Hạt nhân Iran: Washington đơn phương tuyên cáo tái trừng phạt Teheran
Đăng ngày:
Trong đêm thứ Bảy rạng sáng Chủ Nhật 20/09/2020, Hoa Kỳ thông báo các biện pháp của Liên Hiệp Quốc trừng phạt Iran được tái lập và có hiệu lực kể từ 00giờ, giờ quốc tế. Quyết định của Mỹ đi ngược lại ý kiến của các thành viên Liên Hiệp Quốc. Washington đe dọa trừng phạt những quốc gia không tuân thủ lệnh cấm.
Vấn đề là chính quyền Donald Trump gần như đơn độc. Tất cả các cường quốc từ Nga đến Trung Quốc và kể cả các đồng minh Châu Âu, đều phản đối.
Từ Washington, thông tín viên RFI Loubna Anaki tường thuật :
Đây là một quyết định đơn phương của Hoa Kỳ do ngoại trưởng Mike Pompeo thông báo trong đêm thứ Bảy sáng Chủ Nhật. Ông cảnh báo luôn rằng các nước không tôn trọng hoặc không thi hành quyết định này cũng sẽ bị trừng phạt. Lời de dọa gần như công khai nhắn gửi các thành viên khác của Liên Hiệp Quốc.
Cáh nay môt tháng, Hội Đồng Bảo An đã bác bỏ một dự thảo nghị quyết của Mỹ chống Iran. Chính phủ Mỹ liền cảnh báo rằng họ sẽ sử dụng cơ chế gọi là "snapback" để tái áp đặt trừng phạt. Đây là một cơ chế, trên nguyên tắc, có thể cho phép Mỹ hay bất kỳ một quốc gia nào có ký tên trong hiệp định hạt nhân 2015, ép buộc Liên Hiệp Quốc tái lập toàn bộ các biện pháp trừng phạt Iran trước khi có hiệp định hạt nhân 2015.
Thế nhưng, về mặt kỹ thuật, Hoa Kỳ đã bỏ hiệp định này khi Donald Trump vào Nhà Trắng. Các thành viên khác của Liên Hiệp Quốc cho rằng Mỹ không còn quyền sử dụng cơ chế cưỡng bách này.
Hôm thứ Sáu 18/09, ba nước Châu Âu gồm Anh, Pháp, Đức đã phản ứng trước: Mọi quyết định hay biện pháp tái lập trừng phạt đều không có hiệu lực pháp lý.
Hoa kỳ bị cô lập trên hồ sơ Iran nhưng tình trạng căng thẳng có nguy cơ đẩy Liên Hiệp Quốc vào một cuộc khủng hoảng chưa từng thấy.
Trong phản ứng đầu tiên, Iran kêu gọi thế giới "cùng một tiếng nói phản đối Washington". Còn Matxcơva thì tố cáo điều mà bộ Ngoại Giao Nga gọi là hành động "không chính đáng" của Mỹ.
Hạt nhân Iran: Anh, Pháp và Đức bác bỏ việc tái lập trừng phạt Teheran
Đăng ngày:
Chính quyền Donald Trump hoàn toàn bi cô lập trong chủ trương áp đặt lại các trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Iran. Tại Hội Đồng Bảo An, hôm qua 18/09/2020, Anh, Pháp và Đức tuyên bố thủ tục mà Hoa Kỳ khởi sự để kích hoạt các trừng phạt quốc tế, sẽ không có hiệu lực.
Theo Reuters, trong một thư chung gửi đến 15 thành viên Hội Đồng Bảo An, ba cường quốc châu Âu nhấn mạnh là mọi quyết định hay hành động đơn phương nhằm tái áp đặt các trừng phạt quốc tế đối với Iran là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý. Thông báo của Anh, Pháp và Đức được gửi đi đúng một ngày trước khi « toàn bộ các trừng phạt của Liên Hiệp Quốc với Iran » phải có hiệu lực trở lại vào lúc 20 giờ, ngày thứ Bảy 19/09/2020, theo quan điểm của Washington.
Ngày 19/09 là đúng 30 ngày sau khi Hoa Kỳ chính thức thông báo với Hội Đồng Bảo An kích hoạt cơ chế « snapback ». « Snapback » là một cơ chế được dự kiến trong Thỏa thuận 2015 về hạt nhân Iran, giữa Teheran với nhóm lục cường (Anh, Đức, Nga, Mỹ, Pháp và Trung Quốc), về dỡ bỏ trừng phạt đổi lấy việc Teheran ngưng chương trình vũ khí nguyên tử.
Theo cơ chế này, toàn bộ các trừng phạt quốc tế với Iran có thể tự động có hiệu lực trở lại sau 30 ngày, nếu Iran bị một bên tham gia Thỏa thuận tố cáo không tuân thủ cam kết. Vấn đề là đa số các thành viên Hội Đồng Bảo An không công nhận Mỹ có quyền kích hoạt cơ chế snapback, do Hoa Kỳ đã rút khỏi Thỏa thuận từ năm 2018.
Tuy nhiên, cho dù ý định của chính quyền Trump áp đặt trở lại các trừng phạt của LHQ nhắm vào Iran không được Hội Đồng Bảo An chấp thuận, hồ sơ Iran sẽ tiếp tục gây căng thẳng. Washington dự kiến sẽ ban bố một sắc lệnh, trong ít ngày tới, cho phép TT Donald Trump áp đặt các biện pháp « trừng phạt nhắm vào những thực thể ngoại quốc (không phải là người Mỹ, doanh nhân Mỹ) » (sanctions secondaires), tước quyền thâm nhập thị trường Mỹ đối với những nước nào vi phạm lệnh cấm vận vũ khí với Iran.
Tàu sân bay Nimitz vượt eo biển Ormuz
Hôm qua, hàng không mẫu hạm Mỹ USS Nimitz, cùng một tàu khu trục và hai tuần dương hạm, vượt qua eo biển Ormuz, đi vào vùng Vịnh. Eo biển chiến lược Ormuz là nơi mà Iran thường xuyên đe dọa phong tỏa. Tư lệnh hạm đội 5, phó đô đốc Samuel Paparo, tuyên bố sự hiện diện của tầu sân bay USS Nimitz khẳng định Hải Quân Hoa Kỳ luôn sẵn sàng hỗ trợ các hoạt động của liên quân quốc tế tại khu vực Trung Cận Đông. Theo tư lệnh hạm đội 5, tầu sân bay USS Nimitz sẽ tham gia vào các hoạt động chống quân thánh chiến tại khu vực này.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten