donderdag 24 september 2020

Duy Ngô Nhĩ : Hạ Viện Mỹ thông qua dự luật cấm nhập hàng Tân Cương

 

Duy Ngô Nhĩ : Hạ Viện Mỹ thông qua dự luật cấm nhập hàng Tân Cương

Ảnh tư liệu chụp ngày 05/06/2019 : Theo điều tra của AP, nhà máy OFILM, tại Nam Xương (Nanchang), tỉnh Tân Cương, Trung Quốc, sử dụng nhân công cưỡng bức Duy Ngô Nhĩ, là nhà cung cấp thiết bị cho nhiều tập đoàn đa quốc gia.
Ảnh tư liệu chụp ngày 05/06/2019 : Theo điều tra của AP, nhà máy OFILM, tại Nam Xương (Nanchang), tỉnh Tân Cương, Trung Quốc, sử dụng nhân công cưỡng bức Duy Ngô Nhĩ, là nhà cung cấp thiết bị cho nhiều tập đoàn đa quốc gia. AP - Ng Han Guan
Tú Anh
3 phút

Nhằm chống « cưỡng bách lao động » người Duy Ngô Nhĩ, Hạ Viện Mỹ với đa số áp đảo thông qua dự luật cấm nhập khẩu hàng hóa từ Tân Cương trong cuộc biểu quyết hôm thứ Ba 22/09/2020.

Theo AFP, trong tinh thần đồng thuận hiếm hoi giữa hai phe Cộng Hoà và Dân Chủ tại Hạ Viện Mỹ, dự luật đã được thông qua với tuyệt đại đa số dân biểu: 406 phiếu thuận, 3 phiếu chống. Văn kiện còn chờ Thượng Viện biểu quyết và tổng thống Donald Trump ban hành, ngăn chận mọi hàng hóa làm tại Tân Cương xâm nhập thị trường Hoa Kỳ.

Washington và nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế tố cáo Trung Quốc giam cầm hơn một triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ trong các « trại cải tạo » ở Tân Cương. Đối với Bắc Kinh, đây là các  « trung tâm học tập và dạy nghề ».

Dự luật đề ra các biện pháp cấm toàn bộ sản phẩm sản xuất ở Tân Cương. Điều kiện duy nhất để một sản phẩm được đặc miễn là phải « chứng minh » không do nhân công bị cưỡng bách làm ra.

Theo bản báo cáo đính kèm dự thảo luật hồi tháng Ba, rất nhiều hàng hóa bán trên thị trường Hoa Kỳ, có xuất xứ từ tệ nạn lao động cưỡng bách. Trong danh sách khá dài này, có vải sợi, giày dép, điện thoại di động, linh kiện điện toán, trà ….cũng như tên các công ty khai thác như Adidas, Nike, Clavin Klein, H§M, Coca-Cola…

83 nhãn mác quốc tế

Viện nghiên cứu chiến lược chính trị Úc cho biết, trong ba năm từ 2017 đến 2019,  gần 80 ngàn người Duy Ngô Nhĩ bị đưa đến các nhà máy ở Trung Quốc và ít nhất 83 nhãn mác, hiệu quốc tế có liên quan trong quá trình sản xuất.

Theo tuyên bố của chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi, vì được cả hai phe Cộng Hoà Dân Chủ ủng hộ, dự luật này là một thông điệp « mạnh » gửi chính quyền Bắc Kinh. Chính quyền Trump hôm 14/09 cho biết sẽ chận một loạt hàng hóa có xuất xứ Tân Cương.

Tại Pháp, một chiến dịch dán biểu ngữ tố cáo cưỡng bách lao động được hiệp hội bảo vệ phụ nữ phát động trong đêm Chủ Nhật vừa qua trước cửa vào của  24 cửa hàng nhãn mác quốc tế như Zara, Apple, Lacoste: « Tại đây, người ta giết người Duy Ngô Nhĩ », « Mua hàng là đồng lõa với tội ác ».

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200923-duy-ng%C3%B4-nh%C4%A9-h%E1%BA%A1-vi%E1%BB%87n-m%E1%BB%B9-th%C3%B4ng-qua-d%E1%BB%B1-lu%E1%BA%ADt-c%E1%BA%A5m-nh%E1%BA%ADp-h%C3%A0ng-t%C3%A2n-c%C6%B0%C6%A1ng

Geen opmerkingen:

Een reactie posten