woensdag 30 september 2020

 

Năng lượng Hydrogen, cột trụ của công cuộc tái công nghiệp hóa và chấn hưng nước Pháp

Trạm sạc Hydrogen đầu tiên tại Paris do hãng Air Liquide lắp đặt, phía sau là taxi điện Hydrogen của hãng Hype.
Trạm sạc Hydrogen đầu tiên tại Paris do hãng Air Liquide lắp đặt, phía sau là taxi điện Hydrogen của hãng Hype. AFP/DOMINIQUE FAGET
Thùy Dương
7 phút

Còn bị coi thường, ngờ vực cách nay không lâu, hiện giờ khí Hydrogen (H2) được xem như một cột trụ của công cuộc tái công nghiệp hóa và chấn hưng nước Pháp. Vì ưu điểm chính của Hydrogen là khử carbon, phi carbon hóa các ngành công nghiệp và giao thông vận tải, nên chính phủ Pháp có tham vọng biến Hydrogen thành « năng lượng của nước Pháp ».

1. Tại sao Pháp chuyển sang sử dụng Hydrogen ?

Từ nhiều năm nay, Hydrogen đã được sử dụng như một thành phần hóa học trong công nghiệp. Nhưng đó cũng là vecteur năng lượng. Ngày nay, Hydrogen thường được điều chế từ dầu mỏ hoặc khí tự nhiên - được gọi là hydrogen « xám », đặc biệt gây ô nhiễm môi trường. Nhưng Hydrogen cũng có thể được sản xuất nhờ điện, thông qua một máy gọi là máy điện phân : sử dụng điện để tách nước thành khí Hydrogen và Oxygen. Phương pháp này hiện giờ vẫn chưa phổ thông, nhưng có một lợi thế lớn : nếu việc sản xuất điện được sử dụng để tạo Hydrogen không thải ra khí gây hiệu ứng nhà kính, thì chúng ta có một vectơ năng lượng không làm trái đất nóng lên. Đó sẽ là Hydrogen « xanh » - thân thiện với môi trường - nếu được sản xuất từ ​​năng lượng tái tạo và được coi là « phi carbon » nếu được sản xuất từ ​​năng lượng hạt nhân.

Về mặt lý thuyết, lợi thế của Hydrogen là nó cho phép giảm carbon trong các lĩnh vực công nghiệp và vận tải tải trọng lớn, những lĩnh vực thải ra nhiều CO2 nhất. Kế hoạch của Pháp ưu tiên thay thế Hydrogen « xám » bằng hydrogen « phi carbon ». Theo Laurent Carme, chủ tịch - tổng giám đốc McPhy, một công ty sản xuất máy điện phân của Pháp, khoảng 95% Hydrogen ngày nay được sản xuất từ nhiên liệu ​​hóa thạch, nên nếu muốn chống biến đổi khí hậu, thì phải phi carbon hóa các ngành công nghiệp này.

2. Hydrogen sẽ được sử dụng để làm gì?

Giai đoạn đầu tiên sẽ nhằm thay thế Hydrogen « xám » dùng trong lĩnh vực lọc dầu và hóa chất, đặc biệt trong quá trình sản xuất amoniac, chất này được sử dụng trong 80% phân bón. Mục tiêu kế hoạch của Pháp là giảm thải ít nhất 50% khí gây hiệu ứng nhà kính do việc sử dụng Hydrogen « xám » trong công nghiệp. Giai đoạn thứ 2 là từng bước phi carbon hóa các lĩnh vực vận tải hàng hải, đường bộ và hàng không. Các phương tiện chạy bằng pin điện chỉ dành cho vận tải nhẹ, hiện giờ chưa có giải pháp thay thế nhiên liệu cho các phương tiện trọng tải lớn.

Tuy nhiên, phát triển Hydrogen tại Pháp còn nhằm đáp ứng một mục tiêu khác : hỗ trợ cho sự phát triển của một ngành công nghiệp, không để tái diễn chuyện đã xảy ra đối với ngành sản xuất tua-bin gió và pin mặt trời, vốn đa phần sản phẩm được sản xuất bên ngoài lãnh thổ Pháp. Bằng cách hỗ trợ ngành sản xuất máy điện phân, Nhà nước Pháp hy vọng giảm giá thành sản phẩm. Những nhân vật đề xướng phát triển Hydrogen cũng hy vọng tái công nghiệp một số vùng lãnh thổ của Pháp, nhằm phi tập trung hóa sản xuất tại một số nơi.

3. Phát triển hydrogen bằng cách nào?

Đây chính là điểm mấu chốt : Sản xuất Hydrogen hiện rất tốn kém, bởi vì trước tiên phải sản xuất điện để có năng lượng tiến hành điện phân, tạo ra Hydrogen. Dự án của Pháp dựa vào việc sử dụng điện sẵn có từ lưới điện, chủ yếu là điện hạt nhân và năng lượng tái tạo - hầu như chỉ thải ít CO2.

Chính sách năng lượng của Pháp dự kiến tăng năng lượng mặt trời lên gấp 5 lần và năng lượng gió thêm 2,5 lần trong 10 năm tới, đồng thời đóng cửa 12 lò phản ứng hạt nhân vào năm 2035. Trong những điều kiện này, vấn đề là làm thế nào để vừa đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng, vừa đảm bảo có đủ điện để sản xuất Hydrogen.

Hơn nữa, để phát triển, ngành sản xuất Hydrogen cần một cơ chế hỗ trợ riêng. Philippe Boucly, chủ tịch Afhypac, hiệp hội các nhà công nghiệp trong lĩnh vực Hydrogen đề nghị Nhà nước giúp họ thu hẹp khoảng cách cạnh tranh giữa Hydrogen sạch và hydrogen « xám », với những cam kết dài hạn 10-15 năm.

Và đặc biệt là, theo nhận định của nhiều nhà quan sát, để phát triển tốt nền kinh tế Hydrogen, cần phát triển song song lĩnh vực sản xuất và sử dụng Hydrogen. Còn bộ trưởng kinh tế Pháp Bruno Le Maire muốn ưu tiên phát triển ngành sản xuất máy điện phân. Nước Pháp muốn tự chủ hơn về Hydrogen với một chiến lược « chậm mà chắc », thay vì chỉ tập trung vào lắp đặt các trạm nạp Hydrogen không phải do Pháp sản xuất.

4. Đâu là những thách thức để thực hiện kế hoạch này ?

Nước Pháp phải mất vài năm mới đi đến quyết định đầu tư vào lĩnh vực này, chủ yếu là do vấn đề chi phí. Đúng là việc sản xuất đại trà Hydrogen sẽ làm hạ chi phí cho cơ sở hạ tầng, nhưng điều đó không có nghĩa là giá thành Hydrogen sẽ cạnh tranh được các với loại nhiên liệu khác. Phát triển Hydrogen sẽ phải kèm theo việc đánh thuế carbon cao, nhất là vùng biên, bên cạnh các cơ chế hỗ trợ công vững chắc. Trong ngành vận tải, giá các phương tiện vận tải hạng nặng chạy bằng Hydrogen hiện nay cũng đắt hơn nhiều so với phương tiện chạy bằng các loại nhiên liệu khác, sự chênh lệch giá này cũng sẽ cần được hỗ trợ.

Điều cần lưu ý là ý tưởng chuyển sang nền kinh tế Hydrogen chưa phù hợp với mọi nhu cầu năng lượng hiện nay. Theo ông Cédric Philibert, chỉ nên coi Hydrogen là nguồn năng lượng bổ sung cho điện chứ Hydrogen chưa thể được coi là một loại « dầu lửa mới » và nên để dành Hydrogen cho những lĩnh vực không thể sử dụng điện. Hơn nữa, trong một số lĩnh vực, nhất là công nghiệp hàng không, vẫn còn nhiều thách thức kỹ thuật cần được giải quyết.

Một chướng ngại vật khác nằm ở khâu vận chuyển. Việc vận chuyển Hydrogen dưới dạng nhiên liệu hóa lỏng bằng tàu thủy đi khắp thế giới là vô cùng tốn kém. Trước tiên, phải làm lạnh Hydrogen ở nhiệt độ -252°C, điều này đòi hỏi rất nhiều năng lượng. Và hiệu quả năng lượng của Hydrogen hóa lỏng lại thấp hơn so với xăng dầu : một lít xăng chứa nhiều năng lượng gấp 4 lần so với 1 lít Hydrogen hóa lỏng, điều này có nghĩa là sẽ cần nhiều thùng, bồn chứa hơn. Trong khi đó, các đường ống dẫn khí đốt có sẵn hiện nay không phải đều có thể sử dụng được để dẫn Hydrogen một cách an toàn.

Hai năm tới sẽ cho phép Pháp kiểm chứng thực tế và giới hạn của kế hoạch Hydrogen. Dân biểu Michel Delpon thừa nhận là có những khó khăn, thách thức nhưng nước Pháp đang ở « buổi bình minh của một cuộc cách mạng công nghiệp » và ông chắc chắn Hydrogen là « năng lượng của tương lai ».

(Theo Le Monde)

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200930-n%C4%83ng-l%C6%B0%E1%BB%A3ng-hydrogen-c%E1%BB%99t-tr%E1%BB%A5-c%E1%BB%A7a-c%C3%B4ng-cu%E1%BB%99c-t%C3%A1i-c%C3%B4ng-nghi%E1%BB%87p-h%C3%B3a-v%C3%A0-ch%E1%BA%A5n-h%C6%B0ng-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-ph%C3%A1p

Geen opmerkingen:

Een reactie posten