nói chuyện đêm qua và không thể ở bên chúng ta hôm nay, song là người chúng ta tôn vinh vì cả đời phụng sự của ông.
Tôi vừa thực hiện lời thề thiêng liêng mà mỗi người yêu nước từng thề. Lời tuyên thệ được George Washington thực hiện đầu tiên. Nhưng câu chuyện của nước Mỹ không phụ thuộc vào bất kỳ ai trong số chúng ta mà là tất cả. Chúng ta, những người dân tìm kiếm một liên minh hoàn hảo hơn. Đây là một đất nước vĩ đại. Chúng ta là những người tốt. Và qua nhiều thế kỷ, qua giông bão, xung đột, dù hòa bình hay chiến tranh, chúng ta đã đi rất xa. Nhưng vẫn còn phải đi tiếp.
Chúng ta sẽ tiến về trước thật nhanh, thật khẩn trương vì có nhiều việc phải làm trong mùa đông khó khăn mà cũng nhiều điều có thể xảy ra. Nhiều việc phải làm, phải hàn gắn, phục hồi, xây dựng và thu hoạch. Ít ai trong lịch sử dân tộc ta lại bị thử thách, sống trong một giai đoạn khó khăn như chúng ta hiện nay. Một con virus gặp một lần trong thế kỷ, âm thầm đánh lén đất nước, đã lấy đi sinh mạng trong một năm bằng cả Thế chiến Hai.
Hàng triệu việc làm đã mất. Hàng trăm ngàn doanh nghiệp đóng cửa. Lời đòi hỏi công bằng sắc tộc, âm ỉ suốt 400 năm, làm ta cảm động. Giấc mơ công lý cho tất cả sẽ không còn bị đình hoãn. Lời kêu gọi sống còn đến từ chính hành tinh, chưa bao giờ tuyệt vọng, chưa bao giờ rõ vậy. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực đoan chính trị, thượng đẳng da trắng, khủng bố nội địa, chúng ta phải đối đầu và sẽ đánh bại. Để vượt qua những thử thách này, để khôi phục tâm hồn và bảo đảm tương lai nước Mỹ, đòi hỏi nhiều hơn lời nói. Nó đòi hỏi điều khó tìm nhất trong một nền dân chủ - đoàn kết.
Đoàn kết. Trong ngày đầu năm 1863, Abraham Lincoln đã ký Tuyên Ngôn Giải Phóng. Khi viết xuống giấy, tổng thống nói, và tôi dẫn lại, 'nếu tên tôi đi vào lịch sử, sẽ là vì hành động này, và cả tâm hồn tôi đặt vào nó.'
Cả tâm hồn tôi đặt vào nó hôm nay, vào ngày tháng Giêng này. Cả tâm hồn tôi hướng về điều này. Đưa Hoa Kỳ xích lại gần nhau, đoàn kết nhân dân, đoàn kết quốc gia. Và tôi kêu gọi mọi người Mỹ cùng tham gia. Đoàn kết để chống kẻ thù của chúng ta - sự giận dữ, phẫn uất và hận thù. Chủ nghĩa cực đoan, vô pháp, bạo lực, bệnh tật, thất nghiệp, và vô vọng.
Nhờ đoàn kết, ta có thể làm những điều lớn, quan trọng. Ta có thể sửa lại điều sai, giúp người dân có việc làm tốt, có thể dạy con cái chúng ta trong những ngôi trường an toàn. Ta có thể vượt qua con virus chết người, dựng lại việc làm, dựng lại tầng lớp trung lưu, giữ gìn việc làm, có thể đạt được công bằng sắc tộc và có thể đưa Hoa Kỳ lần nữa trở thành xung lực tốt đẹp trên thế giới.
Tôi biết nói về đoàn kết, với một số người, có thể nghe như tưởng tượng khùng điên giờ này. Tôi biết các thế lực chia rẽ ta thật sâu, có thật. Nhưng tôi cũng biết chúng không phải là mới. Lịch sử chúng ta là cuộc đấu tranh liên tục giữa lý tưởng Mỹ, rằng ta được tạo ra bình đẳng, và thực tế xấu xa rằng phân biệt sắc tộc, bài ngoại và sợ hãi đã chia rẽ chúng ta. Trận chiến là vĩnh viễn và chiến thắng không bao giờ bảo đảm.
Qua nội chiến, Đại khủng hoảng, Thế chiến, 11/9, qua đấu tranh, hy sinh, thất vọng, những thiên thần tốt đẹp hơn đã luôn chiến thắng. Trong từng khoảnh khắc, vẫn đủ người xích lại để vượt lên và ta có thể làm điều đó bây giờ. Lịch sử, niềm tin và lý trí dẫn đường. Con đường của đoàn kết
Chúng ta có thể nhìn nhau không phải như kẻ thù mà như láng giềng. Ta có thể đối xử với nhau với phẩm giá và tôn trọng. Ta có thể hợp lực, ngừng to tiếng, hạ nhiệt. Vì không có đoàn kết, thì không có hòa bình, chỉ có cay đắng, giận dữ, không có tiến bộ, chỉ có sự phẫn nộ mệt mỏi. Không có quốc gia, chỉ có hỗn loạn. Đây là khoảnh khắc lịch sử của khủng hoảng và thử thách. Và đoàn kết là con đường phía trước. Và chúng ta phải làm được vào lúc này như Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.
Nếu làm thế, tôi bảo đảm chúng ta sẽ không thất bại. Chúng ta chưa bao giờ thất bại tại Mỹ khi chúng ta xích lại với nhau. Và hôm nay, lúc này, tại đây, hãy bắt đầu mới, tất cả mọi người. Hãy bắt đầu lắng nghe nhau lần nữa, nhìn nhau. Tôn trọng nhau.
Chính trị không cần phải là ngọn lửa thiêu đốt mọi thứ. Bất đồng không cần phải là nguyên nhân cho chiến tranh tổng lực, và ta phải bác bỏ thứ văn hóa khi mà dữ kiện bị lung lạc và thậm chí bị ngụy tạo.
Thưa đồng bào, chúng ta phải khác thế này. Phải tốt hơn thế này, và tôi tin nước Mỹ tốt hơn thế nhiều.
Xin nhìn xung quanh. Chúng ta đứng dưới bóng của mái vòm Quốc hội. Như đã nói ban đầu, nơi này hoàn thành trong bóng tối Nội chiến. Khi sự thống nhất bị đe dọa, chúng ta đã chịu đựng và chiến thắng. Nay chúng ta đứng ở đây, nhìn ra Quảng trường Quốc gia, nơi Mục sư King nói về giấc mơ của ngài.
Nay chúng ta đứng ở đây, nơi 108 năm trước, tại một lễ nhậm chức, hàng ngàn người phản đối cố ngăn bước những phụ nữ dũng cảm đòi quyền bỏ phiếu. Và hôm nay, ta đánh dấu việc tuyên thệ của người phụ nữ đầu tiên, phó tổng thống Kamala Harris. Đừng nói với tôi rằng mọi thứ không thể thay đổi.
Chúng ta đứng ở đây, nơi những người anh hùng tận hiến đang an nghỉ.
Và ta ở đây, chỉ vài ngày sau khi đám côn đồ nghĩ chúng có thể dùng bạo lực để bóp nghẹt ý chí nhân dân, để ngăn nền dân chủ, đuổi ta ra khỏi mảnh đất thiêng này. Điều đó đã không xảy ra, sẽ không bao giờ, không phải hôm nay, ngày mai, mãi mãi.
Đối với những ai ủng hộ chiến dịch của chúng tôi, tôi cảm thấy rất nhỏ bé trước niềm tin mà các bạn đặt vào chúng tôi. Đối với những ai không ủng hộ chúng tôi, hãy để tôi nói điều này. Hãy lắng nghe tôi khi chúng ta tiến lên phía trước. Hãy xem xét tôi và trái tim tôi. Nếu bạn vẫn không đồng ý, hãy cứ như vậy. Đó là dân chủ, đó là nước Mỹ.
Quyền bất đồng chính kiến một cách ôn hòa. Bảo vệ nền dân chủ của chúng ta có lẽ là sức mạnh lớn nhất của đất nước này.
Hãy nghe rõ lời tôi, bất đồng không được dẫn đến tan rã. Tôi cam kết điều này với các bạn, tôi sẽ là tổng thống của tất cả người dân Mỹ. Tôi hứa với các bạn sẽ đấu tranh hết mình cho những người không ủng hộ tôi lẫn những ai ủng hộ.
Nhiều thế kỷ trước, Thánh Augustinô - vị thánh nhà thờ của tôi - viết rằng một dân tộc được định hình bởi những điều mà họ cùng yêu quý. Đâu là những điều mà người Mỹ cùng yêu quý, định nghĩa ta là người Mỹ? Tôi nghĩ chúng ta đều biết. Là cơ hội, an toàn, tự do, tự trọng, tôn trọng, danh dự, và sự thật.
Những tuần và tháng gần đây đã dạy ta bài học đau đớn. Có sự thật và có dối trá. Dối trá vì quyền uy và lợi nhuận. Mỗi chúng ta có nghĩa vụ và trách nhiệm như công dân, và đặc biệt là như lãnh đạo. Những người lãnh đạo phải tuân thủ Hiến pháp để bảo vệ quốc gia. Để bảo vệ sự thật và đánh bại dối trá.
Tôi hiểu nhiều đồng bào nhìn tương lai với sự e sợ. Tôi hiểu họ lo lắng về việc làm. Như cha của họ, họ cũng nằm trên giường trong đêm, nhìn trần nhà và nghĩ, tôi có thể giữ y tế của mình? Có thể trả tiền vay nhà? Nghĩ về gia đình họ, về điều sắp tới. Tôi hứa, tôi hiểu. Nhưng câu trả lời không phải là nhìn về trong. Rút vào những phe nhóm đối địch. Nghi ngờ những ai không trông giống bạn, không tôn thờ như bạn, không đọc tin từ cùng một nguồn như bạn.
Chúng ta phải chấm dứt cuộc chiến thô bỉ giữa đỏ và xanh, nông thôn và thành thị, bảo thủ và cấp tiến. Chúng ta làm được nếu mở rộng lòng mình thay vì khép cửa trái tim, nếu ta chứng tỏ một chút bao dung và khiêm tốn, và nếu sẵn lòng đứng vào vị trí người khác, như cách mẹ tôi vẫn nói. Chỉ một lúc thôi, thử đứng vào vị trí của họ.
Bởi vì có một điều về cuộc đời. Không biết định mệnh sẽ đặt ra chuyện gì. Có lúc bạn cần một bàn tay. Có lúc khác, chúng ta phải giúp đỡ. Đời là thế, chúng ta làm cho người khác. Nếu ta làm được thế, đất nước ta sẽ mạnh mẽ hơn, phồn vinh hơn, sẵn sàng hơn cho tương lai. Và chúng ta vẫn có thể bất đồng.
Thưa đồng bào, để làm việc phía trước, chúng ta cần có nhau. Ta cần mọi sức lực để đi qua mùa đông đen tối này. Chúng ta đang ở trong giai đoạn có thể là đen tối và nguy hiểm nhất của virus. Chúng ta phải gạt bỏ chính trị, đối diện đại dịch như một quốc gia. Và tôi hứa, như Kinh thánh nói, 'Khóc lóc đến trọ trong đêm, niềm vui lại đến trong buổi sáng'. Chúng ta sẽ vượt qua cùng nhau. Cùng nhau.
Những đồng liêu tôi làm việc ở Hạ và Thượng viện, chúng tôi đều hiểu thế giới đang xem. Đây là thông điệp của tôi đến những người bên ngoài biên giới của chúng ta. Nước Mỹ đã được thử thách và chúng tôi mạnh mẽ hơn. Chúng tôi sẽ hàn gắn các liên minh và một lần nữa tương tác với thế giới. Không phải để đối đầu thách thức hôm qua mà hôm nay và ngày mai. Chúng tôi sẽ dẫn lối không chỉ nhờ tấm gương về sức mạnh, mà còn nhờ sức mạnh của tấm gương.
Đồng bào người Mỹ ơi, các bà mẹ, người bố, người con, bè bạn, láng giềng, đồng nghiệp. Chúng ta sẽ vinh danh họ bằng cách trở thành dân tộc và quốc gia mà ta có thể và nên trở thành. Tôi xin mọi người hãy thầm cầu nguyện cho những người đã mất, bị bỏ quên và cho đất nước.
Các bạn ạ, đây là giai đoạn thử thách. Chúng ta đối diện vụ tấn công vào nền dân chủ, vào sự thật, con virus đang đe dọa, sự bất bình đẳng, phân biệt sắc tộc hệ thống, khí hậu khủng hoảng, vai trò của Mỹ trên thế giới. Bất kỳ thử thách nào cũng đủ làm ta khó khăn. Nhưng chúng ta hãy cùng đối diện, đem lại trách nhiệm to lớn cho quốc gia này. Chúng ta sẽ bị thách thức đấy. Liệu có đảm đương được chăng?
Đây là lúc phải táo bạo vì nhiều việc lắm. Chắc chắn, tôi hứa. Chúng ta sẽ được phán xét qua cách chúng ta giải quyết các khủng hoảng thời đại. Chúng ta sẽ làm được.
Liệu chúng ta có vượt qua giờ khắc hiếm hoi khó khăn này? Có làm đúng trách nhiệm và chuyển lại một thế giới mới tốt đẹp hơn cho con cháu?
Tôi tin rằng ta phải làm, và tôi tin bạn cũng vậy. Sẽ làm được, và khi đó, chúng ta sẽ viết nên chương vĩ đại tiếp theo trong lịch sử Hoa Kỳ. Câu chuyện Mỹ.
Một câu chuyện có thể nghe giống bài ca rất có ý nghĩa cho tôi. Đó là bài hát American Anthem. Có một lời hát trong đó khắc sâu ít nhất cho tôi, 'Công việc và lời nguyện của nhiều thế kỷ đã đưa ta đến hôm nay, đó sẽ là di sản chúng ta, các con cháu sẽ nói gì? Hãy cho tôi biết, khi đời sống đi qua, Hoa Kỳ, tôi đã tận hiến vì người.'
Chúng ta hãy cùng đưa việc làm của mình, lời nguyện của mình vào câu chuyện đang diễn ra của đất nước. Nếu ta làm, thì khi tuổi mình đã hết, con cháu sẽ nói về ta, rằng 'Họ đã tận hiến, đã làm xong nghĩa vụ, họ đã hàn gắn một đất nước tan vỡ.'
Đồng bào ơi, tôi dừng ngày hôm nay ở nơi tôi bắt đầu, với lời thề thiêng liêng trước Thượng đế và các bạn, tôi hứa. Tôi sẽ luôn trung thực với các bạn.
Tôi sẽ bảo vệ Hiến pháp. Tôi sẽ bảo vệ nền dân chủ của chúng ta, tôi sẽ bảo vệ nước Mỹ. Tôi sẽ cống hiến cho tất cả, làm mọi việc để phục vụ các bạn, không nghĩ về quyền lực mà về trách nhiệm. Không vì lợi ích riêng mà vì lợi ích chung.
Chúng ta sẽ cùng nhau viết nên một câu chuyện của người Mỹ về hy vọng, không phải nỗi sợ hãi, về đoàn kết, không phải sự chia rẽ, về ánh sáng, không phải về bóng đêm.
Câu chuyện về sự đàng hoàng và phẩm giá, tình yêu và sự hàn gắn, sự vĩ đại và những điều tốt đẹp.
Xin đây là câu chuyện dẫn đường cho chúng ta, câu chuyện truyền cảm hứng và câu chuyện kể về thời đại chưa tới mà chúng ta đáp lại tiếng gọi của lịch sử. Dân chủ và hy vọng, sự thật và công lý không chết trước mắt ta mà sẽ phát triển.
Là câu chuyện về nước Mỹ bảo đảm quyền tự do ở quê nhà và một lần nữa đứng vững như ngọn hải đăng cho thế giới.
Đó là những gì chúng ta nợ những người đi trước, nợ lẫn nhau và các thế hệ tiếp theo.
Vậy nên, với mục đích và quyết tâm, chúng ta hướng đến những nhiệm vụ thời đại.
Tiếp sức bằng niềm tin, thúc đẩy bằng quyết tâm và sự cống hiến cho nhau lẫn đất nước mà chúng ta yêu bằng cả trái tim. Xin Thượng đế ban phúc cho Hoa Kỳ và bảo vệ quân đội chúng ta."
https://www.bbc.com/vietnamese/world-55743657
Geen opmerkingen:
Een reactie posten