zaterdag 30 januari 2021

Ba điểm nóng làm cơ sở định hình chiến lược của Biden đối với Trung Quốc : Biển Đông, Đài Loan, Nhật Bản

 

Ba điểm nóng làm cơ sở định hình chiến lược của Biden đối với Trung Quốc

Ảnh minh họa: Khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường USS John Finn (DDG 113) tiếp cận tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN 71) ngày 14/01/2021.
Ảnh minh họa: Khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường USS John Finn (DDG 113) tiếp cận tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN 71) ngày 14/01/2021. © USS Theodore Roosevelt (CVN 71) - Petty Officer 2nd Class Casey
Minh Anh
5 phút

Nhiệm kỳ Donald Trump kết thúc nhưng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tại châu Á – Thái Bình Dương có lẽ sẽ không hạ nhiệt. Theo giới quan sát được CNN trích dẫn, ba điểm nóng có thể giúp Mỹ và các đồng minh trong khu vực kềm hãm bớt đà hung hăng của Trung Quốc.

Chính quyền mới tại Mỹ chỉ vừa mới yên vị, Bắc Kinh đã đưa ra một chuỗi hành động mang tính thách thức : Điều hơn một chục chiến đấu cơ quần thảo trên không phận gần đảo tự trị Đài Loan, rồi thông qua luật cho phép hải cảnh nã súng hay kiểm soát các tầu nước ngoài. Hoa Kỳ lập tức đáp trả khi gởi một nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm đến Biển Đông.

Phải chăng đó là một sự khởi đầu cho mối quan hệ không mấy êm thắm ? Có một điều chắc chắn, theo giới quan sát, những hành động trên của Bắc Kinh là nhằm thăm dò ý định và phản ứng của Mỹ.

Mục tiêu của Trung Quốc là vạch ra một « lằn ranh đỏ » với chính quyền Biden, theo như phân tích của ông Carl Schuster, cựu giám đốc Trung Tâm Tình Báo Chung, Bộ chỉ huy Thái Bình Dương.

Mặt khác, giới quan sát cũng nhận thấy rằng tần suất sách nhiễu của Bắc Kinh hay những hành động dọa dẫm các nước láng giềng về quyền thăm dò khai thác năng lượng tỷ lệ nghịch với số chiến dịch quân sự Mỹ trong  trong khu vực.

Đây chính là một trong những khó khăn lớn nhất cho chính sách Mỹ trong những năm gần đây. Làm thế nào chứng minh được rằng sự hiện diện của Mỹ trong khu vực không chỉ nhất thời và các lực lượng của Mỹ có thể phản ứng nhanh để hỗ trợ các đồng minh ?

Các nhà phân tích cho rằng trong bối cảnh này, Hoa Kỳ có thể dựa vào ba điểm nóng để vạch ra một chiến lược đối với Trung Quốc trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Thứ nhất, tại Biển Đông. Hoa Kỳ không công nhận các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh trên hầu hết diện tích khu vực. Số cuộc tuần tra tự do lưu thông hàng hải (FONOPS), vốn dĩ đã tăng mức kỷ lục (10 chiến dịch trong năm 2020) rất có thể sẽ còn được tăng cường thêm, cho dù Bắc Kinh liên tục đưa ra nhiều xác quyết chủ quyền như gởi chiến đấu cơ đáp xuống các đường băng trên các đảo nhân tạo, hay như tăng tần suất tập trận…

Chính sách này của Mỹ cũng đã từng được Joe Biden đề cập đến trong kỳ vận động tranh cử, khi nhắc lại rằng « quân đội Mỹ không quan tâm đến các vùng nhận dạng phòng không » do Trung Quốc thành lập.

Điểm nóng thứ hai là hồ sơ Đài Loan và eo biển Đài Loan. Kể từ khi Hoa Kỳ thiết lập bang giao với Trung Quốc năm 1979, theo truyền thống, Washington không bao giờ bày tỏ công khai ủng hộ Đài Bắc mỗi khi Bắc Kinh có hành động đe dọa đảo tự trị.

Nhưng chính quyền Donald Trump đã có những cam kết mạnh mẽ bảo vệ Đài Loan khi thông qua hợp đồng bán thiết bị quân sự tinh vi, bán chiến đấu F-16, tên lửa tân tiến và xe tăng chiến đấu cũng như là gởi phái đoàn cao cấp đến thăm Đài Bắc. Những tuyên bố gần đây của tân chính quyền Biden dường như cho thấy Hoa Kỳ sẽ không lùi bước trong chính sách này.

Điểm nóng thứ ba mà Hoa Kỳ có thể tính đến để kềm hãm Trung Quốc là Nhật Bản, vốn dĩ có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Liên minh Mỹ - Nhật trong khu vực là một mối hợp tác quan trọng nhất.

Thành phố Yokosuka, gần Tokyo là nơi trú đóng hạm đội 7 Hải quân Mỹ, lực lượng chuyên tiến hành các chiến dịch tuần tra vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương. Còn căn cứ không quân Kadena, trên đảo Okinawa là bãi đáp cho các loại chiến đấu cơ như F-15, và máy bay chống tầu ngầm P-8A.

Trong khuôn khổ hiệp ước phòng thủ chung Mỹ - Nhật, Hoa Kỳ luôn lên tiếng ủng hộ những đòi hỏi chủ quyền Nhật Bản. Sự hậu thuẫn này đã được tân tổng thống Mỹ một lần nữa tái khẳng định trong cuộc điện đàm đầu tiên với thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga hôm thứ Tư vừa qua.

Ngoài những điểm nóng trên, giới quan sát còn cho rằng Hoa Kỳ có thể trông cậy vào một số đồng minh, đối tác khác như Philippines, Việt Nam, Indonesia…

Tuy nhiên, ông Carl Schuster cảnh báo : « Các nhà lãnh đạo trong khu vực rất hài lòng về sự hiện diện của Mỹ trong khu vực, vì điều đó cho phép kiểm soát hành vi của Trung Quốc. Nhưng họ không muốn làm bất kỳ điều gì để phải chọn phe giữa hai siêu cường này. »

Ba điểm nóng làm cơ sở định hình chiến lược của Biden đối với Trung Quốc (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten