donderdag 14 januari 2021

Biến thể virus Covid từ Anh: Pháp có tránh được làn sóng đại dịch thứ ba?

 

Biến thể virus Covid từ Anh: Pháp có tránh được làn sóng đại dịch thứ ba?

Phần âm thanh 09:28
Mô hình virus corona SARS-CoV-2. Hình bông hoa màu tím chìa ra ngoài quả cầu là các protein Spike, được coi là các "chìa khóa" cho phép virus gây bệnh Covid xâm nhập vào các tế bào người.
Mô hình virus corona SARS-CoV-2. Hình bông hoa màu tím chìa ra ngoài quả cầu là các protein Spike, được coi là các "chìa khóa" cho phép virus gây bệnh Covid xâm nhập vào các tế bào người. © Wikipedia
Trọng Thành
21 phút

Sự xâm nhập của biến thể virus Covid-19 từ Anh trong những tuần qua vào Pháp làm dấy lên lo ngại nước Pháp sẽ khó tránh khỏi làn sóng dịch thứ ba. Nước Pháp hiện đang có khoảng trung bình 20.000 ca dương tính với virus Covid mỗi ngày. Biến thể virus từ Anh và nguy cơ một làn sóng dịch mới là chủ đề của Tạp chí Xã hội của RFI tuần này.


Việc vac-xin được chính thức đưa vào sử dụng kể từ cuối tháng 12/2020 tại châu Âu mang lại một tia hy vọng là đà lây lan sẽ chững lại, đại dịch Covid-19 sẽ dần dần được khống chế. Số lượng ca nhiễm mới trong những tuần qua có lúc đã tụt xuống dưới con số 5.000 người/ngày. Tuy nhiên, không khí lạc quan không kéo dài. Đúng vào lúc nước Anh khép cửa, hoàn tất cuộc ly dị với Liên Âu, thì lục địa châu Âu đón nhận những vị khách đáng sợ từ nước Anh, những vị khách không mời mà đến: virus Covid-19 biến thể, với tên gọi chính thức VOC 202012/01.  

Ám ảnh nước Ý « vỡ trận »

Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Liên Âu (ECDC) ghi nhận biến thể Covid từ Anh có tốc độ lây lan nhanh hơn so với loài virus Covid thông thường hiện nay. Một số chuyên gia y tế Pháp so sánh tình thế hiện nay giống như giai đoạn cách nay một năm tại châu Âu. Vào thời điểm đó, tiếp sau nước Ý « vỡ trận », Pháp và nhiều quốc gia châu Âu khác lâm vào tình trạng nguy ngập, buộc phải ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc, để giảm áp lực cho hệ thống bệnh viện, bên bờ vực quá tải.  

Mùa thu năm ngoái, cùng với nhiều nước châu Âu, Pháp đã phải phong tỏa toàn quốc lần thứ hai, bắt đầu từ cuối tháng 10. Lệnh phong tỏa được dỡ bỏ kể từ giữa tháng 12, và thay thế bằng lệnh giới nghiêm vào buổi tối từ 20 giờ. Trước nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại, chính phủ đã cho thiết lập giới nghiêm ngay từ 18 giờ với hơn 20 tỉnh. Nhiều chuyên gia nói đến viễn cảnh phong tỏa toàn quốc lần thứ ba. Với châu Âu giờ đây, nước Anh có thể giống như nước Ý thời gian đầu đại dịch. 

Nếu như diễn biến của dịch bệnh Covid vốn đã là điều không dễ dự đoán, thì sự xâm nhập mới của biến thể virus từ Anh, với độ lây lan được cho là mạnh hơn nhiều, lại càng khiến tương lai dịch bệnh trở nên bất định hơn. Về mặt tiêm chủng, trong những tuần tới, nước Pháp mới chỉ có khả năng chích ngừa cho khoảng một triệu cư dân, hoàn toàn không đủ để tạo miễn dịch cộng đồng. Biến thể virus từ Anh rất có thể sẽ là tác nhân cho một « đỉnh dịch » mới, một « đợt dịch » mới trong đại dịch Covid đang diễn ra, như cảnh báo của giáo sư Arnaud Fontanet, nhà dịch tễ học Viện Pasteur, thành viên Hội đồng Khoa học quốc gia về Covid-19, hôm 11/01/2021.

Đợt khảo sát đầu tiên về biến thể virus Anh

Từ mươi hôm nay, báo chí Pháp nói đến « cuộc chạy đua với thời gian » để chống lại biến thể virus mới. Tuy nhiên, để đối phó hiệu quả, điều đầu tiên là phải nhận diện được « địch thủ ». Bộ Y Tế Pháp vừa có đợt khảo sát đầu tiên về thực trạng lây nhiễm của virus biến thể Anh quốc tại Pháp (trên tổng số 40.000 mẫu dương tính với Covid). Kết quả dự kiến sẽ được công bố vào ngày thứ Năm 14/01/2021. Theo kết quả sơ bộ hôm 11/01, khoảng 1% số xét nghiệm dương tính là do biến thể virus Anh (thông báo của bộ trưởng Y Tế Olivier Veran trước Thượng Viện hôm qua, 12/01).

Trả lời đài RTL, bà Anne-Claude Crémieux, giáo sư về các bệnh truyền nhiễm bệnh viện Saint-Louis, Paris, nhận xét : « nếu mới chỉ có từ 1% đến 2% người nhiễm mang virus biến thể này, thì chúng ta còn có nhiều thời gian hơn một chút. Ngược lại, nếu tỉ lệ này đã là 10 đến 20%, thì tình hình tương tự như nước Anh sẽ đến trong những ngày tới ». Nước Anh hiện đang phải đương đầu với khoảng từ 50 đến 60 nghìn ca nhiễm và hơn 1.000 ca tử vong mỗi ngày.

Về virus biến thể Anh Quốc và nguy cơ làn sóng dịch thứ ba, RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với bác sĩ Đinh Xuân Anh Tuấn, chuyên gia về các bệnh đường hô hấp, bệnh viện Cochin (Paris).  Mời quý vị theo dõi cuộc phỏng vấn.

RFI : Virus biến thể Anh du nhập vào Pháp có đáng sợ ?

Bác sĩ Đinh Xuân Anh TuấnTrước khi trả lời câu hỏi này, xin được nói ngắn gọn là việc xuất hiện các biến thể với virus, như con virus SARS-CoV-2, là chuyện rất bình thường. Một con virus khi cần sinh sôi nẩy nở thì phải sao chép lại bộ gien, và khi sao chép lại bộ gien, thì rất nhiều khi sao chép không đúng, dẫn đến bộ gien tương đối khác. Quay lại trường hợp biến thể virus SARS-CoV-2 từ Anh, có hai điều lạ. Điều thứ nhất là, mỗi khi virus biến đổi thường chỉ thay đổi một phần thôi. Kỳ này, không những là một sự thay đổi mà có đến hơn mười sự thay đổi, khiến các nhà khoa học đang băn khoăn, không biết là các biến đổi nhiều như thế cùng một lúc thể hiện cho điều gì. Điều thứ hai, cho đến nay, chúng ta biết rằng biến thể này, với tất cả những sự thay đổi đó, nó dễ lây lan từ người này qua người khác hơn.

RFI : Biến đổi theo hướng như vậy thì phải chăng là đáng lo ngại, vì số lượng người chết, người bị ảnh hưởng nặng do virus tăng mạnh, cho dù virus này có thể được coi là không gây nguy hiểm nhiều hơn cho con người so với loài virus hiện nay ?

Bác sĩ Đinh Xuân Anh Tuấn : Hoàn toàn chính xác là như vậy !.

RFI : Tại Pháp, tại châu Âu, việc theo dõi diễn biến của dịch bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra với biến thể virus mới từ Anh ra sao ?

Bác sĩ Đinh Xuân Anh Tuấn : Thực ra, nước Pháp và các nước châu Âu nói chung, trong thời gian vừa qua đã phải đương đầu với một loại virus vô tiền khoáng hậu. Chưa bao giờ có một loại virus có mức độ lây lan nhanh, dễ dàng như virus này. Chưa bao giờ có một loại virus lại lây lan một cách âm thầm như vậy. Hiện tại, riêng về biến thể mới này hiện chưa có nghiên cứu cơ bản nào tại châu Âu lục dịa. Cái con số mức độ lây lan 50 đến 70% là dựa trên nghiên cứu dịch tễ học, chứ không phải dựa trên nghiên cứu về tế bào học và phân tử học. Con số nêu trên vẫn là giả thuyết. Mặc dù sự lây lan tăng là điều chắc chắn, nhưng tăng ở mức độ nào, thì hiện tại vẫn chưa có khả năng nói một cách chính xác. Chính vì thế, mà chính phủ ở bên Anh, cũng như tại các quốc gia châu Âu, cũng như nhiều nước khác, mới đưa ra các biện pháp như là giới nghiêm, như là yêu cầu không ra đường để tránh sự lây lan..., cho đến khi mà các nhà khoa học có được những câu trả lời chính xác, về khả năng lây lan, về khả năng gây ra các trạng thái bệnh nặng và về khả năng kháng các loại thuốc tiêm ngừa.

RFI : Vì sao việc thực hành nghiêm túc các quy định về giãn cách, cách ly, các biện pháp phòng dịch nói chung sẽ không chỉ giúp cho việc ngăn chặn đà lây nhiễm của dịch bệnh trước mắt, mà còn có thể giúp cho việc ngăn ngừa sự phát triển của các biến thể virus đáng sợ, như biến thể từ Anh quốc ?

Bác sĩ Đinh Xuân Anh Tuấn : Virus SARS-CoV-2 này có khả năng xâm nhập vào các tế bào của chúng ta, vì trong bộ gien của virus này có khả năng tổng hợp ra một chiếc « chìa khóa », mà hiện nay, nhiều người biết đến gọi là protein S, S tức viết tắt của Spike. Nó giống như một cái kim, có thể được sử dụng như một chiếc chìa để mở khóa. Rất không may là tất cả các tế bào của cơ thể chúng ta có cái ổ khóa đó, có tên gọi là ACE2 (thụ thể ACE2). Protein Spike này không những có khả năng đi vào ổ khóa ACE-2, mà cùng một lúc nó có thể huy động một số các « đồng lõa », tức các chất men khác có trong chính tế bào của chúng ta, khiến cho protein Spike tăng hiệu quả hoạt động.

Đầu năm 2021 này, và có thể suốt trong năm nay, các nghiên cứu về y khoa sẽ phải chú trọng vào sự biến hóa của các protein Spike. Bởi vì ức chế protein Spike thì rất dễ. Hai loại vac-xin mà chúng ta đã có ở bên Pháp, của Moderna và Pfizer, có khả năng ức chế đó rồi. Nhưng biến thể ở Anh và ở bên Nam Phi, đang làm biến đổi protein Spike ở virus SARS-CoV-2 và tăng khả năng thâm nhập của protein này vào tế bào.

Nghiên cứu hiện nay phải hướng đến chỗ tiên đoán trước được, nếu protein này biến dạng, và có khả năng siêu việt hơn nữa, thì chúng ta cần phải làm gì. Cái protein Spike chỉ có thể biến đổi, tăng khả năng tấn công vào tế bào chúng ta, một khi có những cơ thể con người, nơi protein Spike được dung dưỡng trong một thời gian đủ lâu, mà không được phát hiện ra. Bối cảnh này giúp protein Spike này có thể dùng chính các khả năng của tế bào con người, để tăng hiệu quả trong hoạt động.

Tóm lại là, chúng ta phải làm đủ mọi cách, để ngăn ngừa sự lây lan. Một khi, người đã bị lây nhiễm rồi, thì chúng ta phải làm đủ mọi cách để tiêu trừ virus càng sớm càng tốt. Bởi vì, nói một cách hình ảnh, nếu một virus ở trong cơ thể người bệnh một tuần, thì các khả năng của nó tương đối ít, nhưng nếu là ba tháng thì các khả năng hoạt động sẽ lên rất cao. Tức là phải rút ngắn thời gian virus có mặt trong cơ thể, thời gian giúp cho con virus sử dụng chính các phương tiện trong cơ thể chúng ta để phát triển các năng lực của chúng.

***

Vệ sinh, giãn cách phòng dịch: Nỗ lực thầm lặng đẩy lùi loài virus âm thầm

Biến thể virus từ Anh quốc làm tăng nguy cơ đại dịch Covid-19 bùng phát một lần thứ ba tại Pháp và châu Âu. Việc đẩy lùi nguy cơ dịch bùng lên một lần nữa lẽ dĩ nhiên phụ thuộc một phần vào các chính sách đúng từ phía chính quyền, vào khả năng nhận dạng chính xác thực trạng lan truyền của dịch bệnh, của các biến thể mới, cho phép khoanh vùng, xác định ổ dịch, vùng dịch, để có biện pháp ngăn chặn phù hợp, tức thời, có trọng điểm. Điều này hiển nhiên đòi hỏi nhiều phương tiện kỹ thuật y sinh học tân tiến, tốn kém, như công nghệ giải trình tự gien...

Tuy nhiên, để ngăn chặn đại dịch do loài virus - nổi tiếng là có khả năng lan tỏa âm thầm này gây ra -, phần quyết định có lẽ vẫn là nỗ lực thầm lặng của đông đảo người dân, có hiểu biết, có trách nhiệm, nghiêm túc tuân thủ các quy định giãn cách, vệ sinh phòng dịch, để không tạo môi trường cho virus sinh sôi nẩy nở, có điều kiện biến đổi, cải thiện khả năng hoạt động của chúng, để trở nên dễ lây lan hơn, tai ác hơn với con người.  

Biến thể virus Covid từ Anh: Pháp có tránh được làn sóng đại dịch thứ ba? - Tạp chí xã hội (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten