zondag 6 september 2020

Truyện Kiều đến với khán giả Paris qua nhạc kịch đàn ca tài tử

 

Truyện Kiều đến với khán giả Paris qua nhạc kịch đàn ca tài tử

Phần âm thanh 15:03
Affiche vở nhạc kịch đàn ca tài tử "Kiều"
Affiche vở nhạc kịch đàn ca tài tử "Kiều" APDCV
Thanh Phương
32 phút

Vào cuối tháng 3/2020, lần đầu tiên Truyện Kiều sẽ đến với khán giả Paris qua một vở nhạc kịch đàn ca tài tử. RFI phỏng vấn nghệ sĩ Trúc Tiên, người đã chuyển thể Truyện Kiều và cũng là người thủ vai chính trong vở nhạc kịch này. 

Chữ Tài chữ Mệnh khéo là ghét nhau.

Trăm năm trong cõi người ta,

Trải qua một cuộc bể dâu,

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

Có lẻ những ai được học về văn học Việt Nam cũng đều thuộc nằm lòng, hay ít ra đã từng đọc qua 4 câu thơ nổi tiếng của Truyện Kiều, một kiệt tác của đại thi hào Nguyễn Du, người đã được tổ chức UNESCO tôn vinh là danh nhân văn hóa thế giới.

Cho đến nay Truyện Kiều đã được dịch ra hơn 20 ngôn ngữ khác nhau với rất nhiều bản dịch, cho thấy đây là một kiệc tác mang tầm vóc quốc tế, một tài sản chung của nhân loại.

Lần đầu tiên Truyện Kiều sẽ đến với khán giả Paris qua một vở nhạc kịch đàn ca tài tử sẽ được trình diễn ngày Chủ nhật 29/03/2020 tại Théâtre Saint Léon, 11 Place du Cardinal Amette quận 15 Paris.

Đây là một trong những sinh hoạt của nhóm Cội Nguồn do nghệ sĩ Trúc Tiên sáng lập và cũng chính Trúc Tiên là người chuyển thể Truyện Kiều thành nhạc kịch đàn ca tài tử. Hôm nay, RFI Việt ngữ rất hân hạnh đón tiếp Trúc Tiên tại phòng thâu của đài. 

Phỏng vấn Trúc Tiên

( Trích đoạn phỏng vấn )

RFI : Vì sao Trúc Tiên chọn Truyện Kiều của Nguyễn Du để chuyển thể thành nhạc kịch đàn ca tài tử?

Trúc Tiên : Lý do thứ nhất là Truyện Kiều có rất nhiều ảnh hưởng vào tiếng Việt của mình. Phạm Quỳnh có nói : « Truyện Kiều còn, tiếng Việt còn. Tiếng ta còn, thì nước ta còn ». Hồi nhỏ, khi học câu này thì Trúc Tiên không hiểu sâu lắm. Khi rời Việt Nam sang Pháp sống, mình thấy là con em của mình cần phải gìn giữ tiếng Việt. Lúc dạy tiếng Việt, Trúc Tiên đọc đi, đọc lại Truyện Kiều từng câu từng đoạn, thì mới thấy là trong Truyện Kiều có rất là nhiều thành ngữ mình dùng hằng ngày, mà có lúc mình quên đi, như là « xa chạy, cao bay », hay « mèo mả gà đồng », « kiến bò miệng chén ». Hay là có những câu thơ thường được dùng trong âm nhạc, như « có trời mà cũng tại ta », « tu là cõi phúc, tình là dây oan », hay những hình ảnh biểu tượng như Sở Khanh để chỉ những anh hay gạt gẫm, hay mấy chị ghen như Hoạn Thư.

RFI : Từ khi nào Trúc Tiên nảy ra ý định chuyển thể Truyện Kiều và khi nào thì bắt đầu chấp bút để soạn kịch bản ?

Trúc Tiên : Trúc Tiên mê Truyện Kiều từ nhỏ, vì thơ của ông rất là giản dị, thơ lục bát rất là hay. Trúc Tiên học Truyện Kiều cũng là để học thêm tiếng Việt, vì Trúc Tiên sang Pháp lúc mới 10 tuổi. Trúc Tiên đã rất mong có một ngày nào đó chuyển thể Truyện Kiều thành đàn ca tài tử, một thể loại nhạc mà Trúc Tiên rất yêu mến.

RFI : Truyện Kiều rất dài, chuyển thể thành đàn ca tài tử giống như là mình phổ nhạc nhiều bài thơ khác nhau, chắc rất là khó khăn ?

Trúc Tiên : Dạ phải. Khó khăn đầu tiên đó là mình phải để càng nhiều càng tốt những câu thơ của Nguyễn Du trong các điệu đàn ca tài tử. Những bài đàn ca tài tử có trước thì chỉ lác đác vài bài, mà là theo thể loại đàn ca tài tử kể chuyện, cho nên rất ít thơ của Nguyễn Du.

RFI : Cụ thể Trúc Tiên chọn chuyển thể những đoạn nào ?

Trúc Tiên : Truyện Kiều rất là dài, hơn 3.000 câu và đúng là trong đó có rất nhiều đoạn hay, nhưng Trúc Tiên không thể nào chuyển thể hết được, nên phải chọn. Đoạn đầu tiên mà Trúc Tiên chọn là « Trăng thề vườn Thúy », nói về mối tình đầu của Kiều với Kim Trọng, sau đó là một đoạn mà Nguyễn Du tả rất là dễ thương về hai chị em Thúy Kiều và Thúy Vân, đó là « Tình chị duyên em ».

Có những nhân vật như Tú Bà, Mã Giám Sinh, Sở Khanh thì mình không thể nào quên được, đó là những người đã đưa Kiều vào kiếp đoạn trường. Nói đến Kiều thì cũng không thể nào quên được Hoạn Thư, ghen rất là thông minh để giữ chồng mình. Và mỗi lần Trúc Tiên nói chuyện với các bác thì các bác hay hỏi : « Có Từ Hải không ? », thì thưa có, sẽ có đoạn về Từ Hải và Kiều. Từ Hải rất anh hùng và cũng rất là đa tình.

RFI : Và có lẽ Trúc Tiên cũng thấy nội dung của Truyện Kiều cho tới nay vẫn mang tính thời sự, tức là ai trong chúng ta cũng nhận thấy mình trong một nhân vật nào đó trong Truyện Kiều?

Trúc Tiên :  Đúng như vậy. Truyện Kiều rất là tân thời, dù Nguyễn Du đã viết đầu thế kỷ 19. Hồi nhỏ Trúc Tiên có xem được bói Kiều ở Mỹ Tho. Các bác để Truyện Kiều ở giữa, ngồi chung quanh, rồi có một người khấn, hỏi một câu gì đó cho tương lai, rồi nhắm mắt lại, mở Kiều ra. Hễ tay chỉ đến câu nào thì câu đó sẽ là câu trả lời. Những câu, những đoạn trong Kiều rất là tân thời, thời nào cũng nói lên được tâm trạng của một người nào đó.

RFI : Để thực hiện vở nhạc kịch đàn ca tài tử này, Trúc Tiên sẽ huy động những nghệ sĩ trong nước, cũng như ở Paris. Cụ thể đó là những ai ?

Trúc Tiên : Là nhạc kịch, nên nó có một số phần tân nhạc. Anh Ngô Càn Chiếu sẽ giúp Trúc Tiên phổ phần tân nhạc. Về phía nhạc sĩ, từ Việt Nam sang có anh Văn Môn ( đàn guitare phím lõm ), anh Huỳnh Tuấn ( đàn kềm và đàn bầu ). Ở Paris có chị Thu Thảo ( đàn tranh ), anh Mai Thanh Nam ( thổi sáo ), anh Trang Bá Tùng ( keyboard ) và nhóm Souppaya sẽ chơi nhạc classique.

Một trong những khó khăn trong việc thực hiện vở nhạc kịch này là Trúc Tiên muốn làm hai thứ tiếng Việt và Pháp, để các bạn Pháp cũng hiểu được văn hóa Việt Nam. Cho nên sẽ có chị Tố Lan kể chuyện bằng tiếng Pháp và nhóm Souppaya chơi nhạc classique. Ngoài ra có anh Linh Quang đóng vai Nguyễn Du. Về các ca sĩ thì có anh Đình Đại, chị Phương Khanh, chị Kim Hoa, anh Văn Đệ, anh Tri Văn ở giáo xứ Paris, anh Công và một số anh chị em khác nữa.

Bên này không có ai là chuyên nghiệp, ai cũng đi làm, nhưng đều rất yêu mến nghệ thuật cổ của mình và muốn gìn giữ nó. Cho nên Trúc Tiên cám ơn các anh chị đó rất nhiều đã giúp trong vở này.

RFI : Vì sao Trúc Tiên chọn nhà hát Saint-Léon làm nơi diễn vở nhạc kịch này ?

Trúc Tiên Vì nhạc kịch này cần một không gian lắng đọng để thưởng thức những câu thơ của Nguyễn Du, nghe những tiếng đàn cổ. Trúc Tiên muốn có một không gian rất yên lặng, dễ thương và êm đềm để mình nhớ lại quê hương của mình và hiểu được mình phải gìn giữ văn hóa của mình, dù không còn trong nước mình. Đó cũng là mong muốn của Hội Cội Nguồn.

Thi ca nhạc kịch "Dòng Đời"

Một sinh hoạt văn nghệ đáng chú ý khác của cộng đồng người Việt tại vùng Paris, đó là chương trình Thi Ca Nhạc Kịch chủ đề "DÒNG ĐỜI", sẽ được được trình diễn ngày 08/05/2020 lúc 14g30, cũng tại Théâtre Saint Léon, 11 place Cardinal Amette 75015 Paris, do hai nghệ sĩ Mỹ Ly và Băng Nhân thực hiện, với có sự tham gia của các ca, nhạc sĩ được cộng đồng Việt Nam ái mộ. Phần lợi nhuận của chương trình này sẽ sẽ được tặng hết cho Hội Cứu trợ Thương Phế Binh VNCH.

https://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20200307-truy%E1%BB%87n-ki%E1%BB%81u-%C4%91%E1%BA%BFn-v%E1%BB%9Bi-kh%C3%A1n-gi%E1%BA%A3-paris-qua-nh%E1%BA%A1c-k%E1%BB%8Bch-%C4%91%C3%A0n-ca-t%C3%A0i-t%E1%BB%AD

Geen opmerkingen:

Een reactie posten