maandag 18 januari 2021

Nhà đối lập Nga Alexei Navalny bị bắt ngay khi trở về Matxcova + Phản gián Nga FSB bị chỉ mặt đầu độc Alexei Navalny

 

Nhà đối lập Nga Alexei Navalny bị bắt ngay khi trở về Matxcova

Nhà đối lập Alexei Navalny (áo xanh) vừa nhập cảnh, trước khi ông bị an ninh đưa ra khỏi sân bay Sheremetyevo, Matxcơva, Nga, ngày 17/01/2021.
Nhà đối lập Alexei Navalny (áo xanh) vừa nhập cảnh, trước khi ông bị an ninh đưa ra khỏi sân bay Sheremetyevo, Matxcơva, Nga, ngày 17/01/2021. REUTERS - REUTERS TV
Anh Vũ
3 phút

Nhà hoạt động đối lập Nga Alexei Navalny, hôm qua 17/01/2021 đã bị bắt giữa ngay tại sân bay ở Matxcơva sau khi trở về nước trên chuyên bay từ Berlin, nơi ông điều trị bị trúng độc trong 5 tháng qua. Pháp, Hoa Kỳ cũng như Liên Hiệp Châu Âu đã kêu gọi «  trả tự do ngay lập tức » cho nhà đối lập.

Thông tín viên Daniel Vallot, tại Matxcơva:

Alexei Navalny đã biết trước khi từ Berlin trở về Matxcơva, ông sẽ sớm bị bắt giữ. Cơ quan quản lý trại giam của Nga từ tháng trước đã báo trước điều đó, thế nhưng nhà đối lập đã không từ bỏ ý định trở về nước.

Hãy nghe những tuyên bố mới nhất của ông ngày hôm qua tại sân bay Cheremetievo ngay trước khi bị bắt: « Tất cả các vụ án hình sự nhắm vào tôi đều là những vụ việc dàn dựng hoàn toàn. Công lý và sự thật đứng về phía tôi. Tôi không sợ gì và tôi xin nhắc lại là tôi không sợ ».

Ông sẽ bị tạm giam đến ngày 29 tháng Giêng, thời điểm đã được tư pháp Nga ấn định đưa ông ra tòa. Nhà đối lập Nga bị cáo buộc không tôn trọng các điều kiện kiểm soát tư pháp trong thời gian thử thách, trong khi mà ông đang ở Đức để chữa trị. Navalny có thể bị kết án nhiều năm tù.

 Dường như chính quyền Nga quyết tâm cách ly lâu dài nhà đối lập với bên ngoài xã hội cho dù ở trong nước họ đang muốn giảm thiểu tác động của vụ việc. Nghịch lý này được minh họa qua phát biểu của phát ngôn viên điện Kremlin Dmitri Peskov ngày hôm qua khi ông khẳng định không biết việc Alexei Navalny bị bắt giữ.

Chuyến bay của Alexei Navalny từ Berlin về Matxcơva theo lịch trình sẽ hạ cánh xuống sân bay Vnoukovo nhưng cuối cùng đã được chuyển hướng sang sân bay Cheremetievo, với lý do thời tiết nhưng thực chất là để đánh lạc hướng người ủng hộ tập trung đông đón nhà đối lập.

Trên chuyến bay về nước đó, đi cùng Alexei navalny có rất đông các nhà báo. Thông tin ông bị bắt giữ đã loan đi nhanh chóng. Bộ Ngoại giao Pháp, Cố vấn an ninh của chính quyền Biden sắp tơi và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu ngay lập tức phản ứng, coi vụ bắt giữ nhà đối lập là « không thể chấp nhận » đồng thời yêu câu trả tự do ngay lập tức cho Alexei Navalny.

Nhà đối lập Nga Alexei Navalny bị bắt ngay khi trở về Matxcova (rfi.fr)

Phản gián Nga FSB bị chỉ mặt đầu độc Alexei Navalny

Nhà đối lập Nga Navalny (T) và tổng thống Vladimir Putin. Ảnh ghép của AFP.
Nhà đối lập Nga Navalny (T) và tổng thống Vladimir Putin. Ảnh ghép của AFP. AFP
Anh Vũ
10 phút

Tổng thống Pháp thông báo từ nay đến cuối nhiệm kỳ sẽ tổ chức trưng cầu dân ý việc đưa nội dung bảo vệ môi trường vào một điều khoản Hiến Pháp. Tại Mỹ, Joe Biden tiến thêm một bước đến gần Nhà Trắng sau khi các đại cử tri bỏ phiếu xác nhận ông đắc cử tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ và đặc biệt, những thông tin mới về vụ đầu độc nhà đối lập Nga Alexei Navalny… Đó là những thời sự chính được các báo Pháp ngày 16/12/2020 khai thác nhiều.

https://mail.francemm.com/owa/14.3.487.0/themes/resources/clear1x1.gifCó lẽ thời sự thu hút sự quan tâm của giới chính trị nhiều hơn dân chúng Pháp là đầu tuần, tổng thống Pháp Emmanuel Macron bất ngờ thông báo sẽ cho trưng cầu dân ý sửa đổi điều 1 của Hiến Pháp, đưa vào nội dung « Cộng Hòa (Pháp) bảo đảm việc gìn giữ đa dạng sinh học, môi trường và đấu tranh chống suy thoái khí hậu ». Ngay lập tức vấn đề đã gây tranh cãi trong nhiều giới của xã hội Pháp. Le Monde nhận định : « Một cuộc trưng cầu dân ý và những biện pháp hạn chế » và dự định lớn của tổng thống mang tính biểu tượng nhiều hơn hiệu quả.

Le Figaro chạy tựa chính trang nhất « Sinh thái : hoài nghi về cuộc trưng cầu dân ý của Macron ». Tờ báo cho biết, ngay sau ngày tổng thống thông báo, các đảng phái chính trị đã tỏ dè dặt hoài nghi kể cả đảng môi sinh. Nhiều nhà quan sát cho rằng dự án của Macron chỉ mang tính chất truyền thông, chuẩn bị phục vụ cho chương trình tranh cử tổng thống trong năm tới. Nước Pháp đã có không ít luật bảo vệ môi trường nhưng việc áp dụng vẫn còn hạn chế, đưa thêm một nội dung tương tự vào Hiến Pháp cũng không mang lại gì mới mẻ hơn.

Vụ Navalny : Báo chí điều tra chỉ mặt FSB đầu độc nhà đối lập

Các báo Pháp chú ý nhiều đến nước Nga với thông tin nóng liên quan đến vụ đầu độc nhà đối lập Alexei Navalny cách đây vài tháng khiến dư luận báo chí quốc tế tốn không ít giấy mực

Vụ việc trở lại khi hôm thứ Hai tuần này (14/12), trang mạng Bellingcat đăng tải cuộc điều tra quốc tế của các báo The Insider, một trang mạng điều tra độc lập của Nga, Der Spiegel (Đức), El Pais (Tây Ban Nha) và CNN (Mỹ). Cuộc điều tra của các nhà báo tố cáo một nhóm các nhân viên tình báo Nga, gồm những chuyên gia về hóa học đã theo dõi, giám sát từng bước đi của nhà hoạt động đối lập Alexei Navalny từ năm 2017. Le Monde cho biết, cuộc điều tra đã xác định cụ thể được 15 nhân viên cơ quan phản gián Nga FSB bị nghi ngờ tham gia trực tiếp vào vụ đầu độc nhà đối lập.

Thông tin đặc biệt thu hút sự chu ý của dư luận khi cũng ngày thứ Hai, Alexei Navalny xuất hiện trên Youtube tuyên bố: « Tôi biết ai đã muốn giết tôi. Tôi biết họ là ai, làm việc ở đâu, tôi biết rõ danh tính thực của họ, biệt danh của họ và tôi có ảnh của họ ». Video của nhà đối lập đã thu hút hơn 6 triệu lượt người xem trong 1 ngày.

Trong bài viết : « Cái bóng của FSB sau vụ Navalny », Le Figaro cho biết các thông tin điều tra cực kỳ cụ thể giống như một câu chuyện trinh thám nhưng không có hư cấu, tưởng tượng : « 8 người đàn ông, đều là các nhân viên FSB với tên tuổi và hình ảnh, địa chỉ cụ thể được công bố. Những người này đã bám theo Navalny trong 37 chuyến đi lại từ năm 2017, cho đến tận Tomsk, nơi nhà đối lập lưu lại trước khi lấy máy bay về Matxcơva, để rồi bị trúng độc trên chuyến bay hôm 20/08 vừa rồi ».

Theo điều tra của các nhà báo quốc tế nói trên, trong nhóm nhân viên mật vụ này có các bác sĩ, quân nhân thuộc lực lượng đặc biệt và các chuyên gia về hóa chất. Chỉ huy nhóm là đại tá Stanislav Makskhakov, một nhà khoa học của quân đội Nga, từng làm việc tại một đơn vị bí mật được cho là nơi điều chế chất độc thần kinh Novichok, hóa chất đã được xác định sử dụng đầu độc Navalny.

Một chi tiết khác được Le Figaro trích dẫn từ báo cáo là trong số 8 nhân viên can dự, có một người ở cùng khu nhà với Navalny. Ngay hôm nhà đối lập Nga bị đầu độc, ông này đã chuyển nhà đến số 1 phố Loubianka… trụ sở của FSB.

Tuy nhiên, các điều tra của báo chí không cho thấy bất kỳ tiếp xúc trực tiếp nào giữa các nhân viên mật vụ tình nghi với nhà đối lập cũng như không có bằng chứng nào về hành động đầu độc của nhóm người trên. Nhưng theo trang Bellingcat, « những nhân viên trên có mặt tiếp cận xung quanh nhà đối lập trong những giờ và ngày Navalny bị đầu độc bằng vũ khí hóa học quân sự .»

Cuộc điều tra chỉ ra nhóm của FSB có mặt tại Tomsk, đến hiện trường trước khi Navalny đặt vé máy bay trở về Matxcova, ngày 21/8, tức là một ngày sau khi ông bị đầu độc.

Đến giờ tại Nga chưa hề có một cuộc điều tra hình sự chính thức nào về vụ Navalny vì chính quyền vẫn cho rằng thiếu các bằng chứng. Ngoại giao Nga nhiều lần tố cáo các nước châu Âu không muốn chuyển cho Nga những dữ liệu y tế của Alexei Navalny. Theo kết luận của các phòng thí nghiệm của ba nước châu Âu trong đó có Pháp và Đức, nhà đối lập Nga bị đầu độc bằng chất độc Novichok.

Nga đến giờ không có phản ứng chính thức nào về cuộc điều tra báo chí nói trên. Nhưng chắc chắn tổng thống Valdimir Putin sẽ được hỏi về chủ đề này trong cuộc họp báo hàng năm vào ngày mai (17/12) tại Matxcova.

Hiện tại Alexei Navalny vẫn lưu lại tại Berlin sau khi được các bác sĩ Đức cứu sống. Ông đã bình phục và chờ ý kiến của bác sĩ để trở về Nga tiếp tục cuộc đấu tranh đang theo đuổi. Nhưng theo giới quan sát, nếu trở về Nga, ông sẽ phải vào tù hoặc kết cục còn tồi tệ hơn thế.

Thụy Điển tái vũ trang sợ mối đe dọa từ Nga

Một bài viết khác trên Le Figaro liên quan đến Nga nhưng từ nước láng giềng Thụy Điển, mang tiêu đề : « Thụy Điển tái vũ trang trước đe dọa của Nga ».

Bài phóng sự dài của Le Figaro cho thấy, vương quốc Thụy Điển, vốn là vùng đất Bắc Âu bình yên, hôm qua (15/12) đã thông qua ngân sách quân sự tăng chưa từng có : từ 6 lên 9 tỷ euro trong 5 năm tới. Lý do là để Thụy Điển có thể đối phó với những vụ xâm nhập vùng biển từ nước láng giềng lớn là Nga. Bộ trưởng Quốc Phòng Thụy Điển trả lời Figaro : « Trong vòng vài năm, người ta đã chứng kiến Nga xâm lược Gruzia, sáp nhập Crimée, xung đột vẫn diễn ra ở Ukraina, hoạt động quân sự của Nga gia tăng xung quanh nước chúng tôi, vì thế chúng tôi phải nâng cấp lực lượng quân sự ».

Từ nay đến năm 2025, quân đội Thụy Điển sẽ được trang bị thêm nhiều tàu chiến có hệ thống phòng không, nâng cấp kho tên lửa, mua thêm tàu ngầm, tăng quân số thêm 1/3. Cần phải nói thêm là từ hơn hai thế kỷ nay, Thụy Điển chưa hề biết đến chiến tranh và nước phương Tây này đến giờ cũng không tham gia liên minh NATO.

Trung Quốc chiếm hơn nửa số camera an ninh của thế giới

Chuyển qua Les Echos, nhật báo có bài phóng sự dài về Trung Quốc, nơi hệ thống camera giám sát dân mang tên Big Brother được phát triển rộng khắp đang gây khó chịu cho người dân.

Les Echos cho biết, các camera nhận diện giờ len lỏi khắp nơi trong đời sống của người dân Trung Quốc. Giờ đây người dân bắt đầu lo ngại, nhiều địa phương bắt đầu có phản ứng. Dù giám sát dân là việc làm dễ hiểu quen thuộc với chế độ toàn trị nhưng chính quyền Bắc Kinh cũng đang chuẩn bị một bộ luật để bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Với lý do phòng chống tội phạm và khủng bố, hệ thống camera theo dõi mọc lên như nấm ở khắp Trung Quốc thời gian qua. Theo Les Echos, năm 2018, nước này có 350 triệu camera được lắp đặt, con số này sẽ được nâng lên thành 560 triệu trong năm tới. Trong số 20 thành phố được giám sát chặt chẽ nhất thế giới thì Trung Quốc có tới 18 thành phố. Riêng thủ đô Bắc Kinh có tới 1 triệu camera theo dõi. Tuy nhiên, nếu tính theo tỷ lệ đầu người thì Bắc Kinh vẫn còn thấp hơn Luân Đôn của Anh với 67 camera cho 1000 dân, con số này của Bắc Kinh là 56 camera. 

Các camera nhận diện ngày càng được hiện đại hóa do chính quyền Bắc Kinh rất chú ý tập trung đầu tư trong lĩnh vực chạy đua về trí thông minh nhân tạo với thế giới. Ở Trung Quốc, giờ đây, ở đâu người ta cũng có thể lắp camera theo dõi, khiến cho một bộ phận dân chúng bắt đầu lo lắng cuộc sống của họ bị giám sát, các dữ liệu đời tư của họ bị lợi dụng…

Một vấn để khác của các camera nhận diện còn liên quan đến nhân quyền, khi mà gần đây các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế lên tiếng tố cáo hàng nghìn người thiểu số Hồi Giáo tại Tân Cương bị bắt giữ do bị các camera có phần mềm « thông minh » báo động hành vi đang ngờ.

Phản gián Nga FSB bị chỉ mặt đầu độc Alexei Navalny (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten