zaterdag 9 januari 2021

Những gì TT Trump còn có thể làm trước ngày mãn nhiệm, kể cả... tự ân xá

 

Những gì TT Trump còn có thể làm trước ngày mãn nhiệm, kể cả tự ân xá

Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể tự ân xá ? Ảnh chụp tại  Dalton,Georgia, ngày 4/01/2021
Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể tự ân xá ? Ảnh chụp tại Dalton,Georgia, ngày 4/01/2021 MANDEL NGAN AFP
Mai Vân
9 phút

Chi còn không đây 2 tuần nữa là đến ngày 20/01/2021, ngày ông Donald Trump sẽ phải trao quyền lại cho ông Joe Biden. Nhưng từ nay đến đó, ông vẫn còn nắm trọn quyền lực của một tổng thống Mỹ. Thế nhưng, sau vụ những người ủng hộ ông tràn vào gây bạo loạn tai Quốc Hội Hoa Kỳ hôm thứ Tư, 06/01, nhiều người đã lo ngại trước khả năng ông có thể đưa ra những quyết định không thỏa đáng, trong đó có ân xá dự phòng, cả cho người thân lẫn chính ông.

Sau những sự cố tại điện Capitol hầu như bị cả nước Mỹ và thế giới lên án, ông Trump đã chính thức lên tiếng bảo đảm rằng ngay cả khi ông “không đồng ý chút nào với kết quả của cuộc bầu cử” thì vẫn sẽ có “một tiến trình chuyển giao quyền lực trong trật tự” vào ngày 20 tháng Giêng sắp tới.

Tuy nhiên về mặt pháp lý và trừ phi - như một số người yêu cầu - ông bị một thủ tục luận tội truất phế, thì TT Trump, trong gần hai tuần lễ tới đây, vẫn có thể ký các sắc lệnh hành pháp, bãi nhiệm và bổ nhiệm các quan chức, và nhất là ban hành những quyết định ân xá hay miễn tội cho bất kỳ ai.

Bổ nhiệm người thân tín vào các vị trí chủ chốt

Một hôm sau cú sốc của vụ bạo loạn của những thành phần cực đoan ủng hộ ông Trump tại toà nhà Quốc Hội Mỹ, nhật báo Pháp Les Echos ngày 07/01 đã tóm lược một loạt những điều ông Trump vẫn có thể làm trong tư cách là tổng thống Hoa Kỳ từ nay đến ngày người kế nhiệm là Joe Biden chính thức nhậm chức, mà rõ ràng nhất là việc bãi nhiệm các quan chức cao cấp mà ông không thích hay bổ nhiệm những người thân tín vào các vị trí quan trọng trong chính phủ.

Công việc này được đươc dự báo là sẽ tăng tốc trong những ngày sắp tới, sau khi một loạt bộ trưởng và cộng sự thân cận với tổng thống Trump hoặc là đã từ chức - như hai bộ trưởng Giáo Dục Betsy DeVos và Giao Thông Elaine Chao – hoặc là tỏ thái độ không đồng tình trước những gì ông Trump đang làm.

Theo Les Echos, trong những tuần gần đây, đã có khoảng 40 chức vụ được phân bổ cho các cộng sự thân cận hoặc những người đã từng giúp đỡ ông, ví dụ như cựu đại sứ Mỹ tại Đức, Richard Grenell, được cử vào hội đồng quản trị tổ chức Holocaust Memorial ở Washington, hay bà Hope Hicks, cố vấn và cựu giám đốc truyền thông của Nhà Trắng được đưa vào ban điều hành quỹ Học Bổng Fulbright, một chương trình học bổng uy tín của Mỹ.

Cũng như vậy, bà Stephanie Grisham, người từng đặc trách báo chí của Donald Trump và vừa từ chức chánh văn phòng của Đệ Nhất Phu Nhân Melania Trump, sẽ tham gia Hội Đồng Khoa Học Giáo Dục Quốc Gia.

Tiếp tục ban hành các sắc lệnh

Bên cạnh đó, trong thời gian ít ỏi còn lại ở Nhà Trắng, tổng thống Mỹ vẫn có toàn quyền ban hành bất kỳ sắc lệnh nào mà ông muốn. Trong suốt nhiệm kỳ 4 năm, ông đã ban hành đến 192 sắc lệnh, nhiều hơn cả Barack Obama và George W. Bush trong nhiệm kỳ đầu tiên của họ.

Gần đây nhất, ông đã ký sắc lệnh cấm 8 công ty và ứng dụng Trung Quốc bao gồm Alipay, QQ Wallet và WeChat Pay, cũng như một văn bản có ý nghĩa biểu tượng là cấm xuất khẩu vac-xin Covid-19 sản xuất tại Hoa Kỳ trước khi mọi người Mỹ được chích ngừa.

Tuy nhiên, nếu việc đưa ra sắc lệnh có thể là một phương tiện ảnh hưởng đến tương lai, ngay cả sau khi ông ra đi, thì phương pháp này cũng có giới hạn. Ngoài việc ông Joe Biden hoàn toàn có thể hủy bỏ các sắc lệnh đó, hầu hết các sắc lệnh của tổng thống đòi hỏi phải thay đổi các quy định áp dụng, điều này cần có thời gian. Và đôi khi sắc lệnh bị rơi vào quên lãng: Trong số 78 sắc lệnh hành pháp về môi trường được ông ban hành, mới chỉ có 30 sắc lệnh có hiệu lực.

Vẫn là tổng tư lệnh Quân Đội cho đến phút cuối cùng

Một thẩm quyền khác vẫn nằm trong tay ông Trump là quyền của vị “tổng tư lệnh” các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ. Quyền này không cho phép ông khởi động một cuộc chiến vì điều đó cần được Quốc Hội đồng ý, nhưng về lý thuyết, ông vẫn có thể khởi động một chiến dịch đặc biệt hoặc một cuộc tấn công tin học.

Điều khiến giới quan sát lo ngại là ông có thể dùng quyền này để hành động chống Iran hay Trung Quốc, đặt chính quyền Biden trước một sự đã rồi nguy hiểm.

Ân xá và tự ân xá

Tuy nhiên, điểm được chú ý nhất và gây tranh luận nhiều nhất trong giới chuyên gia hiện nay là quyền ân xá, nhất là tự ân xá, gần như là không có giới hạn mà ông Trump vẫn nắm trong tay.

Đây là quyền mà ông Trump đã thực hiện một cách thoải mái. Ngay trước lễ Giáng Sinh chẳng hạn, ông đã ân xá cho khoảng 40 người, một quyết đinh gây tranh cãi vì trong số người được ân xá có nhiều người dính líu đến các vụ tham nhũng hoặc gian lận, những người bị kết tội sát hại thường dân ở Irak, và nhất là những người dính líu đến nghi án Nga can thiệp vào cuộc bầu cử đã đưa ông lên nắm quyền.

Theo Les Echos, tổng thống Trump hoàn toàn có thể tiếp tục con đường đó bằng cách "tha thứ" cho một số cố vấn cũ của mình, chẳng hạn như Steve Bannon, một trong những kiến ​​trúc sư của chiến thắng của ông trong cuộc bầu cử lần trước…

Tuy nhiên, một trong những khía cạnh gây tranh cãi nhiều nhất trong vấn đề này là khả năng ông Trump dùng quyền ân xá một cách “dự phòng” để bảo vệ người thân và bản thân ông khỏi bị tư pháp nhòm ngó sau khi ông rời bỏ chức vụ.

Khả năng ông Trump tự ân xá vừa được hãng tin Anh Reuters nêu bật trở lại vào hôm qua 07/01, trích dẫn một nguồn thạo tin theo đó tổng thống Donald Trump đã thảo luận về khả năng tự ân xá trong những tuần lễ gần đây. Đối với Reuters, việc tự ân xá như vậy sẽ là một hành vi sử dụng quyền hạn tổng thống một cách cực kỳ bất thường, và Nhà Trắng đã từ chối bình luận khi được chất vấn.

Báo New York Times trước đó cũng trích dẫn hai nguồn tin tiết lộ rằng ông Trump đã nói chuyện với luật sư riêng Rudy Giuliani về việc ân xá cho ông Giulani, cũng như hỏi các cố vấn về khả năng ân xá “dự phòng” cho ba người con lớn của ông là Donald Trump Jr., Eric Trump và Ivanka Trump. Vào năm 2018, ông Trump thậm chí còn nói rằng ông có “quyền tuyệt đối” để tự ân xá, một tuyên bố mà nhiều học giả về luật Hiến Pháp không tán đồng.

Chính vấn đề “ân xá dự phòng” là điều gây tranh cãi vì việc miễn tội này có thể bao hàm những hành vi chưa dẫn đến tố tụng pháp lý, mặc dù chúng không thể áp dụng cho những hành vi trong tương lai. Cho đến nay, hầu hết các quyết định ân xá đều áp dụng cho những người đã bị truy tố và kết án.

Theo Reuters, việc một tổng thống đưa ra lệnh ân xá trước khi có bất kỳ cáo buộc nào là điều bất thường, nhưng không phải là không có tiền lệ, điển hình là việc tổng thống Gerald R. Ford năm 1974 đã ân xá người tiền nhiệm Richard M. Nixon để giúp ông không bị truy tố sau vụ Watergate. Sau đó, vào năm 1977, tổng thống Jimmy Carter đã ân xá trước cho hàng trăm nghìn “người trốn quân dịch” đã tránh nghĩa vụ quân sự mà chính quyền Mỹ áp đặt trong thời còn cuộc Chiến Tranh Việt Nam.

Tuy nhiên, nếu ân xá dự phòng đã có tiền lệ, thì việc “tự ân xá” mà ông Trump từng cho rằng ông “tuyệt đối có quyền”, chưa hề có tiền lệ. Vào năm 1974, bộ Tư Pháp Mỹ đã cho rằng việc tự ân xá “dường như” là không được phép vì quy tắc cơ bản của luật pháp là “không ai có thể là thẩm phán trong vụ kiện của chính mình”. Nói một cách nôm na là không thể “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

Vấn đề là cho đến nay, tổng thống Trump là người nổi tiếng là sẵn sàng có những quyết định “phá lệ”, nên chưa thể biết là ông có dám tự ân xá trước khi rời Nhà Trắng hay không.

Những gì TT Trump còn có thể làm trước ngày mãn nhiệm, kể cả tự ân xá (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten