vrijdag 4 september 2020

Đại dịch covid-19: Một cơ hội hiếm có để xét lại tiến trình toàn cầu hoá hiện nay + Châu Âu « hậu Covid-19 » : Áp lực chuyển sang kinh tế Xanh

 

Đại dịch covid-19: Một cơ hội hiếm có để xét lại tiến trình toàn cầu hoá hiện nay

Hubert Védrine.
Hubert Védrine. © RFI/Sébastien Bonijol@
Trọng Thành
16 phút

Đại dịch virus corona đang làm đảo lộn hành tinh. Điều chưa từng thấy kể từ Thế chiến thứ hai. Hàng chục quốc gia thực thi chính sách phong toả toàn bộ hoặc một phần với hy vọng hãm đà bùng phát của dịch. Phong toả là cần thiết, nhưng không thể kéo dài. Vác-xin cũng không thể sớm có. Để tránh dịch bùng trở lại sau thời kỳ phong toả, xã hội hiện nay cần nhiều thay đổi triệt để.

Trong bài trả lời phỏng vấn Le Figaro hôm 22/03/2020, cựu ngoại trưởng Pháp Hubert Védrine đặc biệt chỉ ra rằng chính tiến trình toàn cầu hoá, với hai đặc điểm tiêu biểu là giới tài chính được rảnh tay mặc sức làm mưa làm gió, và sản xuất công nghiệp được bố trí tại những nơi giá nhân công rẻ mạt nhất, đã là một cội nguồn căn bản dẫn đến cuộc khủng hoảng virus corona hiện nay. Du lịch thương mại hoá cũng bị điểm mặt là một nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng. Nhận định về cội nguồn sâu xa của đại dịch, Hubert Védrine đề xuất những hướng đi cho tương lai, để cho các xã hội, trước hết là các xã hội phương Tây, tránh rơi vào vết xe đổ. 

RFI giới thiệu cuộc phỏng vấn của Le Figaro với cựu ngoại trưởng Pháp, mang tựa đề ‘‘Đại dịch virus corona đang khiến nhiều niềm tin sâu xa tan thành tro bụi’’. Phỏng vấn do nhà báo Anne Fulda thực hiện. 

Le Figaro : Theo ông, cuộc khủng hoảng virus corona cho thấy điều gì trên phương diện quốc tế ? 

Huber Védrine: Cuộc khủng hoảng toàn cầu đang diễn ra, điều chưa từng có kể từ thời kỳ các cuộc chiến tranh thế giới, cho thấy hoặc xác nhận một sự việc là: hiện tại vẫn chưa có một cộng đồng quốc tế thực sự, hoặc cộng đồng quốc tế chưa được chuẩn bị để đối mặt với một đại dịch toàn cầu. Bille Gates và nhiều chuyên gia quân sự đã nói về chuyện này, kể từ dịch Ebola. Chúng ta biết rằng, cho đến nay, tiến trình toàn cầu hoá về cơ bản - trong nhiều thập niên qua - là tiến trình dỡ bỏ các chế ước đối với giới tài chính và việc bố trí các nhà máy, công xưởng tại những nơi nào có giá nhân công thấp nhất, như tại Trung Quốc, và một số quốc gia đang trỗi dậy (với khẩu hiệu ‘‘chuỗi giá trị’’ rất được cổ vũ), mọi vấn đề khác chỉ là thứ yếu…. Chúng ta thấy, không tồn tại các hệ thống đa phương thực sự có khả năng hành động hiệu quả (từ Liên Hiệp Quốc, đến Tổ Chức Y Tế Thế Giới - WHO, từ G7 đến G20…). Và chúng ta cũng thấy Liên Hiệp Châu Âu… đã được hình dung như một thế giới lý tưởng, một thế giới không phải đương đầu với bi kịch. Chúng ta cũng từng biết là đã có nhiều phong trào phản kháng, mang tính thường trực, thu hút đông đảo người tham gia và đầy thách thức, nhưng chính cuộc khủng hoảng hiện nay mới cho thấy rõ thực trạng này. 

Việc Liên Âu thúc thủ, Trung Quốc giang tay giúp nước Ý, với việc gửi trang thiết bị y tế… phải chăng đó  cũng là một dấu hiệu cho thấy có một chuyển biến lớn đang diễn ra? 

Hoàn toàn đúng như vậy, nhưng thực ra điều này đã diễn ra từ khá lâu, cho dù các cường quốc có vị thế, các nước phương Tây, đã cố gắng cưỡng lại tiến trình này, và họ có các thế mạnh trong tay. Trung Quốc là siêu cường hàng đầu, và Bắc Kinh không còn che giấu điều này. Chúng ta hãy xem quy mô khổng lồ và tham vọng của dự án Con đường tơ lụa mới, và đồng thời cả cách truyền thông mang tính bề trên của Trung Quốc, cũng như của chúng ta. Cũng đừng nên trách Trung Quốc đã tìm lấy cái lợi cho họ trong tiến trình toàn cầu hoá hiện nay. Chính chúng ta, châu Âu chúng ta, cần phải tự hỏi mình, về chiến lược của mình, về sự ngây thơ của mình. Đây là điều rất khó khăn với người châu Âu, vốn vẫn còn tự coi mình như là lực lượng tiên phong của nền văn minh nhân loại. Tuy nhiên, đã có một thay đổi, về châu Âu, Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu vừa quyết định chi ra hơn 1.000 tỉ euro (tương đương 9% GDP), và Uỷ Ban Châu Âu quyết định ‘’đình chỉ toàn bộ’’ các quy định khống chế chi tiêu công! Đây là cơ sở cho sự trỗi dậy của một châu Âu mới! 

Cuộc khủng hoảng hiện nay cũng phơi bày một tình trạng dễ tổn thương, bị coi nhẹ hoặc không được nhận ra, cho đến nay: cụ thể là sự phụ thuộc về mặt kinh tế của Pháp, về một số sản phẩm mang tính chiến lược, như dược phẩm… 

Đúng, và điều này không chỉ liên quan đến nước Pháp. Trong thế giới của nền kinh tế thị trường toàn cầu hiện nay, không chỉ là do ‘’ý thức hệ của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới’’, thì gần như không còn thứ gì được coi là chiến lược, ngoài lĩnh vực thuần tuý quân sự. Điều này cũng đi liền với việc việc chủ quyền của các Nhà nước và vai trò của Nhà nước bị hạ thấp một cách ầm ĩ, một cách thái quá, một cách phi lý.  

Phải chăng là một quan niệm về toàn cầu hoá đang có nguy cơ bị xem xét lại một cách nghiêm túc ? 

Có rất nhiều sự mù quáng, sự phóng đại, những thói tật sai lầm cần phải được xem xét lại. Cho dù một số người sẽ cố gắng ngăn cản việc này. Trong số những điều đó, hiển nhiên là có quan điểm về một tiến trình toàn cầu hoá mang lại hạnh phúc… Hạnh phúc ư? Đúng là, trong một giai đoạn nhất định, toàn cầu hoá đã từng được coi là như vậy, đối với những người nghèo tại các quốc gia nghèo, và những người giàu tại các quốc gia giầu. Cho đến khi mà sự thất vọng của các tầng lớp dân nghèo và trung lưu của các quốc gia phát triển biến thành nỗi thất vọng và chủ nghĩa dân tuý. Tuy nhiên, bên ngoài chuyện đó, phải chăng là chính lối sống vô tư lự, coi khoái lạc là trên hết, cá nhân chủ nghĩa và vui thú hội hè - dường như đã trở thành cái quyền căn bản nhất trong nhân quyền (với một số người, quyền đó còn cao hơn cả quyền tự do ngôn luận) - đang bị xem xét lại ? Chính lối sống này, đối với toàn bộ hay một phần nhân loại, là nguồn gốc của thói quen di chuyển liên tục, không giới hạn, không bị cản trở, một sự chuyển động hỗn loạn. Với các cuộc du hành không ngừng nghỉ của giới làm ăn, du lịch đại chúng (1,4 tỉ khách du lịch trong năm 2019), chúng ta có tổng cộng 4 tỉ cuộc đi lại vào năm 2017, và khoảng 8 tỉ ‘‘được trông đợi’’ vào năm 2035 (như dự đoán, trước đại dịch).  

Cũng cần phải xem xét lại nền kinh tế ''sòng bạc’’ tài chính toàn cầu, hoàn toàn không bị giới hạn (điều mà Obama đã bắt đầu làm và Trump đã huỷ bỏ), và các '‘chuỗi giá trị’’, tức các hoạt động sản xuất được rải ra trên khắp thế giới, được coi là mang lại hiệu quả tối ưu, nhưng hàng hoá sản xuất ra lại không bao gồm những cái giá phải trả về mặt sinh thái. Nếu chúng ta không cố tình tự bịt mắt mình, thì toàn bộ những điều này sẽ không chỉ đặt lại vấn đề về lối sống, mà cả về toàn bộ một nền văn minh: Nền văn minh của chúng ta. Quả là kinh hoàng !

Trong số các tín điều bị tan vỡ với cuộc khủng hoảng này, phải chăng cũng có cả một tín điều - cho đến nay vẫn được coi là bất di, bất dịch và liên quan đến Liên Hiệp Châu Âu - tín điều về việc mở tung các đường biên giới ? 

Tín điều này vốn đã bị thách thức nghiêm trọng trong nội bộ khối Schengen, với làn sóng nhập cư cách đây ít nay, là hệ quả của cuộc chiến tranh tại Syria. Tuy nhiên, cú sốc virus corona đang làm tan thành tro bụi khá nhiều tập quán tư duy, ý thức hệ và những niềm tin vốn được coi là bắt rễ sâu sắc.  Điều gây ngạc nhiên là việc tự do đi lại trong nội bộ châu Âu đã trở thành một biểu tượng tuyệt đối về chính Liên Âu. Trên thực tế, các thoả thuận Schengen chỉ được khởi động từ năm 1985 (trong lúc Hiệp ước Roma có từ năm 1957). Thoạt tiên, đó chỉ là một sáng kiến khiêm tốn - và thông minh - từ phía các bộ trưởng phụ trách vấn đề châu Âu của một số quốc gia thành viên. Rồi dần dần, theo năm tháng, điều này đã trở thành một yếu tố trung tâm (trong đời sống của châu Âu), nhưng cũng đáng tiếc là gắn liền với nó là một sự khinh suất tội lỗi liên quan đến đường biên giới bên ngoài của khối Schengen, do ý thức hệ về ‘‘một chủ nghĩa không biên giới’’. Bởi vào lúc đó, người ta cho rằng các thoả thuận quốc tế về nhân đạo và về kinh tế cũng sẽ mở rộng ra mãi mãi. Tương tự như trước đây, người ta đã từng đi truyền giáo, từng thực dân hoá, từng khai hoá văn minh, người ta đã từng tin tưởng là thế giới sẽ mở toang. Có thể nói đây là một lối hành xử cùng một lúc vừa đầy xúc cảm, vừa gây thiện cảm, vừa ngây thơ, nhưng cũng vừa ngạo mạn. Hệ quả là, hiệp định Schengen, tự do đi lại, đã trở thành biểu tượng cho chính châu Âu. Việc từ bỏ đường biên giới đã trở thành một thứ tín điều mang tính tôn giáo, không được phép nghi ngờ. Sylvain Tesson (nhà văn, nhà du hành người Pháp) đã hoàn toàn có lý khi tuyên bố (trên Le Figaro ngày 20/03 vừa qua): ‘‘Ai phản đối, về mặt tinh thần, cái tôn giáo của việc tự do lưu thông, người đó là đồ chó má. Bức tường là hiện thân của cái ác’’. Tuy nhiên, toàn bộ lối nghĩ đó đã bị lay chuyển dữ dội bởi những gì đang diễn ra. Kể từ đây, chúng ta cần phải học cách quay lại với tinh thần thực tiễn. 

Cần rút ra những bài học nào từ đại dịch đang diễn ra? Liệu chúng ta có thể hy vọng một ‘‘thế giới mới’’ trỗi dậy sau cuộc khủng hoảng này?

Sẽ có nhiều bài học rút ra và nhiều thay đổi cần thực hiện. Dĩ nhiên, sẽ có các thế lực rất mạnh trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và xã hội đòi hỏi quay trở lại với nếp sống ‘'bình thường’’, đặc biệt nếu như các điều trị của Hàn Quốc và của bác sĩ Raoult (với chloroquine) ra hiệu quả. Tuy nhiên, không nên nhường bước cho các đòi hỏi như vậy, sau giai đoạn phong toả. Bắt đầu bằng yêu cầu tiếp tục duy trì các hành vi tạo khoảng cách an toàn phòng dịch (gestes barrières de précaution). Tiếp theo đó, phải tiến hành xem xét kỹ lưỡng toàn bộ những gì cần sửa chữa hay từ bỏ trên cấp độ quốc tế, châu Âu, quốc gia, về mặt khoa học, về mặt hành chính, về mặt tập thể cũng như về mặt cá nhân. Cần phải lập ra một hệ thống hợp tác quốc tế liên chính phủ có khả năng hành động - đáng tin cậy hơn là một ‘‘cơ chế điều hành toàn cầu’’ hữu danh vô thực như hiện nay - để phát hiện ngay lập tức các nguy cơ, báo động và tổ chức các biện pháp phòng ngừa và các phương thức xử lý đối với các đại dịch trong tương lai. Cũng cần phải làm rõ các điều kiện có thể dẫn đến sự xuất hiện các bệnh dịch truyền nhiễm, từ động vật sang người. Cần phải duyệt xét lại toàn bộ hệ thống của Liên Hiệp Quốc - Breton Woods - G7 - G20, v.v. 

Cũng đồng thời cần sinh thái hoá mọi lĩnh vực: Từ nông nghiệp đến công nghiệp thực phẩm, các ngành công nghiệp (bao gồm công nghiệp hoá chất), giao thông, xây dựng, năng lượng, các phương pháp tính toán về kinh tế vĩ mô (loại hình GDP). Tất cả những điều này sẽ dẫn đến việc kéo trở lại nhiều hơn các dòng lưu thông kinh tế về với các nền kinh tế mang tính khu vực. Làm sao để cho hoạt động sản xuất và nền kinh tế nói chung trở nên xoay vòng (có nhiều sản phẩm tái chế hơn, ít rác thải hơn). Tất cả những điều đó sẽ dẫn đến sự thay đổi lớn của nền nông nghiệp và nông nghiệp thực phẩm trong vòng 10 hay 15 năm nữa. Xu thế sinh thái hoá này sẽ tạo ra một cuộc cách mạng trong giao thông, và trong nhiều lĩnh vực khác. Tất cả những chuyện này đã khởi sự, tại các quốc gia phát triển nhất, nhưng sẽ cần phải được tăng tốc và phổ biến rộng rãi. 

Phải chăng thực hiện tất cả những hướng đi, mà ông vạch ra, bao hàm việc chúng ta phải thay đổi triệt để lối sống của mình? 

Ồ! Dù không cần phải trở về với cuộc sống thời Pascal (triết gia, nhà toán học Pháp thế kỉ XVII Blaise Pascal), nhưng rõ ràng chúng ta cũng cần phải giảm bớt thói quen dịch chuyển thường xuyên! Nhưng mà ai có thể làm được điều đó? 7 tỉ thành viên của nhân loại hiện nay chắc chắn sẽ không thể trở lại với lối sống của những người săn bắt - hái lượm xưa kia, suốt đời sống quanh quẩn tại một nơi. Di chuyển nhiều đã trở thành bản tính của nhân loại thế kỷ XXI. Những ai bị loại trừ cũng chỉ mong được hưởng quyền lợi này. Tuy nhiên, ta có thể sẽ phải ý thức rõ về các thảm hoạ do du lịch đại chúng thương mại hoá (đừng đồng nhất phương thức du lịch này với những cuộc du hành). Thắng cảnh Dubrovnik (Croatia), hòn đảo Santorin (Hy Lap), hay khu đền Angkor (Cam Bốt) đã từng là các nạn nhân, và sắp tới sẽ là thành phố Venise (Ý). Phải chăng chúng ta thực sự cần đến con số 100 triệu khách du lịch tại Pháp? Và '‘với bất cứ giá nào’’? Diễn đạt nói trên có thể hàm nghĩa là sẽ có các khoản thu nhập thiếu hụt cần được bù lấp. 

Một số người đã cổ vũ cho việc phi toàn cầu hoá về năng lượng, ông nghĩ gì về việc này… 

Chúng ta nên nói đến việc '‘phi các-bon hoá’’. Tôi cũng xin nhắc lại là nước Pháp được hưởng loại năng lượng phi các-bon, nhiều nhất trong số các nước phát triển (nhờ năng lượng hạt nhân). Ta có thể hình dung là điều đó trước hết cho phép giảm từ từ năng lượng than (vấn đề là làm thế nào để thuyết phục được Trung Quốc, Ấn Độ, Ba Lan và Đức về điều này?) và tiếp tục theo đuổi hạt nhân - loại năng lượng không phát thải - cho đến khi nào chúng ta có được phương tiện để dự trữ được điện, do các năng lượng tái tạo sản xuất ra, với giá thành hợp lý. 

Thế còn châu Âu? Châu Âu có thể rút ra được những bài học nào từ cuộc khủng hoảng này? 

Châu Âu sẽ phải tiếp tục và có thể tìm thấy, với cuộc khủng hoảng đặc biệt này, các phương tiện để tự giải thoát được khỏi một số trói buộc và những khuyết tật mang tính hệ thống, bằng cách phối hợp một cách tốt hơn chủ quyền quốc gia - cần được bảo tồn, và chủ quyền châu Âu - cần được cụ thể hoá, theo nguyên tắc phụ trợ (la subsidiarité), thẩm quyền được trao cho cấp nào có khả năng hành động hiệu quả hơn. 

Ông nghĩ thế nào về cách thức tổng thống Emmanuel Macron xử lý cuộc khủng hoảng này? Về ngôn từ mang tính chiến tranh của ông ấy, về lời kêu gọi ‘‘hãy đọc sách’’ của tổng thống Macron? 

Chiến tranh (chống đại dịch) ư? Rõ ràng là như vậy! Đọc ư? Nếu như người ta nghe lời ông ấy! Nhưng ông ấy cũng đã nói ‘‘sau đây sẽ không còn điều gì như trước nữa’’. Rộng hơn mà nói, cuộc khủng hoảng hiện nay mang lại thêm các phương tiện hành động cho những người ‘‘bị toàn cầu hoá’’ trong cuộc đối đầu với ‘‘những người tổ chức cuộc toàn cầu hoá’’ hiện nay, mang lại các phương tiện cho phía những người có thẩm quyền lập ra các quy tắc (cho quá trình toàn cầu hoá) trong cuộc đối đầu với phía những người phá bỏ các quy tắc, những kẻ vô trách nhiệm. Điều khẩn cấp trước mắt hiện này lẽ dĩ nhiên là phải chấm dứt dịch bệnh và tránh cho nền kinh tế bị suy sụp (và kèm theo đó là sự suy sụp của xã hội). Tuy nhiên, mọi người cũng trông đợi ở tài nhạc trưởng của tổng thống Emmanuel Macron, trong giai đoạn sau đó (giai đoạn hậu phong toả, và sau khi đại dịch lui bước), trên tất cả mọi cấp độ. Và đây chính là một cơ hội lịch sử. 

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200324-%E1%BB%B5

Châu Âu « hậu Covid-19 » : Áp lực chuyển sang kinh tế Xanh

Ảnh minh họa. Tại Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu Madrid, ngày 12/12/2019.
Ảnh minh họa. Tại Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu Madrid, ngày 12/12/2019. REUTERS - Sergio Perez
Trọng Thành
10 phút

Đại dịch Covid-19 khiến toàn cầu lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có kể từ Thế chiến Hai. Nhiều quốc gia phát triển tung ra các khoản đầu tư khổng lồ, cũng ở quy mô chưa từng có, với hy vọng vực dậy nền kinh tế. Tuy nhiên, cùng với khủng hoảng y tế và kinh tế ngắn hạn, nhân loại đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng đáng sợ khác, về trung hạn và dài hạn: Khủng hoảng Khí hậu - Môi trường. 

Tại nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là ở châu Âu, ngay từ khi dịch bệnh bùng phát, giới hoạt động bảo vệ môi trường, giới kinh tế, giới chính trị đã có nhiều vận động để kế hoạch chấn hưng kinh tế hậu Covid-19 phải gắn liền với nỗ lực chuyển đổi sang nền kinh tế Xanh. Chuyển sang kinh tế Xanh cũng được nhiều nhà khoa học coi như là con đường giảm bớt nguy cơ thiên nhiên bị tàn phá, khiến nhiều loài virus nguy hiểm tấn công xã hội con người. Các vận động gắn chấn hưng « hậu Covid-19 » với kinh tế Xanh diễn ra ít tuần trước quyết định quan trọng của Liên Hiệp Châu Âu về chủ đề này, dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 6/2020. Mục Theo dòng thời sự của RFI hôm nay, 14/05/2020, tổng hợp thông tin về chủ đề này.

Vì sao gắn chấn hưng kinh tế « hậu Covid-19 » với kinh tế Xanh là quan trọng? 

Một kết quả điều tra, được công bố hôm 05/05/2020 trên tạp chí Oxford Review of Economic Policy, của nhóm nghiên cứu do kinh tế gia về biến đổi khí hậu Nicholas Stern và giải Nobel kinh tế Joseph Stiglitz đứng đầu, cho thấy: trong số 7.300 tỉ đô la mà nhóm 20 cường quốc kinh tế hùng mạnh nhất thế giới (G20) quyết định chi ra, hồi tháng 4 vừa qua, để khấn cấp đối phó với hậu quả kinh tế của đại dịch, thì có đến 92% được chi theo hướng duy trì xu thế phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính như hiện nay (có nghĩa là sẽ hướng khí hậu nóng lên từ 3°C trở lên so với thời tiền công nghiệp, trước cuối thế kỉ. Biến đổi như vậy đồng nghĩa với việc môi trường rất nhiều khu vực trên Trái đất sẽ hết sức bất lợi cho cuộc sống của con người). 4% đầu tư thậm chí làm gia tăng khí thải hơn nữa so với hiện nay, và chỉ có 4% hướng đến cắt giảm khí thải (để thực thi đúng các mục tiêu của cộng đồng quốc tế về khí hậu, theo Thỏa thuận Paris 2015, giữ nhiệt độ không tăng quá 2°C). 

Đọc thêm : Đại dịch Covid - 19: Đại họa hay cơ may lớn cho cuộc chiến vì khí hậu?

    Trong bối cảnh toàn cầu kinh tế suy thoái, khi tổng sản phẩm nội địa châu Âu sụt giảm ước tính hơn 7% trong năm nay, thì việc đầu tư đủ mức cho công cuộc chuyển đổi sang kinh tế Xanh quả là điều vô cùng nan giải. Nếu không có một quyết tâm từ bỏ quán tính của nền kinh tế, bám chặt lấy các năng lượng hóa thạch (đặc biệt là dầu mỏ và than), thì nhân loại sẽ tiếp tục đi vào vết xe đổ của các cuộc chấn hưng kinh tế trước đây, đặc biệt như sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008 : Gấp gáp trở lại với lối làm kinh tế cũ, khiến lượng khí thải tăng vọt, sau một thời gian sụt giảm do khủng hoảng, đưa xã hội toàn cầu vào thế đường cùng. Trên cơ sở nghiên cứu 196 kế hoạch chấn hưng kinh tế sau khủng hoảng tài chính 2008, các tác giả nhóm nghiên cứu của Joseph Stiglitz chỉ rõ nhiều nguyên nhân dẫn đến thất bại của đa số các kế hoạch, trong có việc đầu tư ồ ạt, không cân nhắc cho nhiều doanh nghiệp vốn đã thua lỗ, bên bờ phá sản. 

      Một số kết luận trong điều tra nói trên cho thấy giai đoạn hoạch định chiến lược hồi phục nền kinh tế sau đại dịch Covid-19 hiện nay là một thời điểm có ý nghĩa quyết định đối với toàn cầu nói chung, và châu Âu nói riêng, không chỉ cho ít năm trước mắt, mà là gắn liền với tương lai của nhân loại hàng chục năm tới. Sai một ly, đi một dặm chính là ở thời điểm này. 

      Tại châu Âu, đầu tư cho kinh tế Xanh trong kế hoạch chấn hưng « hậu Covid-19 » hiện ra sao ? 

      Tháng 3, rồi tháng 4/2020 vừa qua, châu Âu trở thành tâm dịch Covid-19 của thế giới. Các nền kinh tế chủ chốt của châu Âu lâm vào tình trạng tê liệt. Vào thời điểm dịch bắt đầu tấn công châu Âu, nhiều người cho rằng cuộc khủng hoảng y tế, và khủng hoảng kinh tế chưa từng có kèm theo, sẽ làm phá hỏng, hay ít nhất làm chậm lại đáng kể các nỗ lực chuyển đổi sang nền kinh tế Xanh, với Thỏa thuận Xanh (Green Deal), mà Liên Âu vừa tìm được đồng thuận một cách rất khó khăn, về nguyên tắc, hồi cuối tháng 12/2019. Trên thực tế, ngay từ tháng 3, tại châu Âu, đã có rất nhiều nỗ lực để toàn châu lục tập trung giải quyết trước hết khủng hoảng đại dịch, nhưng không từ bỏ Thỏa thuận Xanh. 

      Trước mắt, ngày 24/04, lãnh đạo 27 quốc gia châu Âu, trong một hội nghị của Hội Đồng Châu Âu, đã phê chuẩn « các biện pháp khẩn cấp », do nhóm các quốc gia sử dụng đồng Euro đề xuất (hôm 09/04), với tổng trị giá 540 tỉ euro để hỗ trợ các nước gặp khó khăn. Bên cạnh đó, lãnh đạo 27 nước châu Âu cũng ủy thác cho Ủy Ban Châu Âu xây dựng một kế hoạch « chấn hưng dài hạn ». Kế hoạch này sẽ được gắn với ngân sách nhiều năm của Liên Hiệp Châu Âu trong giai đoạn 2021 - 2027. Kế hoạch chấn hưng dài hạn này, với số tiền ước tính khoảng 1.500 tỉ đô la, được coi là đối tượng tranh chấp cơ bản. 

      Bên ủng hộ chuyển đổi sang kinh tế Xanh khẳng định một phần lớn số tiền này sẽ chỉ được đầu tư cho các doanh nghiệp, cơ sở nào chấp nhận các tiêu chuẩn về sinh thái và môi trường. Như vậy, đầu tư cho chấn hưng kinh tế cũng sẽ chính là đầu tư cho chuyển đổi mô hình kinh tế, thúc đẩy mạnh các năng lượng tái tạo, thoát khỏi sự phụ thuộc vào các năng lượng hóa thạch. 

      Áp lực đòi hỏi đầu tư nhiều cho kinh tế Xanh tại châu Âu đang dâng cao ?

      Đúng vậy, theo ghi nhận của truyền thông, ngược hẳn với cuộc khủng hoảng năm 2008, nhiều lãnh đạo tập đoàn và công ty tài chính lớn cổ vũ mạnh mẽ cho một giai đoạn « hậu khủng hoảng", trong đó môi trường cần được coi là yếu tố « quan trọng ». Riêng về nước Pháp, đầu tháng 5, khoảng 50 lãnh đạo các ngành ngân hàng, bảo hiểm Pháp tuyên bố tham gia « liên minh châu Âu vì chấn hưng Xanh », do nhà môi trường, chính trị gia Pháp Pascal Canfin, chủ tịch Ủy Ban Môi Trường của Nghị Viện Châu Âu, khởi xướng hồi giữa tháng 4/2020. Trong số đó có ngân hàng BNP Paribas hay các quỹ đầu tư Axa, Amundi. Cũng đầu tháng 5 này, gần 100 lãnh đạo nhiều công ty hàng đầu nước Pháp ký một tuyên bố chung trên Le Monde, khẳng định theo cùng một hướng. Tuyên bố mang tên « Chúng ta hãy đặt môi trường vào trung tâm của kế hoạch chấn hưng kinh tế ». 

      Trong bối cảnh có nhiều động thái thay đổi từ phía giới chủ, bộ Kinh Tế và Tài Chính Pháp cũng điều chỉnh quan điểm rõ ràng. Nhật báo kinh tế Les Echos ghi nhận : bộ trưởng Kinh Tế và Tài Chính Bruno Le Maire, trong một phát biểu cuối tháng 4, cùng với bộ trưởng Môi Trường Elisabeth Borne, đã cam kết kinh tế Pháp sẽ phải trở thành « nền kinh tế đi đầu châu Âu » trong tiến trình thoát khỏi sự phụ thuộc vào các năng lượng hóa thạch. Bộ trưởng Kinh Tế cũng nhấn mạnh là « mối quan tâm hàng đầu » của ông là chuẩn bị cho một cuộc chấn hưng kinh tế « xanh ». Tuyên bố được đưa ra sau khi MEDEF, hiệp hội của giới chủ Pháp, kêu gọi chính phủ, bộ Môi Trường, hoãn áp dụng một số tiêu chuẩn về môi trường, do bối cảnh khủng hoảng kinh tế. 

      Về phía xã hội dân sự, cùng với các đề nghị của Hội Nghị Công Dân vì Khí Hậu, được thành lập theo quyết định của tổng thống (sẽ chính thức đúc kết vào tháng 6), trong nửa cuối tháng 3, đầu tháng 4, một cuộc trưng cầu của Hội Chữ Thập Đỏ, Quỹ Bảo Vệ Thiên Nhiên Hoang Dã và make.org, đã thu hút 80.000 người tham gia, 19.000 đề xuất về môi trường, để hướng đến một thế giới mới. 

      Các áp lực nói trên có đủ mang lại thành công?

      Cũng như trong nhiều lĩnh vực khác, từ các nguyên tắc chung, mong ước chung đến các quyết định cụ thể có giá trị thực sự, khoảng cách nhiều khi rất lớn. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn được đăng tải hôm qua, 13/05, dân biểu Johan Van Overveldt, chủ tịch  Ủy Ban Ngân Sách của Nghị Viện Châu Âu nhấn mạnh là đầu tư cho khí hậu phải « nằm ở trọng tâm » của kế hoạch chấn hưng sắp được đưa. Tuy nhiên, chủ tịch Uỷ Ban Ngân Sách của Nghị Viện Châu Âu cũng trở lại với Thỏa thuận Xanh, được 27 nước châu Âu đồng thuận cuối năm ngoái, để lưu ý là các mục tiêu của ngay chính Thỏa thuận rất quan trọng này cũng đã « được đầu tư thấp đến mức nguy hiểm ».

      Nghiên cứu của đại học Oxford được công bố đầu tháng cũng nhấn mạnh là giới lãnh đạo chính trị đứng trước các áp lực ngược lại rất lớn, từ phía các lobby đòi duy trì cách làm ăn cũ, hay áp lực của một bộ phận công luận. Bên cạnh đó, nỗ lực đơn lẻ của châu Âu kết nối chấn hưng kinh tế với chuyển đổi sang kinh tế Xanh có nguy cơ khó thành công, nếu chỉ cần một số quốc gia chủ chốt trên thế giới bất hợp tác trong cuộc chiến vì khí hậu trên quy mô toàn cầu. Việc tổng thống Mỹ nhiều lần nhắc lại ưu tiên cứu nguy ngành dầu mỏ, hay Trung Quốc tiếp tục phát triển năng lượng than càng khiến cho những thách thức mà Liên Âu đang phải đối mặt, đã khó càng thêm khó.  

      https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200514-ch%C3%A2u-%C3%A2u-h%E1%BA%ADu-covid-19-%C3%A1p-l%E1%BB%B1c-chuy%E1%BB%83n-sang-kinh-t%E1%BA%BF-xanh

      Geen opmerkingen:

      Een reactie posten