Covid-19: Nỗ lực quốc tế hướng đến tiêm chủng toàn cầu và các trở lực
Đăng ngày:
Hơn một năm sau khi dịch Covid-19 bùng lên tại Vũ Hán, Trung Quốc, thế giới vẫn tiếp tục phải đương đầu với virus corona Sars-CoV-2. Nhiều biến thể virus mới nguy hiểm hơn xuất hiện tại khắp các châu lục khiến viễn cảnh dịch bệnh càng khó lường. Làm thế nào để ngăn dịch hiệu quả ? Tiêm chủng đại trà trên quy mô toàn cầu dường như ngày càng trở nên giải pháp không tránh khỏi. Quốc tế đã có nỗ lực nào hướng đến mục tiêu này và đâu là các trở lực ?Nỗ lực đẩy nhanh tiêm chủng toàn cầu
Trước hết, về ý nghĩa của việc tiêm chủng toàn cầu, bác sĩ Đinh Xuân Anh Tuấn, giáo sư Y khoa Đại học Paris V, nhận định: « Ngày hôm nay, chúng ta biết với sự toàn cầu hóa. Đi lại là một chuyện rất quan trọng. Thành ra nếu chúng ta có chiến dịch tiêm chủng hữu hiệu nơi một quốc gia, thì cũng chỉ có thể giải quyết được vấn đề tại một địa phương thôi, cho dù địa phương đó ở tầm cỡ một lục địa. Trong khi đó, chúng ta biết rõ là nếu muốn diệt được con virus này, hoặc kiểm soát ở mức độ nào đó, thì chúng ta phải có được miễn dịch tập thể, không những tại một quốc gia, không những tại một lục địa mà trên cả toàn cầu. Nói một cách khác, dân cư trên toàn cầu này đến lúc nào đó phải được tiêm chủng, giống như ở các nước giàu ».
Tiêm chủng toàn cầu không những cần thiết mà cần phải được đẩy nhanh, trong bối cảnh đại dịch lan rộng. Trên thực tế, vấn đề tiêm chủng toàn cầu, đặc biệt chú trọng đến các nước quốc gia nghèo, không có điều kiện về tài chính và công nghệ để tiếp cận vac-xin, đã được thúc đẩy ngay từ khi đại dịch bùng phát tại châu Âu và Bắc Mỹ tháng 3/2020, với lời kêu gọi của các lãnh đạo nhóm G20. Tháng 4/2020, sáng kiến thúc đẩy các biện pháp chống dịch Covid-19 (bao gồm việc chế tạo vac-xin, xét nghiệm – chẩn đoán và điều trị), gọi tắt là ACT- Accelerator đã ra đời, nhờ sự phối hợp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Ủy Ban Châu Âu, chính quyền Pháp và Quỹ của hai vợ chồng tỉ phú Bille Gates (ACT là tên gọi tắt của Accelerator funding commitment tracker for details).
Cơ chế Covax là vế vac-xin của sáng kiến ACT có mục tiêu phối hợp với các đối tác, là các nhà bào chế vac-xin ở các nước phát triển và đang phát triển, cũng như chính quyền các nước, để vac-xin phòng Covid-19 đến được với tất cả các quốc gia, bất kể thu nhập cao, hay thu nhập thấp. Cơ chế Covax do ba tổ chức điều phối. Tổng cộng 190 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia vào cơ chế này.
Cơ chế Covax với ba tổ chức điều phối chính
CEPI – liên minh đối phó với dịch bệnh, thành lập bên lề thượng đỉnh Davos 2017 - phụ trách các dự án nghiên cứu, phát triển và sản xuất vac-xin. Trước mắt dưới sự chủ trì của CEPI, dự kiến cho đến cuối 2021, Covax sẽ có khoảng 2 tỉ liều vac-xin để phân phối. CEPI cũng có trách nhiệm đầu tư cho các vac-xin phòng Covid « thế hệ mới », để chuẩn bị đối phó với dịch Covid-19 trong tương lai.
Liên minh Gavi (Global Alliance for Vaccines and Immunization) điều phối việc mua và cung cấp vac-xin, với sự phối hợp của UNICEF và một số định chế quốc tế khác. Một nhiệm vụ hàng đầu của Gavi là bảo đảm cho 92 quốc gia thu nhập thấp hoặc trung bình, có điều kiện có được các vac-xin an toàn, hiệu quả, dựa trên tài trợ của các mạnh thường quân.
Tổ chức Y tế Thế giới đảm nhiệm hàng loạt vai trò, như xác lập các định hướng trong lĩnh vực nghiên cứu – phát triển vac-xin, tiêm chủng. WHO cũng có sứ mạng xác nhận cho sử dụng khẩn cấp các vac-xin (theo thể thức EUL), để kịp thời cho phép sản xuất, phân phối và sử dụng vac-xin tại các quốc gia không có đủ điều kiện tự thẩm định chất lượng vac-xin.
Ngày 22/01/2021, tức hơn nửa năm sau khi Covax ra mắt, Tổ chức Y tế Thế giới ra thông cáo báo chí khẳng định : Cơ chế này đang trên đường tiến đến mục tiêu cung cấp ít nhất 2 tỉ liều vac-xin, trong đó có 1,3 tỉ liều cho 92 quốc gia và vùng lãnh thổ, có thu nhập thấp. Cũng trong thông báo này, WHO thông báo hợp đồng mua trước vac-xin đầu tiên theo cơ chế Covax, 40 triệu liều vac-xin liên doanh Mỹ, Đức Pfizer – BioNTech (đã được WHO cấp phép khẩn cấp) và gần 150 triệu liều vac-xin Anh AstraZeneca/Oxford (đang chờ cấp phép khẩn cấp). Trước đó, trợ lý dược phẩm của WHO dự kiến sẽ sớm triển khai ngay trong quý một nhiều vac-xin, và cho biết tổng cộng có 13 vac-xin đang được xem xét cấp phép khẩn cấp.
Lo ngại nước giàu độc quyền vac-xin
Tuy nhiên, phát biểu mang tính lạc quan nói trên của WHO dường như không khớp với thái độ hoài nghi cao độ của nhiều hiệp hội và định chế quốc tế khác. Ngày 12/01/2021, tổ chức bảo vệ nhân quyền Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International), trong bài viết mang tựa đề « Vac-xin chống Covid. Sáu điều cần biết về các quyền của chúng ta », nhấn mạnh đến nguy cơ 72 quốc gia nghèo sẽ không có điều kiện tiếp cận với vac-xin, trong lúc các nước giàu dự kiến sẽ tăng cường mua vac-xin để tích trữ, với số lượng đủ dùng cho gấp 3 lần dân số, trước cuối năm 2021. Một trong các ví dụ tiêu biểu là Canada đặt mua số lượng đủ dùng cho gấp 5 lần dân số hiện nay. Tháng 12/2020, Ân Xá Quốc Tế nằm trong liên minh vac-xin cho tất cả (People’s Vaccine Alliance), gồm các tổ chức như Oxfam hay Frontline AIDS, đã ra lời cảnh báo, sẽ chỉ gần 1/10 dân số 72 nước nghèo được tiêm chủng trong năm nay, nếu cơ chế Covax không được đẩy nhanh.
Nguy cơ vac-xin không sớm đến với các quốc gia nghèo không chỉ là nỗi lo của các tổ chức bảo vệ nhân quyền. Đặc biệt đáng chú ý là phản ứng từ phía Phòng Thương mại Quốc tế ICC, một tổ chức đại diện cho giới doanh nhân thế giới. Hôm 25/01 vừa qua, ICC công bố một báo cáo điều tra dự báo, nếu các quốc gia giàu kiên quyết giành giật vac-xin, thì tổn hại cho nền kinh tế toàn cầu, do không có đủ vac-xin để đẩy lùi đại dịch, ước tính sẽ có thể lên đến 9.000 tỉ đô la. Một nửa số thiệt hại đó các nước giàu phải gánh chịu, do sự phụ thuộc lẫn nhau của các nền kinh tế (thiệt hại sẽ là từ hơn 200 đến 5.000 tỉ đô la).
Bỏ thêm 27 tỉ đô la để tránh thiệt hại 9.000 tỉ đô la: Tưởng dễ mà khó
Phòng Thương mại Quốc tế ICC khẳng định ủng hộ cơ chế Covax, do Tổ chức Y tế Thế giới điều phối, và sáng kiến ACT nói chung, cho phép huy động đủ số lượng các phương tiện xét nghiệm, điều trị và vac-xin, với tổng trị giá 38 tỉ đô la. ICC nhấn mạnh là hiện ngân sách này vẫn còn thiếu đến 27 tỉ đô la. 27 tỉ đô la để tránh cho thiệt hại có thể lên đến 9.000 tỉ. Nghiên cứu nói trên của ICC Research Foundation được coi là khảo sát đầu tiên, toàn diện nhất cho đến nay, về hậu quả của việc vac-xin không được phổ biến toàn cầu.
Cách đây ít hôm, ngày 18/01, trong một phiên họp tại Genève, tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, cũng hé lộ nguy cơ thất bại của cơ chế Covax, khi khẳng định « thế giới đang trên bờ của một sự sụp đổ đạo lý kinh hoàng », và cái giá phải trả của sự thất bại này sẽ là rất nhiều mạng sống tại các quốc gia nghèo nhất hành tinh, trong bối cảnh 90% liều vac-xin đã được chính ngừa tập trung vào 11 quốc gia. Trong phát biểu nói trên, lãnh đạo WHO cũng hé mở một lý do có nguy cơ dẫn đến thất bại là nhiều hãng sản xuất vac-xin tìm kiếm các hợp đồng song phương với các nước giàu, hơn là chấp nhận « cung cấp dữ liệu cho Tổ chức Y tế Thế giới », để tham gia vào cơ chế Covax.
Tạm gác bản quyền sở hữu trí tuệ : vấn đề tranh cãi
Về vấn đề này, bác sĩ Đinh Xuân Anh Tuấn nhận định : « Ngày hôm nay, chúng ta đã có những vac-xin mà chúng ta biết có hiệu quả đến trên dưới 90%. Đó là hai vac-xin của Pfizer/BioNTech và Moderna. Tại sao chúng ta không dùng hai vac-xin đó để đưa đến cho các nước trên thế giới mà chỉ dành cho các nước châu Âu và Bắc Mỹ. Nguyên nhân là hai thuốc này rất đắt và không thuộc về một chính phủ nào cả. Và một khi mà một hãng bào chế đã tìm ra một thuốc, bất kỳ loại nào, chứ không chỉ vac-xin, thì họ sẽ được hưởng cơ chế gọi là sở hữu trí tuệ. Nói một cách khác, cái khó là tìm ra được vac-xin. Một khi có được vac-xin rồi, thì tất cả các phòng nghiên cứu đủ trình độ trên thế giới, đều có khả năng phân tích cơ chế phân tử, thành phần vac-xin. Và từ đó có thể bắt chước một cách tương đối không khó khăn. Nhưng bởi có luật bảo vệ sở hữu trí tuệ trong vòng 10 năm, nên một hãng dược, một khi đã tìm ra một loại thuốc nào đó, thì sẽ được độc quyền sản xuất và bán thuốc đó. Ngày hôm nay, nếu chúng ta có thể yêu cầu các hãng dược tạm gác qua một bên vấn đề độc quyền sở hữu trí tuệ, thì có thể rất nhiều các quốc gia, nhất là Ấn Độ hay vùng Đông Nam Á có khả năng bào chế các vac-xin đó, nhưng việc đó rất là phức tạp và chưa chắc chúng ta đã đạt được ngay ».
Tranh cãi về vấn đề bản quyền sở hữu trí tuệ vac-xin được coi một vấn đề trung tâm hiện nay. Nam Phi và Ấn Độ đứng đầu nhóm các quốc gia yêu cầu « đình hoãn » một số điều khoản liên quan đến sở hữu trí tuệ với vac-xin, để tạo điều kiện cho cơ chế thúc đẩy tiêm chủng toàn cầu Covax. Vấn đề đã được đưa ra thảo luận nhiều lần tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong hai tháng 11 và 12/2020, nhưng dường như cho đến nay hồ sơ này chưa có dấu hiệu được khai thông.
Đòi hỏi minh bạch việc thực thi cơ chế Covax
Điểm thuận lợi và cũng là điểm đặc biệt của vấn đề vac-xin trong dịch bệnh lần này là, đối diện với một đại dịch được coi là vô tiền khoáng hậu, vac-xin cũng được phát triển với tốc độ có thể coi là thần tốc. Khoảng 20 vac-xin đã được phát triển đến giai đoạn 3, chỉ trong thời gian chưa đầy một năm, trong đó có một số vac-xin được cấp phép tại một số quốc gia. Khoảng 20 vac-xin đang trong giai đoạn thử nghiệm 1 và 2. Việc nhiều vac-xin phát triển với tốc độ thần tốc mang lại hy vọng tiêm chủng vac-xin đại trà trên toàn cầu, như kỳ vọng được đề ra trong dự án Covax. Tuy nhiên, tình trạng dịch bệnh diễn biến hết sức khó lường hiện nay, đặc biệt tại các nước phát triển, do sự xuất hiện các biến thể nguy hiểm mới, là một nguyên nhân chủ yếu khiến đa số các quốc gia giàu tăng tốc đặt hàng vac-xin, để thúc đẩy kế hoạch sớm tiêm chủng đại trà để đạt miễn dịch cộng đồng ngay trong năm nay, thậm chí trong nửa đầu năm nay.
Trong bối cảnh này, giới bảo vệ nhân quyền, nhiều chuyên gia y tế lo ngại các quốc gia giàu sẽ giảm nỗ lực đóng góp quốc tế, đã được cam kết từ đầu năm nay, đặc biệt qua cơ chế Covax. Bản thân cơ chế Covax cũng bị chỉ trích là « thiếu minh bạch ». Một số tổ chức như Ân Xá Quốc Tế yêu cầu sự tham gia của các tổ chức dân sự quốc tế trong quá trình ra quyết định của Covax, « tôn trọng nguyên tắc minh bạch, nghĩa vụ giải trình ». Cho dù cộng đồng quốc tế đã xác lập được từ sớm một cơ chế hợp tác cho phép thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất vac-xin Covid, cho đến nay, việc sản xuất với số lượng đủ lớn vac-xin và phân phối kịp thời đến các quốc gia nghèo, mang lại đóng góp quyết định cho việc ngăn chặn dịch bệnh, vẫn đang là một thách thức khó vượt qua trong hiện tại.
Covid-19: Nỗ lực quốc tế hướng đến tiêm chủng toàn cầu và các trở lực - Tạp chí xã hội (rfi.fr)
Covid-19 : Vì sao chiến dịch tiêm chủng của Pháp tiến triển chậm ?
Đăng ngày:
Trong vòng 3 tuần đầu khởi động chiến dịch tiêm ngừa Covid-19, chính phủ Pháp không ngừng bị chỉ trích là để tiến độ tiêm chủng chậm một cách « siêu thực », khó hiểu. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phải lên tiếng thúc giục tăng tốc, thủ tướng Jean Castex trấn an dân chúng, bộ trưởng Y Tế Olivier Veran kêu gọi người dân kiên nhẫn, đồng thời chính phủ Pháp cũng đã có những thay đổi để đẩy nhanh tiến độ tiêm ngừa, mở rộng đối tượng ưu tiên tiêm phòng virus corona.
Để hiểu thêm về những nguyên nhân khiến giai đoạn đầu của chiến dịch tiêm ngừa tại Pháp phần nào chậm hơn so với kế hoạch đề ra ban đầu, RFI Tiếng Việt ngày 19/01/2021 đã đặt câu hỏi với bác sĩ Đinh Xuân Anh Tuấn, chuyên gia về bệnh hô hấp, bệnh viện Cochin (Paris), giáo sư y khoa Đại học Paris V René Descartes.
RFI : Thưa giáo sư, bác sĩ Đinh Xuân Anh Tuấn, trong thời gian qua, có nhiều cơ quan báo chí nước ngoài cũng như truyền thông Pháp mỉa mai, chỉ trích chính quyền Pháp về chiến dịch tiêm chủng mà họ xem là chậm chạp, thậm chí là một thất bại của chính phủ Pháp trong một chuỗi thất bại, từ chiến lược cung ứng tích trữ khẩu trang, xét nghiệm tầm soát diện rộng, đến truy vết người nhiễm virus corona, cách ly người bệnh … Bác sĩ nhìn nhận thế nào về điều đó ?
Giáo sư - bác sĩ Đinh Xuân Anh Tuấn : Thực ra tất cả những gì báo chỉ nói là cái nhìn tương đối chủ quan. Có lẽ Pháp lúc đầu không chuẩn bị kịp về hậu cần nhưng ở đây chúng ta không phải trong một cuộc đua chạy nước rút mà chúng ta đang trong cuộc chạy đua đường trường thành ra lúc đầu ai dẫn đầu không quan trọng, điều quan trọng là đến bước cuối, ai là người đạt kết quả mong muốn.
Trên cương vị của người làm trong ngành Y và tiếp xúc thường ngày với các bệnh nhân thì tôi thấy quả thực là chính phủ Pháp có chậm trễ trong việc tiêm ngừa Covid nhưng sự chậm trễ này có thể được cắt nghĩa bởi một số lý do khách quan.
Thứ nhất, nếu chúng ta so sánh Pháp với Anh thì rõ ràng Pháp thuộc Liên Hiệp Châu Âu, có những ràng buộc mà Anh không có. Như chúng ta biết là Anh đã ra khỏi Liên Âu nên có quyền đơn phương độc lập quyết định cho phép sử dụng thuốc tiêm ngừa Covid. Trong khi đó, Pháp cũng như các quốc gia khác, như Đức, Hà Lan … thuộc Liên Hiệp Châu Âu nên phụ thuộc vào một cơ quan của Liên Âu để được phép cho tiêm ngừa. Vì thế, nước Pháp tương đối chậm trễ so với nước Anh.
Thứ nhì, nếu chúng ta so sánh nước Pháp với một cường quốc châu Âu là Đức chẳng hạn thì chúng ta thấy là Đức ban đầu có chiến dịch tiêm chủng rất mạnh dạn. Số người được tiêm tương đối đông hơn so với ở nước Pháp. Nhưng nước Đức cũng đang bắt đầu thiếu thuốc tiêm.
Điều thứ ba là vì nước Pháp đã có một chính sách rõ ràng là ưu tiên tiêm chủng cho các vị cao niên sống trong các nhà già, vì trên tổng số người tử vong tại Pháp thì có khoảng 1/3 là người cao tuổi. Thực ra mà nói thì tôi cũng có thể than phiền là tại sao mình không thuộc diện ưu tiên hàng đầu mà chỉ được ưu tiên hạng nhì, nhưng một cách khách quan thì tôi rất hoan nghênh quyết định đó của chính phủ Pháp vì đó là một quyết định nhân đạo hoàn toàn.
RFI : Việc tổ chức tiêm phòng ưu tiên cho người cao tuổi tại các trung tâm dưỡng lão EHPAD gặp nhiều trở ngại hơn là việc triển khai tiêm chủng cho giới y bác sĩ, nhân viên y tế ngay tại các bệnh viện như nhiều nước đang làm ?
Giáo sư - bác sĩ Đinh Xuân Anh Tuấn : Vâng, vì lý do rất đơn giản. Thí dụ tại bệnh viện nơi tôi làm việc, một khi có chính sách mới là tiêm chích ngừa cho nhân viên y tế thì vì đó là một bệnh viện nên hậu cần được tiếp ứng rất nhanh chóng để tổ chức tiêm cho tất cả nhân viên y tế, từ điều dưỡng, nhân viên hành chính đến các bác sĩ trên 50 tuổi. Trong khi đó, tại các nhà già, cơ sở hậu cần không có, cần đưa thuốc đến các nhà già, nên số lượng người được chích ngừa trong thời gian đầu ở nhà già là tương đối thấp.
Thêm nữa, tại Pháp, số người nghi ngờ về công hiệu hay sự cần thiết của việc tiêm chủng không phải là ít, lúc đầu số này là gần 50%, nên ngay cả khi chích ngừa cho các vị cao niên thì chính phủ Pháp cũng phải có biện pháp là xin ý kiến (consentement éclairé) rồi sau đó khi các vị đó đồng ý thì mới chích ngừa cho họ. Tất cả những lý do đó cắt nghĩa tại sao trong thời gian đầu số người được tiêm chủng là tương đối ít tại Pháp so với các quốc gia khác.
RFI : Về quy trình, thủ tục trước tiêm ngừa, có thể nói Pháp là quốc gia duy nhất trên thế giới quy định phải thăm khám và xin ý kiến của người được tiêm, hay đối với những người cao tuổi già yếu sống phụ thuộc vào sự chăm sóc y tế tại các trung tâm dưỡng lão EHPAD thì cần có sự đồng ý của người bảo hộ, thân nhân của các vị cao niên. Nhiều người cho rằng điều này là thái quá, không cần thiết vì vac-xin được nhà chức trách thông quatức là đã phải đảm bảo an toàn cho người sử dụng ? Theo họ, làm như vậy chỉ khiến chiến dịch tiêm phòng bị chậm nhịp hơn. Chính phủ Pháp dường như muốn "chậm mà chắc". Vậy ý kiến của bác sĩ ra sao ?
Giáo sư - bác sĩ Đinh Xuân Anh Tuấn : Nếu chúng ta ở một nơi khác trong một thời điểm khác, những điều đó có thể xem là thừa nhưng chúng ta nên nhớ là hiện nay tại Pháp, chiến dịch tiêm chủng đang ở những tuần lễ đầu, nếu không làm cẩn thận, thì cho dù tỉ lệ trường hợp gặp tác dụng phụ rất thấp, nhưng chẳng may chỉ cần một trường hợp là báo chí sẽ quy chụp, phóng đại lên, khiến người dân Pháp vốn đã nghi ngại rồi sẽ càng thêm nghi ngại. Trong khi đó, chúng ta đều biết là việc tiêm ngừa chỉ hữu hiệu khi có quá bán, hơn 50-60% dân số của một nước, tiêm ngừa hữu hiệu, khi đó mới ngăn ngừa được đại dịch.
Dưới góc độ cá nhân, tôi nghĩ là chính phủ Pháp quá thận trọng, nhưng đồng thời tôi cũng phải nói là sự quá thận trọng này thực ra là do tình thế bên Pháp, do chính dân Pháp và một phần là do báo chí Pháp mà chính phủ phải thận trọng đến mức như vậy.
RFI : Về cách bố trí điểm tiêm ngừa, sự lựa chọn của Pháp cũng là một yếu tố khiến chiến dịch khó có thể được đẩy nhanh ?
Giáo sư - bác sĩ Đinh Xuân Anh Tuấn : Thực ra nếu chúng ta có nhiều điểm tiêm phòng rất lớn thì số đơn vị tiêm phòng sẽ ít đi vì chúng ta chỉ có từng đó thuốc tiêm ngừa. Nếu chúng ta có nhiều điểm tiêm phòng nhỏ hơn thì chúng sẽ được phân tán ở nhiều nơi hơn. Ở những thành phố lớn, như Paris chẳng hạn, thì có rất nhiều điểm tiêm phòng, khoảng cách giữa nơi người dân cư trú và địa điểm tiêm phòng thường chỉ là vài cây số và với phương tiện giao thông công cộng thì ai cũng có thể đi lại được. Nhưng có những vùng sâu xa, vùng núi rất khó đi lại và có nhiều người lớn tuổi, nếu chúng ta tổ chức một nơi tiêm phòng lớn cách xa nơi họ sống thì họ không thể di chuyển được.
Vì thế chính sách thứ hai mà Pháp áp dụng là triển khai nhiều điểm tiêm phòng nhưng mỗi điểm chỉ phụ trách tương đối ít người. Hiện giờ ở Pháp thời tiết rất xấu nên ở những vùng núi có tuyết thì chính phủ cũng có biện pháp đưa những đội ngũ nhân viên y tế, ít người thôi, khoảng 5 người : 2 thư ký, 2 điều dưỡng và 1 bác sĩ, đi trên một chiếc xe chở theo thuốc tiêm ngừa, đến những nơi đó để chích ngừa cho người cao tuổi ở một địa điểm sinh hoạt chung của những làng xóm hẻo lánh ở vùng núi.
Tôi nghĩ là việc tổ chức những địa điểm tiêm quy mô lớn thực ra về hậu cần là dễ hơn vì chỉ cần vận chuyển vac-xin đến ít nơi, trong khi đó đi theo chính sách của chính phủ Pháp là một giải pháp khó vì phải tổ chức hậu cần để đáp ứng được những yêu cầu kỹ thuật tương đối phức tạp.
RFI : Cách nay vài ngày, báo Pháp Le Monde có nói đến tình trạng nhiều bệnh viện nhận được nhiều vac-xin nhưng lại thiếu kim tiêm. Và điều này cũng góp phần khiến tiến độ tiêm ngừa bị chậm lại và cũng cho thấy nước Pháp thiếu sự chuẩn bị chu đáo cho chiến dịch tiêm chủng Covid ? Là người trong ngành, bác sĩ thấy tình trạng này là đại trà hay chỉ là cá biệt ?
Giáo sư - bác sĩ Đinh Xuân Anh Tuấn : Thông tin đó thì có nhưng theo tôi đó chỉ là những hụt hẫng lúc đầu vì không phải bệnh viện nào cũng có đủ phương tiện như ở những bệnh viện lớn. Những bệnh viện mà báo Le Monde đề cập đến là những bệnh viện nhỏ và đến một lúc nào đó thì dụng cụ y tế cũng sẽ bị thiếu. Nhưng theo tôi nghĩ vấn đề đó sẽ được giải quyết rất nhanh vì những thứ đó dễ vận chuyển, cái khó là vận chuyển nhất là hai loại thuốc tiêm chúng ta đang có bây giờ : thuốc của Moderna và Pfizer cần được giữ lạnh ở nhiệt độ âm rất thấp.
*
Ngoài những lý do khách quan như bác sĩ, giáo sư Đinh Xuân Anh Tuấn đã nêu ở trên, nhiều chuyên gia cho rằng những tuần khởi đầu có phần chậm của Pháp phần nào là do bộ máy hành chính của Pháp vốn dĩ đã quá nặng nề, với nhiều thủ tục rườm rà. Còn sự thận trọng của chính phủ Pháp không chỉ liên quan đến thái độ ngờ vực vac-xin của một phần đông người dân mà còn xuất phát từ nỗi sợ bị Tư Pháp quy trách nhiệm, thậm chí họ có thể đối mặt với cáo buộc hình sự nếu chẳng may để xảy ra sự cố. Chắc hẳn không mấy nhà lãnh đạo muốn rơi vào cảnh như cựu thủ tướng Edouard Philippe hay nhiều cựu bộ trưởng bị Tòa Công Lý Cộng Hòa điều tra vì những đơn kiện về cách xử lý khủng hoảng Covid-19.
Covid-19 : Vì sao chiến dịch tiêm chủng của Pháp tiến triển chậm ? - Tạp chí xã hội (rfi.fr)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten