Nghi án Navalny bị đầu độc: NATO họp, Liên Âu đe dọa trừng phạt Nga + Đức ra tối hậu thư buộc Nga phải giải thích
Nghi án Navalny bị đầu độc: NATO họp, Liên Âu đe dọa trừng phạt Nga
Đăng ngày:
Trọng Thành
5 phút
Áp lực phương Tây với Nga gia tăng. Khối NATO họp hôm nay, 04/09/2020, tại Bruxelles, Bỉ. Cáo buộc của Đức về việc nhà đối lập Nga bị đầu độc nằm trong lịch trình thảo luận. Liên Hiệp Châu Âu kêu gọi Matxcơva điều tra, và lần đầu tiên nêu khả năng sẽ có các trừng phạt.
Hãng tin AFP, trong bản tin tối hôm qua, 03/09, cho biết một phát ngôn viên của Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương NATO thông báo là hồ sơ nhà đối lập Nga bị đầu độc sẽ được thảo luận tại hội nghị của khối. Trong cuộc trả lời báo giới trưa ngày hôm qua, tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg, vẫn chưa cho biết cụ thể về nội dung cuộc họp cấp đại sứ này.
Hôm qua, chính quyền Đức đã thông báo với 29 thành viên NATO về « các bằng chứng rõ ràng », là nhà đối lập 44 tuổi, đối thủ số một của tổng thống Putin, bị đầu độc bằng chất Novitchok. Đây là một chất độc thần kinh do giới quân sự kiểm soát, đã từng được sử dụng vào năm 2018 trên lãnh thổ Anh quốc, trong vụ mưu sát cựu điệp viên Nga Sergei Skripal.
Hôm qua, lãnh đạo Ngoại Giao Liên Âu ra thông cáo yêu cầu chính quyền Nga « làm mọi việc trong khả năng để tiến hành minh bạch một cuộc điều tra đầy đủ về vụ ám sát này ». Lãnh đạo Ngoại Giao Liên Âu Joseph Stoltenberg nhấn mạnh : « Liên Hiệp Châu Âu kêu gọi một phản ứng quốc tế phối hợp, và sẽ xem xét có các biện pháp thích ứng, kể cả các trừng phạt ». « Liên Hiệp Châu Âu kêu gọi Liên Bang Nga hợp tác đầy đủ với Tổ chức cấm Vũ khí Hóa học (OIAC), để bảo đảm có một cuộc điều tra quốc tế không thiên vị ».
Đây là lần đầu tiên một lãnh đạo châu Âu nêu ra khả năng trừng phạt Nga trong nghi án nhà đối lập bị đầu độc. Hôm qua, Tổ chức cấm Vũ khí Hóa học cho biết « rất quan ngại », sau tuyên bố chính thức của Berlin, về việc nhà đối lập bị đầu độc bằng chất Novitchok, và thông báo « sẵn sàng hỗ trợ các quốc gia thành viên làm sáng tỏ vụ việc, khi được yêu cầu ».
Riêng tại Đức, áp lực gia tăng buộc chính quyền thay đổi chính sách với Matxcơva. Thông tín viên Nathalie Versieux tường trình từ Berlin :
« Lên án và giữ khoảng cách về chính trị, nhưng lại phụ thuộc về năng lượng… Nước Đức vốn duy trì một chính sách đi dây với Nga. Cộng Hòa Liên Bang Đức phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Kể từ thời thủ tướng Willy Brandt và chính sách Hướng Đông (Ostpolitik) của ông trong những năm 1970, lập trường chủ đạo của Berlin trong quan hệ với Matxcơva là bình thường hóa. Chính sách này tiếp tục được tất cả những người kế nhiệm thủ tướng Brandt theo đuổi, dù là Kohl, Schroder hay Merkel.
Tuy nhiên, lập trường này ngày càng bị phản đối tại Đức, kể từ khi Matxcơva sáp nhập bán đảo Crimée, cũng như liên tục xảy ra các vụ đầu độc nhắm vào những nhà đối lập với tổng thống Nga Putin.
Giờ đây, một trong những người đối lập tiềm năng của thủ tướng Merke, chính trị gia Nobert Rottgen, một chuyên gia về ngoại giao, thuộc đảng Dân chủ Thiên chúa giáo, đã yêu cầu Berlin chấm dứt việc phụ thuộc vào khí đốt Nga. Chủ tịch của Diễn đàn An ninh Munich, ông Wolfgang Ischinger, cũng đòi hỏi như vậy. Tranh luận đã bắt đầu. Cuộc tranh luận hứa hẹn sẽ quyết liệt. Tại Đức có nhiều nhóm vận động hành lang của Nga hoạt động, trong giới doanh nhân, cũng như trong các đảng phái chính trị, từ đảng cực hữu cho đến đảng Xã hội Dân chủ, cũng như đảng Bảo thủ, đặc biệt là trong phe Bảo thủ bangBayer ».
Về phần mình, hôm qua, Matxcơva một lần nữa bác bỏ mọi khả năng Nhà nước Nga can dự vào một vụ đầu độc như vậy, và kêu gọi phương Tây « không đưa ra các cáo buộc vội vã ».
Vụ đầu độc Navalny: Đức ra tối hậu thư buộc Nga phải giải thích
Đăng ngày:
Tú Anh
3 phút
Berlin tăng thêm sức ép với điện Kremlin. Nước Đức, chủ tịch luân lưu Liên Hiệp Châu Âu kỳ hạn cho Matxcơva "vài hôm nữa" phải giải thích về vụ lãnh tụ đối lập Nga Alexei Navalny bị đầu độc bằng Novitchok, nếu không sẽ bị trừng phạt. Ngoại trưởng Đức cảnh báo như trên vào ngày chủ nhật 06/09/2020.
Trả lời phỏng vấn của Bild, nhật báo đại chúng có số độc giả đông nhất tại Đức, ngoại trưởng Heiko Maas tuyên bố: "Ấn định tối hậu thư không giúp gì được cho ai cả, nhưng nếu trong những ngày tới phía Nga không làm sáng tỏ chuyện gì đã xảy ra thì chúng tôi sẽ thảo luận với các đối tác" trong Liên Hiệp Châu Âu về khả năng trừng phạt.
Ngoại trưởng Đức cho biết thêm là nếu phải đi tới quyết định trừng phạt Nga thì các biện pháp này sẽ đánh vào các mục tiêu được chọn lọc và không loại trừ tác hại đến dự án ống khí đốt Nga-Đức Nord Stream 2 (Bắc Hải Lưu số 2).
Theo báo chí Pháp, dự án này còn độ 150 km thì hoàn tất. Từ khi AllSeas của Thụy Sĩ rút lui, Gazprom của Nga phải đảm trách một mình trong khó khăn.
Alexei Navalny, khắc tinh của chủ nhân điện Kremlin, hiện vẫn còn hôn mê và được chăm sóc trong một bệnh viện ở Berlin.
Trong khi Đức ra tối hậu thư thì Matxcơva cáo buộc "Berlin làm chậm tiến trình điều tra do chính phía Đức đòi hỏi". Phải chăng là "cố ý?" Phát ngôn viên bộ ngoại giao Maria Zakharova phát biểu như trên, theo AFP.
Tại Washington, tổng thống Mỹ Donald Trump có vẻ nghiêng về phía Nga.
Trong cuộc họp báo hôm thứ Sáu 04/09, chủ nhân Nhà Trắng tuyên bố là Mỹ "chưa có bằng chứng về vụ đầu độc". Tuyên bố này khác với lập trường đồng minh Châu Âu và của Bộ Ngoại giao Mỹ. Bị phóng viên chất vấn, Donald Trump khuyên báo chí "đừng nhìn về phía Nga mà nên tập trung vào Trung Quốc", hãng Reuters tường thuật.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten