Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm 2/9 lên tiếng chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc “gia tăng việc bắt nạt các nước láng giềng” mà ông nói là “thể hiện rõ ở Biển Đông”.
Ông Pompeo nhắc tới việc Hoa Kỳ tuần trước “áp đặt các biện pháp trừng phạt và hạn chế visa các cá nhân và thực thể Trung Quốc chịu trách nhiệm cho chủ nghĩa đế quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại đó”, bao gồm “các hoạt động trong vùng [đặc quyền] kinh tế của đồng minh Philippines và các nước khác”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa có phản ứng về chỉ trích mới nhất này của ông Pompeo, nhưng trước đây từng cáo buộc Mỹ “cố tình khuấy động tranh cãi về chủ quyền lãnh hải” cũng như “phá hoại hòa bình và ổn định”.
Ngoại trưởng Mỹ nêu ra vấn đề Biển Đông trong cuộc họp báo công bố việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ “thiết lập một cơ chế yêu cầu các nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc phải được thông qua trước khi thăm các trường đại học và gặp gỡ quan chức chính quyền địa phương” ở Mỹ.
Ngoài ra, “các sự kiện văn hóa với các nhóm hơn 50 người do đại sứ quán hoặc cơ quan lãnh sự Trung Quốc tổ chức bên ngoài phái bộ cũng sẽ cần phải được thông qua”.
Tại cuộc họp báo ở Bộ Ngoại giao, ông Pompeo cũng cho biết ông “nóng lòng gặp gỡ các đối tác của ASEAN [Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á] và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong các cuộc gặp trực tuyến tuần tới”.
“Chúng tôi sẽ có các cuộc thảo luận về nhiều vấn đề, trong đó có COVID-19, Bắc Triều Tiên, Biển Đông, Hong Kong và Bang Rakhine của Miến Điện”, Ngoại trưởng Pompeo nói.
“Tôi cũng sẽ nêu lên cách thức chính quyền Trump đang khôi phục [quan hệ] có đi có lại trong mối bang giao Mỹ - Trung”.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink phát biểu rằng những biện pháp cứng rắn hơn với Trung Quốc trên Biển Đông trong thời gian gần đây là sự tiếp nối chính sách của Washington đã có từ lâu và “sẽ được tiếp tục trong nhiều năm tới”.
Trong cuộc phỏng vấn với báo Tiền Phong ngày 3/9, Đại sứ Kritenbrink nói rằng Hoa Kỳ từ lâu đã là một cường quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, và những bước đi gần đây của Mỹ là cách Washington tiếp nối và điều chỉnh chính sách đã có từ lâu của mình.
Đại sứ Hoa Kỳ cho biết như trên khi báo Tiền Phong đề cập một số ý kiến cho rằng việc Mỹ gần đây có những biện pháp cứng rắn hơn với Trung Quốc trên biển Đông là do yếu tố bầu cử.
Đại sứ Kritenbrink nói: “Có một sự thay đổi lớn đã diễn ra ở Biển Đông từ năm 2013, đó là Trung Quốc ngày càng tăng cường các hành vi bất hợp pháp, hung hăng và khiêu khích để cưỡng ép và bắt nạt các nước láng giềng, buộc họ phải chấp nhận những yêu sách bành trướng của Bắc Kinh. Đây chính là lý do chúng tôi thực hiện các bước đi đó”.
Trang Facebook của Đại sứ quán Hoa Kỳ dẫn lời Đại sứ Krintenbrink phát biểu trong cuộc phỏng vấn nói: “Hoa Kỳ đã có các hành động nhằm thể hiện rất rõ rằng chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ luật pháp quốc tế, đặc biệt là luật pháp quốc tế về hàng hải, cụ thể là tại Biển Đông. Chúng tôi mong muốn tất cả các quốc gia dù lớn hay nhỏ đều tuân thủ luật pháp quốc tế, hành xử theo luật lệ và không thực hiện các hành vi bắt nạt hay cưỡng ép”.
Ông Kritenbrink nói rằng trong ba tháng qua Hoa Kỳ đã có một số bước đi quan trọng để thể hiện rõ hơn nữa cam kết của mình đối với những nguyên tắc về luật pháp quốc tế, duy trì ổn định và tự do hàng hải đã có từ lâu đời.
Cuối tháng 8, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã công bố hạn chế thị thực nhập cảnh đối với một số cá nhân Trung Quốc có vai trò trong hoạt động bồi đắp và xây đảo nhân tạo, quân sự hóa các cấu trúc tại Biển Đông và đưa thêm 24 doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc vào danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ.
Trước đó, ngày 14/7, Ngoại trưởng Mike Pompeo khẳng định các yêu sách của Trung Quốc về tài nguyên ngoài khơi trên Biển Đông là “hoàn toàn bất hợp pháp”, đồng thời Hoa Kỳ bác bỏ bất cứ yêu sách nào của Trung Quốc đối với các vùng biển nằm ngoài lãnh hải 12 hải lý tính từ các đảo mà Trung Quốc đưa ra yêu sách tại Quần đảo Trường Sa, và các yêu sách đó không được gây phương hại đến lợi ích của các nước khác.
Từ California, tiến sĩ Lê Minh Nguyên, một chuyên gia hàng đầu về Trung Quốc trong cộng đồng người Việt tại Mỹ, nói với VOA trong một cuộc phỏng vấn rằng căng thẳng Trung – Mỹ đã từng xảy ra trước đây và sẽ tiếp tục trong thời gian tới.
“Đảng Dân chủ từ thời Tổng thống Obama nắm quyền có lần Ngoại trưởng Hillary Clinton tại một cuộc họp ở Hà Nội [năm 2010] tố cáo Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì [về Biển Đông, theo hồi ký của bà Clinton] rất nặng nề, khiến ông Dương bỏ phòng họp bước ra ngoài”.
“Dù Cộng hòa hay Dân chủ [đắc cử] thì vấn đề cứng rắn với Trung Quốc sắp tới sẽ xảy ra,” Tiến sĩ Lê Minh Nguyên nói với VOA.
Trang SCMP hôm 3/9 có bài phỏng vấn các chuyên gia Hoa Kỳ nói rằng “chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc sẽ không thay đổi mấy” dù dương kim Tổng thống Donald Trump của đảng Cộng hòa hay cựu Phó Tổng thống Joe Biden của đảng Dân chủ đắc cử trong cuộc bầu cử 3/11 sắp tới.
Bà Elizabeth Freund Larus, trưởng khoa chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Mary Washington nói với với trang SCMP: “Đã có thay đổi thực sự về tư duy trong cả đảng Dân chủ và Cộng hòa. Tôi không cho rằng chúng ta sẽ trở lại với quan hệ Mỹ - Trung của những năm 1990”.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten