Donald Trump: Nhà kiến tạo hòa bình tại vùng Cận Đông?
Đăng ngày:
Nổi bật trong dòng thời sự quốc tế trong những ngày gần đây là những bức ảnh ngày 15/09/2020 chụp thủ tướng Israel tươi cười bên cạnh hai ngoại trưởng Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất và vương quốc Bahraïn, hai tay cầm bản “hòa ước” vừa được ký tại Nhà Trắng khoe ra trước báo giới. Chen vào giữa là tổng thống Mỹ Donald Trump tươi cười không kém.
Tổng thống Mỹ quả là có lý do để thỏa mãn vì ông đã thành công trong việc thúc đẩy Nhà nước Do Thái và hai vương quốc Hồi Giáo vùng Vịnh ký kết thỏa thuận bình thường hóa bang giao.
Dĩ nhiên, đây không phải là lần đầu tiên mà Israel ký hòa ước với các nước Ả Rập. Trước Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất và Bahraïn, quốc gia Do Thái đã từng ký Thỏa Thuận Oslo vào năm 1993 với Palestine, hay hiệp định hòa bình với Jordan một năm sau đó.
Thế nhưng phải công nhận rằng với quyết định bình thường hóa bang giao giữa Israel và hai nước vùng Vịnh, ông Donald Trump đã giành được một thắng lợi ngoại giao quý báu, trong bối cảnh Hoa Kỳ liên tiếp bị thất bại ngoại giao trong thời gian gần đây.
Trung thành với cung cách ngoại giao cố hữu, tổng thống Mỹ đã tranh thủ lễ ký kết thỏa thuận tại Nhà Trắng để phô trương thành quả ngoại giao của mình, mà ông khẳng định sẽ còn to lớn hơn nữa.
Một thành quả ngoại giao đến rất đúng lúc
Khi tiếp đón đồng minh là thủ tướng Israel Benyamin Nétanyahou, đã đích thân đến Washington để tham gia lễ ký thỏa thuận, Donald Trump nhấn mạnh: “Chúng ta đã tiến rất xa với khoảng 5 nước, 5 quốc gia (Ả -Rập) khác. Sẽ có ít nhất là 5 hay 6 nước sẽ sớm đến với chúng ta, chúng tôi đã có nói chuyện với họ.”
Trong lúc Cơ Quan Quyền Lực Palestine đã nói đến một hành động “phản bội” lại Sáng Kiến Hòa Bình Ả Rập hiện hữu, theo đó việc bình thường hóa bang giao giữa các quốc gia Hồi Giáo Ả Rập với Israel phải tùy thuốc vào việc cho thiết lập một Nhà nước Palestine thực thụ, thì ông Donald Trump lại tỏ ý tin tưởng là “người Palestine sẽ hoàn toàn trở thành thành viên (nhóm nước bình thường hóa bang giao với Israel)… vào một thời điểm thích hợp”.
Ông Trump thậm chí còn dự đoán là sau khi ông tái đắc cử tổng thống, Iran cũng sẽ cố gắng đàn phán với Mỹ.
Theo nhận định của báo Le Monde số ghi ngày hôm nay, 17/09, phát biểu duy ý chí của tổng thống Mỹ về “bình minh của một vùng Trung Đông mới” là nhằm cho thấy hình ảnh của một chủ nhân Nhà Trắng là tác nhân của “hòa bình và ổn định” tại Trung Cận Đông.
Theo các nhà quan sát, thành công ngoại giao của Mỹ trong hồ sơ Israel-Ả Rập đến thật đúng lúc sau các thất bại chồng chất của chính quyền Trump trên một loạt hồ sơ quốc tế, trong bối cảnh chỉ còn 7 tuần nữa là đến cuộc bầu cử tổng thống.
Iran, Bắc Triều Tiên, Venezuela: Các thất bại của Donald Trump
Thất bại vang dội nhất là việc Washington bị cô lập tại Liên Hiệp Quốc trên hồ sơ Iran, gần như toàn thể Hội Đồng Bảo An phản đối khi muốn tái lập trừng phạt đối với Iran theo một cơ chế dự kiến trong thỏa thuận hạt nhân Iran mà Mỹ đã rút khỏi vào năm 2018.
Chủ trương gây “sức ép tối đa” lên Iran, đưa đất nước này vào khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, đã lại càng làm cho chế độ Teheran cứng rắn thêm. Không đẩy lùi được hiểm họa hạt nhân Iran đã đành, chính sách Iran của chính quyền Trump đã “giúp” chế độ Teheran làm giàu trở lại uranium, và hiện tiến gần đến khả năng hạt nhân quân sự hơn là thời ông Trump vừa mới vào Nhà Trắng.
Chiến lược sức ép tối đa cũng không mấy thành công với chế độ Nicolas Maduro ở Venezuela, bất chấp việc chính quyền Trump đã dồn sức ủng hộ nhà đối lập Juan Guaido, được công nhận là tổng thống lâm thời của đất nước Nam Mỹ này vào năm 2019.
Ông Trump cũng không mấy thành công trong hồ sơ mà ông đã dồn nhiều sức lực và vốn liếng chính trị: Phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên.
3 cuộc gặp lịch sử với lãnh đạo Bình Nhưỡng Kim Jong Un và vài bước đi trên lãnh thổ Bắc Triều Tiên, nhân cuộc gặp lại ở Bàn Môn Điếm tháng 7/2019, đã không dẫn đến tiến bộ nào.
Những thất bại này đi kèm với hình ảnh nước Mỹ xấu đi một cách đánh kể trên thế giới, Và càng xấu đi hơn vào năm 2020 qua cách xử lý nạn dịch Covid -19.
Thăm dò của trung tâm Pew Research Center ngày 15/09 vừa qua cho thấy là số người thích nước Mỹ ở Pháp là 31%, ở Đức là 26%, những đánh giá xuống đến mức thấp nhất của tháng 3/2003, lúc lính Mỹ vào Irak. Tại những đồng minh thân cận của Mỹ, tỷ lệ cũng rất thấp: Anh Quốc còn (41 %), Nhật (41 %), Úc (33 %) và Canada (35 %). vẫn là những tỷ lệ rất thấp.
Hình ảnh của ông Trump ở 6 quốc gia kể trên cũng xấu như hình ảnh của George W. Bush vào cuối nhiệm kỳ hai của ông.
Nobel Hòa Bình năm 2021?
Dẫu sao thì các hoạt động ngoại giao năng nổ của tổng thống Mỹ, đặc biệt trong hồ sơ hòa giải Israel-Ả Rập, đã giúp ông được đề cử nhận giải Nobel Hòa Bình năm 2021.
Theo ghi nhận của Nhật Bản Mỹ New York Times ngày 13/09 vừa qua, hai lần liên tiếp trong một tuần lễ, ông Donald Trump đã được đề cử lãnh giải Nobel Hòa Bình.
Người đề cử ông đầu tiên là nghị sĩ Na Uy Christian Tybring-Gjedde, chủ tịch phái đoàn Na Uy tại Hội Đồng Nghị Viện NATO. Hôm 09/09, nhân vật này đã đề cử tổng thống Mỹ làm người được trao Nobel Hòa Bình năm 2021. Trong thư đề cử ông Tybring-Gjedde nêu bật vai trò trung gian quan trọng của chính quyền Trump trong việc thúc đẩy thỏa thuận hòa bình giữa Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất và Israel.
Hai hôm sau, đến lượt nghị sĩ Thụy Điển Magnus Jacobsson cũng đề cử ông Trump, cùng với chính quyền Kosovo và Serbia, về những hoạt động chung của họ đối với hòa bình và phát triển kinh tế, thông qua thỏa thuận bình thường hóa quan hệ kinh tế giữa hai bên được ký kết tại Nhà Trắng gần đây.
Tuy nhiên theo báo New York Times, do việc tổng thống Trump có một loạt những hành động gây tranh cãi trong những lãnh vực khác, ông khó có khả năng đoạt giải. Cho dù vậy, việc ông được đề cử cũng góp phần gây tiếng vang cho thông điệp kiến tạo hòa bình, nội dung chủ chốt gần đây trong chính sách đối ngoại của ông Trump trước thềm cuộc bầu cử tháng 11.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten