Ấn Độ và Trung Quốc thỏa thuận nhanh chóng rút quân khỏi vùng biên giới
Đăng ngày:
Trong một tuyên bố chung công bố ngày hôm nay 11/09/2020, bên lề hội nghị ngoại trưởng các nước trong Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải tại Matxcơva, hai ngoại trưởng Ấn Độ và Trung Quốc cho biết là đã gặp nhau và nhất trí nhanh chóng rút quân ra khỏi vùng biên giới trên bộ đang rất căng thẳng.
Bản tuyên bố chung công bố sau cuộc tiếp xúc song phương vào hôm qua 10/09 giữa ngoại trưởng Ấn Độ S.Jaishankar và đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị nói rõ: “Hai ngoại trưởng đã nhất trí rằng tình hình hiện nay ở các khu vực biên giới không có lợi cho ai. Do đó, hai bên đã đồng ý là quân đội ở biên giới của cả hai nước nên tiếp tục đối thoại, nhanh chóng rút quân, duy trì khoảng cách thích hợp và giảm căng thẳng”.
Tình hình ở vùng biên giới Ấn-Trung dọc theo dãy Himalaya đã căng thẳng hẳn lên trong những tháng gần đây, đặc biệt sau vụ cận chiến đẫm máu bằng gậy đá và tay chân vào giữa tháng 6 ở vùng thung lũng sông Galwan, ở miền đông Ladakh, nối tiếp bằng vụ hai bên tố cáo lẫn nhau là đã nổ súng trước (dù là bắn chỉ thiên) trong đêm 07/09 ở khu vực hồ Pangong Tso cũng ở miền đông Ladakh.
Bộ trưởng Quân Lực Pháp đến Ấn Độ bàn giao đợt Rafale đầu tiên
Trong bối cảnh quan hệ Ấn-Trung căng thẳng, ngày hôm qua 10/09, Không Quân Ấn Độ đã làm lễ chính thức tiếp nhận 5 chiến đấu cơ Rafale đầu tiên của Pháp. Buổi lễ được tổ chức tại căn cứ Không quân Ambala thuộc bang Haryana, với sự có mặt của bộ trưởng Quân Lực Pháp, bà Florence Parly.
Năm 2016, Ấn Độ đã ký hợp đồng trị giá gần 8 tỷ đô la để mua 36 chiếc máy bay Rafale của Pháp, được lần lượt bàn giao từ nay cho đến năm 2021. Đợt đầu gồm 5 chiếc về đến Ấn Độ từ ngày 27/07 đã được chính thức bàn giao hôm qua. Đợt giao máy bay thứ hai dự trù vào cuối tháng 11 tới đây.
Ấn Độ cấp tốc tái vũ trang trước mối đe dọa Trung Quốc
Đăng ngày:
Cho dù hai ngoại trưởng Ấn Độ và Trung Quốc đã ra một thông cáo chung vào hôm nay, 11/09/2020 khẳng định sẽ xuống thang tranh chấp tại vùng biên giới trên bộ giữa hai nước dọc theo dãy núi Himalaya, tình hình căng thẳng bùng lên từ nhiều tháng nay sẽ chưa thể lắng dịu.
Ngay sau vụ 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trong một cuộc cận chiến với linh Trung Quốc hôm 15/06 tại vùng biên giới, Ấn Độ đã hết sức lo ngại trước nguy cơ bị yếu thế về quân sự so với Trung Quốc,và đã tăng tốc độ hiện đại hóa quân đội, cho dù nền kinh tế đang bị dịch Covid-19 tác hại nặng nề.
Vỏn vẹn một tuần sau vụ binh sĩ Ấn Độ bị lính Trung Quốc giết hại, bộ trưởng Quốc Phòng Ấn Độ Rajnath Singh đã bay ngay sang Matxcơva để đúc kết hợp đồng mua 33 chiến đấu cơ MiG-29 và Sukhoi 30, cũng như hiện đại hóa đội chiến đấu cơ gồm 59 chiếc MiG-29 hiện hữu.
Chỉ từ tháng 6 đến nay, số tiền mà Ấn Độ chi ra để mua vũ khí lên đến hơn 6,1 tỷ euro, từ 156 xe bọc thép chở lính, đến tên lửa hành trình, tên lửa không đối không cho Hải Quân và Không Quân, 106 máy bay huấn luyện…
Theo ghi nhận của nhật báo Pháp Le Figaro, cơn sốt mua thiết bị kể trên nêu bật nhu cầu hiện đại hóa trang thiết bị của quân đội Ấn Độ, mà một số do Nga sản xuất đã có từ thời chiến tranh lạnh.
Ngân sách quốc phòng của Ấn Độ quả là vẫn tăng đều đặn hàng năm, lên đến 59 tỷ euro vào năm nay 2020, nhưng 60% trong số này lại được dùng để trả lương và hưu bổng cho 5 triệu quân nhân, trong đó có đến 3,2 triệu người đã về hưu ! Phần đầu tư cho thiết bị do đó đã bị ảnh hưởng, và từ nhiều năm nay, các đơn vị quân đội luôn than phiền về việc thiếu đạn dược và phụ tùng thay thế.
Vấn đề đặt ra cho Ấn Độ là việc hiện đại hóa cần phải đi đi song song với sự phát triển ngành công nghiệp vũ khí trong nước. Thế nhưng Ấn Độ lại lệ thuộc vào việc nhập khẩu vũ khí.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình SIPRI ở Stockholm, Ấn Độ là nước đứng hàng thứ nhì thế giới về nhập khẩu vũ khí trong giai đoạn từ 2015 đến 2019. Để ngăn chặn xu hướng này, bộ Quốc Phòng Ấn Độ, hôm 09/08 vừa qua đã ra lệnh cấm nhập 101 loại phương tiên, thiết bị, như trực thăng chiến đấu loại nhẹ, tàu ngầm…
Chuyên gia về các vấn đề quốc phòng Bharat Karnad, thuộc trung tâm tham vấn Center for Policy Research ở New Delhi đã tỏ ý lo ngại: “Sự lệ thuộc vào vũ khí nước ngoài sẽ khiến đất nước bị bó tay khi nổ ra khủng hoảng. Tung ra những chiến dịch có cường đô cao sẽ nhanh chóng tạo ra tình trạng thiếu hụt đạn dược và linh kiện vì Ấn Độ không có khả năng sản xuất những thiết bị đó tại chỗ”.
Việc New Delhi cấp tốc mua thêm vũ khí, đồng thời tìm cách tăng cường sản xuất trong nước, thể hiện qua lệnh cấm mua một số thiết bị làm được trong nước, cho thấy là New Delhi chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng lâu dài với Trung Quốc.
Theo giới phân tích, nhu cầu tái võ trang đã đến với Ấn Độ vào một thời điểm hoàn toàn không thuận lợi. Quốc gia đông dân thứ hai trên hành tinh này đang phải vất vả đối phó với đại dịch Covid-19, vốn đã đẩy nền kinh tế nước này vào vòng suy thoái, với GDP đã giảm đến 23,9% vào quý hai vừa qua, mức giảm nặng nhất trong các nước nhóm G20. Trong năm 2020, tăng trưởng kinh tế Ấn Độ có thể tuột giảm từ âm 6 đến âm 14%.
Các khó khăn về ngân sách như vậy đã được thấy trước trong lúc mà Ấn Độ thực hiện một kế hoạch hiện đại hóa trang thiết bị quân sự cực kỳ tốn kém, lên 130 tỷ đô la, vì nước này không chỉ cần máy bay mà còn cần đến tàu ngầm, chiến hạm, súng ống…
Nga : Nhà hòa giải lý tưởng cho xung đột biên giới Ấn-Trung ?
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
Ngày 23/06/2020, nhóm RIC (viết tắt của Russia, India và China) đã có một cuộc họp cấp cao trực tuyến. Nga và Ấn Độ khẳng định xung đột biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc trên dãy Himalaya không nằm trong chương trình nghị sự. Tuy nhiên, theo giới quan sát, có nhiều yếu tố cho thấy Nga có một vai trò đáng kể giúp hạ nhiệt căng thẳng giữa hai ông “khổng lồ” châu Á.
Trang mạng tờ IndianExpress hôm nay, 23/06/2020, điểm lại một số chi tiết đáng lưu ý cho phép dự đoán vị thế của Matxcơva trong hồ sơ này: Ngày 23/06 diễn ra cuộc họp ba bên Nga – Ấn – Trung giữa các ngoại trưởng qua video. Ngày 24/06, Matxcơva sẽ đón hai bộ trưởng Quốc Phòng của Ấn Độ là ông Rajnath Singh và đồng nhiệm Trung Quốc là Ngụy Phượng Hòa, đến dự lễ diễu binh mừng 75 chiến thắng phát xít Đức, có sự tham gia của binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc.
Trước đó, một ngày trước khi diễn ra cuộc thương lượng Ấn – Trung 06/6, ngoại trưởng Ấn Độ đã thông báo cho đại sứ Nga tại Ấn Độ, Nikolay Kudashev về « những tiến triển mới nhất » của tình hình dọc theo đường kiểm soát thực tế (LAC). Sau vụ đụng độ ngày 15/6, ông D. Bala Venkatesh Varma, đại sứ Ấn Độ tại Nga, đã có một cuộc trao đổi với thứ trưởng Ngoại Giao Nga Igor Morgulov ngày 17/6.
Ngần ấy quan sát cho thấy nước Nga đang được xem như là một tác nhân chủ chốt trong xung đột Ấn – Trung. Vì sao ? Theo giải thích của trang mạng IndianExpress, đó là vì Nga có những mối quan hệ chặt chẽ với cả hai quốc gia châu Á đông dân nhất thế giới.
Với nước Nga, Trung Quốc là một đối tác thương mại và là nhà đầu tư châu Á lớn nhất. Đổi lại, Trung Quốc xem Nga như là một cường quốc về nguyên liệu và một bạn hàng. Có thể nói, kinh tế là một « cơ sở chiến lược mới » cho mối quan hệ Nga – Trung thời kỳ hậu Chiến Tranh Lạnh.
Nhưng bang giao Ấn – Nga lại là một mối quan hệ lịch sử lâu dài, đã có từ 7 thập niên qua. Đôi bên đã có những hợp tác chặt chẽ trong một số lĩnh vực, trong đó, quốc phòng là cột trụ vững chắc nhất cho mối quan hệ đối tác chiến lược Nga - Ấn.
Dù rằng Ấn Độ ý thức được là phải đa dạng hóa nguồn cung cấp, nhưng phần lớn trang thiết bị quân sự của Ấn Độ hiện vẫn đến từ Nga (ước tính chiếm khoảng từ 60 – 70%). New Dehli rất cần một nguồn cung cấp đều đặn và đáng tin cậy các linh kiện công nghiệp quốc phòng Nga.
Hơn nữa, New Dehli cho rằng phương Tây đã sai lầm khi không nhận thấy rõ tầm quan trọng của trục Bắc Kinh – Matxcơva. Các chính sách trừng phạt nhắm vào Nga sau vụ sáp nhập bán đảo Crimée đưa ra từ năm 2014 chỉ làm cho Nga xích lại gần hơn với Trung Quốc.
Chính quyền Ấn Độ cũng không có cùng cách nhìn với giới phân tích phương Tây cho rằng mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo quyền lực nhất hiện nay là Tập Cận Bình và Vladimir Putin là một « tình hữu nghị theo hoàn cảnh ». Báo mạng IndianExpress lưu ý, các phát biểu của Matxcơva liên quan đến các vấn đề mà Bắc Kinh cho là « nhạy cảm » như việc triển khai mạng 5G của Hoa Vi, Hồng Kông và đại dịch Covid-19 là « rất cẩn trọng, có đo lường ».
Xét từ những góc độ này, quyết định của Ấn Độ chìa tay với Nga không chỉ là một lựa chọn, mà còn là một sự cần thiết. New Dehli cho rằng Matxcơva có một tác động đòn bẫy và một tầm ảnh hưởng nhất định để có thể làm thay đổi lập trường cứng rắn của Bắc Kinh trong vấn đề tranh chấp biên giới Ấn – Trung.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten