Covid-19 : Singapore thành công chống dịch, nhưng kinh tế suy thoái mạnh
Đăng ngày:
Tính đến đầu năm 2021, Singapore chỉ phát hiện thêm 35 ca dương tính với Covid-19. Tất cả đều là các trường hợp nhập cảnh, được phát hiện trong thời gian cách ly nên được điều trị và ngăn chặn kịp thời. Không có ca nào trong cộng đồng hoặc trong các khu nhà tập thể của lao động nhập cư. Trong cả tháng 12/2020, số người bị lây nhiễm trong cộng đồng chỉ có 10 ca.
Theo thông tín viên Quỳnh Nguyễn tại Singapore, chính những biện pháp hạn chế và phòng ngừa nghiêm ngặt này đã giúp cho đảo quốc nhỏ bé tại Đông Nam Á khống chế được dịch bệnh, nhưng đồng thời cũng gây thiệt hại nặng cho nền kinh tế quốc gia.
RFI : Chương trình cách ly ở Singapore được thực hiện như thế nào ?
Quỳnh Nguyễn : Mọi người nhập cảnh vào Singapore đều phải tham gia vào chương trình cách ly bắt buộc 14 hoặc 7 ngày, tại một khách sạn do chính phủ chỉ định, hoặc tại nhà riêng, tùy vào quốc gia xuất phát. Ngoại trừ những người đến từ các quốc gia sau đây, chỉ phải xét nghiệm, và tự cách ly cho đến khi có kết quả xét nghiệm: Úc, Brunei, Trung Quốc, New Zealand, Đài Loan và Việt Nam.
Trong thời gian cách ly, sẽ có các xét nghiệm và theo dõi để bảo đảm việc cách ly được thực hiện nghiêm túc. Chi phí cho 14 ngày cách ly tại một khách sạn do chính phủ chỉ định là vào khoảng 2 ngàn đô la, do người nhập cảnh thanh toán. Nếu không tuân thủ đúng chương trình cách ly, họ sẽ bị phạt tù lên đến 6 tháng và số tiền phạt có thể lên đến 10 ngàn đô la.
Từ ngày 28/12/2020, Singapore chuyển sang giai đoạn 3 của quá trình phòng chống dịch Covid-19. Người dân Singapore đã và đang tuân thủ triệt để các biện pháp như bắt buộc đeo khẩu trang (kể cả với trẻ em trên 6 tuổi) ở nơi công cộng, mỗi gia đình chỉ được tiếp 8 người khách, số người ngồi chung bàn ở nhà hàng là không quá 8 người và mỗi bàn cách xa nhau tối thiểu 1m, giãn cách xã hội tối thiểu 1m, và nhất là phải đăng ký tên và số liên lạc khi ra vào bất kỳ nơi nào (nhà hàng, siêu thị, cơ quan…)
Chính phủ cũng thực hiện nhiều biện pháp để bảo vệ sức khỏe cộng đồng :
- Thực hiện hơn 50 ngàn xét nghiệm PCR trong 1 ngày để phát hiện bệnh sớm. Xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên cũng được sử dụng cho những sự kiện lớn và nhiều nguy cơ
- Khuyến khích người dân cài đặt ứng dụng « Trace Together » trên điện thoại. Ứng dụng do chính phủ Singapore phát triển, cho phép xác định những người đã tiếp xúc với người nhiễm Covid. Điều này cho phép chính phủ truy vết người có nguy cơ nhiễm bệnh và ngăn chặn virus lây lan. Mục tiêu là đến cuối năm 2020, 70% dân số cài ứng dụng này.
Những ngại ngần ban đầu về quyền riêng tư cá nhân khi cài ứng dụng này đã giảm. Nhưng vẫn còn mối lo điện thoại sẽ mau hết pin khi ứng dụng này sử dụng Bluetooth và phải được mở liên tục trên điện thoại.
Người dân bắt buộc phải có ứng dụng « Trace Together » để vào một số nơi như rạp chiếu phim. Sau này, trường học cũng sẽ bắt buộc học sinh có ứng dụng này. Đối với trẻ và người lớn tuổi, ứng dụng trên điện thoại sẽ được thay thế bằng thiết bị điện tử nhỏ và gọn, luôn đeo trên người khi ra khỏi nhà.
RFI : Vấn đề tiêm chủng sẽ được thực hiện như thế nào ?
Quỳnh Nguyễn : Theo giáo sư Teo Yik Tình, trưởng khoa Sức khỏe Cộng đồng trường Saw Sweet Hock, thuộc Đại học Quốc gia Singapore, tiêm chủng là cách duy nhất để bảo vệ toàn cộng đồng.
Với những lo ngại về virus chủng mới, chính phủ nhắm đến tiêm chủng 90% dân số, thay vì dự định tiêm 80% như trước đây. Nhân viên y tế và nhân viên phòng dịch tuyến đầu được ưu tiên tiêm ngừa trước. Dự định đến khoảng quý III năm 2021, Singapore sẽ có đủ vac-xin cho toàn bộ dân số. Tuy nhiên, điều này vẫn còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố.
RFI : Với sự xuất hiện của virus biến thể, Singapore phản ứng ra sao ?
Quỳnh Nguyễn : Hiện nay, Singapore chỉ mới có 1 ca dương tính với virus chủng mới b117, là một thanh niên 17 tuổi, trở về từ nước Anh ngày 6/12/2020. Theo nghiên cứu, virus chủng b117 có khả năng lây lan nhanh hơn 70% virus chủng cũ, nhưng chưa có dấu hiệu cho thấy nó nguy hiểm hơn.
Singapore đã cấm hành khách ngoại quốc từng lưu lại Anh trong 14 ngày qua nhập cảnh hay quá cảnh Singapore. Từ thứ Hai 04/01/2021, luật này sẽ áp dụng cho cả hành khách đến từ Nam Phi, nơi được phát hiện có virus chủng mới có khả năng lây lan mạnh.
Người dân Singapore từng sống ở Anh vẫn được trở về nước, sẽ được xét nghiệm ngay khi nhập cảnh và xét nghiệm lại sau khi hoàn thành 14 ngày cách ly. Biện pháp này sẽ cho phép các nhà khoa học có thêm thời gian để nghiên cứu về virus chủng mới.
RFI : Dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch đã có những tác động ra sao lên nền kinh tế Singapore ?
Quỳnh Nguyễn : Trước khi dịch Covid bùng nổ, kinh tế Singapore được dự đoán tăng trưởng trong khoảng 0,5% - 2,5%. Các biện pháp phòng dịch đã kéo Singapore vào giai đoạn suy thoái trầm trọng, kinh tế suy giảm mạnh từ 5% đến 7%.
Dịch Covid-19 gây thiệt hại nặng nề cho các ngành nghề nội địa và dịch vụ có liên quan đến du lịch như nhà hàng, bán lẻ, xây dựng, hàng không, khách sạn. Thay đổi dễ nhận thấy nhất là ở ngành du lịch. Từ tháng 2/2020, các du thuyền liên tục bị hủy hợp đồng. Đến tháng 3, nhiều tour du lịch bị hủy, do các hãng hàng không giảm chuyến bay. Lượng khách du lịch lần lượt giảm mạnh qua các tháng từ 1,7 triệu vào tháng Giêng xuống còn có 748 vào tháng 4 năm 2020.
Chính phủ đã phải đưa ra biện pháp trợ giúp doanh nghiệp, nhất là trong ngành du lịch như mở các khoản vay giải cứu từ 1 đến 5 triệu đô la Singapore, hỗ trợ đến 30% tiền thuê mặt bằng tư nhân, miễn phí thuê mặt bằng do nhà nước sở hữu hoặc quản lý, hỗ trợ lương thông qua các chương trình hỗ trợ việc làm và tiền lương, trợ giúp lương cho nhân viên trên 55 tuổi, thêm các khoản trợ giúp cho doanh nghiệp có nhân viên khuyết tật, hay hỗ trợ 90% chi phí tái đào tạo cho nhân viên ngành du lịch…
Đối với người dân bị ảnh hưởng, chính phủ cũng có những biện pháp trợ giúp như trợ cấp từ 500 - 700 đô la trong ba tháng cho những người mất việc hoặc bị giảm hơn 50% thu nhập, nhân viên y tế bị lây nhiễm được nhận 5.000 đô la, nhân viên/tình nguyện viên chống dịch tuyến đầu bị lây nhiễm được nhận 3.000 đô la.
Bên cạnh đó chính phủ còn có các chương trình hỗ trợ đào tạo và tìm việc làm, chương trình tư vấn và đào tạo giúp chuyển đổi việc làm… Theo ước tính, chính phủ phải bỏ ra khoảng 100 tỉ đô la, tương đương với 20% tổng sản phẩm quốc nội, để vực dậy đời sống của người dân và nền kinh tế quốc gia.
Covid-19 : Singapore thành công chống dịch, nhưng kinh tế suy thoái mạnh (rfi.fr)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten