dinsdag 5 januari 2021

Covid-19 : Anh phong tỏa toàn quốc chống virus biến thể + Virus corona biến thể, Anh Quốc bị cô lập với phần còn lại của châu Âu

 

Covid-19 : Anh phong tỏa toàn quốc chống virus biến thể

Cầu Luân Đôn, Anh Quốc, mùa đại dịch Covid-19. Ảnh chụp ngày 05/01/2021.
Cầu Luân Đôn, Anh Quốc, mùa đại dịch Covid-19. Ảnh chụp ngày 05/01/2021. REUTERS - HENRY NICHOLLS
Thu Hằng
5 phút

Người dân Anh Quốc trở lại nhịp sống phong tỏa trong vòng một tháng rưỡi, kể từ 00 giờ 01 thứ Tư 06/01/2021 đến giữa tháng Hai. Biện pháp triệt để này, chặt chẽ hơn cả đợt phong tỏa mùa Xuân 2020, được thủ tướng Boris Johnson thông báo trên truyền hình tối 04/01 nhằm khống chế biến thể mới của virus corona, có tốc độ lây lan nhanh hơn 50 đến 70%.

Anh là một trong những nước châu Âu chịu tang thương nhất do dịch Covid-19 gây ra với hơn 75.000 người tử vong tính đến tối 04/01. Trong những ngày gần đây, số ca nhiễm mới hàng ngày luôn ở mức xấp xỉ 50.000, đặc biệt đã có đến 59.000 ca mới trong vòng 24 giờ, theo số liệu tối 04/01.

Từ Luân Đôn, luật sư Hoàng Đức Thắng, cho biết thêm :

“Hiện nay, Anh Quốc đã tiến hành “lockdown”, còn gọi là phong tỏa, trên phạm vi toàn lãnh thổ, bao gồm cả bốn khu vực : Bắc Ailen, xứ Wales, Scotland và Anh Quốc.

Trên thực tế, biện pháp này là nâng từ mức 4 lên mức 5, tức là phong tỏa toàn bộ. So với mức 4 lúc trước, mức độ hạn chế cao hơn rất nhiều, trong đó rõ rệt nhất là hạn chế đi lại : từ chỗ chỉ trong khu vực bị hạn chế trước kia, việc đi lại từ vài trăm dặm bị rút xuống vài dặm xung quanh nơi ở của mỗi người.

Lý do giải thích biện pháp này là do biến chủng vừa qua của virus corona đã không thể kiểm soát được và dẫn đến số lượng ca bệnh tăng đột biến, có những nơi ghi nhận mức độ 100%, còn phổ biến ở mức 50 đến 70%. Điều đó đã khiến các bệnh viện ở Anh Quốc đang trong tình trạng quá tải. Nếu không có gì thay đổi trong vòng 7 đến 10 ngày nữa, các bệnh viện sẽ bị quá tải rất nhiều và vì lý do đạo lý, không thể để một số người bị chết tại nhà hoặc không được chăm sóc, cũng như những người không nhiễm virus mà bị các bệnh khác.

Theo chính phủ, quyết định này khá là đau đớn, yêu cầu hạn chế và dập dịch bằng cách “mọi người ở nhà”. Người dân thì rất lo lắng và thất vọng dù vẫn bình tĩnh chia sẻ những hoang mang với các nhà khoa học vì virus biến chủng này sẽ dẫn đến việc sử dụng vac-xin không còn hiệu quả nữa và như thế cũng là lãng phí công sức nghiên cứu vac-xin vừa rồi, cũng như công sức phòng chống dịch của cả năm vừa qua. Tuy nhiên, người dân cũng nhận thức rằng đây là quá trình vừa làm vừa học, trong đó có trách nhiệm đạo lý không để bệnh viện quá tải.

Vì thế, từ đảng đối lập đến người dân hiện nay đang mong muốn có những quyết định mang tính mạnh bạo hơn của chính phủ. Và ở một khía cạnh nào đó, người ta đang mơ đến mô hình mà Thụy Điển vẫn áp dụng hiện nay, đó là làm cho miễn dịch cộng đồng một cách nhanh nhất có thể”.

Châu Âu tăng tốc tiêm chủng

Sau khi là nước đầu tiên trên thế giới tổ chức tiêm ngừa Covid-19 vào đầu tháng 12/2020, Anh Quốc cũng là nước đầu tiên sử dụng vac-xin do AstraZeneca và đại học Oxford bào chế, kể từ ngày 04/01/2021. Bộ trưởng Y Tế Anh khẳng định đã có hơn 1 triệu liều vac-xin được phân phối trên cả nước, nhiều hơn tổng số liều của cả châu Âu.

Pháp nằm trong số những nước châu Âu tiêm chủng ít nhất, với hơn 2.000 mũi tiêm tính đến ngày 04/01. Bộ trưởng Y Tế Olivier Veran hứa “mở rộng, tăng tốc và đơn giản hóa” chiến dịch tiêm chủng. Theo AFP, khoảng 500 đến 600 trung tâm tiêm chủng sẽ được lập từ nay đến cuối tháng Giêng. 500.000 liều vac-xin của Pfizer/BioNTech sẽ được giao hàng tuần. Tương tự, khoảng 500.000 liều vac-xin của Moderna cũng sẽ được giao hàng tháng nếu được Cơ Quan Dược Pháp Châu Âu thông qua vào ngày 06/01. Một biện pháp khác để thúc đẩy tốc độ tiêm chủng là mở rộng đối tượng được ưu tiên, thêm lính cứu hỏa và người giúp việc gia đình trên 50 tuổi.

Ngược lại với châu Âu và Hoa Kỳ, Úc lại không muốn vội vàng tiêm chủng vì không muốn bị “rủi ro vô ích”, theo phát biểu thủ tướng Scott Morrison ngày 05/01.

Covid-19 : Anh phong tỏa toàn quốc chống virus biến thể (rfi.fr)

Virus corona biến thể, Anh Quốc bị cô lập với phần còn lại của châu Âu

Quang cảnh một góc phố với bảng thông tin khuyến cáo báo động cao về Covid-19, ở trung tâm Newcastle-upon-Tyne, đông bắc nước Anh. Ảnh chụp ngày 19/12/2020.
Quang cảnh một góc phố với bảng thông tin khuyến cáo báo động cao về Covid-19, ở trung tâm Newcastle-upon-Tyne, đông bắc nước Anh. Ảnh chụp ngày 19/12/2020. AFP - OLI SCARFF
Thanh Hà
4 phút

Gần 20 nước tại châu Âu đóng cửa biên giới với vương quốc Anh sau khi Luân Đôn thông báo virus corona biến thể với tốc độ lây nhiễm cao hơn đến 70% so với trước. Anh Quốc ban hành lệnh tái phong tỏa nhắm vào 16 triệu dân. Trong ngày 21/12/2020 thủ tướng Johnson triệu tập khẩn cấp nội các để bàn về vấn đề cung cấp nhu yếu phẩm cho nước Anh.

Đại dịch Covid-19 tới này làm 67.000 bệnh nhân thiệt mạng và nội trong ngày 20/12/2020 Luân Đôn thông báo có thêm 36.000 ca nhiễm mới. Trên đài truyền hình, bộ trưởng Y Tế Matt Hancock báo động chủng mới của virus corona đang « vượt ngoài tầm kiểm soát ».

Sau Hà Lan, Bỉ đến lượt Đức, Ý hay Pháp cùng nhiều quốc gia khác tại châu Âu thông báo tạm đóng cửa biên giới với Anh Quốc.

Paris chẳng hạn cho biết lệnh cấm có hiệu lực trong vòng 48 tiếng kể từ 12 giờ đêm qua, để phối hợp với các đối tác châu Âu về cơ chế xét nghiệm mới. Trong thời gian này mọi di chuyển đến hay đi từ nước Anh qua đường thủy, đường bộ hay hàng không đều bị phong tỏa. Các công dân Anh đang làm việc tại châu Âu hay công dân châu Âu cư trú trên lãnh thổ Anh tạm thời không thể đoàn tụ với gia đình vào dịp lễ, Tết cuối năm.

Vấn đề càng thêm phức tạp với Anh Quốc do lệnh đóng cửa biên giới này diễn ra cận ngày Giáng Sinh và 10 ngày trước khi chấm dứt giai đoạn chuyển tiếp trong quan hệ giữa Luân Đôn và 27 thành viên còn lại trong Liên Hiệp Châu Âu sau Brexit. Tình hình đang rối ren tại Anh Quốc như tường thuật của thông  tín viên đài RFI từ Luân Đôn, Maxence Peigné :

« Sau hai ngày nghỉ cuối tuần với những tin xấu dồn dập, Anh Quốc đang trải qua một trong những tuần lễ khó khăn nhất. Trang nhất của các tờ báo Luân Đôn với những lời lẽ rất gay gắt phản ánh rõ điều này sau những thông báo được đưa ra tối qua. « Châu Âu đóng cửa với nước Anh », tựa của nhật báo Times. Tờ The Sun thì cho rằng « Người Pháp không chút thương xót gì dân Anh ». Tờ Daily Mirror chạy tựa, nước Anh là kẻ « bệnh hoạn » của châu Âu. « Mùa Giáng Sinh thê thảm nhất và giai đoạn hấp hối kéo dài trong nhiều tháng », như ghi nhận của báo Daily Mail. 

Các bạn thấy đó, không khí ở đây hoàn toàn không vui vẻ chút nào. Lệnh đóng cửa biên giới ngăn cản các công dân châu Âu đang làm việc tại Anh về nước đoàn tụ với gia đình vào dịp nghỉ phép cuối năm. Bên cạnh đó còn có vấn đề cung cấp nhu yếu phẩm cho cả nước Anh nhất là chỉ còn 10 ngày trước thời hạn Brexit. Hiện tại chưa có một thỏa thuận nào được đặt lên mặt bàn. Hải Cảng Dover bị đóng cửa trong vòng 48 tiếng mà bình thường ra vào dịp này, mỗi ngày có tới 10 ngàn xe tải từ Pháp vào lãnh thổ của Anh qua ngả này. Sáng nay thủ tướng Boris Johnson chủ trì một cuộc họp khẩn với nội các để bàn cách đối phó và nhất là phải tìm ra giải pháp để bảo đảm là dân Anh không bị thiếu thốn bất cứ thứ gì trong thời gian tới ».

Cũng trong ngày 21/12/2020, đại sứ của 27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu họp lại tại Bruxelles để bàn về các biện pháp giới hạn giao thương với vương quốc Anh.

Virus corona biến thể, Anh Quốc bị cô lập với phần còn lại của châu Âu (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten