zondag 6 september 2020

Iran có trữ lượng uranium làm giàu gấp 10 lần giới hạn cho phép + Căng thẳng Mỹ - Châu Âu về trừng phạt Iran

 

Iran có trữ lượng uranium làm giàu gấp 10 lần giới hạn cho phép

Tổng giám đốc IAEA, ông Rafael Grossi trả lời báo chí tại sân bay Vienna, Áo khi vừa trở về từ chuyến làm việc với chính quyền Teheran, ngày 26/08/2020.
Tổng giám đốc IAEA, ông Rafael Grossi trả lời báo chí tại sân bay Vienna, Áo khi vừa trở về từ chuyến làm việc với chính quyền Teheran, ngày 26/08/2020. REUTERS - LEONHARD FOEGER
Thụy My
2 phút

Số lượng uranium làm giàu mà Iran đang tích trữ nhiều gấp 10 lần giới hạn quy định trong hiệp ước Vienna năm 2015, theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA) mà AFP tham khảo được hôm 04/09/2020.

Dưới áp lực của Mỹ, Iran đã phải cho phép AIEA vào một trong hai địa điểm nguyên tử, bị nghi ngờ là đã có hoạt động mà không khai báo trong quá khứ. Các thanh tra đã lấy mẫu, kết quả phân tích phải chờ ba tháng nữa.

Báo cáo thứ nhất của AIEA cho biết sẽ thanh tra địa điểm nguyên tử thứ hai trong tháng Chín, vào thời điểm thỏa thuận với Iran. Còn theo báo cáo thứ hai, số lượng uranium làm giàu ở mức thấp mà Teheran tích trữ cho đến cuối tháng Tám lên đến 2.105,4 kg, trong khi hiệp ước Vienna chỉ cho phép trữ 202,8 kg. Trong báo cáo trước đó vào tháng Sáu, trữ lượng là 1.571,6 kg.

Iran cũng tiếp tục sử dụng các máy ly tâm hiện đại hơn so với thỏa thuận, để làm giàu uranium.

Để trả đũa lại những trừng phạt của Mỹ, Teheran hồi tháng Giêng tuyên bố không tuân thủ các nghĩa vụ đã cam kết, khiến quốc tế lo ngại Iran sẽ chuyển sang làm giàu uranium lên đến 20%, tỉ lệ cần thiết để chế tạo bom nguyên tử.

Hoa Kỳ dù đã rút khỏi hiệp ước Vienna vẫn gây sức ép rất lớn. Đến cuối tháng Tám, Iran đành nhượng bộ sau khi AIEA, với sự thúc đẩy của châu Âu, ra nghị quyết đòi hỏi phải minh bạch. Đây là nghị quyết mang tính răn đe đầu tiên kể từ năm 2012, khi các cường quốc nghi ngờ Iran muốn sở hữu vũ khí hạt nhân.

 https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200905-iran-c%C3%B3-tr%E1%BB%AF-l%C6%B0%E1%BB%A3ng-uranium-l%C3%A0m-gi%C3%A0u-g%E1%BA%A5p-10-l%E1%BA%A7n-gi%E1%BB%9Bi-h%E1%BA%A1n-cho-ph%C3%A9p

Căng thẳng Mỹ - Châu Âu về trừng phạt Iran

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo họp báo sau khi gặp các thành viên Hội Đồng Bảo An, tại trụ sở LHQ, ở New York, Hoa Kỳ, ngày 20/08/2020.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo họp báo sau khi gặp các thành viên Hội Đồng Bảo An, tại trụ sở LHQ, ở New York, Hoa Kỳ, ngày 20/08/2020. AP - Mike Segar
Thanh Phương
5 phút

Vốn đã có nhiều bất đồng trong hồ sơ hạt nhân Iran, Hoa Kỳ và châu Âu lại gặp thêm căng thẳng sau khi Washington khởi động một cơ chế nhằm tái lập các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Iran, một hành động bị cả ba nước Pháp, Đức và Anh cực lực phản đối.

Hôm qua, 20/08/2020, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đến trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York để chính thức khởi động một cơ chế được gọi là « snapback » nhằm tái lập trong vòng một tháng các biện pháp trừng phạt của quốc tế đối với chế độ Teheran, mà Washington cho là đã không tuân thủ các cam kết được nêu trong thỏa thuận hạt nhân Vienna 2015, nhằm ngăn chận Iran chế tạo vũ khí nguyên tử.

« Snapback » là một tiến trình rất phức tạp được dự trù trong nghi quyết Liên Hiệp Quốc năm 2015. Khi cơ chế này được khởi động, trong vòng 30 ngày, các biện pháp trừng phạt của quốc tế đối với Iran sẽ tự động được tái lập. Nhưng theo nhiều nhà quan sát, sau khi tham khảo ý kiến các thành viên khác của Hội Đồng Bảo An, đại sứ của Indonesia, nước giữ chức chủ tịch Hội Đồng trong tháng 8, có thể sẽ xếp qua một bên yêu cầu của Mỹ. Trong trường hợp đó, trong vòng 30 ngày, tức là đúng vào thời điểm họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, tổng thống Donald Trump có thể sẽ đòi tái lập trừng phạt quốc tế đối với Iran. Điều này chắc chắn sẽ gây thêm nhiều tranh cãi và tranh chấp pháp lý trong định chế quốc tế này.

Theo dự báo của hãng tin AFP, nếu các trừng phạt đó thật sự được tái lập, Iran có thể tuyên bố là thỏa thuận hạt nhân 2015 đã chết hẳn, hoặc có thể Teheran chờ xem kết quả bầu cử tổng thống Mỹ như thế nào, tùy theo ông Trump có tái đắc cử hay không, rồi mới quyết định.

Trả lời hãng tin AFP, chuyên gia về Iran Ellie Geranmayeh, thuộc Hội đồng châu Âu về Quan hệ Đối ngoại, nhận định : «  Chắc chắn là Trump sử dụng snapback như là một mưu toan vô vọng nhằm triệt tiêu thỏa thuận hạt nhân Iran trước khi diễn ra bầu cử tổng thống Mỹ ». Theo chuyên gia này, cho dù kết quả như thế nào đi nữa, chiến lược của Mỹ « sẽ để lại những tác hại lâu dài trong Hội Đồng Bảo An và khiến Hoa Kỳ càng thêm bị cô lập trong hồ sơ Iran».

Washington cho biết họ khởi động cơ chế nói trên với tư cách một bên « tham gia » thỏa thuận Vienna. Nghị quyết 2231 của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc quy định các bên « tham gia » là những nước ký tên ban đầu vào thỏa thuận hạt nhân Iran, tức là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Pháp, Anh, Đức và Iran.

Thế nhưng, do tổng thống Donald Trump vào năm 2018 đã rút nước Mỹ ra khỏi thỏa thuận này, cho nên đối với các nước ký kết khác, kể cả đối với các nước đồng minh châu Âu, về mặt pháp lý, Hoa Kỳ đã mất đi tư cách một bên « tham gia ». Trong một thông cáo chung, các nhà ngoại giao của ba nước châu Âu đã nêu rõ : « Pháp, Đức và Anh ghi nhận là Hoa Kỳ đã không còn là một bên tham gia khi học rút ra khỏi thỏa thuận vào ngày 08/05/2018. Cho nên chúng tôi không thể ủng hộ sáng kiến này ( khởi động cơ chế « snapback ») ». Thông cáo nhấn mạnh là « mặc dù việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận đã đặt ra nhiều thách thức to lớn, ba nước châu Âu vẫn muốn duy trì thỏa thuận đã được ký kết cách đây 5 năm, thỏa thuận mà vào lúc đó đã được xem là cơ hội duy nhất để ngăn cản Iran chế tạo vũ khí hạt nhân.

Hiếm khi nào mà giọng điệu giữa hai bên bờ Đại Tây Dương lại gay gắt như thế. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thậm chí cáo buộc đích danh 3 nước Pháp, Anh, Đức là « đã chọn ngả theo các giáo chủ » đang nắm quyền ở nước Cộng Hòa Hồi Giáo Iran. Ông Pompeo còn chỉ trích việc Paris, Luân Đôn và Berlin vào tuần trước đã không bỏ phiếu thuận cho dự thảo nghị quyết do Mỹ đề nghị, nhằm triển hạn lệnh cấm vận vũ khí quy ước đối với Iran, sẽ hết hạn vào tháng 10 tới. Cuối cùng chỉ có 2 trong số 15 thành viên Hội Đồng Bảo An bỏ phiếu thuận cho văn bản này.

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20200821-c%C4%83ng-th%E1%BA%B3ng-m%E1%BB%B9-ch%C3%A2u-%C3%A2u-v%E1%BB%81-tr%E1%BB%ABng-ph%E1%BA%A1t-iran


Geen opmerkingen:

Een reactie posten